Truyện ngắn: Có hạt mưa trốn mình bên ô cửa

Truyện ngắn: Có hạt mưa trốn mình bên ô cửa

“Có hạt mưa trốn mình bên ô cửa” là truyện ngắn của tác giả Lep Tuyên kể về một chàng trai mặc cảm tự ti vì bị liệt sau một tai nạn. Sau khi chuyển về nơi ở mới, với những người bạn nông thôn hiền lành tốt bụng, đặc biệt là cô bạn tên Hạnh, cuộc đời cậu đã tươi sáng trở lại…

hạt mưa và gấu bông

Ảnh: Báo Mới

Những cơn mưa đã vãn dần nhường chỗ lại cho những ngày nắng chói chang. Mẹ ngồi xếp lại những chiếc áo mưa cho vào ngăn tủ, ba ra vườn cuốc lại mảnh vườn khô khốc cỏ dại. Cậu ngồi bên ô cửa nhìn ra bên ngoài, trời xanh ngắt không một gợn mây. Mới đó còn là những ngày mưa âm u, cánh cửa gỗ luôn được đóng kĩ. Anh hai còn gia cố thêm hai thanh sắt to chéo ngang để cậu có những giấc ngủ yên mỗi đêm mưa bất chợt, nhưng cậu vẫn nghe rõ mồn một những tiếng rục rịch của khung cửa như cuốn bung ra khi có đợt mưa đập vào cùng tiếng hò reo của những tán lá dừa xanh mướt.

Hôm nay cậu mở toang một bên ô cửa, ngồi cảm nhận chút nắng yếu ớt ùa vào phòng khoai khoái rồi vân vê vài trang giấy nhăn nheo bởi một đêm mưa nào đó mà cậu quên không khép cửa. Tiếng chim ríu rít ngoài sân, hoàng lan phả chút hương dịu nhẹ, cậu còn nghe trong hơi gió tiếng lá rơi khe khẽ giữa tầng không làm cho chú giun đất ngẩn ngơ nhìn theo đến lạ. Cậu ước có thể ra ngoài vườn hòa mình vào cái không khí đó, để nắng vương lại từng chỏm trên mái đầu. Cậu sẽ chạm vào thân cây xoài xù xì to lớn, nhặt một cái lá vàng rồi nhắm mắt lại mà cảm nhận từng tiếng thở thì thầm của gân lá cuối mùa thu. Cái thị trấn hẻo lánh này như một nàng công chúa ưa đỏng đảnh khi những cơn gió se lạnh của mùa đông bắt đầu ùa về, một sắc thái ảm đạm khác thường khoát lên cảnh vật. Từ ngày gia đình cậu dọn về đây thì cậu cũng đã trót yêu cái nơi này mất rồi. Ngôi nhà cũ kĩ nằm cách đường lộ một con hẻm ngoằn nghèo mọc toàn hoa mà có lần anh Hai đã chở cậu ngang qua. Phía sau nhà có một quãng sông và chắc hẳn cạnh đó cũng có một tuyến đường sắt nữa. Mỗi sớm, khi bình minh chưa kịp ló dạng, cậu nghe tiếng còi xe lửa hú dài trong sương, rồi ánh lửa xe quét dài vào hàng cỏ lau bên bờ hồ cùng tiếng gió rít nhẹ mơ hồ.

– Quang à, dậy chưa con?

– Dạ rồi mẹ! – Tiếng gõ cửa khe khẽ của mẹ làm cậu thoáng bối rối.

– Nhanh sửa soạn rồi anh Hai chở đến trường nha con.

– Dạ. – Cậu đáp lạ mẹ gãy gọn. Lòng thoáng dâng lên nỗi buồn, sự lo ngại và thấp thỏm.

Cậu không muốn đi học, cậu nhớ lại những lời châm chọc quái ác của chúng bạn cũ khi chúng khoái trá nhìn cậu bằng ánh mắt mãn nguyện đó. Từ ngày tai nạn đó xảy ra, cậu như rơi vào một cái hố sâu, không lối thoát. Mọi thứ đến với cậu quá đột ngột làm cậu chưa kịp phản ứng rồi như một điều tất yếu, cậu suy sụp hoàn toàn, tự chán ghét chính mình và xa lánh với mọi người, kể cả những người thân. Chính vì thế, cậu mới phải rời thành phố và chuyển tới sống tại thị trấn này. Bác sĩ nói rằng khả năng cậu có thể đi lại rất khó khăn, còn tùy thuộc vào sự hồi phục của cột sống. Cậu là người duy nhất cảm nhận được tình trạng của mình, lắm khi cậu hi vọng rất nhiều nhưng rồi nhìn vào đôi chân lúc cứng đờ lúc mềm nhũn và không cảm giác của mình, cậu chỉ muốn khóc. Cậu đã khóc rất nhiều, mẹ cậu cũng đã khóc rất nhiều. Nhưng có lẽ những giọt nước mắt chắt chiu cả cuộc đời của mẹ làm cậu có thêm nghị lực cho cuộc sống. Tối qua, cậu nắm chặt tay mẹ và nói: “Con sẽ đi học lại mẹ à!”. Mẹ ôm lấy cậu và cười trong nước mắt.

Cậu nghe tiếng chân ai đi ngoài vườn, có lẽ không phải là ba, tiếng bước chân nhẹ và linh hoạt hơn. Một người con gái nhỏ nhắn, đôi mắt rất sáng và có vẻ rất thông minh.

– Chào hàng xóm mới. Vừa mới ngủ dậy phải không? Mở cửa ra đi, nói cái này hay lắm.

– Bạn là ai? – Cậu thoáng bối rối với sự nhanh nhẩu của người con gái này.

– Hàng xóm.

– Ngôi nhà có hàng thiên lý héo queo trước sân hả – Cậu thấy mình tự nhiên đến lạ.

– Đúng rồi, nhưng không phải là hoa héo đâu mà là hoa đã hết mùa. Có mùa hoa nào mãi ở lại đâu.

– Bạn tên gì và cần gì? – cậu trở lại với sự ngờ ngoặc ban đầu.

– Hạnh… Cho bạn cái này nè.

Người con gái mà cậu chỉ biết duy nhất cái tên và đôi mắt sáng ấy dúi vào tay cậu một quả ổi to rồi chạy vội vàng về phía bên kia hàng thiên lý “hết mùa”. Rõ ràng cậu thấy đôi má ấy có chút ửng hồng khi cậu hỏi đến tên, như một tia nắng nhỏ lung linh giữa bình minh trên khoảng trời.

thiên lý

Ảnh: Giáo dục Thời Đại

Lớp học rất thân thiện và chúng bạn rất tử tế với cậu. Mấy đứa học sinh dân quê bình dị và tốt bụng. Nhanh chóng cậu làm quen với tất cả các bạn trong lớp, tất nhiên trong có Hạnh. Tình bạn giữa cậu và Hạnh ngày càng thân thiết hơn. Cậu dần quên đi nghịch cảnh và hòa mình vào cuộc sống mới. Có hôm Hạnh lấy xe chở cậu nghe ngoài bờ sông hóng gió. Những cơn gió chiều kéo cao từ phía rặng tre nhẹ cong một đường trên mặt sông rồi ngoặt lên ùa vào mặt hai đứa, mát rượi. Hai đứa ngồi trên một bờ đất dọc bờ sông. Chiều nay, con sông như hiện hữu một sự mơ màng thầm lặng, một chút bồi hồi, một vài xao xuyến, cậu chẳng hiểu trong lòng mình đang băn khoăn điều gì nữa?

– Quang có yêu nơi này không?

– Có, mình yêu nơi này.

Hạnh chẳng hỏi thêm câu nào nữa…

– Mình yêu những con đường rải sỏi kéo dài ra tận bờ sông mà tôi dẫu chưa từng chạm chân vào viên sỏi nào nhưng tôi vẫn cảm nhận được tiếng thì thầm của lòng đất. Mình yêu những sáng anh Hai chở đến trường ngang qua những luống hoa dại ngào ngạt dưới chân núi. Mình cũng yêu những con người nơi đây nữa, những người bạn và những người hàng xóm tốt bụng.

Quang lặng im trong giây lát..

– Ngày kia Quang về lại thành phố rồi, chắc sẽ nhớ nơi này lắm.

Hạnh không nói gì, nhìn bâng quơ về phía bên kia sông- nơi có thứ ánh sáng phù phiếm của chân trời.

– Màu trời thật giống màu mắt của Hạnh!

Hoàng hôn dần buông. Những đám mây đã nhuốm màu, lung lay thành một dãi ở chân trời. Quang nhớ về ô cửa số, nơi hai đứa lần đầu chạm mặt. Khi ấy cậu như một hạt mưa cố nép mình vào bên trong lẩn trốn mùa khô trở lại. Và một điều kì diệu nào đó làm cho hạt mưa về lại với đất, nhưng hạt mưa luôn biết rằng trong khoảnh khắc của cuộc đời, nó đã rơi khẽ vào những cánh hoa.

Lep Tuyen

Xem thêm:

Sources:

Tags:

BÀI LIÊN QUAN