Đối nhân xử thế: Những bài học quý báu của cổ nhân

Đối nhân xử thế: Những bài học quý báu của cổ nhân

Trí tuệ, thông minh, sáng suốt là mục tiêu chúng ta theo đuổi suốt cuộc đời này. Khiến cho chúng ta có được sự sáng suốt trong khi giải quyết các vấn đề, từ đó cuộc sống của chúng ta trở nên thư thái, vui vẻ. Dưới đây là những bài học đối nhân xử thế từ cổ nhân đáng để ta học hỏi.

Đối nhân xử thế của cổ nhân

Hay giúp đỡ người, luôn có thần hỗ trợ

Vương Thường, người Lạc Dương, là người hay giúp đỡ người khác. Ông ghét ác như thù, thấy người gặp bất bình liền ra tay tương trợ; thấy người đói rét là cho cơm cho áo, dù bản thân chịu đói chịu rét ông cũng không do dự.

Năm thứ hai Chí Đức thời nhà Đường (757), Vương Thường trên đường vào núi Chung Nam thì gặp trận mưa to, đành qua đêm trong núi. Nửa đêm thì mưa ngừng, trăng thanh gió mát. Vương Thường ngửa mặt lên trời than: “Mình muốn trị nước yên dân nhưng lại không có chút quyền lực nào, không ai trợ giúp; mình muốn cứu giúp người đói rét trong thiên hạ, nhưng chính mình lại thiếu áo thiếu cơm. Xem ra nói thần linh phù hộ người hiếu tâm chỉ là nói bậy!”

Vừa dứt lời, từ trên không trung hạ xuống một vị thần, hỏi Vương Thường: “Ngươi sao có thể nói như thế?” Vương Thường tay vịn kiếm, một lúc lâu mới đáp: “Tại hạ than thở vì ý chí cả đời không thực hiện được”. Vị thần nói: “Ta có phép thuật có thể biến đá thành vàng, biến nước thành bạc. Tuy không thể bình loạn an bang nhưng có thể cứu giúp người đói rét. Ngươi có muốn học không?”

Vương Thường nói: “Tại hạ cũng từng nghe nói về loại phép thuật này nhưng chưa thấy bao giờ, nghe đâu Tần Thủy Hoàng và Hán Võ Đế từng nghiên cứu loại phép thuật này nhưng không có kết quả, trở thành truyện cười lưu danh thiên hạ”.

Vị thần nói: “Họ đều là vua của cả nước, có vị trí cao để cứu giúp mọi người, thế nhưng lại không đi cứu người mà đi cầu phép thuật thần tiên, đấy là hành động vô cùng sai lầm. Còn ngươi tuy không có địa vị quyền lực nhưng lại có chí hướng cứu giúp thiên hạ, vì thế ngươi có thể học được loại phép thuật này”.

Vương Thường hỏi: “Thật sự có loại phép thuật thế này sao?” Vị thần trả lời: “Đương nhiên có. Vàng và thủy ngân đều là tinh hoa của núi đá, thủy ngân vì là khí thuần âm nên lưu động chứ không cố định, nếu cho kết hợp với khí thuần dương thì thủy ngân sẽ biến thành vàng. Điều này ngươi không phải nghi ngờ, hãy học theo ta đi!”

Sau khi Vương Thường cảm tạ, vị thần lấy ra một cuốn sách đưa cho, Vương Thường quỳ xuống nhận sách. Vị thần lại dặn dò: “Loại phép thuật này tuyệt đối không truyền cho người khác, không được tiết lộ bí mật, đặc biệt là những kẻ quyền quý, họ là người tự có cách để cứu người; cũng không được truyền cho kẻ bất nhân bất nghĩa, vì chúng không quan tâm đến khó khăn hoạn nạn của người khác. Ngươi sau khi học được phép thuật này, ngoài cứu giúp người đời thì tuyệt đối không được biến thành kẻ sống xa xỉ phú quý, bằng không ông trời sẽ khiến phép thuật của ngươi không còn linh nghiệm và giảm bớt tuổi thọ của ngươi”.

Vương Thường lại tiếp tục quỳ xuống cảm tạ, rồi hỏi tiếp: “Con có thể biết ngài là thần tiên nào không?”

Vị thần nói: “Ta là thần núi. Trước đây có một đạo sĩ giấu quyển sách này trong núi, vì ta thấy ngươi là người khí khái nghĩa hiệp nên mới giao quyển sách cho”. Nói xong thần núi biến mất.

Thế rồi Vương Thường đã học được phép thuật trong cuốn sách. Ông đi chu du thiên hạ cứu giúp những người đói khổ.

Vì sao cần có học vấn uyên bác?

Hãy học tập nâng cao năng lực bản thân, vừa giúp ta dễ thành công, vừa giúp ta nhận ra lời người khác là chí lý hay không. Câu chuyện Đường Thượng nước Triệu sau đây sẽ cho ta thấy hai cách hành xử khác biệt của kẻ ngốc và người có học vấn uyên bác khác nhau như thế nào.

Đường Thượng, người nước Triệu, chăm chỉ học tập, học vấn rất uyên bác, thâm sâu, thông hiểu tinh tường về lịch sử.

Đồng niên với ông không ít người đã làm quan. Một người bạn biết tài Đường Thượng bèn hỏi: “Nay, người có tài đều ra làm quan. Ngài tinh thông lịch sử sao chẳng tìm lấy một chức quan?”. Đường Thượng không câu nệ đáp rằng: “Tôi cảm thấy xấu hổ nên mới không ra làm quan đấy!”. Người bạn không cho đó là lời nói thật, bảo rằng: “Đâu thể như thế được, đây chẳng qua là ngài từ chối mà thôi”.

Không bao lâu, đại quân nước Ngụy vây thành Hàm Đan. Đường Thượng cảm thấy thời cơ đã đến, bèn đi thuyết phục Ngụy Huệ Vương giải vây Hàm Đan. Việc thành công, Triệu Vương thưởng lớn. Cắt ấp Bá Dương phong cho ông ta. Người bạn cũ nhân đó càng chắc mẩm Đường Thượng không ưa làm quan.

Được ít lâu, người bạn kia đến gặp Đường Thượng nói rằng: “Hiện nay, anh trai của tôi không có việc gì làm, ông có thể tìm cho anh ấy một chức vị không?”.

Đường Thượng làm bộ thương tâm đáp rằng: “Đợi quốc quân của nước Vệ chết đi tôi sẽ cho anh trai anh đi làm vua thay ông ta vậy”.

Nào ngờ người bạn tin là thật, bèn đứng dậy lùi lại vài bước mà vái, kính cẩn cảm tạ, nói rằng: “Tốt quá, được như vậy thì tôi cảm ơn ngài nhiều lắm”, khiến cho Đường Thượng dở khóc dở cười.

Cảm nghĩ: 

Câu chuyện trên đây cho ta thấy được sự khác biệt rất lớn giữa người có học vấn uyên bác và kẻ không được học hành.

Đường Thượng, người nước Triệu, chăm chỉ học tập, học vấn rất uyên bác, thâm sâu, thông hiểu tinh tường về lịch sử. Ông biết lúc nào có thể dựng lên cơ nghiệp. Nên dù người bạn đồng niên đến nói chuyện với ông: “Nay, người có tài đều ra làm quan. Ngài tinh thông lịch sử sao chẳng tìm lấy một chức quan?” Mà ông cũng không động tâm mặc dù câu nói trên có vẻ rất đúng đắn.

Là người uyên bác nên ông nắm rõ được thời cơ để dựng lên nghiệp lớn. Chính vì thế, khi đại quân nước Ngụy vây thành Hàm Đan, với người thường thì đó là loạn lạc, phải lo chạy loạn, còn với Đường Thượng cảm thấy thời cơ đã đến, bèn đi thuyết phục Ngụy Huệ Vương giải vây Hàm Đan. Việc thành công, Triệu Vương thưởng lớn. Cắt ấp Bá Dương phong cho ông ta. Đây là cái trí của người tài.

Còn người bạn của Đường Thượng không tin cái điều đáng tin, mà lại tin vào những điều không đáng tin, những điều rất phi lý. Đó chính là cái tật của người ngốc nghếch, vì không có học vấn để đối chiếu, không có tư duy được rèn giũa qua qua trình dùi mài kinh sử. Nên mới gây ra những chuyện dở khóc dở cười.

Cho nên học vấn là thứ rất quan trọng, chúng ta cần thường xuyên phải trau dồi. Để làm việc gì cũng không nên dựa vào ý kiến chủ quan của người khác, cũng không nên ngây thơ coi những lời nói của những người thành công như những câu danh ngôn chí lý. Cần phải có chính kiến của bản thân và luôn giữ gìn đầu óc tỉnh táo sáng suốt. Có như vậy, ta mới có thể nắm bắt được cơ hội gây dựng sự nghiệp cho bản thân.

Nhân tài cần trọng thị

Những người tài năng, thường có chút dị biệt so với người thường, đồng thời có cái tôi rất lớn. Để họ mang tài năng ra giúp mình, giúp người thì quả thật không dễ. Qua câu chuyện trọng thị nhân tài của Yến Tử dưới đây, ta thấy được thái độ đối đãi với nhân tài của người xưa như thế nào.

Yến Tử trên đường đi sứ nước Tấn về, nhìn thấy một người mặc áo da lộn, lưng đầy cỏ đang nghỉ ngơi ở ven đường, khí chất không tầm thường. Yến Tử sai người lại hỏi: “Tại sao anh lại đến nơi này?”.

Người đó trả lời: “Tôi tên là Việt Thạch Phu, hiện đương làm nô lệ cho người Tề”. Yến Tử than: “Ôi! Tôi hiểu rồi!”, lập tức cởi con ngựa bên trái xe, chuộc Việt Thạch Phu ra, cho ngồi cùng xe về nước.

Đến quán trọ nghỉ ngơi, Yến Tử không chào hỏi Việt Thạch Phu mà đi thẳng vào trong. Việt Thạch Phu lấy làm giận, tuyệt giao với Yến Tử.

Yến Tử lại sai người đến nói: “Tôi không phải là bạn của anh, nhưng tôi đã cứu anh từ trong hoạn nạn, tôi đối với anh như vậy vẫn chưa có ý nghĩa gì sao?”.

Việt Thạch Phu giận dữ nói rằng: “Tôi nghe nói người quân tử không hiểu người đứng trước mặt mình, có thể nhận lấy sự nhục nhã. Tôi đã hiểu người trước mặt tôi, có thể ưỡn ngực làm người rồi, cho nên tôi muốn tuyệt giao với anh”.

Yến Tử nghe được vội chạy đến trước mặt Việt Thạch Phu cung kính xin lỗi: “Trên đường đi, tôi mới chỉ nhìn thấy bề ngoài của anh nhưng bây giờ tôi đã nhìn thấy tâm trí anh. Tôi nghe nói, xem xét con người thực tế của người khác, không thể để ý đến cách nhìn của người khác với mình. Người xem xét hành vi của người khác không thể suy nghĩ được lời nói của người khác. Bây giờ tôi nhận lỗi với anh, anh đừng tuyệt giao với tôi nhé!”.

Việt Thạch Phu nghiêm cẩn đáp: “Anh đã dùng lễ đối đãi tôi, tôi sao dám chẳng cung kính vâng mệnh!”.

Từ đó về sau, Yến Tử đãi Việt Thạch Phu làm thượng khách.

Cảm nghĩ:

Những người tài năng, thường có chút dị biệt so với người thường, đồng thời có cái tôi rất lớn. Để họ mang tài năng ra giúp mình, giúp người thì quả thật không dễ.

Qua câu chuyện dưới đây ta thấy Yến Tử là một người rất tinh tường và rất biết trọng dụng nhân tài. Ông nhận ra Việt Thạch Phu khí chất không tầm thường dù đang làm nô lệ cho nước Tề. Sau khi chuộc ra, vì một chút sơ xuất mà khiến Việt Thạch Phu tức giận. Tuy có chút ủy khuất vì mình cứu người mà người phụ mình, nhưng Yến Tử rất nhanh chóng nhận ra sai lầm của mình và sửa sai, xin lỗi Việt Thạch Phu.

Người xưa có câu: “tôi trung không thờ hai chủ”. Nên những người quân tử ngày xưa vô cùng thận trọng khi tìm minh chủ cho mình. Nên khi biết được tấm lòng của Yến Tử, Việt Thạch Phu đã vô cùng xúc động: “Anh đã dùng lễ đối đãi tôi, tôi sao dám chẳng cung kính vâng mệnh!”. Đó chính là xúc động vì tìm được người tri kỷ vậy.

Không thể lấy yêu ghét để đánh giá người khác

Quan hệ giữa Hy Triệu và Tạ Huyền không được tốt. Phù Kiên muốn tiêu diệt Đông Tấn, đã thôn tính Lương Châu, lại nuốt chửng phía nam của Hoài Hà. Vua Đông Tấn muốn cử Tạ Huyền ra phương Bắc thảo phạt Phù Kiên, trong triều ai cũng phản đối.

Chỉ có Hy Triệu nói rằng: “Sắp xếp như vậy chắc chắn sẽ thành công. Trước đây tôi cùng làm việc với Tạ Huyền dưới trướng Hoàn Ôn, xem cách dùng người của anh ta có thể khiến họ làm việc hết sức mình, dù là việc nhỏ cũng cho người được ủy thác lựa chọn. Từ đây phán đoán Tạ Huyền nhất định sẽ lập được công lao”.

Quả nhiên Tạ Huyền lập được công lớn, mọi người đều ca ngợi Hy Triệu có cái nhìn sáng suốt, lại càng bái phục Hy Triệu đã không vì những mâu thuẫn giữa hai người mà che giấu đi những điều tốt của ông ta.

Phân tích: 

Hy Triệu không vì những ân oán cá nhân mà làm hại đến lợi ích Quốc gia, đây chính là điểm sáng suốt hơn người của ông ấy. Trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp khó tránh khỏi mâu thuẫn, hiểu nhầm. Người hẹp hòi kém đức thì vui vẻ khi người khác rơi vào khó khăn, sinh lòng đố kỵ lúc người ta thuận buồm xuôi gió. Người độ lượng khoan dung thì rạch ròi công – tư, không mượn việc công để trả thù riêng, không lợi dụng việc công đả kích người ta lúc khó khăn. Như vậy, vừa được mọi người khâm phục vì sự thẳng thắn vừa có thể bằng tấm lòng rộng mở của mình hóa giải oán thù. Những kẻ lòng không ngay thật, lúc người ta hoạn nạn vui vẻ mà vỗ tay, chất chồng mâu thuẫn, khoét sâu cừu hận, đối với chính bản thân mình có gì là tốt???

Xem thêm: Đừng chê bai người khác: Câu chuyện Đặng Tích – Bá Phong Tử

Nóng nảy nhưng cần tỉnh táo

Người bình thường nóng nảy thường không kiềm chế được mình mà gây ra những chuyện hại mình, hại người, hậu quả dài lâu. Làm người tốt nhất là hãy kiềm chế cơn nóng giận, nếu không thì hãy học cách nóng giận của Vương Thuật dưới đây.

Vương Thuật tính tình vô cùng nóng nảy. Có một lần anh ta ăn trứng gà, dùng đũa gắp, quả trứng cứ lăn lộn không gắp được, lập tức nổi cáu cầm trứng ném xuống đất. Quả trứng vẫn lăn đi lăn lại không dừng, Vương Thuật lấy thanh gỗ để đập quả trứng, đập cũng không được. Bực quá anh ta cầm quả trứng trên đất bỏ vào miệng, nhai nát rồi nhổ ra.

Tạ Vô Dịch tính tình cũng nóng nảy, vốn có mâu thuẫn nhỏ với Vương Thuật, liền thẳng giọng mắng lấy mắng để Vương Thuật không chút e ngại. Vương Thuật nghiêm túc đứng nghe không hề có chút gì bực bội. Mắng mỏ một hồi, Tạ Vô Dịch bỏ đi. Đợi rất lâu Vương Thuật mới quay đầu hỏi người bên cạnh: “Anh ta đi chưa?”. Người đó nói: “Đã đi rồi!“. Vương Thuật mới quay về chỗ ngồi. Lúc đó mọi người đều khen ngợi anh ta, tuy rằng tính tình có hơi nóng nảy một chút nhưng lại có thể khoan dung tha thứ.

Vương Hy nghe chuyện này liền cười ha hả nói rằng: “Dù cho Vương Thuật tính tình có nóng nảy, vẫn có chút đáng tiếp thu, còn Tạ Vô Dịch thì sao?”.

Phân tích: 

Từ chuyện Vương Thuật ăn trứng có thể nhìn ra được anh ấy chính xác là một người nóng nảy. Bị Tạ Vô Dịch lớn tiếng mẳng chửi trước mặt người khác, anh ta lại có thể trấn tĩnh, đấy là điểm khác của hai người. Xét cho cùng, nguyên nhân này cũng rất đơn giản: giận dữ với quả trứng không có sinh mạng, thì quả trứng đó không thể trả thù mình nhưng nếu với những kẻ nói năng ngạo mạn thì rất dễ kết thành thù hận. Bản thân vướng vào thù hận, ngày sau khó tránh khỏi bị người ta tìm cơ hội báo thù. Lúc này tổn thất với bản thân đâu chỉ giống như quả trứng vỡ.

Người nóng nẩy luôn phải nghĩ đến hậu quả không tốt cho chính mình, nỗ lực tu tâm dưỡng tính, giữ lấy sự ôn hoà bình tĩnh, dần thay đổi tính tình. Trong một thời gian ngắn không thay đổi được thì tự tìm cách trút giận thích hợp không để nguy hại đến mình, giống như Vương Thuật trút giận lên quả trứng. Muốn an bình, thanh thản, cách tốt nhất là bỏ đi tính nóng nảy của mình.

Ngu Công 90 tuổi vẫn dời núi: Trên đời không có việc gì khó

Một người nếu đến 90 tuổi thì thường thì chỉ nghĩ đến an nhàn và chờ đợi về với tổ tiên, mọi ý chí, mong muốn đã kết thúc từ lâu. Tuy nhiên câu chuyện Ngu Công 90 tuổi vẫn dời núi đã cho chúng ta một bài học: “Trên đời không có việc gì khó”

Ngu Công đưa mọi người đến phía trước ngọn núi, đất đá đào ra dùng sọt vận chuyển đến đổ ở đuôi Bột Hải…

Núi Thái Hành, Vương Thất rộng bẩy trăm mét vuông, cao bẩy mươi tám vạn tấc, trước đây là phía nam của Dực Châu, phía bắc của Hà Dương.

Ở giữa phía bắc của hai ngọn núi có một ông già tên là Ngu Công, khoảng chín mươi tuổi rồi, sống trong ngọn núi to đó. Việc đi lại rất không thuận tiện, cho nên mọi người cùng bàn bạc, quyết tâm mở núi làm đường, để cho đường đi thông đến phía nam Hà Dương, phía bắc của Hán Thuỷ. Vợ Ngu Công nói: “Sức lực của ông, đến một hòn đất nho nhỏ cũng không cầm nổi, làm sao còn có thể dời được hai ngọn núi Thái Hành và Vương Thất kia? Hơn nữa đất đá đào ra nhiều như thế này, đổ ở đâu chứ?”. Mọi người đều trả lời rằng: “Đổ ở đuôi Bột Hải, ở phía bắc của Ấn Thổ”.

Sau đó, Ngu Công đưa mọi người đến phía trước ngọn núi, đất đá đào ra dùng sọt vận chuyển đến đổ ở đuôi Bột Hải. Con của một bà quả phụ hàng xóm mới bẩy tám tuổi cũng đến giúp. Mọi người không ngại khó khăn, dầm sương dãi nắng, chống chọi với thiên nhiên, thời tiết thay đổi, một mùa mới về nhà một lần.

Ở Hà Khúc, có một người tên là Trí Tẩu, cảm thấy việc này không đem lại kết quả gì, liền chạy đến khuyên can Ngu Công: “Trời ơi! Ông thật là một lão già ngu ngốc, bản thân ông đã sắp kề miệng áo quan rồi, sức lực yếu ớt, đến một cây cỏ nhỏ ở trên núi cũng không nhổ nổi, sao có thể chuyển được hai ngọn núi này?”. Ngu Công thở dài nói: “Ông không bằng đứa con của một bà quả phụ! Ông biết khi tôi đã chết rồi vẫn còn con tôi, con tôi lại sinh ra cháu tôi, cháu tôi lại sinh ra con cái, con con cháu cháu, vô cùng vô tận; mà ngọn núi này không thể mỗi ngày một cao thêm, sao không thể san bằng chứ?”. Lời nói của Ngu Công khiến cho Trí Tẩu không thể nói gì nữa.

Thần núi nghe thấy những lời này, sợ rằng Ngu Công sẽ vẫn tiếp tục đào núi, bèn báo cáo với Thiên đế. Thiên đế cảm động lòng quyết tâm của ông ta, bèn lệnh cho hai con của Khoa Nga Thị cõng hai ngọn núi này đi, một ngọn đặt ở phía đông của Sóc Phương, một ngọn đặt ở phía bắc của Ấn Thổ. Từ đó về sau phía nam của Dực Châu, phía bắc của Hà Dương không còn trở ngại nữa.

Phân tích: 

Mọi người thường nói, trên đời không có việc gì khó, chỉ sợ không có quyết tâm. Chỉ cần có hoài bão, thì không có khó khăn gì không khắc phục được, chúng ta phải đem lòng quyết tâm của Ngu Công vào công việc và học tập thì nhất định sẽ có thành công. Ngược lại nếu như nhận nhẹ sợ nặng, sợ trước sợ sau sẽ không thành công việc gì cả.

Có người cho rằng chuyện Ngu Công quá xa rồi, không thể áp dụng vào thời đại hiện nay được. Nhưng không, ngày nay vẫn có những tấm gương sáng về khởi nghiệp ở độ tuổi “xưa nay hiếm” mà vẫn đem lại thành công rực rỡ.

Ông chủ KFC: Khởi nghiệp ở tuổi 65, qua 1009 lần thất bại để thành triệu phú ở tuổi 75 là một hình mẫu tiêu biểu của những người thành công khi đã về già. Ngày nay KFC là thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng nhất thế giới với hơn 10000 cửa hàng ở 92 quốc gia.

Dù là kẻ nông phu cũng nên có chí lớn

Khi Trần Thiệp còn trẻ, từng làm nghề đào giếng thuê. Có lần ngồi dưới đáy giếng, anh ta rầu rĩ hồi lâu rồi nói: “Nếu như sớm có một triều đại giàu sang thịnh vượng, thì họ sẽ chẳng bao giờ quên tôi”.

Người chủ thuê anh ta cười nói rằng: “Anh chỉ là người đào giếng thuê, sao có thể giàu có được?”, Trần Thiệp thở dài nói: “Than ôi, chim yến, chim sẻ sao có thể hiểu nổi chí của chim nhạn!”.

Phân tích: 

Trần Thiệp dẫu chỉ là một người nông phu đào giếng thuê, nhưng trong lòng lại có hoài bão, chí hướng lớn, giống như chim nhạn ở trên cao, anh ta không cam lòng cả đời làm người đào giếng thuê. Người bình thường sẽ bằng lòng với những gì trước mắt, không có ý vượt qua, thay đổi vận mệnh của mình, thậm chí cười nhạo khi nghe thấy lý tưởng, hoài bão của người khác. Xuất thân nghèo hèn hay thấp kém là do số mệnh ban đầu, mình không được lựa chọn, nhưng không có chí hướng cao xa thì không làm được gì cả. Chỉ cần có hoài bão, mơ ước, có tiềm lực tài năng, sẽ khiến con người theo đuổi được lý tưởng của mình, luôn luôn chú ý đến từng phương diện của mình. Quay lại lịch sử, mỗi người thành đạt đều theo đuổi những lý tưởng cao siêu, đều không bằng lòng với thực tại.

Mẹo trị quan tham của Tri phủ Huống Trung

Khi Huống Trung đảm nhiệm chức Tri phủ ở Tô Châu, khi mới đến giả vờ làm như ngu đần, hiền lành, các quan tư lại làm rối loạn kỷ cương, đều giả vờ như không biết…

Quan Tông phán Triệu Thầm cố ý làm nhục Huống Trung, Huống Trung cũng không tính toán gì. Một tháng sau, Huống Trung cho triệu tập các quan tư lại ở trước phủ đường, lớn tiếng trách hỏi: “Hàng ngày làm mỗi việc các ngươi đều nhận hối lộ, đúng như vậy không?”. Các quan Tư Sử đều sợ run cầm cập, không dám biện bạch. Huống Trung dõng dạc tuyên bố xử tử sáu quan Tư sử, áp giải ra chợ hành hình. Ông ta còn hạ chức năm thuộc hạ tham ô, cách chức mười người không có năng lực cơ dụng. Sau đó, các quan Tư sử và điêu dân rất sợ hãi, cẩn thận nghe theo hiệu lệnh, cũng không dám bằng mặt, không bằng lòng. Dân chúng Tô Châu gọi ông ta là Huống Thanh Thiên.

Tư Trị Thông Giám

Phân tích: 

Huống Trung là quan thanh liêm, lấy mưu lược lâu dài. Phương pháp tiến hành trừng trị quan tham của ông ta là chú ý quan sát thực tiễn, làm cho bọn họ mất cảnh giác, khiến cho bọn họ dương dương đắc ý, quên mất hiện thực, lộ ra những chân tướng của mình, từ đó có được căn cư, bằng chứng, khi trừng trị cũng khiến cho họ tâm phục, khẩu phục. Điều này giống như sự kỳ diệu của những khúc nhạc làm cho người diễn say sưa. Những thối nát hủ bại trong chốn quan trường cũng khó có thể trị tận gốc,  nhưng nếu như vừa mới nhận chức đã dương cờ giong trống để ra oai thanh thế, như vậy chỉ có thể đánh rắn động cỏ mà thôi, thêm sự đề phòng cho đối phương, không thể tiêu trừ chúng tận gốc mà ngược lại sẽ đem lại nhiều phiền toái, nguy hiểm cho bản thân mình.

Từ sự thông minh, trí tuệ của Huống Trung, có thể nhìn thấy việc mưu kế vận dụng vô thanh, vô tức, nhất định phải có sự nhẫn nại, nhất định không được đánh rắn động cỏ. Đợi đến khi mọi chuyện chuẩn bị đầy đủ, lúc đó mới khống chế người khác. Nhất tĩnh nhất động, chính là thể hiện được tài trí, mưu lược của người lãnh đạo.

Một vài suy nghĩ chia sẻ cùng bạn đọc

Vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân từng nói với các đại thần rằng: “Việc lấy đồng để làm gương soi, có thể khiến cho người ta thấy quần áo dung mạo của mình có đoan trang không? Lấy lịch sử làm gương soi có thể khiến người ta hiểu được cái lý lẽ hưng thịnh, suy vong của một quốc gia, lấy những người sáng suốt, có kiến thức rộng rãi để làm gương soi sẽ cho người ta hiểu rõ nguyên nhân của cái được, cái mất. Nói chính xác hơn, lịch sử là một tấm gương, để cho chúng ta dành chút ít thời gian thường ngày soi trước chiếc gương này, ta nghĩ nhất định sẽ thu được những kết quả tốt”.

Nền văn hóa lịch sử rực rỡ lâu đời của Trung Quốc là một kho tàng tri thức quý báu, do tiền nhân đã dùng hai bàn tay và khối óc trí tuệ trải qua bao khó khăn sáng tạo, tích luỹ mới có được. Cũng giống như những hạt cát trong bụng con trai trai, trải qua những tôi luyện vất vả, những thử thách thời gian, rồi cuối cùng thăng hoa trở thành một thứ ngọc quý lấp lánh ánh sáng. Những tri thức đó thật quý giá.

Nhưng chúng ta đang ở vào thời kỳ nền kinh tế phát triển nhanh, hàng ngày chúng ta đều vội vội vàng vàng, bôn ba lo toan cho cuộc sống, thực ra rất ít khi có tâm trí hay thời gian để nói chuyện về lịch sử, rồi từ đó để suy ngẫm xem mình cần sống như thế nào.

Trí tuệ, thông minh, sáng suốt là mục tiêu chúng ta theo đuổi suốt cuộc đời này. Khiến cho chúng ta có được sự sáng suốt trong khi giải quyết các vấn đề, từ đó cuộc sống của chúng ta trở nên thư thái, vui vẻ.

Ngoài ra, như chúng ta biết, thường là những sách vở có liên quan đến lịch sử, tương đối khó hiểu. Chúng tôi cố gắng tránh điểm đó, tuyển chọn những câu chuyện dễ hiểu, khiến cho người ta có cách nhìn mới, càng phù hợp với sở hiếu của con người hiện đại, cũng phù hợp với sự phát triển nhanh của xã hội.

Học để có học vấn, Lịch Sử như một người cao tuổi đã trải qua thử thách của thời gian, có được những kinh nghiệm phong phú, tư chất tương đối thâm sâu. Chúng ta đều là con của ông ta, ông ta có thể cho chúng ta rất nhiều thứ, không chỉ có thể khiến cho chúng ta ít đi vào những con đường vòng, mà còn đem lại cho chúng ta sự thông minh, uyên bác.

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN