Cảm giác tôn sùng có thể cải thiện sức khỏe của bạn như thế nào

Cảm giác tôn sùng có thể cải thiện sức khỏe của bạn như thế nào

Cảm giác tôn sùng mà con người cảm nhận được khi họ kết nối với thiên nhiên, nghệ thuật và tâm linh có liên hệ với việc giảm hàm lượng cytokine gây viêm – là các protein chỉ thị cho hệ thống miễn dịch hoạt động ổn định hơn.

phụ nữ

Ảnh: Soha.vn

Cô Jennifer Stellar- một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Toronto và là tác giả chính của nghiên cứu mà cô thực hiện tại trường Đại học California, Berkeley (UC Berkeley) cho biết “Những phát hiện của chúng tôi chứng minh rằng những cảm xúc tích cực có liên quan tới các dấu hiệu của sự khỏe mạnh”.

Trong khi cơ thể cần các cytokine cho việc tập hợp các tế bào tới các vùng bệnh để chống nhiễm trùng, chống lại bệnh tật và chấn thương, thì việc duy trì cytokine ở hàm lượng cao lại gắn liền với tình trạng sức khoẻ yếu kém và các rối loạn sinh lý như tiểu đường type 2, bệnh tim, viêm khớp, và thậm chí cả bệnh Alzheimer và dấu hiệu trầm cảm lâm sàng.

Từ lâu chúng ta đã biết rằng một chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ nhiều và tập thể dục giúp tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể, chống lại các loại bệnh tật cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Emotion lại là một trong những nghiên cứu đầu tiên xem xét đến vai trò của các loại cảm xúc tích cực đối với khả năng kháng cự với bệnh tật.

Nhà tâm lý học Dacher Keltner thuộc UC Berkeley, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết “Chính cảm giác tôn sùng, sự kinh ngạc và cái đẹp khiến cơ thể tạo ra mức cytokine có lợi cho sức khỏe, qua đó cho thấy những điều chúng ta làm để trải nghiệm những cảm xúc này–như đi dạo giữa thiên nhiên, hòa mình vào âm nhạc và cảm thụ nghệ thuật–có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng sức khỏe và tuổi thọ”.

>>Tác dụng đặc biệt của âm nhạc cổ điển với sức khỏe

‘Khát khao được khám phá’

Trong hai thí nghiệm riêng biệt, hơn 200 thanh niên đã báo cáo mức độ cảm xúc tích cực mà họ đã trải qua trong cùng một ngày, như thích thú, cảm giác tôn kính, lòng từ bi, sự mãn nguyện, niềm vui, tình yêu và niềm tự hào.

Các mẫu mô ở nướu và má được lấy cùng ngày cho thấy rằng những người trải qua nhiều cảm xúc tích cực  hơn, đặc biệt là cảm giác tôn sùng, kinh ngạc và sửng sốt, có các cytokine, interleukin 6 (một dấu hiệu nhận biết viêm)–ở mức thấp nhất.

Ngoài các bệnh tự miễn dịch, sự gia tăng các cytokine còn gắn liền với chứng trầm cảm. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các bệnh nhân trầm cảm có hàm lượng cytokine gây viêm (được gọi là TNF-alpha) ở mức cao hơn so với các đối tượng không bị trầm cảm.

Cảm giác tôn sùng gắn liền với sự tò mò và mong muốn khám phá.

– Jennifer Stellar

Người ta tin rằng bằng cách báo hiệu cho não để sản xuất các phân tử gây viêm, các cytokine có thể ngăn chặn các nội tiết tố quan trọng và các chất dẫn truyền thần kinh–chẳng hạn như serotonin và dopamine–kiểm soát tâm trạng, cảm giác thèm ăn, giấc ngủ, và trí nhớ.

Trả lời cho lý do tại sao cảm giác tôn sùng lại là một yếu tố dự báo có sức thuyết phục về việc giảm các cytokine gây viêm, nghiên cứu mới nhất này thừa nhận rằng “cảm giác tôn sùng gắn liền với sự tò mò và mong muốn khám phá, đối lập với những phản ứng hành vi xa lánh môi trường xung quanh thường thấy ở những người đang bị viêm” – Cô Stellar chia sẻ.

thiên nhiên

Ảnh: Trithucvn.net.

Vậy cái gì xuất hiện trước – hàm lượng cytokine thấp hay những cảm xúc tích cực – Stellar nói rằng cô không thể chắc chắn: “Có thể hàm lượng cytokine càng thấp thì con người càng cảm nhận được những cảm xúc tích cực nhiều hơn, hay có thể đó là mối quan hệ là hai chiều”.

Ngoài Stellar và Keltner, các đồng tác giả khác và các nhà nghiên cứu tham gia vào nghiên cứu này là Neha John-Henderson tại Đại học Pittsburgh và Craig Anderson, Amie Gordon, và Galen McNeil tại UC Berkeley.

Bởi: University of California, Berkeley

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN