Hiểu sai về “tri thức” sẽ gây hậu quả khôn lường

Hiểu sai về “tri thức” sẽ gây hậu quả khôn lường

Với quan niệm “Tri thức thay đổi vận mệnh”, khiến người người trong xã hội ngày nay đang “chạy đua vũ trang” để có được những tấm bằng, để nhanh chóng tiến vào giới tri thức, địa vị cao,… Thành ra tri thức bị biến thành thứ hàng hóa thương mại, rẻ tiền…

bàn về tri thức

(Ảnh: giaoduc)

“Tri thức thay đổi vận mệnh”, câu cách ngôn này không rõ xuất phát từ danh nhân nào, nhưng theo tôi hiểu thì ở đây không có ý tứ sâu xa, chẳng qua là khuyên bảo mọi người nỗ lực học lấy tri thức, thoát khỏi dốt nát vô tri, khích lệ mọi người học tập vươn lên.

Tri thức là gì?

Đi sâu vào tìm hiểu có lẽ cần khảo sát lại xem tri thức là gì, thông qua con đường như thế nào, hay thay đổi vận mệnh của ai. Tri thức là sự tổng hợp hệ thống hóa kinh nghiệm trong thực tiễn xã hội, trong hoạt động sản xuất của nhân loại trong thời gian dài, bất cứ một môn tri thức nào cũng đều là sự nắm bắt hệ thống quy luật khách quan của một lĩnh vực trong tự nhiên hay xã hội. Tri thức không phải để cho người khác ngắm, mà là công cụ để con người cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội. Quá trình nhận thức liên tục của con người là để nắm bắt quy luật khách quan, từ đó dùng nó để định hướng cho cuộc sống của mình, giúp mình ngày càng chủ động trước giới tự nhiên và thực tiễn xã hội, càng ngày càng sống hài hòa với tự nhiên, để bản thân mình được sống trong điều kiện xã hội và đời sống vật chất phát triển. Như thế, tiến bộ tri thức chính là sự tiến bộ không ngừng của nhân loại, thoát khỏi tình trạng vận mệnh bị giới tự nhiên và cả xã hội an bài, từ đó có thể chủ động nắm vững vận mệnh của mình, không ngừng phát triển và hoàn thiện bản thân. Nhân loại có thể vận dụng tri thức trong thực tiễn xã hội và hoạt động sản xuất càng tốt thì cùng với cải tạo thế giới khách quan sẽ đi cùng với cải tạo chính bản thân mình. Công dụng thực sự của tri thức không phải thay đổi vận mệnh cá nhân, mà là thông qua tăng cường khả năng thực tiễn của nhân loại để thay đổi vận mệnh của nhân loại. Đây mới là nội dung đích thực của “tri thức thay đổi vận mệnh”.

Tác dụng của tri thức

Tác dụng của tri thức

(Ảnh: photrithuc.com)

Trong cuộc sống thực tiễn, mỗi cá nhân đều nên theo đuổi tri thức, nông dân cần hiểu quy luật thị trường và khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, công nhân cần nắm nguyên lý của máy móc và nguyên lý sản xuất của công ty, nhân viên công vụ cần học lý luận về khoa học xã hội và kỹ năng quản lý, giáo sư và nhân viên nghiên cứu khoa học càng cần không ngừng làm mới vốn tri thức hiện có của chính mình, có năng lực tìm thêm ngày càng nhiều tri thức mới phục vụ xã hội, vì thế mà làm việc gì cũng cần theo đuổi tri thức, nghiên cứu nghiệp vụ, khiến công việc của mình làm ngày càng tốt hơn. Mọi người cần học tri thức về khoa học xã hội, hiểu xã hội, kinh tế, chính trị, pháp luật… Ngoài ra, mọi người cũng nên học tập tri thức theo sở thích của mình để làm phong phú cuộc sống của mình. Chỉ có như thế thì xã hội mới tiến bộ, cuộc sống mọi người mới càng thêm tốt đẹp.

Những cách tiếp cận sai lầm

Nhưng trong tâm lý một số người vấn đề “tri thức thay đổi vận mệnh” lại mang một hàm nghĩa khác, trở thành châm ngôn chí lý mà họ tôn thờ. Họ cho rằng, có tri thức để thoát khỏi lao động thể lực, trở thành thành phần lãnh đạo. Còn theo đuổi “tri thức” đồng nghĩa với theo đuổi học lực, đồng nghĩa với học đại học. Trong quan niệm của những người này, “tri thức” để nâng cao giá trị cá nhân, có “tri thức” thì xã hội phải phục tùng dưới chân họ, kính cẩn lễ phép phục tùng mọi yêu cầu của họ. Họ thậm chí không hiểu tri thức để làm gì, dường như đã có “tri thức” thì tiền bạc nên ào ào đến. Thế là dù phải khuynh gia bạn sản, tinh lực cạn kiệt cũng phải cố theo đuổi “tri thức”. “Tri thức thay đổi vận mệnh” theo họ hiểu là dùng “học lực” để thay đổi vận mệnh “cá nhân”, còn mục tiêu theo đuổi “tri thức” là để mình vào đô thị, để mình vào thượng tầng xã hội. Điều này thành nguồn động lực vô tận để nhiều gia đình dù khuynh gia bại sản cũng phải cho con vào học đại học.

Cho con cái vào học đại học là việc tốt, mấu chốt là xem việc vào đại học là bệ đỡ để tìm được công việc tốt thì quan niệm này có phần quá nông cạn. Đại học là hệ thống tổ chức đạo tạo chuyên nghiệp bậc cao, những người do đại học đào tạo ra phải gánh vác trách nhiệm xã hội càng nhiều. Năng lực của họ sau này được phát huy sẽ có tác dụng phát triển năng lực sản xuất, tiến bộ xã hội sâu xa. Vì thế, lên đại học, học tri thức để thay đổi không phải vận mệnh cá nhân, mà là vận dụng tri thức thay đổi vận mệnh xã hội, dân tộc, đặc biệt là vận mệnh của đông đảo quần chúng nhân dân lao động.

Quả thực, xã hội hiện nay điều kiện giữa lao động chân tay và trí óc có khoảng cách quá lớn, người theo đuổi lao động trí óc có điều kiện làm việc, đãi ngộ ưu việt hơn hẳn. Nhưng với các phụ huynh, mỗi hy vọng học sinh lên đại học, mỗi hy vọng con cái lên đại học không thể chỉ xem là một đãi ngộ ưu việt, điều kiện công việc càng tốt thì càng phải nhớ, cùng với việc xã hội đãi ngộ càng tốt cho người lao động trí óc là trách nhiệm xã hội của họ càng nặng nề. Họ ở những cương vị then chốt, công việc của họ gây ảnh hưởng cho xã hội càng lớn hơn so với những người lao động chân tay. Tại sao quốc gia cần đến hệ thống đại học? Đây không phải là sự đãi ngộ tốt cho một bộ phận người sáng tạo, để bồi dưỡng ra một tầng lớn quý tộc xã hội, mà là muốn họ nắm vững tri thức chuyên nghiệp để có những cống hiến càng nhiều cho tiến bộ xã hội. Đại học không phải là nơi cạnh tranh những đãi ngộ hậu hĩnh của xã hội, mà là cơ hội thể hiện trình độ năng lực tự thân, để bản thân sau mình này có thể có những cống hiến lớn cho xã hội. Những hy vọng học sinh lên đại học, hy vọng con cái lên đại học đều cần nhìn cho rõ trách nhiệm mà những người học đại học sau này phải gánh vác. Chỉ nghĩ đến đãi ngộ mà không thấy được trách nhiệm, cho rằng lên đại học là có thể khiến bản thân và gia đình phát tài giàu có, để chễm trệ đứng vị trí cao trong công việc hòng làm những việc hủ bại, bóc lột người khác, hủy hoại xã hội.

Luận bàn về tri thức

(Ảnh: Chân Trời Mới Media)

Hậu quả 

Có thể nói, xã hội hiện nay tồn tại khoảng cách lớn giữa lao động trí óc và lao động tay chân, thậm chí sự khác biệt này gần năm qua phát triển theo hướng ngày càng đối lập nghiêm trọng. Môi trường xã hội như thế khiến nhiều người tin vào tín điều “tri thức thay đổi vận mệnh” nằm ở việc dựa dẫm vào thế đứng trong xã hội. Điều này tạo ra khoảng cách lớn về mức thu nhập giữa các giai tầng, các nghề nghiệp, sự mất cân đối cực độ trong phát triển giữa thành thị và nông thôn, sự đối lập nghiêm trọng giữa lao động trí óc và lao động chân tay, làm cho những nhóm người ở tầng dưới của xã hội vô cùng khó khăn trong việc nhờ vào sự cần cù lao động để thay đổi kinh tế và hoàn cảnh xã hội của bản thân. Vì thế, việc mong mỏi cho con cái có thể lên đại học để thoát khỏi lao động chân tay và leo lên thượng tầng xã hội trở thành tia hy vọng duy nhất của nhiều gia đình. Đa phần với quan niệm như thế người ta không phải học vì tri thức, mà học để thay đổi vận mệnh qua việc nỗ lực chiếm lĩnh hưởng thụ một phần lợi ích trong cái kết cấu xã hội bất hợp lý đang hiện hữu. Một số học sinh xuất thân gia đình lao động nhưng lại vô cùng khinh rẻ người lao động; cha mẹ của họ là người lao động phổ thông nhưng họ lại vô cùng khinh rẻ người lao động phổ thông. Họ thân ở tầng dưới xã hội nên tình cảnh kinh tế và xã hội có thể khiến người khác cảm thông, nhưng họ có thể vì muốn lên tầng trên của xã hội mà không từ thủ đoạn, sau khi dã tâm của họ giành được, họ lại làm những việc khiến người khác không thể không căm hận.

Hãy đưa tri thức trở lại giá trị vốn có

Muốn loại bỏ thực trạng nhận thức sai lầm này của nhiều người trong xã hội hiện nay, căn bản nhất là làm sao xây dựng được xã hội mà mọi người có thể giàu có nhờ vào nỗ lực lao động, làm sao để “tri thức” phục hồi được giá trị vốn có của nó, trở thành vũ khí tiến lên cho đông đảo người lao động sản xuất, để tri thức có thể thay đổi vận mệnh của đông đảo quần chúng nhân dân lao động trong xã hội.

Tri thức có thể thay đổi vận mệnh, nhưng nó cần được vận dụng vào trong sản xuất, thông qua tạo ra của cải để thay đổi vận mệnh, chứ không phải như một số người tưởng tượng, biến thành “bàn đạp” tiến thân vào thượng tầng xã hội để thay đổi vận mệnh.

Tinh Vệ/DKN

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN