Đôi dòng cảm nhận về ca khúc “Thiên Thai” của Văn Cao

Đôi dòng cảm nhận về ca khúc “Thiên Thai” của Văn Cao

Nhạc sĩ Văn Cao viết Thiên thai khi mới 18 tuổi, đó là vào năm 1941. Đây có thể nói là một bản trường ca với nhiều nhạc cảnh biến đổi tuần tự giống như một bản giao hưởng hay một vở opera. Con người có thể vào nơi tiên giới, đó là một ước mơ lâu dài, thầm kín và thâm sâu nhất của nhân loại; và Văn Cao đã hiện thực hóa một chút xíu của giấc mơ này bằng chiếc cầu âm nhạc – ca khúc Thiên thai

Cơ duyên sáng tác

Thiên thai

Truyền thuyết kể rằng: Lưu Thần và Nguyễn Triệu cùng vào núi hái thuốc gặp một con suối lớn, hai bên bờ suối có hai người con gái tư chất tươi đẹp – hai nàng tiên – đã lưu hai người lại trong nửa năm. Cả hai đều nhớ quê hương bèn từ biệt các tiên nữ ra về. Về đến nơi, anh em bà con đã phiêu bạt đi đâu, nhà cửa cũng không còn. Hỏi thì không ai nhận ra họ vì họ đã có con cháu đến 7 đời.

Văn Cao viết ca khúc “Thiên Thai” này từ ám ảnh sông Hương xứ Huế mà ông có dịp tới thăm mùa thu năm 1940 và ấn tượng khi đi thuyền trên sông Phi Liệt (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) và nghe ca trù năm 1941. Năm 1944, Văn Cao đã viết lời tựa cho bài “Thiên Thai” để chính thức xuất bản:

“… Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người Sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi…

Khe cây, lối đá nhận đường vào
Hoa cỏ không vương mảy bụi nào
……
Nhìn bóng dáng mây quên việc trước
Trông chiều cây nước ngỡ chiêm bao
Muốn biết về đâu, non nước ấy
Hỏi thăm, nên tới suối Hoa Đào…”

“Người sông Ngự” là biệt danh mà Văn Cao đã tự chọn cho mình – ngay khi gặp Huế Hương ông đã cảm thấy mình là một phần của địa phương cổ kính và mơ mộng này. Nhưng mãi tới năm 1944 Thiên thai mới được nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế phát hành. Tác giả Trác Như đã viết:

“Tuy sông Hương là nguồn sữa nuôi nấng giấc mộng bồng lai, nhạc sĩ đã chọn điển tích Trung Hoa làm bối cảnh cho bài hát, và sau cùng thì thanh âm phong phú và lả lơi của các ả đào đất Cảng đã giúp cảm xúc ông chín mùi để hoàn tất tác phẩm cổ điển này”.

Có thể nói, tác phẩm âm nhạc này là kết quả của sự hòa trộn tài năng với nhiều cảm xúc, cảm nhận, kinh nghiệm sống của nhạc sĩ trẻ. Ông đã thai nghén từ cốt truyện, lời, nhạc, cảm hứng từ những điển tích cổ và sự kiện khác nhau trong đời sống cá nhân, rồi như chơi ô chữ; tới con chữ cuối cùng thì tác phẩm hoàn chỉnh đã hiện ra.

Thiên thai

Nhạc sĩ Văn Cao từng tâm sự, những ca khúc lãng mạn đầu tiên mà ông sáng tác, đặc biệt là những bản trường ca, thường là trong hoàn cảnh khi sức khỏe của ông không được tốt, có khi còn là lúc ông đang nằm sốt cao trên một con thuyền trôi trên sông. Sáng tác trong trạng thái như vậy, có thể tâm hồn của Văn Cao có những lúc đã tách hẳn khỏi hiện thực buồn bã mà vươn tới một cảnh giới tâm linh cao thượng hơn, chẳng hạn như ông đã mơ thấy những khung cảnh thần tiên nào đó làm cảm hứng cho sáng tác. Ta cũng biết rằng tài năng như Văn Cao có thể được gọi là một thiên tài; thiên (trời) và thiên tài (tài năng trời ban) có hàm nghĩa rằng người nghệ sĩ có thể được kết nối với những thế giới tâm linh cao hơn thế gian này, đặc biệt là khi sáng tác.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết:

“Thiên Thai” của Văn Cao đã vươn lên một thức rất lớn, chia ra nhiều đoạn, nhiều cảnh, gồm tới con số chín mươi bốn khuông nhạc, chan chứa những giai điệu thần tiên và những lời ca thần diệu…”

Có câu thơ cũ rằng:

Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thật xấu, hát thì thật hay

Anh Trương Chi đó là một người chèo thuyền trên sông có hình dạng xấu xí nhưng lại có một giọng ca vút cao tuyệt vời, làm rung động mọi con tim và như thoát khỏi nơi trần thế, vậy nên Văn Cao đã mở đề cho Thiên thai với câu:

“Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào nguyên…”

Về mối liên hệ Thiên thai với Trương Chi, Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết: “Ta lại được tự do tuyệt đối để nghe lên toàn thể tiếng đàn, tiếng hát vút lên từ đầu tới cuối của trường khúc Thiên Thai, tiếng đàn hát mà tôi cho là của Trương Chi trong truyện cổ và Văn Cao đã cho Thiên Thai mượn tạm”.

Sự mạnh mẽ, sôi nổi, dạt dào của người thanh niên đất cảng bỗng nhiên chạm tới sự trầm mặc, u tịch, thanh cao của đất Cố đô, cũng giống như hai chàng Lưu, Nguyễn bất ngờ gặp hai nàng tiên ở chốn bồng lai vậy, chắc chắn tạo ra những xúc cảm mạnh mẽ không ngờ.

Câu chuyện thần kỳ chuyển tải bởi âm nhạc, lời ca

Cảnh sông núi thiên thai

 

Hình ảnh tiên giới hiện lên trong Thiên thai của Văn Cao thế nào? Nếu như thiên giới là một nơi có thực trong vũ trụ này thì phải chăng trên đó cũng có núi, sông, nước chảy, phong cảnh hữu tình? Cũng có nhà lầu, đài, đình, các – nơi các thần thiên sinh hoạt và trú ngụ? Có lẽ trí tưởng tượng của Văn Cao chưa đi xa đến thế.

Cõi tiên trong nhạc Văn Cao chỉ là những hoa thơm cỏ lạ, tiên nhạc âm vang khắp nơi, hoa đào tươi thắm mãi không tàn, đèn trăng êm sáng mơ màng chiếu rọi các nàng tiên vui múa. Theo hành trình của hai chàng Lưu, Nguyễn, cảnh vật có sự chuyển tiếp không đột ngột giữa cõi trần và cõi tiên, từ tỏ đến mờ rồi lại dần sáng tỏ trở lại; hai chàng đã phiêu du theo con thuyền nho nhỏ như cánh hoa lan mà rời cõi thế, lạc vào cõi tiên lúc nào không biết:

Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
Quê hương dần xa lấp núi ngàn
Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền
Ai hát trên bờ Đào Nguyên

Cõi tiên trong mắt của Văn Cao trước hết là nơi tràn ngập những thanh âm tuyệt diệu của tiếng đàn, tiếng hát; tiếng nhạc nơi tiên giới hòa trộn với nhịp chèo thuyền nơi trần thế, hư hư thực thực:

Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
Theo gió tiếng đàn xao xuyến
Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền
Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền

Dường như những tiên nhạc vấn vít quanh mạn thuyền này đã dẫn hai chàng ngày càng đi sâu vào tiên cảnh, ngày càng nhẹ nhàng, phiêu bồng, cảm nhận được hơi thở của mùa xuân vĩnh cửu nơi tiên giới.

Thiên Thai chốn đây Hoa Xuân chưa gặp Bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần
Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn

Hai chàng là bướm trần gian gặp hai nàng là tiên nữ cõi thiên thai, mê đắm vui vầy nơi cõi ấy không muốn trở về. Cõi tiên dường như cũng cố ý quyến rũ và níu chân họ:

Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên
Đây đó nỗi lòng mong nhớ
Này khúc bồng lai
Là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi
Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên

Tuy nhiên vui chơi mãi rồi cũng chán, hai chàng vì vẫn nhớ nhà nên đã rời tiên giới quay về quê cũ. Nhưng người cũ cảnh xưa đã chẳng còn, vì thời gian mấy tháng ở trên trời của hai chàng thì ở nơi trần thế hơn một trăm năm đã trôi qua. Lại nhớ tiếc cảnh tiên muốn tìm lại nơi đó thì cũng đã không thể được nữa rồi.

Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm
Nhớ quê chiều nào xa khơi Chắc không đường về
Tiên nữ ơi!

Hoa đào

 

Thiên giới có vô vàn tầng thứ khác nhau, Người có duyên lạc vào nơi nào trong đó cũng không thể thấy được tất cả. Tiên giới với phàm trần cũng không phải là nơi có thể đi đi lại lại; cơ duyên chỉ đến một lần, dùng dằng nhớ quê đến lúc muốn quay lại nơi đó thì cũng đã muộn rồi, không thể nào mà lần tìm ra đường được nữa, chỉ còn biết vĩnh viễn thở than hối tiếc nơi cõi người, chỉ còn biết ngóng vọng cao xa những âm hưởng say mê cũ mà thôi.

Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao?
Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên.

Giá trị âm nhạc của ca khúc Thiên Thai

Có thể nói Thiên thai như là một “tiếng sấm báo hiệu cơn mưa” của một thiên tài âm nhạc (giống như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với “Ướt mi” sáng tác năm 1958 gây chấn động nhạc đàn Sài Gòn). Hai ông kẻ Nam người Bắc sau này cũng là bạn thân.

Nhịp thời gian trong không gian tiên giới rất chậm rãi, thậm chí dường như không có khái niệm thời gian. Nhạc của Thiên thai cũng lấy chậm rãi làm chủ đạo, cộng với âm hưởng trầm hùng thể hiện khí thiêng. Hai chàng Lưu, Nguyên như bước dò dẫm vào cõi tiên. Có gì đó trong âm hưởng của ca trù rất gần gũi với âm thanh nơi tiên giới nên Văn Cao cũng đã sử dụng ngũ cung của ca trù cho một số đoạn.

Việc chuyển cung chuyển điệu làm cho bản trường ca lại được như dài thêm, phong phú hơn. Chúng ta có ai đã từng đi dã ngoại nơi thiên nhiên hoang dã đều biết rằng sự chuyển đổi cảnh quan càng rõ rệt và càng đột ngột thì tạo ra cảm xúc trải nghiệm càng mạnh mẽ. Ví dụ như khi ta đi qua một rừng liễu tối bỗng sáng bừng trước mắt một vườn hoa, rồi xa xa lại nhìn thấy quần tụ những mái nhà nhỏ nhỏ của một thôn trang; ai mà không cảm thấy lòng mình rung động! Sự chuyển đổi tiết tấu và thang âm trong Thiên Thai cũng tựa như vậy, đưa người nghe đi từ trạng thái này sang trạng thái khác qua một nhịp cầu rung cảm mãnh liệt của tâm hồn.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã từng phân tích: “Văn Cao đã chuyển nét nhạc một cách rất tài tình, dùng những nốt-bán-cung để di chuyển rất nhanh chóng câu hát đi từ một chủ âm mineure này qua chủ âm mineure khác, cho ta thấy được rất nhiều màu sắc của khung cảnh thần tiên này”.

Đem đến cho người nghe những say mê khó tả, như chính mình lạc vào trong cõi tiên, kể cả những nhạc sĩ tài năng cùng lứa cũng phải khâm phục.

Nhà nghiên cứu Vĩnh Lạc viết:

“Bài hát Thiên Thai là một bài hát hiếm hoi của Việt Nam sử dụng đến ba loại ngũ cung trong cùng một bài hát: ngũ cung Việt Nam, ngũ cung Trung Hoa và ngũ cung dân tộc Tây Nguyên”

Thiên thai là sự cộng hưởng và giao thoa của các căn bản âm nhạc truyền thống khác nhau. Nhạc cảnh tuy nhẹ nhàng, da diết nhưng cũng có lúc vút lên dữ dội.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Toàn phân tích:

“Các nhà phê bình cho rằng, Thiên Thai tuy được viết vào thời kỳ tân nhạc Việt Nam còn phôi thai, nhưng cho đến nay, hình như cũng chưa có một ca khúc nào khác vượt qua được, về cả hai phương diện giai điệu và lời ca. Biến đổi tiết tấu và thang âm của ca khúc, hiện tại, nghe lại vẫn thấy mới. Cái thế giới thần thoại của cổ tích không phải chỉ được Văn Cao minh họa bằng những màu sắc tuyệt vời mà hình như ông còn tạo dựng bằng pha lê nữa. Mọi góc cạnh đều rắn, chắc. Màu sắc của nó còn có thể biến đổi tùy thuộc chủ quan của người thưởng ngoạn nữa”

Những ca sĩ thể hiện thành công “Thiên Thai”

Bài hát Thiên thai nửa thực nửa mơ, nhạc cũng biến đổi biến hóa như đan xen giữa cõi quen và cõi lạ, đòi hỏi người hát nó cũng phải theo như vậy. Được biết người đầu tiên hát Thiên thai là nghệ sĩ Kim Tiêu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhưng có lẽ do thời đó chưa có kỹ thuật ghi âm nên giọng hát này không được lưu lại đến ngày nay.

Ca sĩ Thái Thanh là người đầu tiên thực hiện ghi âm cho ca khúc này vào năm 1974 với album Tiếng Tơ Đồng 2. Ca sĩ Hà Thanh cũng được coi là “kỳ phùng địch thủ” với bản ghi âm Chiều mưa biên giới. Tác giả Trác Như nhận xét về ca sĩ Thái Thanh và Hà Thanh như sau:

“Tiếng hát Thái Thanh là một cọ vẽ có khả năng diễn đạt đủ loại ánh sáng và gam màu khác nhau. Những chấn động trong cảm xúc mà Thái Thanh mang đến cho Thiên Thai rất tương xứng với sự đa dạng và tinh tế của nhạc phẩm này. Hà Thanh thì ngược lại: trầm lặng và nhẹ nhàng hơn. Hà Thanh cho thính giả cơ hội để có những suy diễn riêng tư. Nếu như Thái Thanh là tiếng ca trù đã giúp Văn Cao cụ thể hóa Thiên Thai thì Hà Thanh là dòng Hương luôn hiện hữu để lặng lẽ nuôi sống cái cảm hứng thuở ban đầu của người nhạc sĩ này. Ca khúc Thiên Thai chính là kết quả của những tiếng ca trù trên dòng Hương Giang vậy”.

Trên thực tế có rất nhiều ca sĩ miền Bắc đã thể hiện ca khúc này, kể cả các ca sĩ nghiệp dư. Thuộc thế hệ đàn chị có ca sĩ Lê Dung. Thời đó hát chuẩn theo gốc nghiễm nhiên được coi là một yêu cầu bắt buộc, thế nên các ca sĩ thường không thể hiện cá tính riêng khi biểu diễn Thể hiện ra chỉ là trình độ kỹ thuật thanh nhạc và yếu tố năng khiếu bẩm sinh.

Sau này trong nước có ca sĩ Ánh Tuyết thuộc dòng nhạc thính phòng đã quyết tâm khẳng định tên tuổi gắn với nhạc Văn Cao; chị tiến hành ghi âm bài hát này trong các album Ca khúc Văn Cao năm 2002 và một số album khác sau đó như Cung đàn xưa, Suối mơ đến Thiên Thai. Cá nhân tôi mới nghe Ánh Tuyết hát bài này cảm thấy cô hát tuy hay nhưng hơi lạm dụng kỹ thuật thanh nhạc. Tuy nhiên sau khi nghe tất cả các ca khúc của Văn Cao mà chị trình bày thì thấy rằng đó là một phong cách chung của chị dành cho ca khúc Văn Cao chứ không riêng gì với bài Thiên thai.

Ca sĩ Cao Minh hát Thiên thai trong các album Tình khúc Vang Bóng – Dư âm. Chất giọng vững vàng đầy nam tính của anh khiến cõi tiên trong Thiên thai trở nên bớt mờ ảo hơn, thực tế hơn.

Một số ca sĩ nổi danh thuộc thế hệ trước hiện ở hải ngoại như Anh Ngọc , Mai Hương, Quỳnh Giao cũng cố gắng thể hiện để vừa lưu giữ “hồn cốt” của bài hát, vừa mang thêm những giá trị tạo sự hấp dẫn cho bản trường ca này.

Trong thời đại mới, cũng có những ca sĩ nổi danh như Tùng Dương thể hiện Thiên thai, nhưng cá nhân tôi cảm thấy phong cách hát của anh “hơi mạnh hơi nặng về đời’ nên không phù hợp lắm với một không khí “Thiên thai truyền thống” – nơi cõi tiên ấy, những yếu tố như thanh cao, nhẹ nhàng và trong sáng nên đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, đóng góp nào cho việc phổ biến Thiên thai thì cũng đáng trân trọng, vì đây là ca khúc của mọi người. Hơn nữa vai trò của phối khí và dàn nhạc đệm cho ca khúc này là phần vô cùng quan trọng để tạo nên một “khung cảnh thần tiên” thực sự cho lời ca đắm mình trong đó. Đây là “đất dụng võ” lý tưởng cho các dàn nhạc đệm muốn thử nghiệm hoặc chứng tỏ tài năng.

Giá trị trường tồn của ca khúc Thiên Thai

Nghe ca khúc Thiên thai của Văn Cao cũng tựa như xem một câu chuyện ly kỳ cuốn hút; không có cái cảm giác nghe đi nghe lại mà không biết chán như đối với nhiều ca khúc rất hay khác; sau khi nghe một cách nghiêm túc và bay bổng, ta cần nghỉ một thời gian để cho tâm hồn mình lắng xuống, để cho những bận bịu bộn bề của cuộc sống thường nhật cuốn ta đi, rồi một ngày mỏi mệt và suy sụp, ta quay lại với nó, nhắm mắt và tĩnh tâm mà nghe lại nó để tâm hồn ta được thăng hoa trở lại, cho phép mình mơ về một chốn thiên đường. Đây là giá trị “nâng đỡ tinh thần’ tuyệt diệu của Thiên thai.

Thiên thai là bài trường ca của một quá khứ xa xăm, đã bị từng bị che đậy và chôn vùi sau bao nhiêu biến cố vĩ đại của lịch sử và thời cuộc, nhưng nó cũng là bản trường ca của hiện tại và tương lai. Bởi vì vẫn luôn có rất nhiều ca sĩ muốn thử sức và khẳng định tên tuổi của mình với bài hát này, và nhất là mong ước trong sâu thẳm sinh mệnh mỗi con người chúng ta về một nơi thiên giới vô cùng đẹp đẽ, bình an và bất tử. Từ đầu cho đến cuối cuộc đời, nhạc sĩ Văn Cao chắc chắn vẫn luôn mơ về một cõi Thiên thai nơi “ngày tháng chưa tàn qua một lần” như thế.

Hoài Ân

Xem thêm: 

Sources:

BÀI LIÊN QUAN