Góc tâm sự: Chị họ – tác giả Trịnh Trần

Góc tâm sự: Chị họ – tác giả Trịnh Trần

Hoàn cảnh của mỗi người mỗi khác không ai giống ai nhưng những ký ức tuổi thơ lúc nào cũng đáng nhớ khó quên trong mỗi người…

Chị họ sinh sau tôi mười hai ngày. Chị có cái tên chẳng giống ai. Miến. Trịnh Thị Miến. Ngày bé, tôi có mang thắc mắc về cái tên của chị ra hỏi. Chị trả lời tỉnh queo:

– Tại mẹ tao thích ăn miến nên đặt tên tao là Miến.

Chị Miến là con thứ ba trong một gia đình toàn “vịt giời”. Bố chị như cái bóng, ẩn dật và lặng lẽ. Bác không uống rượu, không cờ bạc, chỉ hút thuốc lào.

“Thuốc lào Vĩnh Bảo

Chồng hút vợ say..”

Và cái khói thuốc lào êm say ấy ngấm vào đầu bác những tư tưởng đậm chất nông dân ngày xưa :

“Vịt giời là lũ vịt giời

Lớn lên bay mất than trời nỗi chi”

Bố chị, không thấy hà khắc và cũng không thấy yêu thương chị.

***

Chị họ tôi bé như cái tăm, gầy như que củi, lúc còn nhỏ lại hay lè lưỡi nên cả xóm gọi chị là Miến “lè”. Còn tôi là Loan “nhít”. Có mẹ Nhi phải có con “Nhít”, bác hàng xóm bảo thế. Trẻ con cả làng tôi, đứa nào cũng có biệt danh.

Tôi và chị họ thân nhau lắm. Có thể chẳng phải do hợp tính mà bởi cả làng chỉ có tôi và chị là con gái trạc tuổi nhau. Chúng tôi chơi búp bê cùng nhau, chơi đồ hàng cùng nhau. Búp bê thì đích thị là của tôi vì ngày ấy nhà chị nghèo lắm, đến ăn còn không đủ nói gì đến những đồ chơi “xa xỉ” như búp bê. Còn đồ hàng thì hai đứa góp chung, lúc thì quả quất con, lúc thì cây mía “dại”. Hai chị em những ngày mẫu giáo không trông cứ nhẩn nha chơi với nhau suốt được. Chúng tôi lần lượt đóng vai kẻ bán, người mua mãi mà không thấy chán. Và những lúc chơi cùng tôi chị vẫn thường vuốt tóc những con búp bê của tôi cùng ánh mắt thèm thuồng. Những cây bèo lục bình tước thân làm tóc sao có thể so được với con búp bê nhựa tóc vàng mắt xanh?

– Giá tao cũng có một con búp bê như thế này nhỉ.

Chị buồn buồn nhìn xuống. Bàn chân bé nhỏ di di xuống nền đất khô nơi đầu ngõ. Chị vòng một cái búp lá tre non qua cổ làm vòng cho búp bê xong rồi thần người ra nhìn ngắm. Con búp bê nhựa, mặt mũi lem nhem những mực tay tôi vô ý bôi ra, đối với chị, vẫn chỉ là những ước mong xa vời…

Thuở nhỏ vô tâm, tôi ngốc nghếch nhìn chị.

– Thì chị bảo mẹ chị mua cho. Mà mẹ chị không mua cho búp bê thì chị bảo mẹ chị mua cho gấu bông ấy. Mẹ em mới mua cho em một con đây này.

Tôi kéo tủ kính, lấy ra một con gấu bông nhỏ. Tôi vẫn nhớ mãi con gấu bông có bộ lông màu cam mềm mịn, trên cổ có đính cái nơ nhỏ màu hồng mẹ mua tặng tôi khi tôi đoạt giải đặc biệt của hội thi “Bé khỏe bé ngoan”

Ánh mắt chị chợt lấp lánh. Nếu nói chị đáng yêu cũng chỉ nằm ở đôi mắt to tròn ấy. Đôi mắt trong và sáng dường như không gợn những đói khổ, thiếu thốn mà hàng ngày chị vẫn phải trải qua.

Đôi bàn tay bé nhỏ đen thui ôm con gấu bông vào lòng mà ve vuốt. Những cử chỉ nâng niu, trân quý. Chắc là lần đầu tiên chị thấy đồ chơi thực sự mới như thế, vì bình thường, lúc tôi đem khoe chị, đồ chơi của tôi đã bị lem mực từ tay tôi rồi.

Cái đầu chị ngoẹo sang một bên. Miệng chị à ơi lẩm nhẩm những câu hát không thành lời. Chị ru gấu như ru em bé ngủ, tôi thấy thế lại ghen.

– Trả cho em.

Tôi đòi lại con gấu, nhưng chị không chịu trả. Chị lùi một bước, khư khư ôm lấy nó vào lòng.

– Trả lại cho em!

Tôi hét to hơn và gần như bật khóc, lao vào giật lại. Chị cũng không vừa. Chị nhỏ người nhưng rất khỏe khiến một đứa to gấp rưỡi chị như tôi cũng chẳng thể làm gì. Hai đứa cứ giằng co. Nước mắt nước mũi tôi chảy ra tèm lem còn chị thì cương quyết không buông.

“Phựt!”

Hột nhựa đen may mắt gấu bật tung, bắn xuống sàn, lăn vài vòng rồi nằm im một chỗ. Cái màu đen ánh lên giữa ánh sáng buổi trưa hè.

Tôi gào lên.

– Đồ độc ác!

Nước tôi mắt ướt đẫm khuôn mặt, vòng chảy xuống cằm.

Còn chị ngây người ra, nhưng vòng tay vẫn giữ chặt không rời.

Con gấu bông đã bị chột một mắt.

Chị trân trân nhìn cái vật thể màu đen nhỏ xinh ấy trên sàn nhà. Chị mím môi.

Chị làm hỏng con gấu bông của tôi.

Chị làm hỏng ước mơ của chị rồi…

***

Phải đến lúc mẹ tôi về dỗ dành tôi mới chịu nín.

Hôm ấy tôi không biết mẹ tôi đã nói gì với chị. Chỉ nhớ một lát sau chị đặt còn gấu bông lên bàn trả lại cho tôi. Tôi đuổi chị, cương quyết không muốn chơi với chị nữa. Chị cúi đầu lủi thủi ra về.  Cái bóng nhỏ còm cõi đổ xuống sân gạch đỏ.

Tôi giận chị, nhưng được một hôm lại thấy nhớ. Trẻ con không giận nhau lâu được. Và khi thấy thiếu vắng, trẻ con tự động làm lành, không dối lòng, không sĩ diện như người lớn, để chẳng bao giờ phải hối hận vì đã để vuột mất nhau…

***

Chúng tôi lại chơi cùng, lại những búp bê và gấu bông cùng quất con, mía dại bày lên những hòn gạch hồng tươi rút trộm ông tôi từ lò gạch trong vườn. Con gấu bông bị chột một mắt đã được mẹ tôi gắn lại nhưng trông không còn vui như cũ, đôi mắt nó thảng thốt những vệt buồn.

Và chị có gấu mới, một con gấu y chang như của tôi. Tôi tròn xoe mắt hỏi:

– Mẹ chị mua cho chị à.

Chị mím môi không nói gì, lát sau mới bảo.

– Tao đổi lại con gấu cho mày.

Tôi lắc đầu:

– Không, em vẫn thích gấu mẹ em mua.

Tôi rất yêu những thứ mẹ tặng cho mình. Tôi vẫn yêu, dù có thể không gìn giữ nó được trọn vẹn. Sau này tôi mới thấy quả thực là, tình yêu, không nhìn được bằng mắt thường. Tình yêu, phải cảm nhận bằng trái tim…

– Vậy chúng mình chơi trò gấu chị gấu em.

Tôi mừng rơn chẳng thấy ánh mắt chị cũng lấp lánh một nụ cười. Hai chị em lại thân nhau như cũ.

***

Rồi một ngày mùa đông rét mướt, khi trên cây cũng chỉ còn trơ trụi lại cành và gió lạnh căm dội vào lòng người, tôi bỗng nghe cả làng kháo nhau về chị.

– Mới trẻ ranh mà đã biết lừa đảo.

Tôi không hiểu gì, tròn vo trong cái áo bông chạy sang nhà chị. Tôi ghé mắt qua khe cửa. Chị đang bị phạt quỳ ở góc nhà. Bác Phận – mẹ chị, người gầy đét, xanh như tàu là chuối và vẫn thường quặn đau vì sỏi thận đang lăm lăm cái que rào trên tay.

– Ai dạy mày hư như thế! Ai dạy mày…

Lần đầu tiên tôi thấy chị họ của tôi khóc – người chị họ nhỏ bé và đanh đá của tôi. Chị cúi mặt xuống, nước mắt lăn trên má rớt xuống thấm ướt cánh tay áo chị. Đôi vai nhỏ dưới lớp áo mỏng của chị rung lên, mớ tóc hoe vàng xòa ra phía trước. Tôi không nhìn thấy đôi môi chị, nhưng đoán chắc rằng nó đang nẻ toác và chảy máu như năm nào chị cũng vậy. Nước mắt, máu cùng những vết nứt. Mặn, xót và đau. Tôi nem nép đứng vào góc cửa. Với một đứa trẻ, điều đáng buồn nhất là thấy một đứa trẻ khác bị đánh.

Chiếc que rào trong tay bác Phận vung lên. Tôi nhắm mắt lại sợ hãi.

Nhưng bác không đánh chị.

Chiếc que rào trên tay bác rớt xuống. Bác đưa những ngón tay xương xương gầy guộc và chằng chịt gân xanh ôm mặt khóc. Lúc ấy tôi mới thấy chị ngẩng đầu lên. Cặp mắt ngấn nước ánh lên tia nhìn hoảng hốt. Đôi môi nứt đầy những máu. Nước mắt đã làm hoen thêm.

Tôi không muốn nhìn thêm nữa. Tôi nín thở bước từng bước ra cổng rồi ù chạy. Gió lạnh rít bên tai. Tôi thấy khóe mắt mình cay cay.

Thì ra chị đúng là “đồ lừa đảo” thật. Dì chị bên Trung Quốc về chơi, cho chị hai trăm đồng để đi mua kẹo. Ngày ấy với trẻ con thì hai trăm đồng là to lắm rồi. Hai trăm đồng là hai gói kẹo gừng dẹt mỏng to bằng bàn tay. Mà chị họ tôi thì lại thích kẹo gừng nhất.

Chị xé đôi tờ hai trăm đồng, gấp lại cẩn thận rồi lừa trả người ta hai lần thành bốn trăm đồng. Bốn trăm đồng, bốn cái kẹo gừng dẹt mỏng to bằng bàn tay. Bốn cái kẹo gừng đổi thêm cho chị cả những vệt xấu trong mắt người đời.

Khi ấy chúng tôi tám tuổi.

***

Năm chúng tôi mười một tuổi, chị học trường nhà, tôi học trường huyện. Hai chị em ít có thời gian chơi với nhau hơn. Thỉnh thoảng tôi có dẫn bạn về qua ngõ ngang qua nhà chị, chị gọi:

– Nhít ơi…

Rồi sau đó lại im bặt. Tôi rủ chị sang nhà chơi cùng nhưng chị lắc đầu. Đôi mắt to tròn buồn buồn nhìn tôi sau cái cổng có giàn mướp nở hoa vàng bung.

Người ta nói chị gian, nhưng chị chưa bao giờ lấy trộm của tôi thứ gì cả. Người ta sinh ra kiếp nghèo để đôi lúc cũng khổ sở mà làm điều không tốt.

Cuộc sống của chị họ và tôi, về sau lại chỉ ngang qua nhau như thế. Dòng sông tuổi thơ bàng bạc trôi. Tôi thả vào đấy những con thuyền yêu thương, chị thả vào đấy những lá vàng u buồn nơi đáy mắt.

Cho đến một ngày mùa hạ khi chúng tôi mười hai tuổi.

Một buổi chiều cuối tháng năm nắng sẫm vàng như rót mật trên con đường đầy rơm mới. Tôi uể oải dắt xe vào nhà ngang rồi bước lên nhà thì thấy mẹ tôi đang ngồi khóc. Mẹ ngước đôi mắt đỏ hoe lên nhìn tôi:

– Bác Phận mất rồi.

Bác Phận mất rồi…

Giọng mẹ nhẹ như tan ra…

Tôi thấy mình chao đảo.

Một luồng điện chạy dọc sống lưng, tôi nhớ đến đôi mắt trong của chị…

***

Bạt xanh phủ kín cả khoảng sân trước cửa nhà. Tôi chỉ dám đứng lấp ló bên ngoài, qua cái giàn mướp hoa vàng mà tìm bóng dáng chị. Bà nội cấm không cho tôi vào. Mẹ chị cùng tuổi Mùi với tôi. Bà nội sợ trùng thì mẹ chị sẽ bắt tôi đi.

Chị cũng trùng tuổi với mẹ chị.

Và chị cũng bị cấm gặp mẹ chị.

Người ta lôi chị xuống nhà ngang. Mái tóc hoe vàng của chị bung ra, vành khăn tang trắng trên đầu rơi xuống.

Người chị nhũn nát không còn sức lực. Chị bị kéo lê đi như người ta kéo lê một con gì đó đã chết hoặc sắp chết. Tôi không cầm lòng được. Có lẽ tuổi thơ tôi, ngoài ký ức lần bố mẹ cãi nhau, mẹ đập bát còn bố thì vứt nồi cơm điện ra ngoài sân thì ký ức ngày hôm ấy về chị họ là đau lòng nhất.

Tôi ào vào ôm lấy chị rồi òa lên. Tôi khóc như thể chính tôi mới là người vừa mất đi người thân yêu nhất. Người ta bỏ mặc chúng tôi ở đấy.

Chị họ của tôi lạnh ngắt. Chị ngây dại không khóc, cũng chẳng nói được câu gì. Đôi mắt chị vô hồn. Tôi không kiếm được một chút sự sống nào trong đôi mắt ấy. Người ta yêu thương cũng có thể không nói thành lời. Và người ta đau khổ cũng có thể không thể khóc thành tiếng. Tôi giữ chặt chị trong vòng tay mình, lại thấy khói thuốc lào của bố chị vấn vít đâu đây…

Chị họ bé nhỏ của tôi…

Bước chân theo sau quan tài chuệch choạc trên đường đê trơn nhẫy oi nồng phân trâu sau cơn mưa rào mùa hạ.

Chị họ bé nhỏ của tôi…

Đã không còn mẹ nữa rồi.

Những dòng sông tuổi thơ bàng bạc chảy trôi…

Cuộc sống của chị sắp tới sẽ muôn vàn khó khăn

Nhưng mất mát cũng là điều tất yếu khiến người ta trưởng thành…

***

Tôi gặp lại chị họ tôi trong một chiều thứ bảy trời xanh thẫm. Chị bế em trai chị – con của dì hai ra cổng chơi. Học xong lớp mười hai, chị đi làm công nhân luôn, không thi đại học nữa. Một phần vì sức học của chị không tốt và nhiều phần vì còn trăm ngàn cái phải lo. Chị họ bé nhỏ của tôi sớm đã phải lớn trước tuổi rồi.

– Đi học về lâu chưa Nhít.

Chị họ vẫn gọi tôi thân mật như thế. Tôi khẽ lườm chị một cái:

– Em về chiều qua thưa chị Lè.

Cả hai chúng tôi cùng cười vang. Tuổi thơ quay về, xoay đều như chong chóng.

***

Mưa thấm dần vào những câu chuyện kể để một sớm mai lại thấy cầu vồng. Tôi nhớ đến dáng chị họ tôi bé nhỏ bên giàn mướp, đôi mắt trong veo nhìn tôi gọi:

– Nhít ơi…

Hoa mướp vẫn nở vàng như năm nào.

Cả tôi và chị họ bé nhỏ của tôi năm nào cũng đều đã lớn khôn…

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN