Mối tình đẹp của con gái vua Lý Huệ Tông và chàng thợ rèn

Mối tình đẹp của con gái vua Lý Huệ Tông và chàng thợ rèn

Là cành vàng lá ngọc, xưa nay các nàng công chúa đều được gả cho những đấng quân vương, quan tước, gia tộc bề thế… Nhưng đối với Lý Nguyên Sinh – con gái của vua Lý Huệ Tông thì lại khác, định mệnh cuộc đời bén duyên tình của nàng với chàng thợ rèn chân quê, để lại biết bao điều đáng nói.

Chuyện tình đẹp như mơ

Lý Nguyệt Sinh là nàng công chúa hết mực xinh đẹp và tài năng. Không chỉ vậy nàng còn có niềm đam mê võ thuật, tinh thông cung kiếm. Làm con gái vua Lý Huệ Tông dưới thời phong kiến nhưng chính nàng tự đặt cho mình các quy tắc khá phóng khoáng.

Công chúa Lý Nguyệt Sinh

Không chỉ xinh đẹp Lý Nguyệt Sinh còn tinh thông cung kiếm võ thuật. (Ảnh minh họa: Plus)

Trong một ngày đầu xuân, nàng cải trang giả trai trốn ra khỏi cung đi trẩy hội. Trong lễ hội có cuộc thi tài võ thuật, người đang thắng thế là một chàng thợ rèn tài hoa tên Chu Đình Dự. Chính thái độ ngạo mạn và tự kiêu của chàng thợ rèn đã khiến công chúa ra mặt thách đấu. Trận giao tranh đang đến hồi gay cấn thì búi tóc của công chúa tuột ra, thả xuống một suối tóc đen tuyền óng ả khiến chàng thợ rèn ngẩn ngơ không thốt nổi lời nào.

Cuộc thi võ đấu.

Cuộc thi võ đấu. (Ảnh minh họa: intrenet)

Sau khi đã hoàn hồn, Chu Đình Dự bày tỏ nỗi lòng với Nguyệt Sinh. Công chúa chỉ mỉm cười đưa cho chàng thanh Trúc Kiếm của mình với lời hẹn ước, nếu chàng rèn được 100 thanh Trúc Kiếm dâng vua thì họ sẽ tương phùng. Đình Dự trở về nhà liền mở lại lò rèn, chiêu mộ thợ lành để rèn kiếm. Chàng làm ngày làm đêm, lò rèn lúc nào cũng đỏ lửa.

Sau khi rèn đủ 100 thanh kiếm, Chu Đình Dự lên kinh đô, xin vào triều dâng kiếm cho vua. Nhà vua cho mang những thanh kiếm tốt nhất trong kho ra thử, kỳ lạ thay, trong muôn vàn binh khí, thanh kiếm của Đình Dự đều nổi bật nhất, không cây nào đọ được với kiếm của chàng. Vua Lý cảm động nâng kiếm trên tay, muốn phong tước thưởng công cho chàng thợ rèn tài ba. Chu Đình Dự quỳ xuống, dâng thanh Trúc Kiếm năm nào, tỏ bày ý nguyện được gặp lại chủ nhân của thanh kiếm.

Nhìn thanh Trúc Kiếm, nhà vua nhận ra ngay đó là tín vật của con gái liền sai quan Nội thị vào cung mời công chúa Lý Nguyệt Sinh ra triều kiến.

Nguyệt Sinh công chúa từ tốn thưa lại mọi chuyện với vua cha, nói rằng, thanh kiếm này là tín vật trao tình của hai người. Tuy nhiên, do chênh lệch về gia thế, phép nước lại nghiêm nên chuyện tình duyên của họ còn chờ xin ý kiến vua cha. Vua Huệ Tông nghe xong cảm động, liền phá lệ cho phép công chúa kết hôn với chàng trai nghèo làng Vọng Nguyêt, phong cho Chu Đình Dự làm Phò Mã Đô úy và ban thưởng rất hậu.

Thanh kiếm báu

Thanh kiếm báu của công chúa trao chàng thợ rèn đã tạo nên duyên phận một đời. (Ảnh minh họa: internet)

Vốn là con người phóng khoáng, hiếu động, công chúa như con chim xổ lồng, lúc nào cũng vui vẻ. Nàng giúp Chu Đình Dự thu xếp việc làm ăn. Chả mấy chốc Chu Đình Dự và công chúa Lý Nguyệt Sinh đã được dân gian tôn là ông bà Đại Xã Trưởng nghề rèn đúc sắt.

Mấy năm sau, công chúa hạ sinh được hai người con trai, cuộc sống gia đình ngày càng sung túc, đầm ấm hạnh phúc.

Lý Nguyệt Sinh đánh tan quân xâm lược nhà Tống

Bên cạnh câu chuyện tình đẹp như tiểu thuyết của nàng công chúa, Lý Nguyệt Sinh còn có một thuyết nữa về công lao to lớn của nàng trong cuộc chống quân xâm lược nhà Tống.

Chuyện kể rằng Nguyệt Sinh công chúa là một cô gái đầy cá tính. Năm mười tuổi, Nguyệt Sinh đã xin với vua cha cho đi theo nghiệp võ, bỏ qua việc khâu vá, thêu thùa. Nàng theo học võ một người thanh niên trẻ họ Chu người làng Vọng Nguyệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Lâu ngày, hai người phát sinh tình cảm. Khi đến tuổi cập kê, nàng được vua cha chọn gả cho hoàng tử Chăm nhất kiến cầu hôn, nhưng nàng từ chối vì đã trót thề ước với người thanh niên họ Chu kia. Vua cha tức giận vì cô con gái lỗi đạo hiếu nghĩa, định xử tội chết. Nhưng vì tình thương lòng ruột cô con gái tính cách mạnh mẽ, nên vua cha giáng cho làm thường dân. Nàng bèn về trọn tình cùng chàng thợ rèn họ Chu kia.

Khi Lý Thường Kiệt theo mệnh vua Lý Nhân Tông đi xây dựng chiến tuyến sông Cầu và tổ chức dân binh ở các hương thôn Yên Phong để chống quân Tống, Nguyệt Sinh đã tìm đến, xin ông cho đảm nhiệm công việc đánh giặc.

Vậy là nàng công chúa đã có cơ hội được khôi phục lại tước hiệu khi Tướng kiệt xin tấu trình nhà vua và họ Chu kia đã được sắc phong phò mã. Hai vợ chồng nàng rốt ráo thiết lập hệ thống dân binh, xây thành đắp lũy, kéo bễ rèn vũ khí, chuẩn bị lực lượng hòng chống giặc ngoại xâm báo đền ơn huệ vua cha.

Trong trận chiến với giặc Tống xâm lược, vợ chồng công chúa Nguyệt Sinh trực tiếp chỉ huy đoàn quân phá cầu phao, chặn đường lui của giặc phương Bắc. Trận đánh giáp lá cà giữa quân Đại Việt và quân Tống tại phòng tuyến Như Nguyệt buộc quân Tống buộc phải rút qua cầu phao để trở lại doanh trại của mình ở bờ Bắc. Giữa lúc đó có tiếng thét kinh hoàng của những tên giặc Tống: “Cầu phao đã bị cắt” làm cho  quân Tống có mặt ở bờ sông cũng như quân cầm cự ở trên các cánh đồng rã rời chân tay, chỉ tìm cách chạy thoát thân khỏi những cung nỏ của Lý Thường Kiệt từ trên chiến lũy bắn xuống. Trận tấn công của quân Tống bị thất bại thảm hại.

Hy sinh vì dân tộc, nàng công chúa sống mãi với thời gian

Sau nhà Lý mất ngôi về tay nhà Trần, hai vợ chồng công chúa Lý Nguyệt Sinh dấy binh khởi nghĩa. Đến niên hiệu Kiến Trung thứ 2 nhà Trần (tức đời vua Trần Thái Tông), công chúa cất quân báo thù cho nhà Lý tại trận địa thuộc trấn Thái Nguyên nhưng thất cơ tử trận.

2 vợ chồng công chúa

2 vợ chồng dấy binh khởi nghĩa. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Nói đến chi tiết này, theo như Bản thần bi ký – Di văn của Tiến sỹ Ngô Nhân Triệt, tấm bia có khắc về Nguyệt Sinh công chúa và phò mã thượng hầu như sau:

“Nguyệt Sinh công chúa và phò mã thượng hầu thừa lúc vua Huệ Tông phân thiên hạ ra làm 24 lộ. Lộ này phân cho công chúa cai quản. Được lệnh truyền quân lính xây dựng thuyền chiến đấu. Sau khi Chiêu Hoàng mất ngôi về nhà Trần.

Đến niên hiệu Kiến Trung thứ hai nhà Trần, công chúa cất quân báo thù tại trận địa thuộc trấn Thái Nguyên, chiến đấu tại một khu vườn Can xứ. Công chúa thất cơ bị tử trận, hóa thành một khúc gỗ lớn, trôi theo dòng sông về tới xã Mai Thượng, huyện Hiệp Hòa, ven bờ sông phía Bắc.

Truyền lại: bấy giờ chẳng ai biết rõ đầu đuôi khúc gỗ thế nào? Linh ứng báo mộng cho hương lão làng (Vọng Nguyệt) ra vớt sinh phần lên, làm lễ mai táng tại khu Vườn Nương thuộc địa phận xã Mai Thượng. Sau đó dân làng Vọng Nguyệt thờ bà (Nguyệt Sinh) và tôn làm phúc thần đại vương. Hiện nay ngôi mộ của Bà vẫn nằm ở khu đất lớn”.

Cho đến nay, công chúa Nguyệt Sinh và phò mã Chu Đình Dự vẫn được người dân làng Vọng Nguyệt lập đền thờ cúng và coi đó như một biểu tượng tâm linh của văn hóa truyền thống.

Nguyệt Sinh không chỉ là một công chúa đơn thuần, nàng không thua kém bất kỳ đấng nam tử hán nào khi tự dâng hiến thân mình vì vương triều nhà Lý: “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”. Tinh thần kiên trung đó mấy người có được, thật đáng quý biết bao!

Nàng còn là một công chúa hiếm thấy trong lịch sử khi dũng cảm nắm giữ lấy số phận và hạnh phúc của bản thân mình để có thể vượt qua bức tường vững chắc của cả một chế độ phong kiến đầy phong bế. Nàng chính là biểu tượng cho tinh thần tự do, chứng minh rằng con người hoàn toàn có thể tự làm nên lịch sử bằng chính bản ngã của mình.

Nguyệt Hà/DKN

Xem thêm: 

Sources:

BÀI LIÊN QUAN