Nguồn gốc của đốt vàng mã: “Trần sao âm vậy” có đúng không?

Nguồn gốc của đốt vàng mã: “Trần sao âm vậy” có đúng không?

‘Trần sao âm vậy’- Vì quan niệm đó mà rất nhiều thứ ở trên trần gian được gửi  xuống “cõi âm” bằng cách đốt- hóa. Tại Việt Nam phương thức đốt vàng mã vô cùng phổ biến, dường như đã thành tục đối với mỗi hộ gia đình. Đặc biệt là vào ngày Tết hằng năm, hoạt động này lại càng phát triển.

Hoạt động đốt vàng mã có từ đâu?

Tục đốt vàng mã cũng khá lâu đời, phát triển từ thời nhà Đường cho tới nay. (Ảnh minh họa: internet)

Năm 762, thời vua Đường Đạt Tôn, Phật giáo vô cùng phát triển, vào ngày rằm tháng 7 có một vị sư tên là Đạo Tăng muốn cho dân chúng theo về Phật giáo nên vào tâu vua rằng: Rằm tháng 7 là ngày Diêm vương ở âm phủ xét tội – phúc thăng trầm tha bổng, nhà vua nên  khuyến khích thiên hạ  trong ngày này đốt thật nhiều vàng mã để cúng những thân nhân đã mất.

Vua Đạt Tôn đang muốn được lòng dân nên đồng ý với lời tâu của vị Tăng sư liền hạ chiếu thiên hạ đốt vàng mã vào ngày rằm tháng 7 mỗi năm. Nhưng chẳng bao lâu, vị Tăng sư kia lại bị giới Tăng sĩ Phật giáo bài trừ, cho rằng việc đốt vàng mã đã làm mất đi ý nghĩa trong một ngày trọng đại này. Cho nên dân chúng Trung Hoa thời đó đã bỏ tục làm vàng mã, hoạt động buôn bán vàng mã gần như bị thất  nghiệp.

Trong số đó có Vương Luân, dòng dõi nhà Vương Dũ, một trong những  người khởi đầu chế ra nghề vàng mã. Vì không chịu để  nghề này mai một một cách uổng công, Vương Luân cùng các bạn đồng nghiệp âm mưu tìm cách phục hưng lại nghề vàng mã.

Một người giả ốm cách mấy hôm rồi được loan tin đã bị chết, cái xác giả chết kia được khâm niệm rồi cho vào quan tài đã được bố trí thức ăn và nước uống, chiếc quan tài cũng đã có lỗ hổng để thở. Đương khi xóm làng đến thăm viếng đông đúc, Vương Luân sai gia nhân đem cả hàng ngàn những thứ vàng mã ra đốt, trong đó có cả hình nhân thế mệnh đem ra cúng người chết. Đang cúng các quan âm tào địa phủ, thiên phủ, nhân phủ, mọi người trăm tay như một, trông thấy hai năm rõ mười, cỗ quan tài người chết tự động rung lên.

Người giả chết trong quan tài kia từ từ ngồi dạy, lờ đờ đứng lên và tuyên bố với mọi người rằng nhờ hình nhân thế mệnh được đốt cho mà được tha cho về nhân thế. Công chúng lúc đó thì ai cũng tưởng thật, cho rằng hình nhân có thể giúp thế mệnh được, ăn các đồ cúng lễ hàng mã có thể tăng phúc, giảm tội và tăng tuổi thọ cho con người. Từ đó về sau, nghề hàng mã lại được phục hưng lại một cách nhanh chóng. Chuyện này được ghi lại trong Trực ngôn cảnh giáo và lưu truyền cho đến ngày nay.

Hoạt động đốt vàng mà phát triển tại Việt Nam như thế nào?

đốt vàng mã

Giữa lòng thủ đô, một làng sản xuất vàng mã đang hối hả từng ngà. Làng mã Văn Hội, thuộc Thường Tín, ngoài ra còn có làng nghề Phúc Am, Duyên Tường. Các làng vàng mã cứ thế tiếp nối các thế hệ cha ông và dần dần trở thành nghề truyền thống. Đặt chân tới các làng này, ta không khỏi bắt gặp một cảnh tượng quen thuộc của những con người quanh năm “bán mặt cho nghề”, từ các cụ bà bỏm bẻm nhai trầu đến các em nhỏ ngây thơ đều gắn bó với  nghề, chưa tính những người thợ tay nghề đắc lực trong ngành.

Cô Nhung, một hộ làm vàng mã trong làng cho biết, nhu cầu sắm Tết cho người cõi âm là rất cao, nhà có 4 người làm đồ đến đâu là hết đến đấy, phải huy động hết nhân lực, có khi không kịp, nhiều lúc phải làm đến 12 giờ đêm.

Còn chị Hồng, một đại lý bán vàng mã ở chùa Hương cho biết, những ngày sắp Tết này các đại lý đều đổ hàng về nhà chờ Tết, người dân lăng đi lễ chùa, đi hội, lúc đó họ sẽ đẩy hàng ra và có cơ hội đẩy giá lên cao. Tuy giá có tăng chút ít nhưng sức mua vẫn không hề ảnh hưởng: “Khách mua hàng chỉ hỏi giá, rồi trả tiền, cũng chẳng mấy ai kỳ kèo”, chị Hồng cho biết.

Ngày nay, nhiều doanh nghiệp hay các gia đình làm ăn khấm khá đã “hào phóng” biếu ông bà, tổ tiên ngoài các món đồ vật dụng thông thường còn có nhiều hàng “độc” khác như xe hơi, nhà lầu, điện thoại, các mặt đồ xa xỉ cho các cụ tiêu dùng. Có những người chi tiêu đến tiền tỷ cho việc cúng lễ là chuyện bình thường. Anh Ngọc, một thợ chuyên làm ngựa mã cho biết: “Năm ngoái một doanh nghiệp làm bánh đậu xanh ở Hải Dương đã đặt  nhà anh 120 triệu để làm vàng mã cúng đầu năm, phải thuê 10 chuyến ô tô mới chở hết số hàng mà họ đã đặt.” Anh cũng cho biết rằng anh đang làm một chiếc “đèn cầu” cho một công ty có giá 18 triệu, đã nhận sẽ giao hàng trước Tết. Quanh năm bận rộn với nghề, cái nghề này cũng yêu cầu cần tỉ mẩn, tính chất “cầu kỳ”…nên thành quả lao động cũng không hề đáng thất vọng.

Đồ mã xa xỉ biếu ông bà, tổ tiên.

Đồ mã xa xỉ biếu ông bà, tổ tiên. (Ảnh minh họa: internet)

Có những người nông dân, cả năm chỉ ước ao có 2 vụ mùa bội thu để được một cái Tết no ấm với bánh chưng xanh và dưa hành. Có những người công nhân, quanh năm cày cạy với may móc công nghiệp, làm ăn nơi xa rồi chờ đến ngày Tết về quê sum vầy cùng gia đình, được đồng lương chắt bóp cả năm mang về… vậy họ có tiền như ai kia  đổ hàng trăm triệu để mua vàng mã “hàng hiệu” không?

Sống chết là chuyện duyên Trời định đoạt, làm người sống trên đời thì luôn có sinh lão bệnh tử. Làm nhiều chuyện tốt sẽ được nhiều phúc báo thiện lành, cuộc sống ấm no hạnh phúc, ngược lại làm chuyện xấu thì sẽ tự nhận nhân quả báo ứng, gieo nhân nào gặp quả đấy, nếu thế thì việc đốt vàng mã liệu có giải mã được hay không?

Việc đốt vàng mã được được quan niệm như thế nào trong Phật giáo Việt Nam?

Gíao hội Phật giáo Việt Nam, Tiến sỹ Phật học, Đại đức Thích Đức Thiện, Trụ trì chùa Phật Tích (Bắc Ninh) khẳng định rằng: “Kinh Phật không dạy Phật tử đốt nhiều hàng mã mà đây là tục lệ bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian. Phật giáo Việt Nam mang màu sắc tinh thần của đạo Khổng, đạo Lão, đạo Mẫu… và cả tín ngưỡng dân gian… là sự pha lẫn của tất cả, nên trong chùa vẫn không tránh được việc đốt vàng mã. Tuy nhiên, đốt vàng mã là nhu cầu tâm linh có từ lâu đời, nên giáo lý Phật giáo chỉ hướng dẫn, giải thích để đệ tử giác ngộ bản chất mà hạn chế dần, giảm thiểu thiết hại về môi trường và kinh tế.”

Phật giáo không khuyến khích việc đốt vàng mã.

Phật giáo không khuyến khích việc đốt vàng mã. (Ảnh minh họa: internet)

Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó trưởng ban Nghi lễ Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Trong giáo lý nhà Phật không có việc đốt vàng mã cúng tế người chết. Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này. Phật giáo chỉ khuyên trong ngày lễ Vu Lan (báo hiếu cha mẹ) thì nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ. Và làm lễ xá tội vong nhân – cúng những vong hồn lưu lạc một mâm cỗ chay để bố thi siêu sinh. Đồng thời, giúp đỡ những người nghèo khổ chốn trần gian ăn chay niệm Phật và phóng sinh tích đức để siêu độ vong linh”.

Suy đi tính lại thì ngay cả Phật giáo Việt Nam cũng không hề khuyến khích hoạt động đốt vàng mã này. Nếu như lạm dụng việc này thì đây lại là một việc gây họa. Có không ít những sự việc chỉ vì đốt vàng mã mà gây ra những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, gây nguy hiểm, quả thực rất đáng tiếc. Việc này cũng tổn hại về nguồn tài chính cho con người chúng ta nữa, bởi có những người quá coi trọng việc đốt vàng mã quá nên phải vay mượn tiền mà mua sắm, mà cúng bái, chỉ để thỏa mãn suy nghĩ về quan niệm “trần sao âm vậy”. Như vậy, đó có phải chính là một hoạt động mê tín?

Nguyệt Hà/DKN

Xem thêm: Nội hàm sâu sắc của vũ đạo truyền thống Trung Hoa

Sources:

BÀI LIÊN QUAN