Hiện tượng bóng đè: Nguyên nhân và cách điều trị

Hiện tượng bóng đè: Nguyên nhân và cách điều trị

Bóng đè là một hiện tượng rối loạn giấc ngủ, trong đó nạn nhân dù hoàn toàn tỉnh táo nhưng không thể nào cử động hay điều khiển tứ chi. Hiện tượng này có thể xảy ra trong vài giây, vài phút hoặc trong các trường hợp tệ nhất … hơn nửa tiếng đồng hồ.

Những trải nghiệm đáng sợ

Hannah Foster đang nằm trên giường với đôi mắt mở to. Cô có thể nhìn thấy đồng hồ điểm 3 giờ sáng, nhưng có điều gì đó rất bất thường – cô hoàn toàn không thể cử động được cơ thể mình. Tệ hơn, cô có thể cảm thấy thứ gì đó đang đè lên người mình. Cô đã phải vật lộn để hít thở.

Minh họa: Skvty.com

Cảm tưởng như một cơn ác mộng, nhưng cô biết không phải vậy, bởi lúc đó cô rất tỉnh táo, đến nỗi có thể nhận ra chiếc chăn lông vịt thêu hoa màu xanh lục cũng như bề mặt sàn gỗ trong căn phòng ngủ của cô.

Đột nhiên, cô có thể cử động lại và cái áp lực đè nặng lên người cô biến mất không tăm tích. Với cảm giác bàng hoàng, kinh sợ sót lại, cô nuốt lấy từng ngụm không khí.

“Tôi chưa từng trải qua điều gì như vậy trước đây”, Cô Hannah Foster từ thành phố Brighton, Anh hồi tưởng, “Sau một ngày làm việc bình thường, tôi đi ngủ vào khoảng 11h tối như thường lệ, và điều tiếp theo tôi có thể nhớ được là bản thân mình tỉnh giấc, trong trạng thái gần như bị tê liệt. Cảm giác khi đó thật đáng sợ. Càng hoảng loạn, tôi lại càng cảm thấy khó thở”.

“Lần thứ hai, tôi biết được chuyện gì đang xảy ra – nhưng ngoài trạng thái tê liệt như lần trước, tôi còn nhìn thấy một bóng đen đáng sợ”.

“Bóng đen đó trông gần giống một con quỷ – với một khuôn mặt nhăn nheo, xấu xí, kiểu như quái vật gargoyle. Tôi cố hét lên và tránh xa khỏi nó”.

Bóng đè sẽ không mang đến tổn thương trực tiếp cho người trải nghiệm, dù rằng nó có thể tác động tiêu cực đến tâm lý nạn nhân. 

Nguyên nhân vì sao gây ra bóng đè?

Bóng đè là một trạng thái chuyển tiếp giữa trạng thái tỉnh táo và ngủ say, với đặc trưng là nạn nhân không thể cử động cơ bắp. Hiện tượng này thường kèm theo những ảo giác đáng sợ, ví như nạn nhân sẽ không thể phản ứng do bị tê liệt, hay xuất hiện các trải nghiệm vật lý dị thường (ví như cảm thấy một dòng điện mạnh mẽ chảy qua phần nửa trên cơ thể).

Không chỉ vậy, trong trạng thái bóng đè, nạn nhân sẽ cảm thấy một người hay một sinh vật siêu nhiên đến bóp cổ hoặc hù dọa họ, theo sau bởi một áp lực lên phần ngực gây cảm giác khó thở, đúng như tên gọi của nó. Còn một trạng thái phổ biến khác nữa: đó là nạn nhân cảm thấy có kẻ (người hoặc linh thể siêu nhiên) đột nhập vào phòng hay lượn lờ bên ngoài cửa sổ, theo sau bởi một cảm giác khiếp đảm đến rợn người.

bóng đè

Ảnh: dkn.tv

Khi tỉnh giấc nhiều người cảm thấy không còn chút sức lực nào, thậm chí tưởng như mình đã chết. Tần suất xuất hiện loại hiện tượng này ở mỗi người có khác nhau: Có người chỉ trải nghiệm nó một lần trong đời, nhưng cũng có người rơi vào trạng thái này vài lần trong một năm. Bóng đè có thể xảy đến với cả nam và nữ tại tất cả các độ tuổi.

Theo Wikipedia, có rất nhiều nguyên nhân khiến bóng đè xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do căng thẳng tâm lý, lo lắng hay stress do sức ép từ công việc, do đảo lộn chu trình của giấc ngủ, những yếu tố tâm lý này kích thích lên vỏ não, gây ra hiện tượng bóng đè.

Bóng đè có xu hướng xuất hiện lần đầu vào thời niên thiếu, sau đó sẽ xảy ra thường xuyên nhất trong tầm tuổi 20 và 30, là độ tuổi con người gây dựng sự nghiệp, áp lực tâm lý lớn hơn các độ tuổi khác. Hiện tượng này có thể tiếp tục xuất hiện trong những năm về sau nhưng ít hơn, và đây không phải là một chứng bệnh.

Vì vậy để tránh gặp phải tình trạng bóng đè, bạn nên đảm bảo ăn uống ngủ nghỉ điều độ, tránh rơi vào tình trạng stress. Duy trì một cuộc sống lành mạnh, hài hòa.

Thạch Khánh

Sources:

BÀI LIÊN QUAN