8 câu chuyện cho bạn cái nhìn đầy đủ về phẩm chất người quân tử

8 câu chuyện cho bạn cái nhìn đầy đủ về phẩm chất người quân tử

Ngày xưa, người quân tử là đối tượng rất được coi trọng. Đó là những người không chỉ tài năng và mà còn lớn về nhân cách. 8 câu chuyện dưới đây sẽ cho bạn cái nhìn đầy đủ về phẩm chất người quân tử.

1. Lòng khoan dung của tể tướng Phòng Huyền Linh

8 câu chuyện về phẩm chất người quân tử : Lòng khoan dung của tể tướng Phòng Huyền Linh

Bùi Huyền Bản tính hài hước, thích nói đùa. Khi ông ấy giữ chức Hộ bộ lang, Phòng Huyền Linh bị bệnh nặng, các quan thượng thư đều đi thăm ông ta. Bùi Huyền Bản nói đùa rằng: “Nếu bệnh của ông ta khỏi rồi mới cần đi thăm, giờ bệnh đã nặng như vậy rồi, còn phải đi thăm làm gì?”.

Có người đem lời ấy nói đến tai Phòng Huyền Linh. Không bao lâu, theo phép xã giao, Bùi Huyền Bản tới thăm, Phòng Huyền Linh cười nói rằng: “Bùi thị lang đến thăm ta, vậy thì ta không chết được rồi”.

2. Người quân tử giúp người giúp đến cùng: Chuyện của Hoa Hân và Vương Lang

8 Câu chuyện về người quân tử: Giúp người cần giúp đến cùng

Hoa Hân, Vương Lang cùng ngồi trên một con thuyền tránh nạn. Có một người muốn đi nhờ thuyền, Hoa Hân có vẻ không đồng ý, Vương Lang nói: “Rất may thuyền vẫn còn chỗ, có gì mà không cho họ đi nhờ được?”.

Sau đó bị giặc truy đuổi, Vương Lang muốn đuổi người đi nhờ xuống, Hoa Hân nói: “Lúc đầu tôi do dự là sợ xảy ra chuyện này. Bây giờ đã cho người ta đi nhờ thuyền rồi, lẽ nào vì chuyện nguy cấp mà vứt bỏ họ?”.

Thế rồi họ để anh ta cùng đi.

3. Ông lão đánh cá và Ngũ Tử Tư: bậc hào kiệt đâu cần nghề cao quý

Ông lão đánh cá và Ngũ Tử Tư

Sở Bình Vương tin lời dèm giết cha và anh Ngũ Tử Tư, Tử Tư bỏ trốn, lang thang khắp nơi.

Đến núi Thái Hành Sơn, nhìn xa xôi về nước Trịnh, Ngũ Tử Tư nói: “Nước này tuy có địa thế hiểm trở, dân vốn thông minh, nhưng vua Trịnh là kẻ tầm thường, mưu cầu đại sự với ông ta không thể thành công!”. Liền rời nước Trịnh đi về nước Hứa.

Ngũ Tử Tư bái kiến Hứa Công xin ông ta chỉ dẫn cho xem mình đi đến nước nào mới có thể thành công. Hứa Công không trả lời, chỉ nhổ một bãi nước bọt về hướng Đông Nam. Ngũ Tử Tư bái lạy mà nói: “Tôi biết mình nên đi đến nước nào rồi”.

Ngư Tử Tư chuẩn bị hành lý đi về hướng nước Ngô, nhưng muốn đến nước Ngô lại phải đi qua nước Sở. Dọc đường, Tử Tư phải che dấu hành tung, trốn tránh mà đi, cuối cùng cũng đến được bến sông Trường Giang. Tử Tư gặp một ông lão đánh cá, bèn cầu đưa qua sông.

Sang bờ bên kia, Tử Tư hỏi danh tính của người đánh cá, nhưng ông lão không chịu nói. Tử Tư cởi thanh kiếm vàng bên mình đưa cho ông lão, nói: “Đây là bảo kiếm gia truyền của nhà tôi, trị giá ngàn vàng. Tôi muốn tặng nó cho ông để tạ ơn”.

Ông lão xua tay, nhìn anh ta cười rồi nói: “Nếu theo lệnh của Sở Vương, người bắt Ngũ Tử Tư được phong tước, cấp cho ngàn lạng vàng cùng bổng lộc. Tôi còn muốn nhận bảo kiếm của anh làm gì chứ?”, nói xong liền quay thuyền đi. Ngũ Tử Tư được làm quan to ở nước Ngô, bèn cho người đến bến sông Trường Giang tìm ông già đó, nhưng không gặp. Về sau, để tỏ lòng tôn kính, mỗi lần trước khi ăn cơm, Ngũ Tử Tư đều bái lạy ông già đó.

4. Bắc Quách Tao coi nhẹ cái chết, người quân tử xả thân vì nghĩa

Người quân tử: Bắc Quách Tao xả thân vì nghĩa

Thời Xuân Thu, nước Tề có một bậc hiền tài tên là Bắc Quách Tao, chỉ dựa vào đan lưới bắt chim thú, kết giầy cỏ để phụng dưỡng cha mẹ già, sống cuộc sống giản dị, đạm bạc mà vẫn thiếu thốn.

Bữa kia, anh ta đến cổng nhà Yến Tử, nói rằng: “Tôi muốn có chút lương thực để nuôi bố mẹ già”.

Người làm nhà Yến Tử thưa với Yến Tử: “Bắc Quách Tao là người hiền tài nước Tề, anh ta khí tiết cao thượng, không muốn xưng thần, không kết giao với các nước chư hầu, không tùy tiện nhận lấy lợi ích cho mình, khi gặp hoạn nạn không dễ dàng nhận sự giúp đỡ. Hôm nay vì phụng dưỡng bố mẹ mà anh ta đến đây xin chút lương thực, thật chẳng dễ dàng gì! Có thể anh ấy ngưỡng mộ đạo nghĩa của ngài. Xin ngài nhất định phải đồng ý”.

Yến Tử vui mừng nói: “Tôi nhất định sẽ kết giao với người bạn này!”. Nói rồi cho người đem tiền bạc lương thực cho Bắc Quách Tao, nhưng Bắc Quách Tao chỉ nhận một chút lương thực mà thôi.

Không lâu sau, Yến Tử bị Tề Hầu nghi kỵ, phải đi lưu vong ở nước ngoài. Qua nhà Bắc Quách Tao, Yến Tử lại chào.

Bắc Quách Tao tắm rửa sạch sẽ, cung kính nghênh đón Yến Tử và hỏi rằng: “Ngài sắp đi đâu?”.

Yến Tử trả lời: “Ôi! Tôi bị Tề Hầu nghi kỵ, đầy đi lưu vong”.

Bắc Quách Tao lạnh nhạt nói: “Ngài hãy tự lo liệu cho mình thật tốt”.

Yến Tử lên xe thở dài than: “Tôi phải đi như vậy cũng là bất đắc dĩ! Bây giờ xem ra tôi vẫn không hiểu về kẻ sĩ rồi”.

Yến Tử đi khỏi, Bắc Quách Tao tìm đến bạn của ông ta, nói rằng: “Tôi rất khâm phục đạo nghĩa của Yến Tử, vì phụng dưỡng bố mẹ già mà tôi đã đến nhà ông ấy xin lương thực. Người xưa thường nói: Người đã từng giúp mình phụng dưỡng bố me, khi anh ta gặp nguy nan nên giúp đỡ anh ta. Hôm nay, Yến Tử bị Tề Hầu hãm hại, là đã đến lúc tôi phải báo đáp ân huệ của ông ấy rồi, tôi muốn lấy cái chết của mình để rửa sạch oan uổng cho ông ta”.

Bắc Quách Tao ăn mặc quần áo quan mới tinh, cầm bảo kiếm, nhờ một người bạn tốt nhất của mình bưng một hộp gỗ đi đằng sau. Đến trước cổng cung điện, anh ta tìm người phụ trách và nói: “Yến Tử là người hiền tài nổi tiếng trong thiên hạ, Tề Hầu lại bắt anh ta đi lưu vong, không sợ nước Tề sẽ bị xâm phạm sao? Tôi thà chết chứ không chịu nhìn nước Tề bị xâm phạm, nhìn thấy Yến Tử bị oan uổng! Tôi nguyện lấy đầu của mình dâng cho ngài”.

Bắc Quách Tao nói xong quay sang nói với người bạn của mình: “Sau khi tôi chết xin anh đựng đầu của tôi vào chiếc hộp này, gửi cho vị đại nhân này!”, nói rồi liền rút dao tự vẫn.

Sau khi giao chiếc hộp đựng đầu của Bắc Quách Tao cho vị quan viên, bạn của anh ta trừng mắt lạnh nhạt nói: “Bắc Quách Tao đã vì Yến Tử mà chết, tôi nghĩ tôi cũng có thể vì Bắc Quách Tao mà chết”, nói rồi anh ta cũng tự sát.

Tề Hầu nghe chuyện cả kinh, hối lại chuyện trước, tự cho mình ngu ngốc, vội đích thân đuổi theo Yến Tử. Tề Hầu đuổi đến nơi còn cách biên giới hơn trăm dặm thì bắt kịp, mời Yến Tử quay về.

Yến Tử nghe nói Bắc Quách Tao đã lấy cái chết để rửa sạch oan khuất cho mình, vô cùng cảm kích, nói: “Tôi bị đi lưu vong lẽ nào không đáng sao? Cái chết của Bắc Quách Tao cho tôi thấy rõ rằng, càng ngày tôi càng không hiểu về kẻ sĩ”.

5. Bách Lý Hề tiến cử hiền tài, người quân tử không vì tình thân

Bách Lý Hề tiến cử hiền tài không vì tình thân

Bách Lý Hề nói với Tần Mục Công rằng: “Tài năng của tôi không bằng Kiển Thúc bạn của tôi, anh ta rất hiền tài nhưng lại ít người biết đến.

Trước đây, khi tôi đi du ngoạn nước Tề, đã rơi vào cảnh khốn cùng phải xin miếng ăn qua ngày, Kiển Thúc giúp đỡ tôi. Khi tôi muốn phụ giúp vua Tề, Kiển Thúc ngăn cản tôi, nên tôi tránh được nạn loạn lạc trong triều”. Vì thế tôi đến với Chu Thiên tử, Chu Thiên tử rất thích trâu, tôi mượn cơ hội nuôi trâu để tìm cách tiếp cận với ông ta. Sau này khi ông ta trọng dụng tôi rồi, Kiển Thúc khuyên can tôi, tôi bèn rời xa triều Chu, vì thế tránh được tai họa giết người. Tôi làm quan ở nước Ngu, Kiển Thúc lại kịp thời khuyên ngăn tôi. Lúc đó dẫu biết vua nước Ngu không trọng dụng mình nhưng vì cái lợi trước mắt, tham tước lộc, tiền tài, cho nên tôi vẫn ở lại. Hai lần tôi nghe theo lời khuyên của Kiển Thúc, đều tránh được tai hoạ, một lần không nghe theo lời khuyên của anh ta liền gặp phải tai hoạ mất nước của nước Ngu. Vì thế tôi biết Kiển Thúc rất hiền tài”.

Tần Mục Công liền sai người đem lễ vật nghênh đón Kiển Thúc, trọng dụng ông ta để ông ta làm Thượng đại phu.

6. Lý Trát tặng gươm Dư Quốc Quân

đạo lý người quân tử

Lý Trát đi sứ nước Tề, trên đường đến phương Bắc ghé thăm Dư Quốc Quân. Dư Quốc Quân rất thích thanh kiếm Lý Trát đeo trên người, nhưng ngại không nói ra. Lý Trát cũng muốn tặng kiếm nhưng vì phải đi sứ nước Tề nên chỉ nhủ thầm trong bụng.

Trên đường quay về, Lý Trát lại đến thăm Dư Quốc Quân nhưng ông ta đã qua đời. Lý Trát bèn cởi thanh kiếm đeo trên người, treo lên cây trên phần mộ của Dư Quốc Quân, sau đó mới đi. Người tuỳ tùng nói: Dư Quốc Quân đã không còn, vậy để kiếm cho ai?”, Lý Trát nói: “Không phải chỉ như vậy. Lúc đầu trong lòng tôi đã muốn tặng ông ta thanh kiếm này, lẽ nào vì ông ta đã chết mà bỏ đi lời hứa trong lòng mình sao?”.

7. Khí phách của người quân tử qua cái chết của Tử Lộ

khí phách Tử lộ

Tử Lộ nghe tin Khổng Khôi phát binh khởi loạn, muốn lập Thái tử Quý Hội lên làm tân Hoàng đế, liền vội vàng quay về thành.

Tử Lộ vừa vào đến nhà Khổng Khôi, đúng lúc Tử Cao đang đi ra, Tử Cao nói với anh ta rằng: “Anh không cần phải vào nữa, cửa đã đóng rồi”.

Tử Lộ nói: “Tôi đứng chờ ngoài cổng vậy”.

Tử Cao nói: “Xem ra việc đã không kịp nữa rồi, anh không cần đi rước lấy tai hoạ này nữa”.

Tử Lộ nói: “Tôi đã nhận bổng lộc của Khổng Khôi, không thể mặc kệ anh ấy khi anh ấy gặp hoạn nạn”.

Tử Cao khuyên không được anh ta, đành bỏ đi. Sau khi Tử Lộ đi vào, đến trước cửa lớn, Công Tôn đóng cửa nói rằng: “Không cần vào nữa!”

Tử Lộ nói: “Ngài có phải là Công Tôn không? Sao có thể tham lam lợi lộc mà tránh xa khi người ta hoạn nạn chứ? Tử Lộ tôi không phải là người như vậy! Đã hưởng bổng lộc của người ta rồi, nhất định phải cứu giúp họ, khi họ gặp hoạn nạn”.

Lúc này có một sứ giả đến, cửa lớn liền mở, nên Tử Lộ mới có thể đi vào. Khổng Khôi và Thái tử Quý Hội đang ngồi ở trên đài cao, Tử Lộ nói với Thái tử rằng: “Thái tử sao có thể dùng Khổng Khôi được? Nếu như muốn giết anh ta nhất định phải có người làm cùng thái tử”, rồi lại nói: “Thái tử không có dũng khí. nếu như bị thiêu trên đài cao, nhất định sẽ không có người cứu Khổng Khôi?”.

Thái Tử nghe những lời của Tử Lộ nói rất sợ hãi, liền phái Thạch Khất sai người ngăn cản Tử Lộ, dùng qua kích đánh Tử Lộ, cắt đứt mũ của anh ta, Tử Lộ nói: “Người quân tử khi chết, không thể để mũ rơi xuống đất”. Và cứ thế giữ mũ cho đến khi bị giết chết.

8. Người quân tử giữ mình trong sạch: Sự tích Công Nghi Hưu thích ăn cá

Công Nghi Hưu không chỉ vì sở thích hàng ngày muốn ăn cá mà không nhận hối lộ

Công Nghi Hưu nổi tiếng thích ăn cá, dường như ngày nào cũng phải ăn cá, đến mức nếu ngày đó không có cá thì không thể làm gì được, đến những tật xấu nhỏ cũng phải dựa vào cá để dần dần chữa trị. Đối với ông ta mà nói, cá là một động vật thần kỳ, cho nên hàng ngày đều có người cho ông ta cá.

Ngày ngày đều ăn một loại cá thì chẳng còn ý nghĩa gì cả, cho nên Công Nghi Hưu liên tục thay đổi các loại cá. Ông ta đã từng ăn rất nhiều loại cá, có cá nước ngọt, có cả cá nước mặn, cá phương bắc cũng có, cá phương nam cũng có. Các loại cá như cá chép, cá mè hoa, cá trắm, cá mè trắng, cá mực, cá sáu dọc, cá sáu dọc to, cá sáu dọc nhỏ, cá hố, còn có cả các loại lươn, ba ba, trạch, tôm, thực là không kể hết.

Công Nghi Hưu lại rất chú trọng việc chế biến các món cá, rán, hấp, luộc, nấu. Còn có những cách nấu mà người ta không thể gọi lên tên được, ông ta luôn thay đổi cách chế biến. Ông ta tuyển chọn đầu bếp, chủ yếu để xem xem cách nấu mùi vị có ngon không, hình thức có phong phú không? Ông ta còn thường tự mình vào bếp hướng dẫn đầu bếp chế biến những món xưa nay chưa từng có; đặc biệt khi tâm trạng vui vẻ ông ta tự tay chế biến mà tài nghệ nấu của ông ta khiến người khác phải khâm phục.

Năm đó Công Nghi Hưu làm tể tướng của nước Lỗ. Thế là những người quen biết ông ta muốn nhờ ông ta làm việc, tranh nhau mua cá cho ông ta, nhưng không ngờ đều bị ông ta cự tuyệt từ ngoài cổng. Học trò của ông ta thấy làm lạ, hỏi ông ta rằng: “Ngài thích ăn cá như vậy, tại sao không nhận cá của người ta biếu chứ?”.

Công Nghi Hưu nói: “Chính vì thích ăn cá cho nên ta mới không nhận cá của người khác cho, nếu như nhận của họ rồi, khi làm việc sẽ không thể chí công vô tư được, mà khi vì tình riêng mà làm trái với pháp luật thì ta sẽ bị cách chức quan Tể tướng. Đến lúc đó cho dù ta muốn ăn cá những người này cũng không biếu ta nữa; ta không có bổng lộc, không thể tự mua cá để ăn, vậy thì sao có thể ăn cá hàng ngày chứ. Như vậy thì chi bằng bây giờ ta đừng nhận cá của người ta, vô tư liêm khiết, làm một Tể tướng tốt. Tuy rằng không thể ăn cá của người khác, nhưng bổng lộc của mình cũng có thể bảo đảm hàng ngày đều được ăn cá rồi”.

Xem thêm: 3 bài học lớn của Khổng Tử khiến ta thay đổi cách suy nghĩ

Sources:

BÀI LIÊN QUAN