Cách giải quyết các vấn đề thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ

Cách giải quyết các vấn đề thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ

Sữa mẹ là vô cùng quý giá trong những tháng đầu đời của trẻ, đặc biệt là 6 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, nuôi con bằng sữa mẹ là một nghệ thuật, với những người lần đầu làm mẹ, mọi thứ quả là không dễ dàng. Dưới đây là cách giải quyết các vấn đề thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ.

Căng sữa

Khoảng 2 – 3 ngày sau khi sinh thường xảy ra hiện tượng căng sữa do sữa bắt đầu tiết nhiều ở vú, bà mẹ cảm thấy căng và nặng.

Sờ nắn tuyến vú thấy căng cứng và có thể có cảm giác như nổi cục. Tuy nhiên sữa vẫn chảy ra tốt. Đây là hiện tượng bình thường.

Xử trí khuyến khích bà mẹ cho bé bú thường xuyên hơn. Có thể nặn bỏ bớt sữa nếu bé bú không hết. Trong vòng 1 – 2 ngày, sự tiết sữa sẽ tự điều chỉnh theo nhu cầu của trẻ và vú sẽ hết căng.

Đau rát núm vú

Do trẻ mút vú mạnh, bú khỏe, cảm giác mỗi khi bé bú, đau rát ở đầu núm vú, hay khi bầu vú hết sữa mà bé vẫn tiếp tục mút vú.

Xử trí xoa bóp hai đầu vú và cho bé bú bình thường, khi hết bầu vú này nên chuyển sang bầu vú bên kia.

Nứt đầu vú (25%)

Gặp 2 tuần đầu sau sinh, thường do trẻ bú kéo dài, mặc áo ngực không đúng. Đầu vú đau khi cho trẻ bú.

Đầu vú có những vết nứt, vết rạn nhỏ trên bề mặt, vết loét ở đầu vú hay chân núm vú. Toàn bộ núm vú bị đỏ rực, chảy máu mỗi khi cho bú.

Xử trí: giữ khô, để hở. Bôi các mỡ chứa vitamin A, E. Tạm ngưng cho bú bên vú bệnh (6 – 12 giờ), vắt sữa bằng tay, tiếp tục cho bú bên vú lành.

Cương tức tuyến vú (15%)

Hiện tượng này do vú quá căng, một phần do sữa bị ứ lại, một phần do các mô bị phù nề làm cản trở lưu thông sữa.

Nhìn thấy vú cương to, phù nề. Bà mẹ có thể thấy đau vú nhiều, có thể kèm theo sốt. Nặn sữa thấy sữa chảy ra ít.

Nguyên nhân cương tức tuyến vú là do bà mẹ không cho con bú, do trẻ ngậm núm vú không đúng cách hay ở trẻ bú yếu, bú ít ở bé sinh non, sinh nhẹ cân.

Xử trí: dùng khăn ấm hay khăn mát đắp lên bầu vú, xoa nắn vú vắt sữa bằng tay hay bằng ống hút sữa nhằm thoát sữa ra.

Cố gắng cho trẻ bú thường xuyên, cho trẻ bú đúng cách, mẹ ngồi dậy, một tay bế bé, một tay đỡ bầu vú cho bé ngậm kín núm vú.

Tụt núm vú

Hai đầu núm vú tụt vào trong, đây là do cơ địa của mỗi bà mẹ. Nên bé rất khó khăn trong bú mẹ.

Xử trí: dùng tay kéo nhẹ núm vú, cần làm kiên trì và thường xuyên. Tập cho bé bú nếu được. Có thể vắt sữa cho vào bình để bé bú.

Ít sữa

Nguyên phát (tổn thương vùng dưới đồi, tuyến yên). Thứ phát sau khi đã có xuống sữa (liên quan đến mẹ mệt mỏi, xúc động, thay đổi lối sống).

Khuyên cho bú nhiều hơn, vắt cạn sữa sau khi cho bú để kích thích tạo sữa mới. Nghỉ ngơi, ăn uống bồi dưỡng, uống nhiều nước và nước hoa quả hay sữa.

Có thể dùng một vài loại thuốc tăng lượng sữa như Meko – Lactagil 1 viên x 3 lần uống/ngày, dùng 1 – 2 tuần.

Viêm vú

Viêm vú thường là hậu quả của một tình trạng cương tức tuyến vú hoặc tắc ống dẫn sữa trước đó mà không được xử trí một cách hiệu quả. Bà mẹ cảm thấy rất đau, kèm theo sốt, vùng vú bị phù nề cứng với đủ triệu chứng viêm sưng đỏ, nóng, đau.

Viêm vú dễ nhầm với cương tức tuyến vú thường cả hai bên, không có dấu hiệu sưng đỏ. Trong khi viêm vú thường khu trú một bên vú.

Xử trí: viêm vú cần điều trị ngay vì có thể thành áp-xe trong vòng 48 – 72 giờ nếu không chữa kịp. Kháng sinh cephalexin 0,5g 1 viên x 3 lần uống/ngày, dùng liên tục trong 7 ngày hoặc cefixim 200mg 1 viên x 2 lần/ngày dùng liên tục trong 7 ngày.

Cả hai loại kháng sinh trên qua sữa rất ít nên bà mẹ vẫn cho bé bú ở bên lành được, trong thời gian trên, bên vú viêm phải dùng ống hút sữa hút bỏ đi.

Kết hợp paracetamol 0,5g 1 viên x 3 lần/ngày, đắp mát trên vùng vú viêm. Điều quan trọng nhất trong điều trị viêm vú là phải cải thiện sự lưu thông sữa ở phần vú ảnh hưởng.

Nếu viêm vú tiến triển thành áp-xe thì phải rạch thoát dẫn lưu mủ và dùng kháng sinh liều cao.

Viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ, đã kết luận nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm tần suất và mức độ trầm trọng của bệnh tiêu chảy, viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não và viêm ruột hoại tử, đồng thời cải thiện sự phát triển và nhận thức của trẻ. Vì vậy bạn hãy lưu ý những điều trên để đảm bảo đủ sữa mẹ cho bé nhé!

Ngoài ra, bạn có thể xem Cẩm nang chăm sóc bé phát triển toàn diện trong năm đầu tiên để có thêm nhiều kinh nghiệm chăm sóc bé nhé!

Xem thêm

Sources:

BÀI LIÊN QUAN