Một công ty sử dụng Enzym để biến Cám gạo trở thành Siêu thực phẩm

Một công ty sử dụng Enzym để biến Cám gạo trở thành Siêu thực phẩm

Cám là lớp ngoài màu nâu mà ta thấy trên tất cả các loại hạt ngũ cốc, là phần “nguyên” trong ngũ cốc nguyên hạt. Trước đây ngành công nghiệp thực phẩm chỉ tập trung vào cám lúa mì và cám yến mạch, và cám nho khô. Tuy nhiên, RiceBran Technologies, một công ty chuyên về các sản phẩm từ gạo, đang thêm cám gạo như một sự lựa chọn mới vào trong số các loại nguyên liệu thực phẩm từ cám.

Cám gạo

Cám gạo. Ảnh: Latima.vn

Cám gạo cung cấp cho người tiêu dùng một sự lựa chọn thay thế không biến đổi gen, không gây dị ứng, và vô cùng bổ dưỡng. Đây là những đặc tính mà người tiêu dùng ngày nay có nhu cầu rất lớn. Nó cũng là một sản phẩm phụ của quá trình xay xát gạo nâu thành gạo trắng mà trước đây được xem là phế liệu.

Nếu bạn chưa nghe nói về cám gạo, điều này có thể là bởi vì chỉ có 1% cám gạo sẵn có trên thế giới hiện đang được sử dụng cho thị trường thực phẩm của con người, trong khi chỉ có 10% được sử dụng trong thức ăn gia súc, theo tiến sĩ Robert Smith, giám đốc điều hành của RiceBran Technologies. Công ty này đã làm cám gạo tái sinh và biến nó thành thành phần thực phẩm hữu ích. Smith đã lên tiếng phản hồi lại câu hỏi từ cuộc gọi phỏng vấn của Epoch Times ngày 11 tháng 8.

Nguồn thực phẩm trước đây bị xem là đồ vô giá trị

Lý do lớn nhất dẫn đến việc cám gạo vẫn đang còn bị lãng phí cho đến ngày nay là bởi enzym lipase trong cám gạo làm cho sản phẩm chứa nó bị ôi trong vòng 24 giờ nếu không làm ổn định enzym lipase. Hơn nữa chỉ có một vài công ty có công nghệ phục hồi các thành phần giàu dinh dưỡng, và họ cũng không kiên trì cố gắng mở ra một thị trường mới cho nó. Tuy nhiên, các loại máy xay xát gạo trên thế giới sản xuất gần 60 triệu tấn cám gạo hàng năm, theo Giám đốc điều hành và chủ tịch của công ty RiceBran, John Short.

Có trụ sở tại Scottsdale, Ariz., RiceBran Technologies là công ty tiên phong toàn cầu trong sản xuất cám gạo, dựa trên công nghệ ổn định cám độc quyền sử dụng enzym để bảo toàn dinh dưỡng. Một số kỹ thuật khác đã được các đối thủ cạnh tranh sử dụng bao gồm hóa chất, hệ thống sưởi lò vi sóng, và nhiều biến thể khác. Theo một tài liệu công khai của RiceBran Technologies, các kỹ thuật khác không hiệu quả trong việc bảo vệ chất lượng và hương vị của cám.

Trong khi các loại ngũ cốc cám lúa mì và yến mạch đã được bán trên thị trường chủ yếu là nhờ hàm lượng chất xơ của chúng (vốn rất hữu ích cho hệ tiêu hóa), RiceBran Technologies đã cố gắng tận dụng một loạt các tuyên bố về lợi ích sức khỏe để tạo ra sản phẩm của mình.

70% giá trị dinh dưỡng của gạo thực ra nằm ở lớp cám, trong đó bao gồm một phần nhỏ của phôi. Ngoài chất xơ, cám gạo cũng có sự cân bằng các axit amin, và giàu các vitamin, khoáng chất, axit béo Omega 3, 6, và 9, và các chất chống oxy hóa, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.

[Cám gạo] là một nguồn siêu thực phẩm tự nhiên, không biến đổi gen.
— Michael Goose, RiceBran Technologies

Cám gạo chứa 14-17% protein, vốn là nguồn protein thực vật rất tốt. RiceBran Technologies có các sản phẩm phân lập protein này, biến cám gạo thành một sản phẩm thay thế cho protein đậu nành và protein từ sữa. Công ty cũng đã sản xuất các loại bột cám gạo đã được ổn định enzym và loại cám gạo khử béo sử dụng làm thức ăn cho người và động vật, cũng như các loại dầu cám gạo.

Những nông dân thu gom và đóng bao lúa khô

Những nông dân thu gom và đóng bao lúa khô để bán ở Vị Thủy, vùng đất phía nam tỉnh Hậu Giang, đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 02 tháng 3 năm 2016. (STR/AFP/Getty Images)

Michael Goose, chủ tịch mới của mảng kinh doanh nguyên liệu Mỹ của RiceBran Technologies, nói trong cuộc gọi phỏng vấn của Epoch Times rằng cám gạo không kém gì “một nguồn siêu thực phẩm tự nhiên, không biến đổi gen“.

Chỉ cần sử dụng một nguyên liệu duy nhất là cám gạo cũng có thể cho phép các nhà sản xuất đáp ứng các mục tiêu dinh dưỡng quan trọng, Goose cho biết.

Bản 10-K gần đây nhất của công ty (là báo cáo hàng năm cho Ủy ban Chứng khoán và Ngoại tệ tổng kết hoạt động tài chính của công ty) cho biết các sản phẩm của họ có thể “chứng minh những đặc tính có lợi trong các khía cạnh của sức khỏe tim mạch, kiểm soát cân nặng, cân bằng glucose, phản ứng viêm, và sức khỏe đường tiêu hóa “.

Chế độ ăn của chúng ta đang thay đổi

Ngành công nghiệp thực phẩm đang dần chuyển dịch theo hướng sản xuất các sản phẩm đáp ứng các mối quan tâm về sức khỏe của người tiêu dùng, và những công ty như RiceBran Technologies đang xác lập vị thế của mình theo những xu hướng này. Theo tính toán bởi Technomic thì ngành công nghiệp thực phẩm có xu hướng tăng 3,9% trong năm qua nhưng sự tăng trưởng của những sản phẩm loại này còn cao hơn đang kể so với toàn ngành.

Thị trường thực phẩm tự nhiên, thực phẩm hữu cơ, và thực phẩm chức năng của Mỹ đã tăng hơn 10% và vượt mức 110 tỷ USD vào năm 2014, theo 10-K. Sắp tới, công ty nghiên cứu thị trường MarketsandMarkets dự đoán thị trường nguyên liệu thực phẩm chức năng sẽ tăng trưởng 6% mỗi năm cho đến năm 2020. Thực phẩm hữu cơ và thực phẩm tự nhiên cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng.

Cám gạo có lẽ là nguồn protein thực vật bị hoang nhiều phí nhất trên thế giới.
— Henk Hoogenkamp, chuyên gia protein và là thành viên hội đồng quản trị của RiceBran Technologies

Thực phẩm chức năng là thực phẩm có chứa một thành phần (chẳng hạn như cám gạo), có chức năng hỗ trợ sức khỏe hoặc ngăn ngừa bệnh tật. Ví dụ như các loại sữa chua lợi khuẩn (probiotic) và đồ uống năng lượng, hoặc các sản phẩm được quảng bá là giàu protein để thỏa mãn sự thèm ăn. Nutraceuticals (là những thực phẩm có lợi ích y học, thường dưới dạng thuốc bổ sung cho chế độ ăn) là một thị trường khác mà công ty cũng nhận thấy tiềm năng.

Cám gạo có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm, từ các loại đồ uống chức năng, các thanh bánh protein, đến đồ ăn nhẹ, các tạp phẩm như mì ống và bánh quy giòn. Ngoài ra cám gạo còn có rất nhiều tiềm năng để được sử dụng làm chất độn trong các sản phẩm từ thịt, bột làm bánh mì và các loại bánh khác.

Sản phẩm dẫn xuất từ cám gạo phổ biến nhất hiện nay là dầu cám gạo. Sản phẩm này đang dần được nhiều người sử dụng để thay thế cho dầu nành, dầu cải, hoặc dầu cọ khi chiên rán và nấu ăn hàng ngày. Chipotle Mexican Grill sử dụng dầu cám gạo như là một phần cam kết của mình để tránh những thực phẩm được sản xuất bằng hạt giống biến đổi gen. Loại dầu này đang mở rộng thị phần tại Ấn Độ và các nước châu Á khác, vì ở đây nhiều người xem nó như là một lựa chọn thay thế cho dầu ô liu.

Cám gạo

Ảnh: Caythuoc.org

Thị trường mới

RiceBran Technologies được thành lập năm 1998, lúc đó là một công ty giao dịch công khai dưới tên gọi NutraCea. Họ đổi tên thành RiceBran Technologies năm 2012. Mặc dù đã có những bước tiến lớn, công ty vẫn chưa đạt được lợi nhuận.

RiceBran Technologies nhìn thấy tiềm năng lớn nhất của cám gạo nằm ở mảng thực phẩm cho con người, vì nó tạo ra lợi nhuận biên cao nhất cho công ty. Đây là bước chuyển mình từ sự tập trung vào thị trường dinh dưỡng động vật trước đây.

Baruch Halpern, một thành viên hội đồng quản trị của RiceBran Technologies, cho biết về mặt lý thuyết thì thị trường để cám gạo trở thành một loại thực phẩm của con người có thể thực sự rất lớn. “Ngay lúc này chúng tôi đã có thị trường của chính mình”, ông nói.

“Cám gạo có lẽ là nguồn protein thực vật bị hoang phí nhất trên thế giới”, Henk Hoogenkamp, chuyên gia về protein và thành viên hội đồng quản trị cho RiceBran Technologies, đã viết trong một email. “Ở một mức độ nào đó thì đây là một điều đáng hổ thẹn, và sử dụng nguồn protein thực vật này có thể giảm bớt đi rất nhiều nguy cơ xuất hiện tình trạng thiếu lương thực khi mà dân số thế giới không ngừng tăng trưởng với khoảng 80 triệu người mỗi năm.”

Một thách thức, theo Short và Halpern, là phải sắp xếp hệ thống hậu cần để có được một nguồn cung cấp cám gạo đều đặn từ đó mới có thể ổn định enzym được đúng lúc và bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng trong cám. Điều đó đòi hỏi cần lắp đặt công nghệ tại các nhà máy xay xát lúa gạo, hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng của công ty gần đó để xử lý các loại cám.

Nguồn nguyên liệu hiện nay của RiceBran Technologies đến từ hai nhà máy xay xát gạo ở California, một ở Louisiana, và từ nhiều nhà máy khác nhau ở Brazil, nơi công ty sở hữu một nhà máy sản xuất dầu cám gạo.

Doanh thu RiceBran Technologies trong quý hai năm nay là 10,5 triệu USD, với phần lợi nhuận tại Mỹ của công ty đạt mức cao kỷ lục 8,8 triệu USD.

Quý này cũng ghi nhận khoản thua lỗ 8,1 triệu USD, trong đó bao gồm 3 triệu USD thiệt hại về uy tín công ty do cơ sở hạ tầng sản xuất tại Brazil đang gặp khó khăn, cũng như chi phí 1.100.000 USD do một cuộc tranh cãi gần đây trong nội bộ công ty về định hướng điều hành.

Cách sử dụng cám gạo trong sinh hoạt hàng ngày

Cám gạo là lớp ngoài, màu nâu, giàu dinh dưỡng của gạo, và là sản phẩm phụ của quá trình xay xát hạt gạo trắng.

Gạo

Gạo nâu. Ảnh: acarevietnam.com.

Được đánh giá cao vì hàm lượng chất xơ, protein, vitamin, khoáng chất, các axit béo, không gluten, và không biến đổi gen, nguồn nguyên liệu này hiện không những đang được phổ biến trong nhiều công thức sản phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm, mà còn được dùng như chất bổ sung tự nhiên có nhiều hàm lượng dinh dưỡng.

Dù không được bán rộng rãi trong các cửa hàng, nhưng cám gạo hiện đã được Bob’s Red Mill và NOW Foods bán trên Amazon. Dưới đây là một số cách sử dụng cám gạo phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày.

Nukadoko của người Nhật (Cám gạo lên men): Người Nhật có truyền thống trộn cám gạo với muối và nước, và đôi khi bỏ thêm ớt đỏ, tỏi, gừng, hoặc nấm shiitake để tạo ra một hỗn hợp sệt như hồ dán. Rau củ sẽ được để nguyên hay cắt nhỏ để vùi chung trong hỗn hợp này và chúng sẽ lên men, tạo thành chế phẩm sinh học lành mạnh. Hỗn hợp sẽ được tái sử dụng và “trông coi” hàng ngày, tương tự như một món dưa chua.

Thêm vào sinh tố, sữa chua, bột yến mạch cho buổi sáng của bạn: Một muỗng sẽ làm món ăn, đồ uống của bạn thêm vị ngọt, hương vị thơm ngon, và giàu dưỡng chất.

Khuấy vào nước, uống trực tiếp: Việc bổ sung dinh dưỡng theo cách này được ghi nhận là mùi vị không tệ chút nào.

Thêm vào khi làm bánh: Khi làm bánh nướng xốp, bánh ngọt và bánh mì, mọi người đang thay thế cám gạo với một phần bột mì.

Tác giả: Andrea Hayley, Epoch Times | Dịch giả: Phương Chính

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN