Truyện ngắn: Cô bé trên cây cơm nguội

Truyện ngắn: Cô bé trên cây cơm nguội

Chắc chắn anh Lục Bình sẽ nhớ lại những buổi chiều thứ Tư bên hàng xà cừ chạy dọc theo con đường trước nhà nội, xa xa là cánh đồng đầy hoa cỏ may, gió thổi chập chờn như sóng! Đó cũng là giấc mơ mùa hè tuyệt vời của một cô bé 14 tuổi…

cô bé trên cây cơm nguội

– Con ở đây với nội, học hành cho tử tế nhé. Cuối tháng mẹ sẽ đến thăm. Phải nghe lời ông đấy!

– Con ở chơi vài ngày thôi nha mẹ! Ôn thi ở nhà mình cũng được mà.

Bố nó quát lên:

– Không xin xỏ ỉ ôi gì hết! Ở nhà chỉ được 5 phút là đã chạy ra tiệm game rồi! Suốt ngày chỉ lêu lổng, chát chít, con gái gì mà quá là con trai!

Tiếng mẹ vẫn dịu dàng:

– Nghe lời bố mẹ đi con, phải ngoan chứ. Ở đây với ông nội, ông kèm toán cho. Cố gắng thi đậu vào lớp 10 bố mẹ sẽ thưởng…

Bố mẹ lên xe đi khuất rồi mà nó vẫn đứng sững trước cổng nhà nội nhìn theo. Ôi, thế là hết hè! Nó thở dài chán chường, nhà nội ở ngoại thành, chẳng có gì hấp dẫn một đứa nhóc vừa học xong lớp 9 như nó cả. Chiếc máy vi tính đặt ở đầu giường thì không được nối mạng, chỉ có độc mấy phần mềm tiếng Anh và giải toán. Nó hãi hùng khi nghĩ đến việc sống mà không có blog, Facebook, Yahoo… những thứ mà trước giờ ăn ngủ cùng với nó. Tệ nhất là đến chú dế yêu bao giờ cũng kè kè bên nó, tối nào nó cũng “trưng dụng” để buôn dưa lê với hội bạn. Bố nó đã tịch thu luôn rồi, hành động này được mẹ nó giải thích như sau:

– Con ở nhà ông nội để ôn thi, cứ alô mãi, ông nội bực mình sẽ phạt quỳ đấy! Hồi xưa nội là thầy giáo nghiêm lắm, học trò đứa nào nghịch phá bị ông gọi tên là mặt xanh lè, run cầm cập. Con cứ thi xong thì tha hồ mà gọi điện, chẳng ai thèm cấm làm gì…

Ôi, thế là còn gì nữa đâu, cái cuộc đời đáng ghét này! Một đứa nghịch ngợm như nó mà bị bố mẹ đày vào một xó nhà quê, bên cạnh ông nội thì có khác nào một con cá đang vùng vẫy dưới sông bị cho vào rọ!

***

– Cơm Nguội, xuống đây ông bảo!

Nó ngớ người ra, rồi định thần lại, nó luồn từ cành cây qua cửa sổ nhanh như sóc, nhảy phịch xuống nền phòng, tay phủi quần áo bị lấm bẩn, hỏi ông mà giọng vẫn còn kinh ngạc:

– Sao ông lại gọi cháu là… Cơm Nguội ạ?

– Chứ còn gì nữa! Cháu suốt ngày vắt vẻo trên cái cây cơm nguội ấy, chẳng gọi thế thì gọi là gì bây giờ?

Trời, té ra bây giờ nó lại có nick là Cơm Nguội nữa cơ đấy! Một cái tên kỳ cục dở hơi đến mức nó không thể nào tưởng tượng sẽ là của mình, dầu tác giả có là ông nội nó đi chăng nữa.

Mùa này cây cơm nguội ở nhà ông nó không phải màu vàng như trong bài “Hà Nội mùa thu… cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…”, mà đang ra hoa trắng xóa, nhìn xa cứ như là mùa đông tuyết phủ, hì! Kể ra thì nó thích lúc cây ra quả hơn, những quả cơm nguội bé bằng đầu ngón tay út, nhấm vào miệng chua chua, chát chát, ngòn ngọt cũng khá hấp dẫn. Nhưng thú vị hơn cả là nhét trái cơm nguội ấy vào ống trúc và cầm một que tre… thụt mạnh. “Viên đạn” cơm nguội bắn đi kêu “pực” một tiếng nghe rất đã lỗ tai, và “mục tiêu” trúng đạn chỉ có nước hét ầm lên tức tối…

– Cơm Nguội này, hôm nay thứ Tư, tuần nào ông cũng đến nhà cụ Sáu đánh cờ ngày thứ Tư. Trưa ông không về đâu.Thức ăn đã có chị Lài nấu sẵn. Con ăn xong thì làm toán đi nhé. Đừng có lúc nào cũng chót vót trên cây, con gái gì mà nghịch thế!

– Ông ơi, chẳng có đứa nào 14 tuổi mà bị ở nhà suốt như cháu đâu!

Nhưng ông nội nó đã cầm cây ba-toong đi ra khỏi nhà, chốt cổng lại và biến mất! Biết làm sao bây giờ, ba nó còn sợ ông nội huống chi là nó! Ông mà nói 1+1=3 thì cũng chẳng có ai trong nhà dám cãi! Không hiểu sao nó lại thích ông mới lạ chứ…

Nhưng cũng phải công nhận là nội đi vắng, tình hình… thoải mái hẳn lên. Nó ngồi vào bàn, vừa làm toán vừa nghĩ vẩn vơ. Nghĩ mãi không ra, nó lại lập tức, chạy ra sân vắt vẻo trên cây cơm nguội. Chứ ở cái nơi vắng vẻ này còn có trò tiêu khiển nào khác nữa đâu!

Khi đã ngồi yên chỗ trên một chạc ba cây, nó bỗng nhìn thấy một người đội chiếc mũ tai bèo rộng vành đang đứng hí hoáy vẽ vời gì đó bên kia đường. Trước mặt người ấy là một khung vải, được đặt trên cái giá vẽ có ba chân. Mục tiêu của hắn hình như là… cái cổng gỗ dày đã lấm tấm mọt nhà nội. Hắng giọng “E hèm!” một cái, nó oai vệ hỏi:

– Nè chú! Chú làm gì đó?

Chiếc mũ tai bèo thoáng ngẩng lên cây nhìn nó, rồi lại cúi xuống:

– Anh đang vẽ, nhóc ơi.

anh chàng vẽ tranh

Ảnh minh họa: Lazi

Nó hơi đỏ mặt chút xíu vì hắn có gương mặt rất thư sinh, trông khá lạnh lùng. Gọi bằng “chú” có kỳ quá không nhỉ? Nhưng rồi nó lại lên giọng trịch thượng:

– Anh vẽ gì trước cổng nhà nội tui vậy?

Anh chàng có vẻ hơi bực mình vì bị làm phiền:

– Anh vẽ nhà, vẽ vườn, vẽ bất cứ thứ gì anh muốn. Anh đang bận, nhóc đừng hỏi!

Nó chu mỏ lên:

– Bận cái gì chứ? Lỡ anh vẽ sơ đồ nhà để lên kế hoạch “ăn trộm” thì sao?

Anh ngẩng đầu lên, cầm cây bút vẽ dứ dứ lên chạc cây nó đang ngồi, bật cười:

– Cứ đợi đấy, nhóc!

Nó khoái chí, nhại theo “cứ đợi đấy, cứ đợi đấy” trong khi leo xuống, từ cành cây luồn qua cửa sổ nhảy vào phòng, rồi chạy xuống bếp tìm cái gì bỏ bụng cho đỡ buồn. Nhưng rồi chẳng có việc gì để làm, lại thấy chán. Nó lại bám vào cửa sổ chuyền sang cái chạc ba quen thuộc, vừa ngồi vừa nhún cho hoa cơm nguội trắng rụng lả tả xuống cái mũ tai bèo của anh chàng đang say sưa vẽ ngoài cổng:

– Anh ơi, mở chốt cổng cho tui với!

Anh ngừng vẽ, ngẩng lên mỉm cười:

– Nhóc nghịch quá bị nội nhốt trong nhà phải không?

Ủa, anh ở đâu mà cũng biết nội nữa ta? Nó bèn chuyển sang giọng năn nỉ:

– Nội em đi đánh cờ, chiều mới về, em ở nhà buồn quá!

Nhìn thấy bộ mặt đang xị xuống của nó, hai mắt thì long lanh sau chiếc kính cận màu hồng, anh chợt xiêu lòng:

– Anh mở chốt cửa, nhóc ra chơi một lát rồi vào liền nghen!

Thế là nó được tự do chạy ra ngoài chơi. Nó nhảy tưng lên vì vui sướng, rồi tò mò ghé mắt nhìn vào khung tranh anh đang vẽ.Nhà nội nó đấy ư? Sao mà đẹp thế! Hèn gì mà người ta bảo: “Đẹp như tranh vẽ”. Nhìn nó đang ngơ ngẩn anh cười hỏi:

– Em tên gì vậy nhóc?

– Cơm Nguội.

– Cái gì? Cơm Nguội á? Sao không phải là Cơm Nóng nhỉ? Haha.

Nó cũng bật cười giòn giã:

– Anh có thấy cây cơm nguội cạnh cửa sổ không? Nội em đặt tên vậy vì em hay leo lên cây, chứ không phải cơm trong nồi đâu nha!

– Vậy à, ngộ hén! – Anh gật gù, rồi lại cắm cúi vẽ.

Nó chơi quanh quẩn bên anh cho đến khi chiều xuống, nắng nhạt dần trên bãi cỏ, anh bắt đầu thu dọn giá vẽ để đi về nó mới chịu vào trong nhà để anh khóa chốt cổng lại.

– Anh ơi, thứ Tư tuần sau anh có đến đây vẽ nữa không?

Anh nhíu mày nghĩ ngợi một chút, rồi gật đầu. Nó mừng rỡ:

– Anh lại mở khóa giúp em nhé!

– Ừ.

***

Thứ Tư tuần sau…

– Anh ơi, bữa trước em quên hỏi anh tên gì?

– Lục Bình, nhóc ạ.

– Hihi, sao không đặt tên là Lục Nồi cho rồi!

– Tên anh nghĩa là những bè lục bình nổi trên mặt nước, chứ không phải lục lọi như nhóc tưởng đâu.

– Vậy à, ngộ hén!

Nó nhại anh, nhưng anh không chấp:

– Bữa trước anh có đến gặp nội em để xin phép vẽ nhưng không thấy em. Chắc em ở thành phố mới về hả nhóc?

Được khơi đúng “dòng tâm sự”, nó kể một mạch tất cả những nỗi ấm ức của mình. Anh vừa vẽ, vừa lắng nghe nó nói. Rồi anh lại kể chuyện mình cho nó nghe. Thì ra anh là sinh viên năm cuối trường Mỹ Thuật, đi về miền quê có những ngôi nhà cổ như nhà nội nó để vẽ cho luận án tốt nghiệp. Thế mà nó dám nghi anh là…  ăn trộm!

Bất chợt, anh nói:

– Này nhóc, em ghét môn Toán lắm à?

– Không phải là ghét, nhưng làm toán hơi mệt!

– Vậy nhóc có thích bức tranh này không?

– Dạ có. Em thích lắm.

– Vậy anh em mình quy định thế này nhé. Kể từ hôm nay, nhóc bắt đầu làm lần lượt các bài toán trong sách ôn thi của nhóc. Làm xong anh sẽ kiểm tra. Nếu làm đúng, anh sẽ tặng nhóc một bức tranh. Đồng ý chứ?

Không do dự, nó OK ngay.

– Ừ, vậy nhé! Em cố làm đi. Thứ Tư tuần tới anh sẽ đến xem. Nhớ là phải làm đúng mới được thưởng đấy nhóc nhé.

Từ hôm đó, nội ngạc nhiên khi thấy nó chăm chỉ lạ thường, không cần nhắc nhở cũng tự động ngồi vào bàn làm toán suốt ngày. Cây cơm nguội vắng bóng nó cũng… tươi tốt hẳn lên. Nội nó mỉm cười, vui vui trong bụng. Ông khó mà ngờ được nó siêng đột xuất như vậy vì một lời hứa.

Sáng thứ Tư kế tiếp, khi nội đã đi đánh cờ và chiếc cổng gỗ mọt kêu lên khe khẽ, nó chạy vụt ra và hí hửng đưa tập cho anh xem. Anh buông cọ, kiểm tra thật kỹ:

– Nhóc làm sai bốn bài rồi nè! Em làm bài thiếu logic nhé.

– Là sao anh?

– Đây nè, em phải làm như vầy, vầy nè…

Thế là khi anh tiếp tục vẽ thì nó ngồi bên cạnh loay hoay giải lại những bài toán làm sai. Công nhận là anh chỉ nó dễ hiểu thật, nó nhận ra là mấy bài toán này cũng không khó gì mấy. Khi xem lại, anh gật gù:

– Nhóc cũng thông minh đấy nhỉ, làm khá đấy!

Chẳng biết là bao nhiêu thứ Tư đã trôi qua nữa, một hôm anh đưa cho nó bức tranh vẽ một góc nhà của nội, trong đó có cửa sổ phòng nó, cạnh cây cơm nguội trổ hoa trắng tinh khôi. Nó ôm bức tranh vào ngực, chỉ nói được một câu:

– Đẹp quá, cảm ơn anh!

Nhưng đó cũng là lúc anh từ giã nó:

– Mai anh phải lên thành phố, nhóc ạ. Luận án của anh đã xong rồi.

– Vậy… ra trường rồi anh đi đâu?

– Anh được giữ lại trường làm giảng viên, vẫn ở thành phố thôi!

Nó toét miệng cười. Không hiểu sao lại thấy mừng như vậy. Trịnh trọng sửa lại chiếc kính cận màu hồng, nó tuyên bố:

– Mai mốt em sẽ vào trường Mỹ Thuật, sẽ làm họa sĩ như anh.

– Được lắm, nhưng bây giờ nhóc phải siêng làm toán để thi vào lớp 10 đã nhé!

***

– Con gái bố giỏi quá, thi được 10 điểm Toán cơ à! Muốn bố mẹ thưởng gì đây?

Nó quàng tay ôm bố thật chặt, cảm thấy mình đầy đủ và hạnh phúc nhất trên đời, chẳng cần đòi gì nữa. Hè này tuy phải xa bố mẹ, nhưng nó đã được làm quen với anh Lục Bình, được ông nội cưng chiều, dầu ông nghiêm ơi là nghiêm…

Và có một điều nó đã đinh ninh trong lòng: Ba năm nữa, nó sẽ thi vào trường Mỹ Thuật. Nó sẽ gặp lại anh, và nếu như anh có quên, nó sẽ cầm tới bức tranh có lời đề tặng ở một góc: Tặng Cơm Nguội.

Chắc chắn anh Lục Bình sẽ nhớ lại những buổi chiều thứ Tư bên hàng xà cừ chạy dọc theo con đường trước nhà nội, xa xa là cánh đồng đầy hoa cỏ may, gió thổi chập chờn như sóng! Đó cũng là giấc mơ mùa hè tuyệt vời của một cô bé 14 tuổi.

Thanh Hoa

Xem thêm: Biển chiều nay đẹp quá phải không anh?

Sources:

Tags:

BÀI LIÊN QUAN