Lễ cầu siêu ở dòng họ tôi

Lễ cầu siêu ở dòng họ tôi

Cách đây một vài năm, dòng họ tôi đã lập đàn tràng làm lễ cầu siêu phả độ gia tiên, giải oan cắt kết với tâm nguyện được báo đáp công ơn sinh thành của tiên tổ.

Trở về nguồn cội

Trở về nguồn cội

“Cây có gốc nảy cành xanh lá

Nước có nguồn biển rộng sông sâu

Người ta nguồn gốc từ đâu

Có từ tiên tổ rồi sau có mình”

Cách đây một vài năm, dòng họ tôi đã lập đàn tràng làm lễ cầu siêu phả độ gia tiên, giải oan cắt kết với tâm nguyện được báo đáp công ơn sinh thành của tiên tổ.

Đàn tràng được lập ở nhà bác trưởng họ, công việc tế lễ, cúng bái, ăn uống diễn ra trong ba ngày đêm.

Phòng khách rộng ba gian mái bằng của nhà bác trưởng họ, giường chiếu, bàn ghế được dọn hết đi để bày ban thờ sắp lễ cúng. Ban thờ gồm nhiều tầng, cao đến tận nóc nhà, có những khung hình Đức Phật, những tấm bùa chú, đầy ắp hoa quả, bánh kẹo, rượu bia, tiền giấy và còn nhiều những lễ vật khác tùy theo từng khoa cúng. Trên hiên nhà bày thuyền rồng, ngoài sân có tòa tháp cao, ngựa, voi, tất cả các lễ vật ấy đều bằng giấy đủ các màu lấp lánh, rực rỡ.

Cô tôi bảo làng tôi trước đây cũng có những dòng họ lập đàn tràng phả độ gia tiên nhưng đàn tràng không được to như đàn tràng họ nhà tôi lần này.

Ai trong họ cũng háo hức, phấn khởi.

Ban thờ đàn tràng cầu siêu

Lễ cầu siêu: Ban thờ gồm nhiều tầng, đầy ắp hoa quả, bánh kẹo, rượu bia, tiền giấy…

Có được đàn tràng này, phần lớn là nhờ một số ông, chú, mấy người em họ tôi vốn là các thầy đạo pháp, mọi người ở làng vẫn gọi nôm na là các thầy cúng. Các ông, chú, các em họ tôi được mời đi cúng ở khắp nơi, trong tỉnh, ngoài tỉnh, rất được trọng vọng, được trả tiền công rất cao, có khi hàng chục triệu một lần cúng.

Và năm ấy, vào tháng bảy âm lịch, nhân lúc công việc cúng tế ở các nơi chưa bận mải, với tấm lòng thành nghĩ rằng mình đi cúng khắp nơi, làm lễ phổ độ gia tiên cho bao dòng họ khác, trong khi lại chưa một lần phổ độ gia tiên cho dòng họ mình, ông, chú họ tôi đã nói lên nguyện vọng muốn lập đàn tràng cầu siêu, cảm tạ ơn sinh thành của tổ tiên.

Cũng đã năm mươi năm rồi dòng họ tôi chưa lập đàn phổ độ gia tiên nên khi tâm nguyện của ông, chú họ tôi được nói lên, mọi người trong dòng tộc rất ủng hộ. Tất cả đều hồ hởi đóng góp tùy tâm, tùy hoàn cảnh một số tiền nhất định để mua lễ vật. Còn ông, chú, các em họ tôi làm các thầy đạo pháp sẽ trực tiếp đứng ra hành lễ, cúng khấn nên về khoản công xá của các thầy, họ tôi không cần phải lo lắng.

Và lễ cầu siêu, phổ độ gia tiên của dòng tộc tôi đã diễn ra rất long trọng, bài bản, từ “Nghinh sư duyệt định, phán hành quan điệp, tiếp triệu vong linh, thỉnh Phật tuyên kinh, quy y thụ điệp” đến “Cung nghinh tam phủ, khai phương phá ngục, giải oan thích kết, cắt đoạn phân rỵ” rồi “Thí thực cô hồn, kiên kỳ âm siêu, dương cát khánh”.

Mọi người trong họ, nam phụ lão ấu, có mặt trước đàn tràng cầu siêu vừa vui mừng phấn khởi, vừa rất thành tâm lễ bái. Anh họ tôi – con trai duy nhất của bác trưởng tộc – năm ấy cũng đã xấp xỉ năm mươi tuổi, là một y sĩ có tiếng trong xã, đã từng ở trong quân đội, từng vào Nam, ra Bắc, cũng thành kính trang nghiêm, ngồi xếp bằng chắp tay khấn bái và làm mọi việc theo sự chỉ dẫn của các thầy đạo pháp.

Mọi người thành tâm trước đàn tràng

Mọi người trong lễ cầu siêu vừa vui mừng phấn khởi, vừa thành tâm lễ bái.

Trong số các thầy đạo pháp, có một người về thứ bậc chỉ là em tôi. Cho đến trước ngày họ tôi lập đàn tràng cầu siêu, trong ấn tượng của mọi người, nó là kẻ khá lém lỉnh, hay bông đùa, chỉ là bậc trẻ ranh trong họ, bị gọi là “thằng”, là “nó”. Nhưng trong mấy ngày làm lễ cầu siêu cho tổ tiên, với vai trò là một thầy đạo pháp, em họ tôi trở nên oai phong và được mọi người kính nể hơn hẳn, được gọi là “thầy” một cách trang trọng.

Mọi người nhất cử nhất động đều răm rắp làm theo sự sắp đặt của thầy đạo pháp – em họ tôi. Nhưng cái vẻ lém lỉnh, bông đùa không hoàn toàn mất đi trên gương mặt của thầy – em họ tôi. Khi làm lễ, nó vừa rất thành tâm, nghiêm trang, nhưng có lúc lại tỏ vẻ nghênh ngang, nhất là ở nét mặt, ở những hành động trong khoa cúng giải oan cắt kết, đâm, chém, cắt những hình nhân bằng giấy tượng trưng cho những mối oan kết với gia tộc tôi. Mọi người trong họ vẫn thành tâm quỳ lạy, thậm chí rất thán phục dáng vẻ nghênh ngang, oai vệ ấy.

Trong buổi tối cúng giải oan cắt kết hôm đó, một thầy đạo pháp đã trịnh trọng mời bác trưởng tộc nói lên tâm nguyện của dòng họ trước bàn thờ Phật, mong Đức Phật chứng giám lòng thành và phù hộ độ trì giúp cho tâm nguyện được như ý.

Mọi người có mặt trong lễ cúng tối hôm đó đều trật tự, nghiêm trang lắng nghe tâm nguyện của bác trưởng tộc. Bác trưởng tộc của họ tôi năm ấy đã tám mươi tuổi, tóc bạc trắng nhưng còn rất minh mẫn, nhanh nhẹn. Bác tuy tuổi cao nhưng vẫn hoạt động xã hội tích cực, làm chủ tịch hội người cao tuổi xã tôi. Quỳ lạy thành kính trước bàn thờ Phật, bác tôi giọng rành mạch: “Con cúi xin Đức Phật, cúi xin tổ tiên phù hộ cho dòng họ con có thêm nhiều suất đinh. Chúng con cũng đã cầu xin khắp nơi nhưng đến nay số suất đinh trong dòng tộc vẫn ít!”. Trong lời cầu khấn của mình, bác tôi chỉ nêu lên duy nhất và lặp đi lặp lại mấy lần ước nguyện đó.

Bác tôi cầu khấn

Thành kính trước bàn thờ Phật, bác tôi cầu khấn…

Tôi nhớ đến lời giảng giải cho mọi người của bác trước mộ tổ dòng họ buổi chiều mấy hôm trước: “Dòng họ của chúng ta là dòng họ đầu tiên đến sinh sống ở làng này, đến nay được mười ba đời nhưng dòng họ của chúng ta còn bé bởi đến đời thứ bảy mới chia làm hai ngành. Hiện nay dòng họ có hơn hai trăm người, trong đó có hơn một trăm suất đinh”.

Lời khấn của bác tôi trước bàn thờ Phật khiến không ít người có mặt trong lễ cúng tối hôm đó cảm thấy chạnh lòng.

Anh họ tôi, con trai trưởng duy nhất của bác, xấp xỉ năm mươi tuổi, dù là y sĩ có tiếng, đối nội đối ngoại không có điều gì đáng phải chê trách, nhưng anh tôi không có con trai, chỉ sinh được 3 cô con gái. Dù gia cảnh rất khá giả, dù ba cô con gái của anh học hành giỏi giang, công việc đàng hoàng, ngoan ngoãn, kính trên nhường dưới, được mọi người yêu mến, nhưng anh vẫn không thể làm hài lòng bác tôi về chuyện nối dõi tông đường.

Một bác họ tôi – em trai ruột của bác trưởng họ – cả hai vợ chồng làm trong ngành hàng không rất giàu có, đã cho con đi du học ở nước ngoài, cũng chỉ sinh được hai cô con gái. Cả hai vợ chồng bác đều có mặt trong lễ cúng hôm đó.

Mấy anh chị họ tôi, bố đều mất sớm, khi tuổi đời còn trẻ.

Một bác dâu tôi, bác trai vừa phát hiện bị mắc bệnh ung thư.

Một anh họ tôi, vừa bị tai nạn giao thông, sức khỏe và tinh thần đều giảm sút.

Tôi lại nghĩ đến em trai tôi, đã ở độ tuổi chín chắc nhưng vẫn lông bông, không công ăn việc làm, vẫn có những hành động dại dột khiến bố mẹ tôi phải phiền lòng…

Lời khấn của bác tôi, tâm nguyện có thêm nhiều suất đinh để dòng họ trở nên lớn mạnh chính đáng biết bao, nhưng cũng tội nghiệp và nhỏ bé biết bao!

Tôi cúi đầu trước đàn tràng, chắp tay thành kính cầu xin Đức Phật, cầu xin ông bà tổ tiên phù hộ độ trì cho dòng họ chúng tôi.

Lời khấn của bác tôi chính đáng biết bao, nhưng cũng tội nghiệp và nhỏ bé biết bao!

Lời khấn của bác tôi chính đáng biết bao, nhưng cũng tội nghiệp và nhỏ bé biết bao!

Cuối lễ cúng tối hôm đó, họ tôi phải thuê một người ngoài dòng họ mang những lễ vật ra sông, tống tiễn những mối oan kết vừa được cắt giải để con cháu trong dòng họ tôi nơi trần thế không bị quấy rối, được an lạc, thái bình.

Người được thuê đã luống tuổi, hơi dở người. Ông vẫn thường đánh trống thổi kèn trong những đám ma. Cũng vì dở người nên ông mới nhận công việc này. Bởi dân làng tôi quan niệm người mang lễ vật tống tiễn những mối oan kết của một dòng họ sẽ phải gánh chịu thay tất cả những cái không may mắn của dòng họ ấy. Nếu là người bình thường, sẽ không ai nhận công việc đó cả. Nhưng thật may cho họ tôi, người đàn ông dở người  đã đồng ý làm công việc không ai muốn làm.

Mọi người trong họ tôi sắp lễ lên một cái xe và giục ông kéo đi. Thầy đạo pháp huơ huơ bó đuốc làm lễ và quẳng theo phía sau cái xe. Người đàn ông nhỏ thó, gương mặt vô hồn, vội vàng nhặt lấy bó đuốc, thong dong kéo chiếc xe đựng lễ vật đi vào trong đêm tối.

Thầy đạo pháp làm dấu trấn áp. Mọi người trong họ tôi thở phào nhẹ nhõm tin rằng những điều oan gia trái chủ đã được cắt bỏ, từ này trở đi, dòng họ tôi sẽ gặp nhiều may mắn hơn.

Người đàn ông đi trong đêm

Người đàn ông kéo chiếc xe đựng lễ vật đi vào trong đêm tối.

Nhiều ngày sau đó, mọi người trong họ tôi vẫn râm ran kể những câu chuyện liên quan đến đàn tràng phổ độ gia tiên.

Chuyện một bác được bà tổ cô nghe nói rất thiêng trong họ nhập hồn ở lễ cầu siêu. Bà tổ cô ngày trước còn rất nhỏ, thấy mẹ đi chợ đã đi theo sau mà mẹ không biết. Chợ xa, không tìm thấy mẹ, rồi gặp mưa, rồi chết. Khi mọi người tìm ra thì mối đã đùn thành một đống to. Nơi bà tổ cô chết, người dân đã lập miếu thờ, họ nói bà rất thiêng. Trong họ tôi, nhiều nhà đi xem chỗ này chỗ kia, được mách bà tổ cô rất thiêng nên đã lập bàn thờ để thờ bà. Chuyện bà tổ cô nhập vào bác tôi khiến những người không được chứng kiến nghi ngờ đã đành nhưng ngay cả những người chứng kiến tận mắt hôm đó cũng bán tín bán nghi trước những lời lẽ, hành động của bác tôi.

Chuyện cả họ tôi đã liên hoan ăn mừng lễ cầu siêu phả độ gia tiên diễn ra trọn vẹn, tốt đẹp. Trong bữa cơm liên hoan đó, người già cũng như người trẻ, các bà, các cô, các chị cũng như các ông, các chú, các anh… đều rất phấn khởi. Sự hân hoan ngập trong những ánh mắt vui tươi, trong những cái cười rạng rỡ, trong những câu chúc sức khỏe, trong những cái “Một, hai, ba, dô! Một, hai, ba, uống!”… Ai nấy đều tràn đầy niềm tin tưởng, niềm hi vọng thật nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với dòng họ tôi trong thời gian tới.

MỌi người ăn uống vui mừng

Ai nấy đều tràn đầy niềm tin tưởng, niềm hi vọng thật nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với dòng họ tôi trong thời gian tới.

Rồi mọi người lại rỉ tai nhau chuyện người đàn ông được thuê mang lễ vật ra sông sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã quay ngay lại nhà bác trưởng họ trong đêm hôm đó để đòi tiền công. Chị tôi, con dâu bác trưởng họ đã phải xua đuổi không cho người đàn ông đó bước chân vào ngõ, sợ những mối oan kết theo chân ông quay lại họ chúng tôi, dù trước đó thầy đạo pháp đã làm dấu trấn yểm ở cổng.

Lại có người trách sao không thuê luôn xe của người đàn ông đó để ông ta khỏi quay lại, sao lại lấy cái xe bình thường vẫn kéo hàng hóa buôn bán của một anh trong họ tôi…

Cả chuyện hôm trước đốt vàng mã, đốt tòa tháp cao, voi to, ngựa lớn… lửa cháy làm héo mấy cành cây to trong vườn nhà bác trưởng họ. Và mọi người lại tự hào vì chưa bao giờ ở làng tôi, chưa có họ nào lập được đàn tràng phổ độ gia tiên hoành tráng như họ tôi.

Vài năm đã trôi qua kể từ ngày họ tôi lập đàn tràng cầu siêu cho tổ tiên. Người đàn ông được thuê mang lễ vật tống tiễn các mối oan kết của dòng họ tôi nay đã chết. Trong họ tôi cũng có những sự đổi thay. Chị con bác tôi công việc tiến triển thuận lợi, đã cùng gia đình ra nước ngoài làm việc, sinh sống. Một vài cháu đỗ đại học. Bác tôi bị ung thư năm nào sau nhiều lần xạ trị tình hình sức khỏe đã khả quan hơn rất nhiều vì ung thư được phát hiện sớm.

Một bác khác không may chết vì tai nạn giao thông. Trong họ, một vài anh em, một vài chú cháu xích mích, cãi cọ, chửi bới nhau, không thèm nhìn mặt nhau, nói xấu nhau mỗi khi có cơ hội. Thầy đạo pháp – em họ tôi ngày nào lém lỉnh, oai phong, nghênh ngang, vừa phải cắm ô tô, cắm đất vay tiền ngân hàng để trả nợ vì quá ham lô đề…

Cuộc sống dường như vẫn trôi qua với những khoảng sáng – đen lẫn lộn như bao lâu nay, như trước khi họ tôi làm đại lễ cầu siêu.

cuộc sống chảy trôi

Cuộc sống như vẫn trôi qua với những khoảng sáng – đen lẫn lộn

Bác trưởng họ tôi vẫn minh mẫn nhưng đã già hơn, đã yếu hơn sau lần tăng huyết áp đột ngột. Bác đã thôi công tác hội người cao tuổi, mọi việc trong họ tộc đã bàn giao lại cho con trai trưởng. Nhưng có lẽ, ước nguyện có thêm nhiều suất đinh để dòng họ phát triển to hơn, mạnh hơn vẫn canh cánh khôn nguôi trong lòng bác.

Sao Băng

Tháng 9/2018

Sources:

Tags:

BÀI LIÊN QUAN