Người thầy bán văn phòng phẩm

Người thầy bán văn phòng phẩm

Theo đạo lí “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, cô chính là một người thầy của tôi. Không theo đạo lí ấy, tôi vẫn tự coi mình như một học trò của cô để được thơm lây danh tiếng. Cô là nhà giáo ưu tú nhất ngôi trường chuyên tôi đã về thực tập.

người thầy

Lần đầu tiên gặp cô trong phòng họp của tổ Văn, tôi cũng như các bạn cùng thực tập với tôi đã rất lúng túng, không biết phải chào cô hay chào thầy. Một dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, một mái tóc tém đã có những sợi bạc, một gương mặt nghiêm nghị với vẻ phớt đời, một giọng nói khàn khàn.

Năm ấy cô vừa mới nghỉ hưu và được trường mời ở lại dạy. Cô không hướng dẫn sinh viên nào về thực tập nhưng khi chúng tôi xin phép dự giờ dạy của cô, cô đã vui vẻ đồng ý. Trái với bề ngoài hơi nam tính, cô giảng văn thật say mê, truyền cảm. Chúng tôi ngồi bên dưới nghe chỉ một lòng cảm phục và yêu mến.

Tuổi sáu mươi như không hề làm giảm bầu nhiệt huyết của cô đối với văn chương, cũng như tâm huyết của cô đối với học trò. Những bước chân nhanh nhẹn, những ánh nhìn nghiêm nghị. Không học trò nào được phép lơ đãng rời khỏi bài học. Cô, bằng chính tình yêu văn chương và tình yêu nghề của mình, đã dẫn dắt chúng từng bước, từng bước một đến với cái hay, cái đẹp của thế giới văn chương, làm cho chúng thực sự cảm thấy say mê, thích thú. Đằng sau những ánh nhìn nghiêm nghị, tôi nhận thấy tấm lòng của một người thầy, tấm lòng mong học trò của mình thực sự tiến bộ. Đám sinh viên thực tập chúng tôi đã học được nhiều điều từ giờ dạy của cô hôm ấy.

Chúng tôi lặng nghe mà không biết phải nói gì. Cô đến để bán văn phòng phẩm.

Một tháng về thực tập, chúng tôi còn gặp cô vài lần trong phòng họp tổ, vài lần trong phòng chờ giáo viên, được nghe cô nói chuyện với các đồng nghiệp, được cô truyền cho một số kinh nghiệm giảng văn và dạy học trò. Tính cô nghiêm nghị, thẳng thắn mà cũng thật dễ gần. Nghe những câu chuyện vui vẻ, những câu nói bông đùa, phớt đời của cô, tôi không nghĩ cô lại có một cuộc đời riêng đầy nỗi niềm.

“Tôi vốn không phải quê ở đây”. -Cô vẫn thường xưng “tôi” như vậy và gọi học trò là “các em”. Cách xưng hô vừa xa lạ, vừa trìu mến. Gốc là người Hà Nội, nhưng cô đã sớm rời xa mảnh đất nghìn năm văn hiến, rời xa thủ đô hoa lệ mà nhiều người khao khát đặt chân đến để về những miền quê dạy học. Niềm đam mê văn chương và trên hết là tình yêu học trò đã giữ cô ở lại, giúp cô vượt qua bao khó khăn thiếu thốn của một thời. Cả cuộc đời mình cô đã cống hiến vẹn nguyên cho sự nghiệp trồng người, không dành cho mình một chút riêng tư. Sáu mươi tuổi cô sống cô đơn trong một mái nhà.

Bao thế hệ học trò yêu mến và thương cô nhưng họ còn có những cuộc đời riêng nên không tránh khỏi những lúc cô nằm viện một mình, những lúc cô phải thuê hộ lí làm cho tất cả. Cô bảo: “Thuê bọn hộ lí là nhanh và tiện nhất, chứ chờ đám học sinh đến thì chắc tôi chết lâu rồi!”. Lời cô nói nhẹ tênh như không muốn ai phải ngậm ngùi. Nhưng… trong hoàn cảnh của cô liệu có còn cách nào nữa không?

Những câu chuyện về cuộc đời cô, tôi được nghe kể từ một cô giáo khác – cũng là học trò thân thiết của cô. Cô biết học trò thương mình nên không bao giờ than vãn. Lúc nào trong lời nói của cô cũng có vẻ phớt đời, để không ai phải lo lắng, phải muộn phiền vì cô. Chúng tôi lại càng kính phục và thầm thương cô hơn.

Sáu mươi tuổi cô sống cô đơn trong một mái nhà.

Một năm sau về lại ngôi trường thực tập, tôi không thấy cô trong phòng họp của tổ Văn nữa. Chắc cô đã “thanh thản lui về chăm cá cảnh” như có lần cô từng nói…

Nhưng một hôm chúng tôi bất ngờ gặp cô trong phòng chờ giáo viên. Vẫn một dáng hình nhanh nhẹn, vẫn những lời nói vui vẻ, phớt đời. Cô giao cho giáo viên này những hộp màu, giao cho giáo viên khác những tệp vở, cây bút… Trong khi các thầy cô giáo vui vẻ nhận những món đồ đã đặt mua từ trước, cô còn nhiệt tình giới thiệu những mặt hàng vừa rẻ vừa tốt. Chúng tôi lặng nghe mà không biết phải nói gì. Cô đến để bán văn phòng phẩm.

Cô thường tranh thủ đến vào giờ ra chơi và không bao giờ ở lại lâu. Chiếc cặp bao năm đựng giáo án và những tập bài của học sinh giờ nặng những đồ dùng học tập. Hộp phấn, túi bút, thước kẻ, màu vẽ… mỗi món chỉ vài nghìn và thường rẻ hơn ngoài đại lí. Tôi biết chắc chắn cô đến trường bán văn phòng phẩm không phải để kiếm lời, không phải vì mưu sinh.

Đám sinh viên thực tập chúng tôi đã học được nhiều điều từ giờ dạy của cô hôm ấy.

Một sáng, cô đến sớm hơn mọi khi, trong phòng chờ giáo viên chỉ có đám sinh viên thực tập. Chúng tôi mạnh dạn trò chuyện với cô và tíu tít hỏi mua những đồ dùng học tập, đứa cây thước, đứa cái bút chì, đứa vài chiếc bút bi… Cô vừa vui vẻ lấy ra từng món đồ vừa nói: “Tôi cám ơn các em”.

Chờ cho đến khi đám sinh viên thực tập chúng tôi mỗi đứa đều có được món đồ mình cần, cô mới bắt đầu trải lòng: “Tôi đi bán văn phòng phẩm là vì tôi muốn được vào trường…”. Giọng cô vẫn nhẹ tênh, bình thản nhưng đằng sau ẩn giấu bao nỗi niềm. Chúng tôi chợt hiểu vì sao những món đồ cô mang đến thường rẻ như thế. Cô đi bán văn phòng phẩm chỉ để có cớ được vào trường, được vào nơi mà cô đã gắn bó bao nhiêu năm. Nơi mà cô đã truyền đi niềm đam mê văn chương cho bao thế hệ học trò. Nơi mà cô không thể rời xa ngay trong một sớm một chiều…

“Thôi chào các em! Tôi đi nhé!”. Chúng tôi nhìn theo cô. Hơn sáu mươi tuổi… Giá như có một mái ấm gia đình, giá như được vui vầy bên con cháu, có lẽ cô cũng sẽ vơi bớt đi nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ nghề… Có lẽ cô sẽ không phải đi bán văn phòng phẩm chỉ để được vào trường…

Giữa sân trường mênh mông đầy nắng, bóng cô nhỏ bé nghiêng về một bên…

Sao Băng

Sources:

Tags:

BÀI LIÊN QUAN