Bài học thành công: Vì sao lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực?

Bài học thành công: Vì sao lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực?

Nỗ lực không ngừng nghỉ là một việc rất quan trọng để thành công. Nhưng so với sự nỗ lực thì lựa chọn đúng còn quan trọng hơn. Vì sao vậy? Trong nền giáo dục của chúng ta thường xuyên nhắc đến câu ‘cứ kiên trì nhất định sẽ thành công’. Tuy nhiên kinh nghiệm trong cuộc sống lại dạy cho chúng ta biết: Lúc nào cần buông bỏ thì sẽ biết được vì sao lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực.

lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực

Dưới đây là một câu chuyện ngụ ngôn có nội dung rất sâu xa sẽ giúp chúng ta sáng tỏ điều này.

Có một cậu thanh niên làm việc rất chăm chỉ, so về mọi mặt cậu đều có phần vượt trội hơn người khác. Nhưng sau nhiều năm nỗ lực, cậu cũng không phát triển hơn được nên đã mang theo tâm trạng buồn rầu đến đạo quán gặp vị Sư phụ để hỏi nguyên do.

Vừa gặp, vị Sư phụ đã hiểu ngay tâm tư của cậu thanh niên này nhưng ông không nói gì. Ông gọi ba đệ tử của mình tới và dặn dò: “Các đồ đệ đưa vị thí chủ này đến vị trí cách đây năm dặm đường núi, gánh về một gánh củi nặng nhất trong khả năng có thể.” Người trẻ tuổi cùng 3 người đệ tử đi dọc theo hướng sông nước chảy xiết, đến đúng vị trí cách 5 dặm thì dừng lại.

Lúc quay trở về, vị Sư phụ đã đứng đợi đồ đệ của mình và chàng trai trẻ từ lâu. Chàng trai trẻ với gương mặt đầy mồ hôi, miệng thở dốc, vai gánh hai bó củi tập tễnh từng bước nặng trĩu trở về. Trước anh là một vị đệ tử gánh 4 bó củi và sau anh là một người không gánh gì cả và bước đi với dáng vẻ thảnh thơi.

Đúng lúc này, từ mặt sông, một bè gỗ đã được đưa tới chở một đệ tử nhỏ tuổi và 8 bó củi đến trước mặt vị Sư phụ. Người trẻ tuổi cùng hai học trò lớn tuổi nhìn nhau mà không nói được lời nào.

Nhìn thấy cảnh tượng này, Sư phụ liền hỏi: “Sao 3 người lại có biểu hiện không hài lòng vậy?” Chàng thanh niên trẻ nói: “Ban đầu tôi gánh 6 bó củi, đi được nửa đường thì không gánh được nữa, tôi đã bỏ lại 2 bó, đi thêm một đoạn đường nữa thì không thể đi nổi nữa nên lại tiếp tục bỏ lại 2 bó, còn 2 bó tôi đã gánh về đến đây. Nhưng kỳ thực, tôi đã rất cố gắng rồi.”

Hai vị đệ tử kia thì hoàn toàn ngược lại. Đại đệ tử nói: “Mới đầu 2 đồ đệ mỗi người chặt được 1 bó củi và buộc chung thành một gánh củi và đi theo vị thí chủ này.

Đồ đệ cùng với sư đệ thay phiên nhau gánh, chẳng những không thấy mệt mà còn cảm thấy nhẹ nhàng hơn nhiều. Cuối cùng, những bó củi mà thí chủ này bỏ lại, chúng con lại lượm gánh về ạ.”

Còn tiểu sư đệ dùng bè gỗ chở củi nói: “Thân hình của đồ đệ thấp bé, sức yếu, đừng nói hai bó, ngay cả một bó đi trên đoạn đường xa như vậy đồ đệ cũng không đi được nên đồ đệ chọn đi đường thủy ạ.”

Vị Sư phụ nhìn các đồ đệ với ánh mắt tán thưởng rồi gật đầu. Sau đó ông đến trước mặt chàng trai trẻ tuổi, vừa vỗ lên vai vừa nói nhưng lời với ý từ thâm sâu: “Mỗi người đều phải đi con đường của mình, câu nói này không sai, chỉ có điều đi như thế nào trên con đường ấy. Nếu được nhắc nhở thì cần nhìn xem liệu con đường đi đó đã đúng hay chưa. Vị thí chủ này, cậu hãy nhớ cho kỹ: Lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực.”

Nói đến đây, chàng trai trẻ chợt nhận ra mình chưa từng có suy nghĩ xem chọn cách nào để hoàn thành công việc một cách tốt nhất có thể. Cậu chỉ biết nỗ lực hết mình nên sau bao năm thành quả cậu đạt được cũng không có thay đổi gì. Thật ra, cùng một việc thì với những cách khác nhau sẽ đem lại những hiệu quả công việc khác nhau. Do đó trước tiên cần lựa chọn cách tốt nhất sau đó mới nỗ lực hết mình để thực hiện.

Đối với mỗi người mà nói, việc lựa chọn đi cửa nào, đi đường nào vô cùng trọng yếu. Chỉ tiếc là có nhiều người lại không biết được con đường nào mới là con đường đúng đắn nhất để đi. Trên con đường đời, mỗi người cần hiểu được ý nghĩa của đời người và phải biết rõ mình muốn cái gì, có như vậy mới đưa ra được lựa chọn chính xác để không phải hối hận.

San San/DKN

Xem thêm: 

Sources:

BÀI LIÊN QUAN