Câu chuyện về đại cao tăng Chí Siêu là hóa thân của đức Phật Không Vương

Câu chuyện về đại cao tăng Chí Siêu là hóa thân của đức Phật Không Vương

Đại cao tăng Chí Siêu hoà thượng sống đến 71 tuổi và sau đó được tôn xưng danh hiệu Phật, được đem thờ trong chùa Bảo Phúc tại Trung quốc. Ngài là người gốc Hán đầu tiên được tôn xưng danh hiệu một vị Phật, và Ngài còn được xem là hóa thân của đức Phật Không Vương thời cổ xưa đã chuyển sinh xuống trần (Không Vương có nghĩa là Vua của sự trống không). Bức tượng giữ nhục thân không bị hư hoại của Ngài vẫn ở trong chùa. Bảo Phúc là tên được hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân của triều đại nhà Đường (trị vì từ năm 629 sau Công nguyên tới năm 649 sau Công nguyên) ban tặng. Ngày nay ngôi chùa này mang tên chùa Vân Phong. Có rất nhiều truyền thuyết thần kỳ lưu danh thiên cổ về đại cao tăng Chí Siêu, nhưng sự tích nổi tiếng nhất là chuyện Ngài đã giúp vua Đường Thái Tông chấm dứt một trận hạn hán to lớn.

Câu chuyện về đại cao tăng Chí Siêu là hóa thân của đức Phật Không Vương

Ảnh minh họa: Tindachieu.com

‘Phật sống’ ở trong núi

Theo các tài liệu lịch sử, trong 14 năm trị vì của vua Đường Thái Tông thì vào năm 640 sau Công Nguyên, một trận hạn hán nặng nề đã xẩy ra tại tỉnh Sơn Tây và các vùng lân cận. Vua Đường thái Tông được báo rằng chỉ có dân chúng ở dẫy núi Miên Sơn thuộc thành phố Giới Hưu vẫn an hưởng khí hậu tốt lành với mưa gió điều hòa cho việc cày cấy. Dân cư địa phương nói rằng tất cả đều nhờ vào công đức lớn lao của đại cao tăng Chí Siêu hòa thượng tu hành trong dẫy núi Miên Sơn. Vua Đường Thái Tông thân chinh đến bái kiến Ngài. Hoà thượng Chí Siêu bảo đệ tử Mạc Tư, đang nấu ăn, rải một muỗng nước vo gạo về hướng tây nam, nơi bị nạn hạn hán thuộc vùng Sơn Tây. Lập tức mưa xuống ở nơi đó, và trận hạn hán nặng nề liền chấm dứt. Hàng vạn dân chúng nhà Đường đã vui mừng cảm tạ lòng từ bi của đại cao tăng Chí Siêu. Bá tánh tôn xưng Ngài là vị ‘Phật sống’ của dẫy núi Miên Sơn.

Vua Đường Thái Tông đã hạ chiếu chỉ thỉnh mời hòa thượng Chí Siêu tới kinh đô để phục vụ tại triều đình, nhưng Ngài đã từ chối. Năm sau, Đường Thái Tông dẫn bá quan văn võ đến núi Miên Sơn để bày tỏ lòng cảm ơn công đức của hoà thượng Chí Siêu đã giúp chấm dứt nạn hạn hán. Ngân Không, một đệ tử của hòa thượng Chí Siêu, đã ra bái kiến nhà vua tại Bảo Phúc Nham. Ông nói cho Thái Tông biết rằng sư phụ của ông đã viên tịch từ đầu năm, là năm 641 sau Công nguyên. Thái Tông cảm thấy buồn bã, nhà vua ngước mặt nhìn Trời mà than rằng, “Thử hành không vọng Phật dã” (có nghĩa là ‘chuyến đi thăm viếng này không còn hy vọng được gặp Phật nữa’). Đột nhiên, hình ảnh hòa thượng Chí Siêu hiện ra trên bầu trời cùng với bốn chữ lớn mầu vàng lấp lánh “Không Vương cổ Phật”. Trong tiếng Hoa, ‘không vọng’ phát âm tương tự như ‘không vương’.

Theo kinh điển Phật Giáo, Phật Không Vương, là một trong những vị Phật cổ xưa đã đến thế giới này, và Ngài có lòng từ bi vô biên với năng lực vô lượng. Đường Thái Tông và bá tánh của Đường triều biết rằng đại cao tăng Chí Siêu hòa thượng là hóa thân của đức Phật Không Vương chuyển sinh xuống trần. Cho nên nhà vua đã hạ chỉ xây chùa Bảo Phúc trong đó có lập tượng thờ bọc thân thể thực sự của hòa thượng Chí Siêu. Trên đường trở về cung điện, Thái Tông đã nghỉ chân tại chùa Linh Khê thuộc núi Không. Khi nhìn thấy ngôi chùa với cảnh trí đẹp đẽ, thanh tịnh, Đường Thái Tông đã cảm hứng mà làm một bài thơ:

“Hồi loan du phúc địa, cực mục ngoạn phương thần.

Bảo sát diêu thừa lộ, thiên hoa cận túc xuân.

Phạm chung giao nhị hưởng, Pháp nhật chuyển song luân.

Tịch nhĩ chân tiên cảnh, siêu nhiên ly tục trần.”

Bởi vì Đường Thái Tông trên đường trở về cung, đã ở lại chùa Linh Khê tại núi Không được 6 ngày, nên sau đó người ta đã đổi tên chùa này là chùa “Hồi Loan” để kỷ niệm cuộc viếng thăm.

Phật tâm Trời ban cho đã khích lệ chí tu hành

Hòa thượng Chí Siêu sinh ra trong thời kỳ của triều đại Nam-Bắc, năm 429 sau Công nguyên tới 589 sau Công Nguyên. Gia tộc của ngài là Điền Thị ở huyện Phùng Dực, tỉnh Thiểm Tây, nên lúc đó người ta thường gọi ngài là Điền thiện hữu. Khi còn nhỏ tuổi, ngài đã một lòng hướng đến Phật, và có lần đã bầy tỏ ý chí muốn đi tu, nhưng cha mẹ không cho phép. Có một ngày, gia đình muốn ngài kết hôn. Ngài nghe nói, vội vàng chạy trốn, nhưng cả gia đình đã đổ xô đi kiếm, rồi đem về bắt ép cử hành hôn lễ.

Ngày cưới xong, trong lúc động phòng, Chí Siêu đã nghiêm túc tuyên giảng Phật Pháp cho cô dâu. Vì lòng thành thực, quyết chí tu hành Phật Pháp của trượng phu, cô dâu mới đã cảm động mà bằng lòng cách đối xử của Chí Siêu rằng chỉ là vợ chồng trên danh nghĩa. Mỗi tối, ngài đều ngồi thiền định để qua đêm.

Tới khi 27 tuổi, cuối cùng Chí Siêu mới có thể xuất gia. Ngài đi tới vùng Tịnh Châu, thuộc tỉnh Sơn Tây vào chùa Khai Hoá xin làm môn hạ của thiền sư Tuệ Toản.

Lúc ban đầu, sư Tuệ Toản chưa muốn thu nhận Chí Siêu làm đệ tử, mà chỉ sai bảo ngài làm đủ thứ việc tạp nhạp để có thể khảo nghiệm. Nhưng Chí Siêu không nản lòng. Hàng ngày ngài thức dậy rất sớm, lúc trời còn tờ mờ, rồi làm việc đến rất khuya mới đi ngủ. Trong chùa có hàng trăm tăng nhân, nhưng hòa thượng Chí Siêu luôn luôn vui vẻ tình nguyện làm những việc cực nhọc nhất. Qua một thời gian khảo sát, Sư Tuệ Toản nhận thấy Chí Siêu quả thật là người nghiêm túc theo kỷ luật, có trí tuệ thiên phú, và có thể chịu đựng khổ nhọc, cho nên đã thu Chí Siêu làm đệ tử.

Sau khi thọ giới, hòa thượng Chí Siêu học tập kinh Phật rất chăm chỉ, kỹ càng. Sau đó ngài trở về quê nhà, tìm được một ngọn núi và tiếp tục tu hành ở đó. Ngài lập ra một nơi ngồi thiền định trong rừng, sớm tối tu khổ hạnh. Những nhân vật ưu tú ở bốn phương muốn tu hành, nghe nói đều tìm đến. Gần xa đều nghe danh của ngài.

Kiên trì bảo hộ Phật Pháp, cứu độ con người thời loạn lạc

Những năm đầu trong đại nghiệp của nhà Tùy (niên hiệu Tuỳ Dương Đế), khi Tùy Dương Đế lên nắm quyền, trị vì từ năm 604 sau Công Nguyên tới năm 618 sau Công Nguyên, dân chúng đã bị đàn áp vì sự tiêu xài hoang phí và không coi trọng văn hóa truyền thống của nhà vua. Bởi vậy thường có những cuộc nổi dậy chống lại triều đình. Tuỳ Dương Đế đã hạ lệnh đóng cửa chùa viện, không cho phép các tăng nhân họp lại thành đoàn mà đi vân du. Hòa thượng Chí Siêu nghe nói, cảm thấy mười phần cấp bách, ngài kiên quyết viết những biểu chương tâu lên để biện hộ cho Phật giáo. Ngài đã đi tới các địa phương chủ yếu để kháng cáo. Ngài khoác áo cà sa, mang bài biểu văn của mình tới các văn phòng của quan lại trông coi luật pháp, nhưng tất cả đều làm ngơ trước sự kháng cáo của ngài. Nhưng ngài không bỏ cuộc, mà còn đi tới kinh đô lúc đó là Giang Đô, trình bày ý kiến của mình tới quan nội sử của Tùy Dương Đế, hy vọng họ có thể trình lên nhà vua.

Tùy Dương Đế không những không tu sửa đạo đức, mà còn hoang dâm vô đạo. Bởi vậy, lúc cuối thời của triều đại nhà Tùy, chiến tranh loạn lạc xẩy ra ở khắp nơi, đạo tặc hoành hành, dân chúng phải chịu đựng rất nhiều khổ nạn. Lúc này hòa thượng Chí Siêu vẫn tiếp tục hướng dẫn đệ tử học tập Phật Pháp. Các đệ tử của ngài cũng mang lương thực dự trữ bên mình, họ sợ đạo tặc sẽ đến ăn cướp do đó có một số muốn ngừng tu hành mà đi theo con đường riêng biệt khác. Hoà thượng Chí Siêu đã khuyến cáo chúng đệ tử không nên loạn động. Ngài giảng rằng tu hành là chuyện rất nghiêm túc, và không thể bỏ dở nửa đường. Các đệ tử nghe xong rất cảm động, bình tâm lại và tiếp tục tu hành Phật Pháp.

Có một đêm, hòa thượng Chí Siêu và các đệ tử đang ngồi thiền định, đột nhiên lửa nổi lên, cháy xung quanh, đạo tặc phá cửa nhẩy vào. Mỗi tên cướp đều cầm một cây đao cứng, sáng loáng trong tay. Tuy nhiên, hòa thượng Chí Siêu và các vị sư vẫn ngồi yên thiền định, không có ai bị động niệm vì chuyện này. Bọn cướp vì sự thiền định trấn áp nên đã được cảm hóa. Bọn chúng quỳ xuống lễ bái tạ tội, rồi xin quy y hòa thượng Chí Siêu. Bởi vì nhìn thấy tình thế tốt lành cho đạo pháp, Chí Siêu đã tuỳ theo tư chất căn cơ của mỗi người mà sắp đặt cách giáo hóa cho họ. Bọn đạo tặc rất bội phục hòa thượng Chí Siêu, nên một lòng hướng đến Phật, chuyên cần tu hành Phật Pháp, để mỗi ngày có thể tiêu trừ một ít nghiệp quả của họ.

Hoằng Pháp thuận theo Thiên tượng, để lại gương sáng cho hậu thế

Lý Uyên, cha của Đường Thái Tông, sau này trở thành hoàng đế Đường Cao Tổ của triều đại nhà Đường, đã bắt đầu khởi binh tại Thái Nguyên. Trên toàn quốc rất nhiều người hưởng ứng. Hòa thượng Chí Siêu nhận thấy thiên tượng biến hóa, và hiểu rằng nhà Lý sẽ được thiên hạ, nên rất ủng hộ Cao Tổ Lý Uyên khởi sự. Chí Siêu chia đệ tử đi hoằng Pháp, cũng hướng dẫn được vài trăm người học Phật pháp. Các đệ tử của ngài nghiêm túc giữ giới luật, trật tự ngay ngắn, khiến cho người đời cảm động mãi. Sau này đại binh của Đường triều tiến về phương nam dẹp xong nội loạn, nhờ vậy trong nước được yên ổn. Hoà thượng Chí Siêu dẫn khoảng 20 đệ tử đến kinh thành chúc mừng. Đường Cao Tổ Lý Uyên rất kính trọng ngài, đối xử với Ngài cũng giống như đối xử với một vị thần tiên, và đã thỉnh ngài lên điện Thái Cực, để tăng thêm phần kính lễ.

Hoà thượng Chí Siêu xem chuyện phú quý an nhàn rất nhẹ. Ngài từ biệt nhà vua và các quan đại thần. Vào năm thứ 5 của Đường Vũ Đức (niên hiệu của Cao Tổ Lý Uyên), sau nhiều đường rẽ, ngài đã đến sườn núi Bảo Phúc, gọi là Bảo Phúc Nhai, ngày nay thuộc tỉnh Sơn Tây, để tiếp tục tu luyện. Sườn núi Bảo Phúc là nằm trong dẫy núi Miên Sơn, khoảng 12 dặm xa về hướng tây nam của thành phố Tấn Xuyên ngày nay, thuộc tỉnh Sơn Tây, xa gần đều nghe tiếng về cảnh trí đẹp đẽ của nó với các sơn cốc sâu gần trăm trượng bên sườn núi, trên mặt dựa vào đỉnh núi cao bẩy tám ngàn thước. Nơi này suối nước trong sạch, đá tảng đẹp đẽ với cây cối đứng sừng sững trang nghiêm, vả lại còn được mưa thuận gió hòa, giống như một nơi tiên cảnh.

Năm thứ 7 niên hiệu Vũ Đức, hoà thượng Chí Siêu dẫn dắt một số tăng chúng tu hành trên Bảo-Phúc nham. Khi đó số tăng nhân được gần trăm người, mà tất cả lương thực của họ chỉ vỏn vẹn 6 tạ gạo. Lúc ban đầu, mỗi ngày họ lấy ra 5 đấu gạo để nấu ăn. Từ mùa Xuân sang tới mùa Hạ, số gạo mang theo đã giảm xuống rất nhiều. Sau đó, họ chỉ lấy ra 2 đấu gạo để nấu ăn mỗi ngày, nhưng tổng số gạo tồn trữ vẫn chưa dùng hết. Mọi người cảm thấy rất kỳ lạ. Trong số đệ tử của hòa thượng Chí Siêu có một số sinh ra lười biếng, muốn được an nhàn; thì lập tức họ sẽ nhận được các cảnh cáo thần kỳ của ngài. Khi hòa thượng Chí Siệu triệu tập chúng nhân, âm thanh của tiếng chuông tùy theo sự tu hành mà vang dội khác nhau. Nước suối chảy trên đá núi cũng tùy theo số người tu ít hay nhiều mà tự động chảy ra ít hay nhiều.

Hơn 1.300 năm trôi qua. Một vị hiền vương và một vị đại cao tăng đã nối tay nhau để cùng khai sáng một đoạn văn hóa, mà tạo phúc cho nhân gian và hậu thế. Từ khi vua Đường Thái Tông hạ chỉ xây dựng chùa Bảo Phúc để cung dưỡng thân thể thực sự của Phật, thì nơi này trở thành đạo tràng của Phật Không Vương, hương tỏa không ngừng, dân chúng cứ theo phong tục đến thắp hương lễ bái. Núi Miên Sơn trở thành danh sơn của Đạo giáo, mà cũng là danh sơn của Phật giáo. Truyền thuyết về vua Đường Thái Tông kính Phật lễ Phật, đã vì vạn dân mà cầu xin mưa xuống hóa giải tai nạn, cũng đi kèm với thánh tích của Phật Không Vương đã được lưu truyền cho tới bây giờ và được dùng để giáo hóa hậu thế.

Tác giả: Epoch Times Staff , Tư liệu được trích dẫn từ: “Lịch đại cao tăng truyện”

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN