Bàn về chữ “Thứ” (恕): Đại đạo của người quân tử

Bàn về chữ “Thứ” (恕): Đại đạo của người quân tử

Chữ Thứ chúng ta bàn ở đây là Thứ (恕)  trong từ Khoan thứ (bao dung), chứ không phải Thứ ( 庶) trong từ Thứ dân (dân thường), hay chữ Thứ (次) trong từ Thứ tự. Chữ “Thứ” (恕) này là nội hàm chủ yếu của Nho Gia, hàng nghìn năm qua đã thành tựu bao nhiêu bậc Nho  sỹ, chính nhân quân tử, với phẩm chất đạo đức cao thượng, trí tuệ rộng lớn sâu sắc và nghĩa khí sáng ngời.

Bàn về chữ “Thứ” (恕): Đại đạo của người quân tử

Bàn về chữ “Thứ” (恕): Đại đạo của người quân tử

Thường chúng ta chỉ biết chữ “Thứ” () là tha thứ, khoan thứ, thứ lỗi…, tức là bao dung, tha thứ người khác. Đó chỉ là cái nghĩa thấp nhất, nông cạn nhất, tầm thường thất của chữ “Thứ” mà thôi. Nói về chữ “Thứ”, nó còn có nhiều tầng ngữ nghĩa cao hơn, thâm sâu hơn rất nhiều, và được nâng lên tầng thứ rất cao của Đạo. Đạo Lão, Nho giáo, Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, Đạo Hồi v.v… đều có chung cách nhìn về chữ “Thứ” thú vị này.

Chữ “Thứ” () gồm chữ “Như” () và chữ “Tâm” (), nó có nghĩa là thành Tâm đối xử với người ta Như đối xử với chính mình.

Theo “Thuyết văn giải tự”: “Thứ, nhân dã” (Chữ “Thứ” chính là nhân đức vậy). Nho giáo có vai trò rất quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa truyền thống Phương Đông, trong đó chữ “Nhân” là trung tâm của Nho gia, và chữ “Nhân” cũng đứng đầu trong “Ngũ Đức” : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Như vậy có thể thấy, Chữ “Thứ” trong Nho giáo cũng chính là trung tâm của Nho giáo vậy.

Một trong những học trò xuất sắc của Khổng Tử là Tử Cống, có lần hỏi Khổng Tử: “Có chữ nào mà chúng con có thể cả đời thực hiện, làm theo không?”. Khổng Tử trả lời: “Đó chính là chữ “Thứ” đó! Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác” (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân). Như vậy chữ “Thứ” đã được nâng lên thành “Đạo Thứ”, “Đạo Nhân” vậy. Khổng Tử còn dạy về “Đạo Thứ” rằng: “Nếu mình muốn gây dựng cái gì cho mình thì cũng nên làm cái đó cho người khác. Nếu mình muốn thành đạt sự nghiệp gì thì cũng nên thành đạt sự nghiệp đó cho người khác” (Kỷ dục lập nhi lập nhân; Kỷ dục đạt nhi đạt nhân).

Đạo Lão Phương Đông cũng có triết lý tương tự: “Bậc thánh nhân thường không có cái tâm bản thân mà lấy cái tâm của bách tính làm tâm của mình” (Thánh nhân thường vô tâm, dĩ bách tính chi tâm vi tâm)

Thật thú vị là Phương Tây từ cổ xưa cũng vậy, họ coi “Đạo Thứ” là “Quy tắc vàng” (The Golden Rule) mà con người cần nỗ lực thực hiện.

Triết gia Hy Lạp cổ đại Pythagore cũng nói: “Những việc anh không muốn nó xảy ra với mình thì anh chớ có làm”. Hay Epictetus, một triết gia Hy Lạp cổ đại khác nói: “Những khổ nạn mà anh muốn tránh thì chớ có gây cho người khác. So với Khổng Tử “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” chẳng khác nào được đúc cùng một khuôn vậy.

Vị thánh của Hồi Giáo Muhammad cũng giảng : “Không được làm tổn thương người khác, để tránh anh khỏi bị tổn thương”.

Hay “Kinh Cựu Ước” của Cơ Đốc giáo và Do Thái Giáo cũng viết: “Không được thù hận, không được oán trách con dân của nước mình, mà phải yêu người như yêu chính bản thân mình”. Lời dạy của Chúa nào có khác câu tục ngữ của cha ông ta  “Thương người như thể thương thân”.

Đạo Nho còn được gọi Đạo Nhân, Đạo Thứ, Đạo Trung Thứ. Nghĩa lý này nếu được triển hiện trong Phật Pháp thì người tu luyện Phật Pháp mục đích đạt được cảnh giới giác ngộ, thoát khỏi cõi mê, lên bờ chính giác, gọi là đắc độ, thành bậc giác giả. Như đã giải thích ở trên, chữ Thứ gồm chữ Như và chữ Tâm. Nếu như Chân Như (“Chân như” (chữ Như đích thực) là thuật ngữ trong Phật giáo chỉ đặc tính của vũ trụ) ở trong Tâm thì đã hòa đồng với đặc tính vũ trụ, đã trở thành Giác Giả. Bậc giác giả tuy thoát khỏi luân hồi, nhưng xuất phát từ tâm từ bi muốn cứu độ chúng sinh, nên ở lại cõi hồng trần chịu mọi nỗi khổ cực trong thế gian để phổ độ chúng sinh, gọi là độ nhân. Tuy phương thức, cảnh giới khác nhau nhưng về ý nghĩa thì cũng giống như Đạo Thứ của Nho Gia “Nếu mình muốn gây dựng cái gì cho mình thì cũng nên làm cai đó cho người khác. Nếu mình muốn thành đạt sự nghiệp gì thì cũng nên thành đạt sự nghiệp đó cho người khác” (Kỷ dục lập nhi lập nhân; Kỷ dục đạt nhi đạt nhân).

Chữ “Thứ” này là nội hàm chủ yếu của Nho Gia, hàng nghìn năm qua đã thành tựu bao nhiêu bậc Nho  sỹ, chính nhân quân tử, với phẩm chất đạo đức cao thượng, trí tuệ rộng lớn sâu sắc và nghĩa khí sáng ngời. Câu chuyện sau đây chúng ta sẽ cảm nhận được cảnh giới chữ “Thứ” của ba nhân vật kiệt xuất thời Xuân Thu: Tề Hoàn Công – Quản Trọng – Bão Thúc Nha.

Vua Tề Hoàn Công

Ảnh: dkn.tv

Ðời Xuân Thu (722- 480 trước Công Nguyên) Quản Di Ngô tức Quản Trọng vốn người có tài kinh bang tế thế. Ngày còn hàn vi, chưa gặp thời thường cùng bạn là Bão Thúc Nha đi buôn chung. Lúc chia lời, Quản Trọng thường lấy phần hơn. Người ngoài thấy thế bất bình, nhưng Bão Thúc Nha nói:

– Quản Trọng không phải tham mà lấy tiền ấy, chỉ vì gặp gia cảnh quẫn bách phải làm thế nên ta vẫn bằng lòng nhường.

Quản Trọng ở chỗ thị tứ thường bị lắm kẻ dọa nạt, hà hiếp mà không một lời phản kháng. Người đều cười chê cho là nhu nhược, hèn nhát nhưng Bão Thúc Nha cho bạn là người khoan dung. Quản Trọng thường đàm luận cùng Bão Thúc Nha, nói nhiều sai lầm, nhưng Bão cho rằng:

– Ðó là con người chưa gặp vận. Chớ khi gặp thời thì trăm việc không hỏng việc nào.

Lúc theo việc quân, mỗi khi ra trận, Quản Trọng đi sau; khi thu quân về thì Quản Trọng đi trước. Mọi người chế giễu cho là nhát. Bão Thúc Nha nói:

– Quản Di Ngô nào phải nhát gan, chỉ vì người còn mẹ già nên phải giữ thân để phụng dưỡng mẹ.

Quản Trọng ba lần làm quan, ba lần bị bãi. Người người đều khinh. Nhưng Bão Thúc Nha nói:

– Di Ngô không phải kẻ bất tài, ấy chỉ vì chưa gặp thời, chưa gặp vua hiền.

Về sau, Quản Trọng phò công tử Củ, Bão Thúc Nha phò công tử Tiểu Bạch. Công tử Củ và công tử Tiểu Bạch vốn anh em khác mẹ lưu vong mỗi người ở nhờ mỗi nước, sau tranh ngôi nhau. Công tử Củ ở nhờ nước Lỗ bị bại binh. Vua Lỗ muốn cầu hoà với công tử Tiểu Bạch, nên giết công tử Củ, lại bắt Quản Trọng và Thiệu Hốt là người phò công tử Củ nộp cho Tiểu Bạch tức Tề Hoàn công đương lên ngôi làm chúa nước Tề.

Thiệu Hốt tự tử. Còn Quản Trọng thì chịu làm tên tù, và chịu tội với Tiểu Bạch vì trước kia đối trận, Trọng bắn nhằm vòng đai của Tiểu Bạch. Mến tài của Quản Trọng và do Bão Thúc Nha tiến cử, Tiểu Bạch tức Tề Hoàn Công dùng Quản Trọng làm tướng quốc và suy tôn là Trọng Phụ.

Người ta chê Quản Trọng không giữ được khí tiết như Thiệu Hốt. Nhưng Thúc Nha bảo:

– Di Nhô nhẫn nhục thờ Hoàn Công không phải vô sỉ mà vốn người không câu chấp những tiểu tiết thường tình. Ðó là kẻ có chí lớn làm lợi cho cả thiên hạ.

Quản Trọng nghe được lời nhận xét của Thúc Nha, thường thở dài nói:

– Sinh ta ra là cha mẹ, nhưng hiểu biết ta ở đời chỉ có một Bão Thúc Nha mà thôi.

Quản Trọng phò Hoàn Công, xây dựng nước Tề trở nên cường thịnh. Lúc Quản Trọng bệnh nặng sắp chết, Tề Hoàn Công đến thăm hỏi và muốn giao quyền chính cho Bảo Thúc Nha thay Quản Trọng, nếu không may Quản Trọng chết. Nhưng Quản Trọng lại đề nghị Thấp Bằng thay mình. Quản Trọng so sánh giữa hai người:

– Bảo Thúc Nha là người quân tử nhưng không có tài chính trị, hay phân biệt thiện ác quá. Yêu điều thiện thì phải, chớ ghét điều ác quá thì không ai chịu được. Bảo Thúc Nha thấy ai có điều ác gì thì suốt đời không quên. Ðó cũng là một điều dở. Còn Thấp Bằng là người hay hỏi kẻ dưới mà không lấy làm xấu hổ, lúc nào cũng lo nghĩ đến việc nước, có thể dùng được.

Tề Hoàn Công bằng lòng.

Bấy giờ có tên Dịch Nha vốn một tay gian nịnh, dám làm thịt con dưng cho Tề Hoàn công ăn, và luôn luôn phục vụ Quản Trọng, mong khi Quản Trọng chết thì hắn sẽ được thay cầm quyền Tể tướng. Nhưng bị Quản Trọng chê, xin Hoàn công đừng dùng đến, nên hắn tức giận đến ra mắt Bảo Thúc Nha, nói:

– Ngày trước, Ngài tiến cử Trọng Phụ lên làm Tể tướng, nay Trọng Phụ đau, chúa công hỏi chuyện, Trọng phụ lại bảo ngài không có tài chính trị mà tiến cử Thấp Bằng. Tôi rất lấy làm không bằng lòng.

 Bảo Thúc Nha cười, nói:

– Trọng phụ là người trung với nước mà không vì bạn. Giả sử chúa công cho ta làm chức Tư Khấu để khu trừ những đứa gian nịnh thì ta làm được; chớ cho ta cầm quyền chính trong nước thì hạng người như nhà người còn dung thân vào đâu.

Hy vọng sau khi đọc xong bài này, bạn hiểu rõ hơn về nội hàm và ý nghĩa sâu xa của chữ Thứ và cũng sẽ thấy thêm hứng thú cùng chúng tôi tìm hiểu văn hóa truyền thống Phương Đông với bề dày hàng nghìn năm lịch sử của nền văn minh rực rỡ, triết lý nhân sinh sâu sắc bay bổng cổ xưa.

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN