Khẩu nghiệp: Hậu quả đáng sợ của việc sỉ vả người khác

Khẩu nghiệp: Hậu quả đáng sợ của việc sỉ vả người khác

Nhân quả luôn hiện hữu và quyết định vận mệnh con người là sướng hay khổ, trong đó khẩu nghiệp người thế gian rất dễ phạm phải, gây khổ nạn cho họ về sau. 

Khẩu nghiệp mang lại khổ ải trần gian cho con người không kém gì các loại nghiệp khác. Câu chuyện cổ Phật gia dưới đây là lời cảnh tỉnh cho những ai tùy tiện sỉ vả, mắng nhiếc người khác mà không thấy ngại ngần.

Tỳ kheo trêu chọc người khác, bị biến thành tinh tinh

Đức Phật

Ảnh minh họa: DKn.tv

Tại thành cổ Shravasti có một người tên Sư Chí rất tín Phật. Một ngày nọ hay tin Đức Phật sắp qua nơi mình cư ngụ, Sư Chí bèn chuẩn bị đồ chay và chờ Ngài đi qua để dâng biếu. Gặp được Đức Phật, Sư Chí kính cẩn dâng lên đồ chay, Đức Phật nhận lấy, mở ra dùng đôi chút với đệ tử rồi đưa cả đoàn tăng lữ về chùa. Đi nửa đường, Đức Phật và các đệ tử của mình ngồi nghỉ dưới tán cây bên dòng sông. Bỗng dưng có một con tinh tinh từ đâu nhảy ra, kính cẩn xin mượn chiếc bát của Đức Phật rồi nó chạy nhanh đi đâu đó. Một lát sau tinh tinh quay về kính cẩn dâng lên Ngài bát đầy mật ong thơm ngon. Đức Phật nhận lấy bát mật và nói những lời hay về nhân quả cho tinh tinh nghe, nó rất sung sướng, nhảy nhót trong hạnh phúc.

Chẳng mấy lâu sau tinh tinh chết, đầu thai làm người và thác sinh vào nhà của Sư Chí. Khi tinh tinh hóa thân làm người chào đời, mọi bát chén nhà Sư Chí đều đầy ắp mật ong thơm ngon. Gia đình thấy rất lạ nên đặt tên là Mật Sinh.

Thời gian trôi đi nhanh chóng, chẳng mấy chốc Mật Sinh trưởng thành và đề đạt nguyện vọng muốn vào chùa xuất gia. Cha mẹ đều rất ưng ý và đưa Mật Sinh lên chùa.

Mật Sinh được nhận vào chùa quy y, nhờ công quả kiếp trước nên tinh tấn rất nhanh.

Một ngày nọ Mật Sinh cùng các tỳ kheo khác ra ngoài có việc. Trời nắng nóng, giữa đường ai cũng mệt và khát nhưng lại hết nước. Khi ấy Mật Sinh bèn cầm chiếc bát, ném lên trời và rồi hứng lấy. Chiếc bát bỗng dưng đầy ắp mật ong thơm mát, Mật Sinh lần lượt đưa cho các đồng tu.

Trở về chùa, mọi người đều ngạc nhiên và tới hỏi Đức Phật: “Thưa Đức Phật, Mật Sinh có phúc phận gì mà bất kỳ lúc nào cũng có thể thưởng thức mật ong thơm ngon vậy ạ?”.

Đức Phật đáp: “Các con còn nhớ vài năm trước có một con tinh tinh đã mượn ta chiếc bát rồi đi lấy mật ong về dâng biếu không? Con tinh tinh đó có trái tim lương thiện, tấm lòng hướng Phật nên sau đó được đầu thai làm người, và chính là Mật Sinh. Vì Mật Sinh thành kính dâng Phật mật ong nên kiếp này được hưởng phúc phận đó”.

Một tỳ kheo khác bèn hỏi tiếp: “Thưa Đức Phật, Mật Sinh trước đó làm gì để phải đầu thai làm tinh tinh như vậy ạ?”.

Lúc ấy có rất nhiều đệ tử vây quanh, Đức Phật nhìn họ rồi từ bi đáp: “Mật Sinh bị đầu thai làm kiếp súc sinh là có nguyên do. Chuyện xảy ra hơn 500 năm trước, khi ấy còn là một vị tỳ kheo. Có lần nhìn thấy một đồng tu khác lưng hơi gù và đi lại không giống người nên đã trêu chọc và cười người này là tinh tinh. Tỳ kheo đã phạm phải khẩu nghiệp, không thể tu viên mãn. Thác đi phải xuống đường súc sinh đầu thai làm tinh tinh trong nhiều kiếp cho tới khi gặp ta”.

Khi Đức Phật kể xong câu chuyện, tất cả các đệ tử đều ngộ ra rằng, không chỉ lời nói mà hành động ác ý đều tạo nghiệp. Ác khẩu chính là khẩu nghiệp và người gây ra nó buộc phải nhận báo ứng.

Bởi vậy nếu làm người, cho dù thấy có đúng đi nữa, có bất bình bao nhiêu, cũng không nên dùng lời cay nghiệt để nói về người khác. Khẩu nghiệp gây ra sẽ phải tự gánh, và nghiệp báo có thể rất nặng, như câu chuyện của Mật Sinh ở trên.

Để tránh khẩu nghiệp, con người nên có tâm nhẫn và tấm lòng bao dung, đối với mọi sự việc trên đời cần vị tha rộng lượng. Sống như vậy tránh được mọi loại nghiệp và chắc chắn sẽ được phúc báo.

Kiếp trước chửi mắng người khác, kiếp này phải trả ác nghiệp

Chuyện cổ Phật gia: Ác khẩu gây khẩu nghiệp, báo ứng không hề nhẹ

Ảnh minh họa: Pixabay.com

Người hay la mắng và nói điều không hay về người khác có thể nghĩ rằng chỉ là lời nói vô hại, tuy nhiên ác khẩu gây khẩu nghiệp và cũng phải trả như tạo nghiệp thông thường. Câu chuyện Phật gia dưới đây là lời răn chúng ta tránh tạo ác khẩu để phải nhận báo ứng về sau.

Tại một vùng quê hẻo lánh miền đông Trung Quốc triều Minh có một gia đình nông dân nghèo. Hai vợ chồng sớm tối ra đồng làm việc khuya mới về mà cũng chỉ đủ ăn vì đất cằn cỗi, người làng thưa thớt. Nhưng họ không buồn vì chuyện đó mà là bởi mãi chưa sinh được con thơ để bế bồng cho vui cửa vui nhà. Năm này qua năm khác khiến cho cặp vợ chồng nghèo thêm phiền muộn và càng mong ngóng sinh được quý tử. May mắn thay cuối cùng họ cũng đã toại ước nguyện, người vợ mang thai 9 tháng 10 ngày thì sinh hạ được một cậu con trai. Cặp vợ chồng mừng rỡ khôn xiết, dân làng cũng tới chúc mừng họ. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chẳng mấy chốc con trai của họ đã lên 3, nhưng lạ lùng thay đứa trẻ không biết nói, không biết cười mà chỉ ăn rồi ngủ khiến vợ chồng họ lại thêm phiền muộn. Một ngày người mẹ dỗ con dạy để cho ăn như thường lệ thì cô bỗng giật mình vì miệng con trai tự dưng lở loét, chỉ sau có 1 đêm. Đứa trẻ khi tỉnh dậy cũng kêu khóc váng nhà khiến lòng người mẹ thêm đau như cắt.

Cô vội ra đồng gọi chồng về để cùng nhau đưa con đi khám. Tuy nhiên thầy lang trong làng ai ai cũng lắc đầu. Hai vợ chồng nghe theo tư vấn một số người cũng lặn lội mang con tới cả kinh thành, đường đi cơ cực vất vả khôn xiết, nhưng cuối cùng cũng không có ai trị được bệnh cho con trai họ. Đứa trẻ ngày càng yếu đi, vết lở loét trên miệng ngày càng loang dần ra khắp cả vùng hàm và mặt, tới đâu cũng khiến người ta khiếp sợ xa lánh vì bốc mùi rất khó chịu.

Hai vợ chồng nghèo cực chẳng đã không biết làm sao, nước mắt ngắn nước mắt dài địu con rời kinh thành về nhà. Trên đường nắng gắt lại khát nước vì bình dự trữ mang theo đã hết, họ không biết làm sao xoay sở. Đúng lúc ấy có một người qua đường dắt con la đi theo, thấy vợ chồng nhìn tội nghiệp dừng lại cho uống nước mát và hỏi han. Khi nghe xong câu chuyện và ngắm nhìn đứa trẻ tội nghiệp đang khóc lóc rền rỉ vì đau đớn, người qua đường bèn đáp: “Hai vị gặp tôi âu cũng là duyên. Tôi biết ở trên núi cách đây không xa có 1 Thần y cực giỏi, ông ấy không chỉ giỏi trị bệnh mà còn xem được số mệnh người khác. Nhưng Thần y này rất khó tính, không phải ai cũng tiếp, hai vị cứ thử xem sao”.

Nghe xong hai vợ chồng vui mừng khôn xiết cúi lạy cảm ơn rồi vội vàng theo chỉ dẫn mà lên núi. Ngọn núi khá cao, vất vả mất ngày đêm địu con, cuối cùng họ mới tìm đến một ngôi nhà gỗ nằm bên sườn núi, chìm trong sương mờ và mây phủ, nhìn hư hảo như cõi tiên vậy.

Hai vợ chồng tới gõ cửa nhưng không ai ra tiếp, họ bảo nhau cứ ngồi đó chờ, cho tới khi nào gặp Thần y thì thôi. Tất cả vì con trai yêu của họ. Tối đến trên núi rét run, cặp vợ chồng co ro cho con trai vào giữa sưởi ấm cho con, dỗ dành con mà đau thắt ruột bởi đứa bé không ngủ nổi do những mụn loét cứ thế hành hạ nó.

Được một lát bỗng cánh cửa mở ra, một ông lão tóc bạc phơ nhìn rất khác người bước ra, ra dấu bảo họ vào nhà. Hai vợ chồng mừng khấp khởi, đoán đó chính là Thần y danh tiếng mà mình mong đợi. Vào nhà họ mở miệng nhờ Thần y coi bệnh cho con trai mình. Thần y ngắm nhìn đứa trẻ một lát, nhắm mắt lại ngẫm nghĩ một hồi rồi thở dài. Hai vợ chồng thấy vậy vô cùng lo lắng và quỳ xuống cầu xin: “Xin Thần y cứu mạng cho chúng tôi. Vợ chồng tôi mãi mới sinh được nó, bây giờ cháu bị thế này thật thương tâm. Chúng tôi nguyện làm trâu làm ngựa trả ơn ông cả đời”.

Thần y đỡ họ dậy và từ tốn đáp rằng: “Mỗi một căn bệnh ở con người đều là do nghiệp của họ tạo thành. Bệnh nhẹ nghiệp nhẹ, bệnh nặng do nghiệp lớn. Con trai hai vị thực chất đang gánh chịu nghiệp nợ từ nhiều kiếp trước mà thành nên bây giờ vừa câm, vừa bị lở loét phải chịu đau đớn khôn thấu. Đó là cái nghiệp phải trả không thể can thiệp”.

Vợ chồng nhà nông ngạc nhiên không hiểu hỏi Thần y, khi đó ông mời họ nhìn vào chiếc gương rất to đặt ở trên bàn. Trong gương hai vợ chồng nhìn thấy một người đàn ông mặt đỏ gay, tay cầm bình rượu vừa đi vừa uống vừa chửi bới ai đó nghe rất ghê gớm. Tiếp đó lại xuất hiện người đàn ông này vào chợ mua rượu, tiếp tục chửi người bán rượu và còn đánh người ta. Một lát sau xuất hiện 1 thiếu phụ nhìn rất chua ngoa đang chống nạn quát mắng ai đó, rồi thiếu phụ này về nhà tiếp tục mắng chửi chồng con…”. Hai vợ chồng xem chưa xong đã vội dừng và hỏi Thần y: “Thần y cho chúng tôi xem cái này làm gì ạ? Có liên quan gì tới nhà tôi đâu?”.

Thần y đáp: “Đây chính là kiếp trước của con trai chư vị. Bởi có những thói hư tật xấu như uống rượu, đánh người, nên không thể đầu thai vào gia đình giàu có, sung túc. Bởi liên tiếp nhục mạ chửi bới người khác nên kiếp này chịu câm nín không thể thốt ra lời, hơn nữa còn gánh nghiệp chịu lở loét vì những lời thóa mạ của mình. Con trai quý vị phải trả hết nợ nghiệp thì mới khỏi bệnh. Không ai có thể giúp được. Muốn trả hết nghiệp con đường duy nhất là tu Phật Pháp, xả bỏ mọi thứ xấu xa mang trên thân thể từ nhiều kiếp thì mới có thể viên mãn thảnh thơi”.

Khẩu nghiệp nặng nề lắm, chỉ cần mở miệng thóa mạ người khác cũng đủ tạo nghiệp nặng rồi, đời này chưa trả đời sau ắt phải hoàn lại. Con người là sinh mệnh trải qua bao nhiêu đời bao kiếp làm sao nhớ hết, nhưng tất cả những khổ nạn mà họ gánh phải, đều là do nghiệp tự thân mà ra. Khẩu nghiệp là thứ rất dễ phạm phải hàng ngày, bởi vậy trước khi mở miệng sỉ vả hay nhục mạ ai đó, hãy nghĩ rằng mình làm vậy chỉ hại bản thân.

Biên dịch từ Epoch Times tiếng Trung

Có thể bạn quan tâm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN