Bài học cổ nhân: Trọng đức kính Trời sẽ được Thiên thượng che chở

Bài học cổ nhân: Trọng đức kính Trời sẽ được Thiên thượng che chở

Người xưa trọng đức kính Trời vì họ tin rằng làm gì cũng nên phù hợp với đạo Trời mới được Thiên thượng che chở.

Trọng đức kính Trời là truyền thống vốn có của người xưa. Bằng cách thực thi đạo Trời và coi việc tu dưỡng phẩm cách và đức hạnh là cực kỳ trọng yếu, văn hóa truyền thống Trung Hoa dạy con người hướng thiện, đạt đến sự tự giác cao độ về ý thức đạo đức. Nó giúp con người siêu thoát xuất lai khỏi các ham muốn về công danh lợi lộc, thay vào đó nó nhấn mạnh sự nỗ lực để hoàn thiện đạo đức, từ đó đạt được hạnh phúc chân chính và sự che chở của thiên thượng.

Đức Phật

Ảnh: DKn.tv

Có rất nhiều câu chuyện được ghi chép lại trong các sách cổ đã chứng minh rằng bần hàn không đáng phải lo âu, con người chỉ nên lo lắng khi không có đạo đức, chứ không nên lo lắng khi không có vật chất. Nếu không có đức, càng có lắm của cải thì càng gây nhiều họa hại. Ngược lại, người nào có đức thì sẽ được ban phước, thậm chí có thể chuyển họa thành phúc.

Ông Vương tích đức, hành thiện thoát nạn lớn

Thời nhà Tống, phía sau Nha phủ Huyện Giang Ninh, Kiến Khang có một quán rượu của một người họ Vương. Ông Vương cả đời bình dị, chính trực, kính tín Thần Phật, chưa từng làm bất cứ việc gì hổ thẹn với lương tâm. Bình thường ông nổi tiếng bởi mua bán công bằng, luôn tiếp tế người nghèo khó, mọi người đều gọi ông là Vương Thật Thà.

Hoàng hôn ngày 15 tháng 2 năm Quý Mão, tiểu nhị của quán đang chuẩn bị đóng cửa thì bỗng nhiên có mấy tướng quân mặc y phục đỏ đội mũ phốc đầu, đem theo rất nhiều ngựa xe và tùy tùng, đến trước quán nói lớn: “Mau mở cửa, chúng ta muốn ngựa nghỉ ngơi ở đây.” Tiểu nhị vội vàng chạy đi nói chuyện này với Vương Thật Thà. Ông Vương nói hãy mau dẫn vào. Khi ông Vương vào trong quán thì mấy vị tướng quân đó đã vào quán và ngồi xuống rồi.

Vương Thật Thà cung kính bưng rượu, thức ăn ra mời, lại đem rượu và thức ăn khao tùy tùng. Trong chốc lát, đám tùy tùng lấy ra sợi dây thừng lớn, dài hàng ngàn hàng vạn trượng. Lại có mấy chục người lấy ra mấy trăm thẻ đinh gỗ, đến trước mặt tướng quân áo đỏ bẩm rằng: “Xin làm vòng vây.” Tướng quân áo đỏ gật đầu đồng ý. Đám người này đi ra ngoài, cắm những thẻ đinh gỗ xuống đất rồi lấy dây thừng buộc phía trên, vòng 4 phía, tất cả nhà dân phố trước phố sau, trong ngõ ngoài ngõ, cả những chỗ lồi lõm nữa, tất cả đều bị dây thừng bao vây. Đám người này làm xong bước tới bẩm báo: “Dây thừng đã bao vây xong, quán rượu này cũng ở trong vòng vây.” Mấy tướng quân áo đỏ nghị luận rằng: “Vương Thật Thà này cả đời chưa từng làm việc thẹn với lương tâm, chân thành thiện lương đối đãi người, vui thích việc thiện, bố thí, Thượng Đế cũng biết, thế nên riêng quán này có thể tha thứ.” Các tướng quân đều nói: “Nếu chúng ta không tha thứ cho quán này thì mọi người sẽ không thấy việc công bằng của lẽ Trời. Có thể để quán này ra ngoài vòng vây.”

Mọi người đều đồng ý, vội vàng nhổ những thẻ gỗ, tháo dây thừng để quán ra ngoài vòng vây. Tướng quân áo đỏ nói với Vương Thật Thà rằng: “Chúng tôi báo đáp bằng cái này.” Nói xong, tất cả đều lên ngựa phi như bay ra đi, chớp mắt đã biến mất. Vương Thật Thà và tiểu nhị xem lại những thẻ gỗ cắm bốn phía xung quanh và dây thừng thì đều không thấy nên kinh hãi lắm. Đúng lúc đó viên quan tuần đêm dẫn người đến trước quan rượu, hỏi Vương Thật Thà tại sao đêm khuya rồi vẫn mở cửa quán và sáng đèn. Vương Thật Thà kể lại đầu đuôi sự tình, viên quan tuần đêm đem chuyện này bẩm báo lên quan trên, quan trên không tin, nói là ông ta nói chuyện ma quái để mê hoặc mọi người, liền bắt Vương Thật Thà tống giam trong ngục.

Hai ngày sau, Kiến Khang xảy ra hỏa hoạn lớn, từ cầu Chu Tước về phía Tây cho đến núi Phượng Đài, tất cả những nơi trong phạm vi dây thừng hôm trước đều bị thiêu rụi, không sót một viên ngói. Chỉ riêng quán rượu nhà Vương Thật Thà là bình an vô sự, mặc dù bốn phía xung quanh đều là tro tàn. Thế là Vương Thật Thà được phóng thích trở về nhà.

Quý Văn Tử trọng đức được vinh hiển

Quý Văn Tử (651 TCN-568 TCN), từng làm Tể tướng ở cả hai triều vua Lỗ Tuyên Công và Lỗ Thành Công của nước Lỗ, thuộc tỉnh Sơn Đông ngày nay. Tuy vậy thê tử của ông không hề mặc lụa là gấm vóc. Ngựa trong nhà ông cũng ăn cỏ thay vì ăn kê.

Trọng Tôn, con trai của Mạnh Hiến Tử, người đứng đầu của một gia tộc nổi tiếng ở nước Lỗ, hỏi Quý: “Ông là Tể tướng của Lỗ quốc, nhưng gia nhân của ông lại không mặc lụa là gấm vóc, ngựa của ông không được ăn kê. Người khác có thể nghĩ rằng ông là kẻ keo kiệt, hơn nữa nó cũng không mang lại vinh diệu cho quốc gia.”

Quý Văn Tử đáp: “Đương nhiên ta cũng muốn gia nhân được mặc đẹp và ngựa được ăn ngon. Tuy nhiên, ta thấy nhiều người trong thiên hạ vẫn đang còn phải ăn đói mặc rách. Do đó ta không dám làm như vậy. Thiên hạ còn đang ăn đói mặc rách, còn gia nhân của ta lại quá xem trọng ẩm thực và ăn mặc, ta cho rằng đó mới là điều Tể tướng không nên làm. Hơn nữa, ta chỉ nghe nói rằng con người có phẩm đức cao thượng mới là vinh dự lớn nhất của quốc gia, ta chưa bao giờ nghe nói rằng khoe khoang quần áo và xe ngựa có thể mang đến vinh diệu cho quốc gia.“

Sau khi biết chuyện này, Mạnh Hiến Tử rất giận người con trai. Ông đã biệt giam Trọng Tôn trong bảy ngày. Kể từ đó, gia nhân của Trọng Tôn bắt đầu ăn mặc đơn giản, và ngựa của Trọng Tôn cũng được cho ăn cỏ thay vì ăn kê.

Khi Quý Văn Tử nghe về sự thay đổi của Trọng Tôn, ông nhận xét: “Một người có thể cải chính lại những sai lầm của bản thân thì rất đáng làm tấm gương cho người khác.” Ông đã bổ nhiệm Trọng Tôn làm một trong những vị quan hàng đầu.

Quý Văn Tử đã dành cả đời cho sự bình an của xã tắc, luôn trung thành và giữ gìn lễ tiết, tận tuỵ với việc nước, sinh hoạt tằn tiện trong gia tộc. Ông đã khởi xướng nếp sống giản dị và tiết kiệm của nước Lỗ. Các thế hệ đã qua đi, nhưng đức hạnh của ông vẫn được truyền tụng đến ngày nay.

Vận mệnh và họa phúc của con người đều có nhân có quả, đều quyết định bởi kết quả hành vi bản thân. Chỉ có hành thiện, hướng thiện, đó mới là sự lựa chọn sáng suốt, mới là tích lũy phúc đức cho bản thân. Mỗi hành vi, mỗi ý niệm của con người đều được Thần giám sát. Chỉ có nhìn thẳng vào phép tắc nhân quả, tất cả tuân theo lẽ Trời mà làm việc thiện thì mới có thể được Thượng Thiên bảo hộ, khi đó dẫu gặp nguy nạn thì cũng có thể đón lành tránh hung, hóa nguy thành an.

Theo Minh Huệ

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN