Đáng quan ngại: Trẻ em hôm nay đang chìm trong thế giới bạo lực

Đáng quan ngại: Trẻ em hôm nay đang chìm trong thế giới bạo lực

Trẻ em của chúng ta đang chìm trong thế giới bạo lực từ chương trình truyền hình đến game bạo lực hay những bộ phim bom tấn sản xuất tại Hollywood.

Thời hiện đại ngày nay, trẻ em bị bủa vây bởi đủ thứ bạo lực trên đời. Đó là những hình ảnh, thước phim hay trò chơi luôn sẵn có trên màn hình ti vi, máy tính bảng và điện thoại thông minh, vốn đã trở thành vật dụng thường thấy ở hầu hết các gia đình.

game bạo lực

Trẻ em hôm nay đang chìm trong thế giới bạo lực. Ảnh: Báo Thanh Niên.

Mặc dù đó chỉ là sự mô phỏng bạo lực, nhưng các nghiên cứu cho thấy nó sẽ choán ngợp tâm trí và ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi và cách suy nghĩ của thế hệ trẻ hiện giờ. Hơn 3.000 nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ vô cùng mạnh mẽ giữa việc liên tục tiếp xúc với truyền thông bạo lực và hành vi hung hăng của trẻ.

Ngay từ thập niên 50 của thế kỷ trước, dư luận đã kêu gọi hạn chế nội dung bạo lực trên truyền hình, tuy nhiên những cảnh tượng mang tính tàn bạo và đẫm máu chỉ thêm xuất hiện với tần suất gia tăng theo thời gian.

Một báo cáo năm 2003 cho biết, trung bình một trẻ em Mỹ sẽ chứng kiến 200.000 cảnh bạo lực, trong đó có 40.000 vụ giết người cho đến năm 18 tuổi.

Lẽ đương nhiên trẻ em không chỉ bị ảnh hưởng từ truyền hình. Tổ chức Gia đình Henry J.Kaiser đã tiến hành một nghiên cứu để phát hiện rằng 9 trên 10 trò chơi video có nội dung bạo lực. Khoảng nửa tổng số game bạo lực đó ở mức nghiêm trọng và 18% đặt bạo lực là trung tâm của trò chơi.

Theo tác giả Jan Arnow là nhà nghiên cứu nổi tiếng về tác động của bạo lực và phân tích xung đột, chúng ta đang sống trong một xã hội có thói quen huấn luyện trẻ nhỏ biết căm thù và sợ hãi.

“Nếu xem lại những chương trình truyền hình, phim ảnh và trò chơi video khoảng 10 năm trước đây, chúng ta sẽ thấy tình hình không tệ đến vậy. Tuy nhiên theo thời gian, văn hóa con người ngày càng đi xuống và vì vậy các nhà sản xuất phải chạy đua để thu hút sự chú ý của khách hàng. Điều đó xảy ra hàng năm”, bà nói.

Lần đầu tiên Arnow quan tâm đến bạo lực leo thang qua các phương tiện truyền thông là hơn 30 năm trước, khi bà nuôi dạy chính con đẻ của mình. Bà lo ngại về hậu quả của xu hướng này nếu nó cứ thế tiếp diễn.

Vì vậy bà đã đi khắp thế giới để phỏng vấn giới trẻ sống tại vùng có chiến sự như Palestine, Israel, Liên Xô và Bắc Ireland để xem những trải nghiệm đó định hình cái nhìn của chúng ra thế giới như thế nào. Đa số người được phỏng vấn đều nói rằng họ không thể hình dung ra tương lai của mình.

“Khi bạn hỏi: ‘Cháu muốn mình sẽ như thế nào khi trưởng thành’, lũ trẻ nhìn bạn như thể bạn có 12 cái đầu. ‘Trưởng thành ư? Cháu sẽ không trưởng thành được. Cháu sẽ chết thôi’. Tôi học được rất nhiều sau trải nghiệm đó”, bà nói.

Các nhà nghiên cứu phát hiện, khi bạo lực và xung đột ám ảnh nền văn hóa của chúng ta đến mức độ bão hòa thì trẻ em cũng đang phát triển một cái nhìn bi quan tương ứng.

Trong một nghiên cứu mới đây, hơn 60% số trẻ lo ngại chúng có thể bị sát hại, và 19% đôi lúc còn ước mình chết đi.

“Đây chính là những gì chúng ta đang chứng kiến”, Arnow nói.

Một số người có thể khăng khăng rằng họ vượt tầm ảnh hưởng của bất kỳ nội dung nào trong truyền thông, và không muốn nỗ lực kiểm soát những gì bản thân cho là một môi trường vô hại. Tuy nhiên bà Arnow đã tiến hành nghiên cứu để chỉ cho chúng ta thấy, bạo lực đã choán ngợp con người ngày nay đến nỗi chúng ta không tài nào nhận ra tác hại của nó.

“Hậu quả ngay tức thì chưa thể thấy rõ”, Arnow nói. “Khi tôi lên phát biểu, mấy đứa trẻ nói, ‘cháu chơi trò chơi điện tử và chả thấy vấn đề gì’. Đó chỉ là lời nói của đứa trẻ. Nhưng chúng biết gì về cuộc nghiên cứu này?”

“Nhiều người không quan tâm vì thấy điều này chẳng ảnh hưởng gì tới họ ngay lập tức. Nếu đang sống trong một cộng đồng khép kín hay vùng ven ô có lũ trẻ thường xuyên chơi điện tử, bạn sẽ thấy các bậc phụ huynh nghĩ, con của họ không làm sao hết. Nhưng những đứa trẻ đó đã được trang bị những thứ chúng cần: Khi đến trường không ai bắt nạt được chúng”.

Tìm gốc rễ vấn đề để giải quyết

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em càng tiếp xúc với môi trường bạo lực, chúng càng có xu hướng thiên về bạo lực để giải quyết vấn đề vì nghĩ rằng điều đó là bình thường. Mỗi ngày có khoảng 2.000 trẻ em bị bắt nạt ở trường và xấp xỉ 200.000 trẻ không tới trường vì chúng sợ bị tấn công.

Trầm cảm vì mạng xã hội

Ảnh: afamily.vn

Một số trường học đã quản lý nghiêm khắc hơn với hành vi bắt nạt, tuy nhiên cũng giống như luật pháp được đề ra để chống tội phạm, bắn giết, lạm dụng…những nỗ lực này theo bà Arnow đều chỉ tập trung vào phần ngọn mà không đi giải quyết tận gốc vấn đề.

“Chúng ta đã quen với bạo lực được thể hiện một cách thô nhất, qua truyền hình, qua quảng cáo, qua phim ảnh và trò chơi điện tử. Tất cả đều như vậy. Và khi nỗ lực giảm thiểu chúng, chúng ta chỉ đang cố gắng gạt bỏ phần nổi của tảng băng chìm”, bà nhận xét, “chúng ta phải đi tìm căn nguyên, gốc rễ của vấn đề mà bản thân có thể chưa nhận ra, càng đi sâu càng tốt, may ra mới nhận thấy nó, đó chính là văn hóa”.

Truyền thông bạo lực hàng thập kỷ qua cứ thế xâm lấn văn hóa của người Mỹ, vì vậy ảnh hưởng của nó có thể khó mà nhận biết. Tuy nhiên tại Cuba, nơi người dân còn trong giai đoạn đầu tiếp xúc, xu hướng bạo lực sẽ rất dễ thấy.

Arnow rất bất ngờ khi nhận được lời đề nghị xây dựng chương trình giải pháp cho xung đột ở các trường học tại Cuba, bởi vì bà từng biết họ không hề có bạo lực trong môi trường này. Tuy nhiên các nhà quản lý thông báo, tình hình đã thay đổi kể từ khi giới trẻ tiếp xúc với trò chơi video.

“Họ nói, ‘chúng tôi yên bình cho đến khi người ta nhập vào đất nước những trò chơi điện tử chứa đầy bạo lực”, bà kể lại, “họ giờ đã có thể chứng kiến bạo lực leo thang, bắt nạt và xung đột khó giải trong môi trường sư phạm của mình. Tôi đã hiểu hết những gì đang diễn ra”.

Văn hóa truyền thông

>> Nỗi ám ảnh từ game bạo lực

Trong cuốn sách mới xuất bản của mình tựa đề “Giải pháp nuôi dạy con trong thế giới bạo lực”, bà đã đề xuất hơn 400 biện pháp hữu hiệu để bảo vệ trẻ em khỏi môi trường độc hại này.

Một trong những lời khuyên then chốt là giúp trẻ phát triển văn hóa truyền thông. Theo bà, trẻ nhỏ nếu tiếp thu được kỹ năng này sẽ ít bị ảnh hưởng bởi truyền thông bạo lực.

Tuy nhiên trẻ cần cha mẹ hỗ trợ để phát triển những kỹ năng đó. Bà Arnow kêu gọi các phụ huynh “nỗ lực tìm kiếm giá trị đạo đức trong thời loạn” bằng cách xem những chương trình mà con mình theo dõi, chơi các trò chơi điện tử mà chúng say mê hàng ngày, để rồi phân tích cho chúng thấy và suy nghĩ về những gì vừa chứng kiến.

game bạo lực

Trong thế giới bạo lực cần có giải pháp nuôi con hữu hiệu. Ảnh: Tổng Hợp

Một biện pháp nữa bà từng sử dụng rất thành công cho chính con ruột của mình là “Tôi đưa cho con mấy cuốn vở rồi nói, ‘chúng ta sắp xem truyền hình cả tuần’, đó là điều mà chúng thích. Tôi bảo một đứa ghi lại mọi nhận xét mang tính phân biệt mà chúng nghe được. Đứa trẻ khác cũng làm tương tự nhưng là về các hành vi bạo lực. Rồi chúng trao đổi sổ tay với nhau khi xem truyền hình trong tuần đó”, bà nói, “các con tôi, một đứa 10 và đứa kia 12 tuổi, đã rất ngạc nhiên khi thấy có bao nhiêu thứ sẽ bị nhồi nhét vào đầu chúng qua truyền hình. Kể từ đó bọn trẻ cẩn thận hơn khi nghe hay xem bất cứ chương trình nào”.

Bà Arnow cũng tư vấn, không phải lúc nào cũng phải làm bài tập kiểu như vậy, tuy nhiên chúng lại rất hữu ích cho trẻ em. “Hãy cố gắng làm gì đó để trẻ hiểu ra”, bà nói, “giúp trẻ tiếp thu văn hóa truyền thông, nghĩa là bạn đã cho trẻ cả cuộc đời lành mạnh”.

Theo thống kê, văn hóa bạo lực đã gây ra những vụ việc đáng tiếc tại Mỹ. Trên thực tế, Hoa Kỳ sản xuất nhiều loại vũ khí hơn bất kỳ quốc gia nào, nhưng nhu cầu cũng rất cao, với hơn 6,5 triệu khẩu súng sản xuất nội địa được chuyển nhượng vào năm 2011. Nửa trong số 10 trò chơi bán chạy nhất Hoa Kỳ có nội dung “bắn ngay kẻ bạn gặp đầu tiên”, khi người chơi tập trung vào hạ gục đối thủ. Doanh thu của ngành trò chơi điện tử năm 2013 tăng 40% lên 18,8 tỷ USD so với năm trước đó. Súng ống là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ hai cho trẻ từ 1 đến 19 tuổi, và là nguyên nhân hàng đầu giữa những trẻ da đen. Vào năm 2000, trên 13.000 nạn nhân thiệt mạng bởi các cuộc tấn công khủng bố toàn thế giới, trong khi số người bị giết bởi súng ống vượt quá 31.000 tại Hoa Kỳ.

>> Bà mẹ ôm kẻ sát hại con mình trong phiên tòa khiến nhiều người rơi nước mắt

Biên dịch từ Epoch Times

Bạn vừa xem bài viết: Đáng quan ngại: Trẻ em hôm nay đang chìm trong thế giới bạo lực. Thấy ý nghĩa, hãy chia sẻ với bạn bè.

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN