Mùa hè quê ngoại – khoảng trời bình yên của tuổi thơ tôi

Mùa hè quê ngoại – khoảng trời bình yên của tuổi thơ tôi

Mùa hè năm đó, mùa hè quê ngoại, liệu tôi có thể trở lại khoảng trời kỉ niệm ấy một lần nữa không?

Cuối năm lớp chín, tôi lo học bù đầu, xanh người cố gắng để được mặc chiếc áo trắng có khẩu hiệu của trường cấp III mà tôi mơ ước. Tôi vốn dĩ chẳng phải đứa “béo tốt” gì, lại trải qua đợt ôn thi, học đến khuya lắc khuya lơ, dậy từ lúc còn tờ mờ nên tôi trông chẳng khác gì “con mắm”. Mắt thì đỏ, cận gần 2 độ, người gầy gò nói chi bố mẹ tôi không thương. Mẹ tẩm bổ cho tôi với đủ các món mà tôi vẫn chẳng thể béo lên được.

Công sức của tôi không phải công cốc. Những ngày thức khuya dậy sớm mang đến số điểm đỗ vào cấp III ngoài tầm mong đợi của tôi chút đỉnh. Giã từ sách vở với những công thức toán chằng chịt, những từ mới Tiếng Anh ken nhau học hoài không hết. Tạm quên đi những ngày ôn thi mệt mỏi tôi vùi đầu vào chăn ngủ bù. Nhưng chỉ vài ngày sau, dù vẫn buồn ngủ nhưng tôi cảm thấy không thể nằm mãi được. Tôi uể oải rời khỏi chiếc giường ấm áp, ăn uống qua loa cho đỡ đói và ngồi vào bàn học như thói quen lặp lại lâu nay. Học chút rồi ngủ, ngày qua ngày.

Nhưng đến một hôm, với cái ý định ”đổi gió” chẳng biết từ đâu ra của mẹ tôi, tôi được về quê ngoại. Chiều hôm đó tôi ngồi sau yên xe máy của mẹ để về quê.

Cũng đã lâu rồi tôi chưa về thăm ngoại. Chẳng phải vì tôi không thích, không nhớ mà tôi quá bận với cuộc sống của riêng mình. Vượt qua những con đường đất gập ghềnh, mà trước đây tôi đã từng lăn lê bò xoài chỉ để đòi ngoại mua cái kẹo ở quán bà Hai, hai mẹ con tôi đã về đến nhà ngoại. Vẫn cái sân lát gạch đỏ cũ kĩ, cạnh đó vẫn lũy tre xanh ngày nào lũ chim rủ nhau về hót líu lo trước giờ ngủ trưa. Và vẫn thói quen cũ, đứng trước sân, ông bà ngoại đợi tôi về. Chắc ngoại mong tôi lắm.

Hai mẹ con

Vượt qua những con đường gập ghềnh, hai mẹ con tôi về quê ngoại…

Vừa về đến cổng, tôi đã sà ngay vào lòng ngoại, vẫn cái mùi trầu quen thuộc từ người bà làm tôi cảm thấy ấm áp đến lạ. Còn ông ngoại vẫn đứng đó, miệng đỏ nhỏm nhẻm nhai trầu nhìn tôi với ánh mắt trìu mến. Có lẽ đối với nhiều người quê nội vẫn hơn, nhưng với tôi quê ngoại gắn bó hơn cả. Nơi đây tôi đã chào đời với lời ru ngọt ngào của ngoại “à ơi…à ơi……”.

Trở về quê, nơi đã ôm ấp vỗ về bao kỉ niệm thơ ấu của tôi. Bao kỉ niệm quý giá thời thơ ấu, nơi đây như đã giúp tôi cất rất kĩ. Mọi thứ vẫn vậy. Vẫn cái không khí thoáng mát, trong lành mà trước đây tôi đã từng hay nhớ về mỗi lần mệt mỏi. Làng quê vẫn yên bình hiền dịu một cách thanh sơ. Nơi cuối ngõ vẫn là nhà Dì Sáu và ở khúc quặt kia vẫn là cánh đồng với lũ trâu gặm cỏ. Những đứa trẻ vẫn ngồi trên lưng trâu, vẫn thổi sáo, vui đùa, tắm sông ….Tôi cũng đã từng ngồi trên lưng một chú trâu như vậy. Mắt tôi bỗng rưng rưng.

Sáng hôm sau, ngoại gọi tôi dậy từ rất sớm, chẳng được lười biếng như trên thành phố. Tôi thức dậy đã ngửi thấy mùi thịt kho thơm phức của ngoại tôi liền chạy ngay xuống bếp, quấn quít bên ngoại như trước kia. Còn ông ngoại thì đã ra thăm đồng từ sáng sớm, đó là thói quen của ông từ ngày xưa. Khi ông ngoại trở về với chiếc nón cũ, chúng tôi lại quây quần bên mâm cơm đạm bạc nhưng rất vui vẻ. Đã lâu rồi tôi mới có cảm giác thoải mái như vậy.

ông bà vui vẻ bên cháu

Khi ông ngoại trở về, chúng tôi lại quây quần bên mâm cơm đạm bạc nhưng rất vui vẻ.

Về quê có bao nhiêu cái thú mà trên thành thị bận rộn chẳng thể tìm thấy được. Tôi thích cái không khí dịu nhẹ nơi đây. Dù là trong cái nắng của mùa hè, tôi một mình ra bãi cỏ trước đây tôi đã từng được chơi, được nghịch, được vui đùa với lũ bạn. Và thật tình cờ, tôi gặp lại nhỏ Thảo, trước còn nhỏ nó hay lẽo đẽo theo tôi lắm. Dạo này lớn lên nhỏ xinh xắn quá, dù nước da vẫn ngăm ngăm. Cái khuôn mặt vẫn tròn tròn, nhìn mà yêu lắm. Nhỏ kém tôi những bốn tuổi. Nhớ ngày tôi phải chuyển lên thành phố, nhỏ cứ chạy theo khóc lẽo đẽo, vậy mà giờ đã lớn xinh vậy rồi. Nhìn thấy nhỏ, tôi nhận ra ngay.

-Bé Thảo đây mà!

Tôi gọi nhỏ, quay lại nhìn thấy tôi, nhỏ Thảo chạy ngay đến khóc nức lên. Tôi không ngờ nó lại mừng đến phát khóc khi gặp lại tôi như vậy. “Ơ hay cái con này! Có còn bé đâu mà…..” An ủi vậy nhưng tôi vẫn để nhỏ Thảo khóc thút thít một lúc. Hết khóc, mắt vẫn đỏ hoe, mũi sụt sịt, nhỏ rủ tôi ngồi xuống bãi cỏ. Hai đứa ôn lại kỉ niệm cũ với những trò chơi mà chúng tôi từng rất thích, trò đánh trận giả với lũ con trai làng bên, trò nấu ăn với đống bùn đống lá, hay trò đuổi bắt đến rách toạc đầu gối mà không dám khóc vì sợ lũ bạn “ê”. Nhỏ kể rằng nó nhớ tôi nhiều lắm, tôi lên thành phố nó bị lũ lớp trên bắt nạt hoài. Tôi bảo tôi cũng nhớ nó lắm, nhớ cái con nhỏ lúc nào cũng lẽo đẽo bám theo sau áo tôi, nhớ cái con nhỏ bị tôi dọa ma đến phát khóc, nhớ cái con nhỏ chỉ vì thích cái nơ con bướm của tôi mà mang đến cho tôi cả một đống kẹo. Những kỉ niệm xưa ùa về, những kỉ niệm đẹp đẽ tôi đã gói gém rất kĩ giờ bỗng hiện lên làm tôi cũng rơm rớm nước mắt. Tôi khóc vì chẳng biết khi nào có thể quay lại thăm nhỏ lần nữa, vì chẳng biết bao giờ tôi mới có thể quay lại khoảng trời chúng tôi đang ngồi, khoảng trời mà thật nhiều năm về trước, tôi vẫn còn là một đứa trẻ con khóc vì kẹo và khóc vì nhớ mẹ.

thú vui quê

Về quê có bao nhiêu cái thú mà trên thành thị bận rộn chẳng thể tìm thấy được…

Về quê ba ngày, tôi cùng nhỏ Thảo đi khắp tận cùng ngõ xóm, dắt tay nhau đi qua cây cầu xưa cũ kĩ. Rồi đôi lúc chúng tôi lại cùng nhau chơi lại những trò đồ hàng ngày xưa. Tôi còn mang những trận khóc nhè xưa ra trêu nhỏ, trêu cái con nhỏ mít ướt với cái khuôn mặt tròn tròn đáng yêu. Rồi một buồi chiều nhỏ qua nhà ngoại tôi, rủ tôi đi xuống chợ chơi. Vì chợ khá xa nên hai đứa ngồi chung trên chiếc xe cào cào cũ của ngoại tôi cùng xuống chợ. Muốn xuống chợ chúng tôi phải qua một con dốc. Đúng lúc xuống dốc, bỗng dưng cái xe lảo đảo chẳng thể điều khiển theo ý mình… Theo phản xạ tôi nhìn xuống dưới và chẳng thấy cái bánh xe đằng sau đâu nữa. Chúng tôi theo con dốc lao thẳng xuống. Uỳnh…… Cả tôi và nhỏ Thảo ngã ngay dưới chân con dốc, còn cái bánh xe của ngoại không biết đã lăn đi đằng nào chưa kịp định thần đã nghe nhỏ Thảo khóc toáng lên. Lo lắng, tôi quay sang, sợ Thảo gãy tay gãy chân. Nhưng thật may, nhỏ chỉ xướt xát chút thôi. Chắc tại hoảng quá nên khóc toáng lên, mặt đỏ ửng đầm đìa nước mắt. Tôi vừa dìu nó qua bên đường, vừa an ủi nó.

– Chị…!

Nhỏ Thảo bỗng chỉ vào đầu gối tôi với cặp mắt mở to, sợ hãi. Tôi nhìn xuống đầu gối mình thì thấy gần như một mảng da đã bị tróc ra. Tuy mảng da không lớn nhưng chảy khá nhiều máu. Lúc ấy tôi vẫn chưa cảm nhận được cái đau. Nhỏ Thảo thì rối rít:

– Chị có đau không chị? Thôi chết! Ông bà sẽ mắng em mất, sẽ không cho chị đi chơi với em nữa mất! Làm thế nào bây giờ chị?

– Cứ bình tĩnh đã nào! Chị không sao đâu!

Tôi an ủi Thảo. Thấy đằng xa có một quán nước ven đường. Tôi bảo Thảo:

– Chị em mình hãy vào quán nước kia đã.

Thật may chúng tôi gặp được một bác bán hàng nước tốt bụng. Bác giúp tôi rửa qua vết thương và băng bó cẩn thận cho tôi. Bác cũng đã tìm hộ chúng tôi cái bánh xe bị rơi ra. Khi mọi chuyện ổn ổn, tôi cảm ơn bác và xin phép bác ra về. Hai chị em phải đi bộ khá xa. Cái chân tôi lúc này mới bắt đầu đau rát mỗi khi tôi nhấc chân lên bước đi. Thành thử tôi phải đi cà nhắc cho đỡ đau. Hai chị em còn phải cố vác cái xe đạp hỏng. Tôi không sợ bị ông bà mắng vì ông bà vẫn cưng chiều tôi nhất nhà. Còn cái chân, chắc là không sao, sẽ sớm khỏi thôi. Hồi nhỏ tôi cũng đã ngã suốt mà. Trong khi đó, nhỏ Thảo vẫn mếu máo, lo tôi bị đau, lo bị ông bà mắng, lo không được đi chơi với tôi nữa… Tôi cố tìm lời an ủi nó mà không được.

Khi chúng tôi về đến nhà ngoại thì cả nhà đang rối rít tìm chúng tôi vì thấy hai đứa đi chơi lâu về quá. Thấy cái chân băng bó của tôi, mọi người càng cuống quýt hơn làm tôi chẳng kịp giải thích gì. Nhỏ Thảo đứng nép vào một góc, sợ bị trách mắng. Chỉ có ông ngoại là còn bình tĩnh. Ông bảo mọi người:

– Không sao đâu, hồi nhỏ nó ngã suốt đó thôi!

Đúng là ngoại hiểu tôi nhất, ngoại đã nói trúng điều tôi muốn nói với mọi người. Mẹ tôi chở Thảo về nhà nó. Không biết nó có bị bố mẹ mắng vì tội đi chơi mà xướt xát người không.

Nhỏ Thảo sợ

Nhỏ Thảo nép vào một góc sợ bị trách mắng…

Tối đó, nằm trên võng đung đưa, tôi nghĩ về cái xe cào cào rơi bánh, về cái chân đau của tôi, về cả nhỏ Thảo nữa. Nhớ lại vẻ mặt sợ hãi của nhỏ Thảo lúc bị ngã, lúc chúng tôi về nhà, tôi cười một mình: “Nhỏ đúng là con nít!”

Tôi định hôm sau sẽ qua nhà nhỏ, xem những vết xây xát của nhỏ thế nào rồi bàn xem chúng tôi sẽ đi đâu chơi nữa. Nhưng chợt nhớ ra hôm sau là ngày tôi phải về thành phố, tôi nén tiếng thở dài. Đêm đó, tôi chỉ mong trời thật lâu sáng, để tôi có thể ở đây với ngoại, nơi đầy bình yên thêm chút nữa, một chút nữa thôi cũng được.

Thế nhưng sáng sớm hôm sau cũng đến. Tôi thu dọn đồ, vừa ra sân tôi đã thấy nhỏ Thảo ở đấy từ lúc nào với khuôn mặt như sắp khóc. Khiến tôi không biết nói gì với nhỏ nữa.. Tôi tặng nhỏ Thảo mấy cuốn sách yêu thích mà tôi đã cầm về quê phòng khi chán. Nhưng ba ngày ở đây dong duổi cũng nhỏ Thảo, bao điều thú vị khiến tôi chẳng lật đến một trang. Nhỏ Thảo cầm mấy cuốn sách tôi tặng mà mặt cứ mếu xị. Còn tôi, dù chẳng muốn rời đi nhưng cuối cùng cũng phải leo lên xe để mẹ đèo về thành phố.

Quay trở lại thành phố là quay trở lại nhịp sống ăn, học, rồi lại học, ăn, thật nhạt nhẽo, vô vị. Tôi chỉ muốn ở mãi với ông bà ngoại, với nhỏ Thảo, với khoảng trời bình yên của mùa hè quê ngoại, khoảng trời của bao ngày tháng tuổi thơ vô tư, hồn nhiên, nghịch ngợm mà trong sáng. Khoảng trời ấy đã tưới tắm cho tâm hồn tôi dần lớn lên, đã xua tan những mệt mỏi tôi gặp phải trong cuộc sống mỗi khi tôi nhớ về. Tôi ngoái đầu lại. Bóng ông bà ngoại, bóng nhỏ Thảo cũng đang dõi theo tôi cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi khuất hẳn.

Thanh Thư

10/2018

 

Sources:

Tags:

BÀI LIÊN QUAN