Mạn đàm về “Tình” và những ảo tưởng xuất phát từ truy cầu cảm xúc

Mạn đàm về “Tình” và những ảo tưởng xuất phát từ truy cầu cảm xúc

Tình yêu mang lại cho con người những cung bậc cảm xúc khác nhau. Bên cạnh những mặt tích cực như khiến người ta thêm yêu đời, vui vẻ, có thêm động lực sống, nó cũng mang lại những mặt tiêu cực như muốn được sở hữu, khi một người cho đi, người ta thường mong muốn được nhận lại những điều tương tự.

Khi không được đền đáp hay nhận được phản hồi xứng đáng, chúng ta thường cảm thấy buồn rầu vì điều đó. Những hận thù hay oán giận đều có thể nảy sinh từ cái tình này. Có thể chúng ta thường nghe thấy những lời phàn nàn như là: “Tôi đã rất tốt với anh, sao anh có thể đối xử với tôi như thế?”

Việc mong chờ từ người khác thật ra là một hành động không lý trí. Lấy ví dụ, một người con quen được cha mẹ chăm sóc hay cưng chiều, nếu chẳng may cha mẹ không quan tâm tới cảm xúc của họ, khi đó họ không ít thì nhiều sẽ trở nên tiêu cực. Trong ý thức, húng ta luôn cho rằng cha mẹ phải luôn đối xử tốt với con cái. Mặc dù cha mẹ không ngừng chăm sóc và nuôi nấng con cái, nhưng chỉ vì một vài sự cố đã có thể khiến con cái oán giận trách cứ họ.

Việc này cũng xảy ra giữa các cặp vợ chồng. Vào ngày sinh nhật vợ, người chồng bất ngờ tặng vợ một món quà, đó là điều tốt. Tuy nhiên, nếu người vợ đòi hỏi một món quà nào đó và bực bội vì đòi hỏi của mình không được đáp ứng, kết quả sẽ ngược lại. Khi bạn quá theo đuổi điều gì thì đó chính là sự tham lam.

Một người không biết thỏa mãn với những gì mình đang có sẽ không biết quý trọng cuộc sống. Cho dù họ đã nhận được bao nhiêu thì dường như vẫn cảm thấy chưa đủ. Vậy làm sao để khiến một người có thể quý trọng những người thân yêu của mình và những người khác? Đây thường là nguyên nhân của sự bất hòa giữa các thành viên trong gia đình hay các cặp vợ chồng. Bởi vì “tình” luôn đi cùng với sự truy cầu, khi một ham muốn được thỏa mãn, người ta thấy vui mừng, còn không thì thấy thất vọng.

Những ảo tưởng xuất phát từ truy cầu cảm xúc

mùa đông

Nếu để ý, chúng ta sẽ nhận thấy dường như chính mình bị “cái tình” chi phối và kiểm soát. Chẳng hạn người độc thân thường hay ngưỡng mộ những cặp tình nhân và cách họ yêu thương chăm sóc lẫn nhau. Người có gia đình, đặc biệt là phụ nữ có con nhỏ, thường xuyên phàn nàn về người bạn đời của mình.

Cuộc sống luôn có vô vàn những khó khăn. Người ta theo đuổi tìm kiếm những khoảnh khắc đẹp trong ký ức, văn chương, hay phim ảnh, rồi cho rằng chúng là vĩnh cửu. Người ta sẽ nghe những bài hát về tình yêu để được thoải mái. Một số người còn tìm kiếm sự thỏa mãn qua các bộ phim truyền hình đầy ảo tưởng và tục tĩu. Nhiều người còn lấy những cảnh tưởng tượng đó để làm khuôn mẫu cho tình yêu của họ.

Khi được hỏi hạnh phúc là gì, người ta sẽ tìm kiếm trong tâm trí những cảnh tượng từ phim ảnh. Chúng ta rất dễ đi đến kết luận về một “tình yêu đích thực” khi gặp được một ai đó mà mình ngưỡng mộ. Sau đó nếu đối phương đã có người bạn đời, chúng ta lại tiếp tục ảo tưởng và buồn bã.

Nếu đối phương chưa có người yêu và cả hai đến với nhau, sự phấn khích sẽ không kéo dài lâu. Đó là bởi vì sau khi ham muốn được thỏa mãn, sự phấn khích ban đầu sẽ qua đi. Sau một thời gian, những vọng niệm đó lại nổi lên với người khác.

Con người sống trong “tình” như cá sống trong nước. Nếu một con cá phải tự thay đổi để sống trên cạn thì việc đó sẽ rất đau đớn. Khi chúng ta quan sát, có vẻ như cá bơi được là nhờ sự chuyển động của tự thân, nhưng thực ra chúng còn bị dòng chảy ảnh hưởng. Vì vậy chỉ khi chúng ta nuôi dưỡng một nội tâm thuần tịnh, chúng ta mới có thể áp chế sức ảnh hưởng từ tình.

Vậy nếu không có tình thì chúng ta sẽ ra sao? Có một thứ còn cao quý hơn tình, đó chính là sự từ bi. Từ bi hoàn toàn khác với tình, nó không chứa những ham muốn ích kỷ hay mong muốn được tưởng thưởng. Từ bi sẽ khiến chúng ta yêu thương bất kể ai ngay cả khi họ không tốt với chúng ta, điều đó cũng không hề làm ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta đối với họ. Vì vậy, từ bi ở cảnh giới cao hơn nhiều so với “tình” thông thường.

Bạch Mỹ/DKN

Xem thêm:

Sources:

Tags:

BÀI LIÊN QUAN