Facebook lợi hay hại?

Facebook lợi hay hại?

Tôi được nhìn thấy chiếc máy tính lần đầu tiên trong đời lúc còn học trung học- nó to như chiếc tủ lạnh và còn chưa có bàn phím. Chúng tôi phải dùng những tấm thẻ để nhập dữ liệu. Chúng tôi háo hức lập trình để viết đi viết lại những câu như “chúc mừng sinh nhật” hay “giờ học thật chán quá” chứ không được tài năng như Bill Gate.

Năm 1991 tôi sắm chiếc máy tính cá nhân đầu tiên cho mình, hiệu Macintosh Classic. Sau đó không lâu tôi kết nối máy tính với internet (chi phí lúc đó là 36 đô la một giờ). Kể từ đó mọi thứ diễn ra thật nhanh chóng- máy tính trở nên nhanh hơn, nhỏ hơn, đẹp hơn, rẻ hơn, có thêm các chức năng gọi điện, mua sắm, âm nhạc, bản đồ, ứng dụng, camera hoặc tương tự. Và trong quá trình đó mạng xã hội hình thành. Nếu có một thứ gì đó được dùng để đánh dấu sự khác biệt giữa thế kỷ này với thế kỷ trước thì đó chính là mạng xã hội.

Trong rất nhiều các lựa chọn mạng xã hội thì Facebook đang chiếm vị trí hàng đầu. Nó bắt đầu phát triển nhanh chóng từ năm 2004 và đến nay đã đạt được những con số thống kê ấn tượng; hàng tháng có một tỉ người sử dụng Facebook (dân số thế giới có khoảng 7 tỉ); 60% số người độ tuổi trưởng thành đã sử dụng mạng xã hội này; nó được phổ biến với hơn 70 ngôn ngữ. Nó thậm chí còn có vai trò hỗ trợ lật đổ chính quyền và tạo điều kiện cho sự thay đổi đồng bộ trên toàn thế giới.


Chưa bao giờ chúng ta có thể chia sẻ suy nghĩ ở phạm vi rộng như vậy.


Khoảng một trăm năm trước nếu bạn quen biết 100 người thì bạn thật may mắn (hoặc cũng có thể là thiếu may mắn tùy vào cách nhìn của bạn). Lúc đó nếu bạn muốn nói điều gì thì có vài ba người lắng nghe. Nếu bạn có tin gì thật sốt dẻo thì tin đó cũng có thể đến tai vài trăm người nhưng sẽ phải mất nhiều thời gian và hơn thế nữa có có thể bị tam sao thất bản khi truyền miệng từ người này sang người kia, giống như trò chơi tên là Chinese Whispers trên truyền hình có vậy.

Mạng xã hội làm cho hoạt động truyền thông trở nên nhanh và rộng rãi hơn thông qua một mạng lưới chằng chịt các kết nối ảo. Chưa bao giờ như lúc này, chúng ta có công cụ ngay trong tầm tay có thể giúp rất nhiều người kết nối, tư duy và hành động đồng loạt. Chưa bao giờ chúng ta có thể chia sẻ suy nghĩ ở phạm vi rộng như vậy.

Mạng xã hội đang thay đổi phương thức người ta đưa ra tiếng nói của mình. Bạn không cần phải là một nhà văn giỏi hay một người tư duy sáng suốt hay nhà lãnh đạo lỗi lạc hoặc là ông trùm truyền thông nào đó mới có thể quảng bá ý kiến suy nghĩ của mình. Tất cả những gì bạn phải làm là tạo một tài khoản và gia nhập vào thế giới kỳ diệu của mạng xã hội. Dù ý tưởng của bạn có hay hay dở, thông điệp có mang hi vọng, giận dữ, chán ghét hay sợ hãi v.v thì bạn đều có thể chia sẻ rộng rãi chỉ bằng một cú nhấp chuột.

Các nhà xã hội học mới chỉ đang bắt đầu tìm hiểu về những hệ lụy của hiện tượng này. Người ta đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu nhưng chưa đưa ra được nhiều kết luận. Có một số bằng chứng dựa trên quan sát thực tế cho thấy sử dụng mạng xã hội quá nhiều có thể khiến người ta buồn rầu nhưng không phải ai cũng đồng ý với kết luận này. Có rất nhiều câu chuyện khác về việc nhiều người đã tự chuốc lấy nhiều phiền phức do tiết lộ quá nhiều thông tin. Nhưng ngoài ra chỉ có thế. Hiện tượng xã hội này đang ảnh hưởng đến nửa thế giới nhưng người ta vẫn chỉ dừng lại ở mức mò đoán xem hệ lụy của mạng xã hội là gì! Điều này thật đáng sợ hay đáng vui?

Tại sao Facebook lại trở nên quá phổ biến?

Có lẽ điều đầu tiên giúp ích một chút là chúng ta cùng trả lời câu hỏi tại sao Facebook lại phổ biến như vậy. Tại sao bạn lại sử dụng Facebook? Vì nó có rất nhiều ảnh, nó giúp tiếp cận cuộc sống của những người khác, nó cung cấp tin tức, bạn có thể dễ dàng liên lạc với người thân/bạn bè, là cách rất tốt để kết bạn, thật vui vì tìm lại được bạn cũ, là nơi giúp việc quảng bá sản phẩm trở nên dễ dàng, là nơi để kinh doanh, chơi game, hẹn hò, mời bạn bè tham gia sự kiện v.v Và danh sách còn dài nữa.

Tôi thích Facebook nhưng với nhiều cảm xúc đan xen. Hầu hết người thân và bạn bè của tôi đều có tài khoản trên Facebook. Hôm nay tôi biết là em gái tôi đã đi biển, một người thân khác thì đang tập chơi đàn vĩ cầm. Bố tôi đến Hội Bóng Bầu Dục (RSL) uống bia tối qua. Chút nữa tôi sẽ gửi đường dẫn trang web tới mục này hay mục kia trên Facebook của tôi. Ngày mai điều đầu tiên tôi làm là kiểm tra xem có bao nhiêu lượt yêu thích (“like”) trên Facebook của tôi. Tôi sẽ kiểm tra phần bình luận (“comments”) và có thể phản hồi một vài bình luận. Cảm giác thật dễ chịu khi được tương tác với bạn bè và người thân. Tôi cảm thấy ít cô đơn hơn.

Tôi đã suy nghĩ nát óc về hiện tượng tâm lý từ Facebook. Rõ ràng một phần nguyên nhân Facebook lại hấp dẫn đến vậy chính là vì nó nuôi dưỡng lòng tự tôn của chúng ta. Facebook là phương tiện hoàn hảo giúp chúng ta thể hiện bản thân với thế giới xung quanh theo cách mà chúng ta muốn được nhìn nhận. Chúng ta thể hiện phần bản thân mà chúng ta “ưa thích hơn”. Có vài người gọi đó là “tạo hình ảnh”.

Rất khó để tạo hình ảnh trong thế giới thật: rất khó để bạn có thể giấu đi cảm xúc hay ngôn ngữ cơ thể; chúng có thể phản bội bạn. Tuy nhiên trong thế giới ảo thì lại không phải vậy.

Tại sao bạn lại đăng bài lên? Bạn chắc là đã thận trọng rồi chứ? Người ta có thể dễ dàng hiểu sai về bài đăng đó- tôi nghĩ là bức ảnh thể hiện sự vui vẻ của tôi nhưng người khác có khi lại nghĩ rằng tôi tìm sự đồng cảm. Tôi có thể lỡ gửi lời bình luận trong lúc tôi say xỉn hoặc cáu giận và có thể sẽ phải hối tiếc sau đó. Dù gì chăng nữa, Facebook nuôi dưỡng và cổ vũ cho việc thể hiện lòng tự tôn.

Ngoài ra nó còn khơi dậy tính tò mò tiềm tại trong chúng ta, muốn biết người khác đang làm gì. Facebook là phương tiện giúp tìm hiểu đời tư của những người khác- người ta gọi đó là theo dõi lén trên Facebook. Nhờ Facebook bạn có thể so sánh bản thân với người khác, nó giống như chiếc thước đo vậy. Vấn đề ở đây là hầu hết mọi người chỉ đăng lên nhưng câu chuyện thành công của họ, dễ dẫn bạn đến lối suy nghĩ cả thế giới ngoài kia là một bữa tiệc mà bạn lại không được mời.

Bị vu khống

Một nhân tố tâm lý khác là hiệu ứng phần thưởng tích cực từ việc đăng bài trên Facebook. Phần thưởng tích cực gián đoạn là hình thức phần thưởng mạnh nhất – đó là nhân tố thúc đẩy ngành công nghiệp cá cược – điều kỳ lạ, không dự đoán được giành phần thắng. Nó mạnh hơn phần thưởng tích cực có thể đoán trước được. Facebook là ví dụ hoàn hảo cho hiệu ứng phần thưởng tích cực gián đoạn. Liệu tôi có được nhiều nút  “likes” cho nội dung này không? Bao nhiêu “likes” nhỉ? Tất nhiên không hề có nút “chán ghét” (hates). Bạn có thể nhận được những bình luận tiêu cực nhưng bình luận thì ít thấy hơn “likes” rất nhiều. Facebook nghiêng thế cân bằng giữa ‘được ưa thích’ và ‘bị bình luận tiêu cực’ hẳn về phía ‘được ưa thích’, nhưng hiệu ứng này có tính gián đoạn và không đoán trước được. Đây là công thức hoàn hảo để lôi cuốn người dùng.

Facebook có phải là thể hiện cho khao khát mạnh mẽ về kết nối xã hội không? Hàng thập kỷ nay các nhà nghiên cứu đã cho rằng các thành phố lớn có thể còn trở nên cô đơn hơn là những tỉnh lẻ. Trong bối cảnh toàn cầu đang tiến đến đô thị hóa, liệu có phải sự phổ biến của Facebook là phản ứng đáp lại trước cảm giác lạc lõng giữa đám đông?

Mặt tiêu cực?

Rất nhiều người cho rằng Facebook chỉ là một trào lưu thời thượng – nó xuất hiện, mọi người hào hứng sử dụng và rồi nó sẽ đi, sau đó chúng ta lại có điều gì hay ho mới khác nữa để theo đuổi và quên đi cái cũ. Giống như trào lưu thời thượng khác, Facebook chứa nguy cơ bị sử dụng quá nhiều hay thậm chí là nghiện ngập. Có thể thấy một rủi ro đó là Facebook làm giảm đi sự tương tác xã hội giữa người với người một cách trực tiếp, phi kỹ thuật số. Sự “kết nối” đó thực ra có đang dẫn đến sự cắt đứt kết nối hay không?

Rất nhiều người chỉ đơn giản là họ không thích Facebook. Họ thấy được sự nông cạn của nó, họ không thích tự tâng bốc chính mình, họ muốn liên lạc với bạn bè bằng những cách ý nghĩa và thích những người bạn thân ngoài đời hơn là nhiều mối quan biết trên Facebook. Tôi cũng nhận thấy nhiều người biểu lộ việc họ không ưa thích Facebook như là niềm tự hào. Giống như là được gắn một chiếc huy hiệu danh dự vậy.

Hay có thể còn hơn thế – có thể họ đang cảm nhận được điều gì đó mà người dùng Facebook đang còn thiếu? Có lẽ Facebook đang báo trước một dạng suy vi? Suy vi trong giao tiếp hay trong cá tính, hoặc có lẽ chỉ là sự riêng tư? Tất nhiên chỉ vì bạn là người dùng Facebook không có nghĩa là bạn bị loại ra khỏi những lối giao tiếp cũ. Bạn vẫn có thể trò chuyện trong quán cà phê, bạn vẫn có thể nói chuyện qua điện thoại.

Có một điều khá chắc chắn: mạng xã hội đang thay đổi cách giao tiếp của chúng ta. Nếu sự thay đổi là một ngọn lửa nhỏ cháy chầm chậm thì Facebook giống như một chất xúc tác. Facebook đang làm cho ngọn lửa thay đổi cháy nhanh hơn. Hôm nay có khoảng 800 triệu lượt truy cập Facebook (tính đến năm 2015). Tôi thích sự thay đổi nhưng điều này cũng làm tôi hơi lo lắng.

Bởi: Steve Ellen, Monash University

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN