Phải làm gì khi bị mắc chứng ám ảnh sợ đám đông?

Phải làm gì khi bị mắc chứng ám ảnh sợ đám đông?

Phần lớn chúng ta thừa nhận nhiều lần có cảm giác ngại ngùng hoặc lo âu khi nói chuyện trước đám đông: đám đông càng lớn, lại càng sợ. Khi nói chuyện với những người lạ (hoặc không thích) thì cảm thấy lúng túng cũng là điều bình thường. Nhưng rất nhiều người lại thấy tủi nhục ê chề về sự lúng túng đó. Đây là hội chứng ám ảnh sợ đám đông (Social anxiety disorder-SAD)

Phải làm gì khi bị mắc chứng ám ảnh sợ đám đông?

Người mắc chứng ám ảnh sợ xã hội tin rằng họ sẽ bị từ chối, bị chê bai nếu người khác nhìn thấy sự lo ngại và vụng về của họ. (Shutterstock*)

Một người bị chẩn đoán là mắc chứng ám ảnh sợ đám đông (Social anxiety disorder-SAD) khi họ sợ bị chỉ trích hoặc bị bác bỏ bởi người khác đến nỗi trở thành kinh niên và làm suy nhược cơ thể. Người mắc chứng này cảm thấy mình yếu đuối,  thấp kém hơn người khác và nhìn người khác như những thẩm phán xét xử hoặc kẻ thù của mình. Họ cứ nghĩ rằng mình sẽ bị từ chối, bị chê bai nếu người khác thấy sự lo âu và vụng về, hoặc nghe được những điều ngu ngốc và buồn chán từ họ.

Mặc dù bị người khác chỉ trích là một điều không vui vẻ và thỉnh thoảng xảy ra trong cuộc sống của chúng ta nhưng người bị SAD tin rằng mình bị chỉ trích và hắt hủi hầu như vào mọi thời điểm họ ở xung quanh người khác. Họ cũng tin rằng mình mất rất nhiều thứ khi bị chỉ trích, phê phán –’tôi bị người khác phê phán nên tôi là kẻ thất bại’.

Chứng SAD chi phối sự lựa chọn của người bệnh. Ví dụ, khi chọn môn học, họ sẽ chọn những môn không yêu cầu thuyết trình trước cả lớp; với công việc, họ chọn việc nào mà có thể làm một mình và thích được làm ở nhà hơn; họ cũng có những sở thích mà chỉ cần một người tham gia; và người bạn đời tiềm năng của họ là những người không yêu cầu họ phải đi cùng tới các bữa tiệc và các buổi gặp gỡ liên quan tới công việc.

Nếu không có cái tôi cá nhân và sự tự chấp nhận bản thân (tức là tôi xứng đáng thậm chí khi tôi có nhiều điểm yếu), thì bạn sẽ rất khó khăn để bày tỏ sở thích, lựa chọn và để người khác biết được mong muốn của bạn. Những mối quan hệ không suôn sẻ với những người bạn và chồng/vợ độc đoán thường xảy ra với người bị chứng SAD. Kéo theo đó là sự tự ti, cảm giác cô lập trong xã hội và chán nản.

Theo những khía cạnh nào đó, thời đại kỹ thuật số đang giúp cuộc sống của người mắc chứng SAD trở nên dễ dàng hơn. Họ có thể làm công việc toàn thời gian qua mạng mà không cần gặp người khác. Mặc dù các mạng xã hội tạo ra các mối quan hệ ảo với chỉ một vài cái click chuột nhưng nhu cầu về các mối quan hệ thật sự vẫn không được đáp ứng.

Các triệu chứng của bệnh SAD

Các triệu chứng cơ thể thường thấy của SAD là đổ mồ hôi, đỏ mặt, tim đập nhanh, run rẩy và sự thúc đẩy chạy trốn khỏi đám đông. Người mắc SAD trở nên vô vùng nhút nhát và tưởng tượng rằng người khác có thể nhìn thấu dấu hiệu đang lo sợ của mình. Vì vậy họ luôn nghĩ rằng mình bị đánh giá là yếu đuối và kém cỏi.

Lảng tránh là chiến thuật phổ biến nhất mà người bị SAD dùng để kiểm soát nỗi sợ đám đông vì không tiếp xúc với đám đông sẽ không có khả năng bị chỉ trích. Tuy nhiên nó đồng thời cũng tước đi cơ hội giúp họ khám phá ra rằng sự chỉ trích rất ít khả năng xảy ra (và nếu có thì cũng không quá đáng sợ so với tưởng tượng).

Khi không thể tránh các giao tiếp xã hội thì người bị SAD sử dụng những cách khác tinh vi hơn để tránh bị chỉ trích, như là mượn rượu thay lời, tự nhẩm trong đầu các cuộc đối thoại hoặc giữ yên lặng. Nhưng những chiến lược như vậy có thể có tác dụng ngược và thực sự gây ra sự phê phán rằng họ đang cố tránh né người khác.

Sự phổ biến của bệnh SAD

Cuộc điều tra về sức khỏe tinh thần và mức độ hạnh phúc ở quy mô quốc gia tại Australia cho biết 8.4%  người trưởng thành bị SAD trong cuộc đời của họ, khoảng 1/12 dân số, tức là khoảng 1.3 triệu người Australia bị SAD.

Và người bị SAD tin rằng họ cô đơn. Sự xấu hổ ngăn trở mọi người trao đổi về nỗi sợ hãi của mình, điều này càng làm tăng cảm giác bị cách ly.

phụ nữ

Nhiều người bị SAD kể lại cảm giác bị làm bẽ mặt khi thuyết trình ở trường học (Shutterstock*)

SAD thường phát triển ở lứa tuổi thanh niên hoặc thời kì đầu giai đoạn trưởng thành, nhiều người cho biết họ bị xấu hổ trong suốt cuộc đời. Một nửa số người được hỏi cho biết họ e ngại đám đông và bị suy nhược đáng kể trước năm 13 tuổi.

Phụ nữ mắc SAD nhiều hơn đàn ông, nhưng điều thú vị là tỷ lệ đàn ông và phụ nữ tìm cách khắc phục chứng bệnh này lại tương đối giống nhau. Sự kì vọng xã hội về người đàn ông mạnh mẽ và quyết đoán có thể khiến họ tham gia chữa trị nhiều hơn phụ nữ.

Nguyên nhân gây SAD

Nguyên nhân chủ yếu của SAD là do tác động của cả tự nhiên và sự nuôi dưỡng. Gen cũng có thể là một nguyên nhân khi các nghiên cứu chỉ ra rằng các cặp sinh đôi cùng trứng dễ bị các vấn đề lo lắng hơn những cặp sinh đôi không cùng trứng.

Tính khí cá nhân dường như cũng là một yếu tố quan trọng. Những đứa trẻ rất nhút nhát lúc lớn lên sẽ dễ mắc SAD hơn, mặc dù phần lớn trẻ em sẽ trưởng thành và không còn e dè nhút nhát như lúc bé.

Nhiều người mắc SAD gặp phải những “chấn thương xã hội” trong thời kì đầu của cuộc đời, như là bị bắt nạt, bị lăng mạ, hoặc cảm giác bị sỉ nhục trong khi thuyết trình ở trường học.

Các bậc phụ huynh quá khắt khe hay cầu toàn cũng có thể áp đặt các tiêu chuẩn xã hội hà khắc lên con cái mình. Và những đứa trẻ sẽ cảm thấy mình không thể đạt được những tiêu chuẩn đó. Nỗi ám ảnh từ xã hội phát sinh khi đứa trẻ cho rằng cuối cùng chúng sẽ không đáp ứng được sự kỳ vọng của tất cả mọi người.

Bạn phải làm gì khi bị SAD?

SAD là căn bệnh dai dẳng chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Vì vậy nhanh chóng tìm kiếm sự giúp đỡ là rất quan trọng.

Liệu pháp nhận thức – hành vi (Cognitive behaviour therapy – CBT) là một biện pháp trị bệnh tâm lý có hiệu quả đã được kiểm nghiệm bởi phần lớn các nghiên cứu. CBT bao gồm việc nhận dạng, thử thách các suy nghĩ tiêu cực và nhận thức bản thân qua việc dần dần đối mặt với các tình huống xã hội thường gây e ngại. Vì cảm giác sợ hãi đám đông đã bắt đầu suy giảm trong quá trình điều trị, nên các triệu chứng lo lắng của chứng bệnh cũng giảm đi.

CBT có hiệu quả đối với cả cá nhân và các nhóm người. Liệu pháp dựa vào Internet cũng cho thấy sự hiệu quả với một số người, vì vậy Internet có thể là một liệu pháp chữa bệnh và không chỉ đơn thuần là cách để tránh các hoạt động xã hội. Ngoài ra, dùng thuốc cũng có thể có tác dụng điều trị.

Một lần tôi được tặng một chiếc bánh tài vận có lời khuyên là: “Nếu bạn biết một thực tế là người khác hiếm khi suy nghĩ về bạn, thì bạn cũng sẽ chẳng mấy khi quan tâm đến suy nghĩ của người khác”. Đây chính sự thực mà tất cả những ai bị SAD cần phải biết. Người ta thường quá bận rộn với bản thân mình nên chẳng có nhiều thời gian mà đi đánh giá người khác.

Kiểm soát được nỗi ám ảnh sợ xã hội sẽ giúp chúng ta hòa nhập với xã hội tốt hơn. Qua đó thấy được nhiều điều tích cực, quan trọng và có ý nghĩa để làm và theo đuổi, thay vì quá lo lắng về việc không được chấp nhận. Mục đích của việc kiểm soát nỗi sợ hãi không phải là để trở thành một người tự tin, sống hướng ngoại và giỏi giao du nhất. Mà mục đích thật sự là giúp bạn tham gia vào những bữa tiệc bạn thích mà không cần phải trốn tránh ở một góc nào đó.

Bài viết gốc được đăng trên The Conversation

*Hình ảnh “phụ nữ” và “sinh viên” trên Shutterstock

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN