Nguồn gốc của những thành ngữ Trung Hoa phổ biến

Nguồn gốc của những thành ngữ Trung Hoa phổ biến

Ngày nay chúng ta vẫn thường nghe rất nhiều thành ngữ Trung Hoa được sử dụng trong đời sống thường ngày như: đàn gảy tai trâu, ôm cây đợi thỏ,… Tuy nhiên nguồn gốc sâu xa của nó thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là nguồn gốc của những thành ngữ Trung Hoa phổ biến phần nào giúp quý độc giả giải mã những thắc mắc trên.

thành ngữ trung hoa

Thiên La Địa Võng: Cổ Dịch đã phải chấm dứt mối quan hệ với Lý Sư Sư, người con gái mà anh yêu, bởi vì Hoàng đế Huy Tông cũng thích nàng. (Catherine Chang/ Đại Kỷ Nguyên)

Thành ngữ: ‘Ăn Có Nhai, Làm Có Nghĩ’ (Hung Hữu Thành Trúc – 胸有成竹)

Văn Dữ Khả, còn được gọi là Văn Đồng (文同) là một nghệ nhân thời nhà Tống (960-1279 sau Công Nguyên), rất nổi tiếng với những bức tranh vẽ cây trúc của mình. Danh tiếng của bậc thầy hội họa và nghệ thuật về trúc này được lan truyền rộng khắp. Rất nhiều người đã tìm đến ông và mong được ông thu nhận làm đồ đệ.

Khi còn trẻ, ông đặc biệt thích vẽ những tác phẩm về trúc. Ông trồng một rừng trúc trong vườn của mình để có thể quan sát quá trình phát triển cũng như hình dáng của trúc qua những giai đoạn và trong các điều kiện tăng trưởng.

Theo thời gian, những hình ảnh của cây trúc vào các mùa khác nhau, trong các điều kiện thời tiết, và vào những thời điểm khác nhau trong vòng đời của cây đã khắc sâu vào tâm trí của ông.

Mỗi lần cầm bút lên để vẽ trúc, ông đã mường tượng sẵn trong đầu một hình ảnh tương ứng. Vì vậy, tất cả những bức tranh ông vẽ rất độc đáo, sống động và y như thật.

Khi mọi người hỏi làm thế nào ông có thể vẽ trúc quá giỏi và nhanh như vậy, ông chỉ nhẹ nhàng mỉm cười và trả lời, “Tôi chỉ vẽ lại cây trúc hiện lên trong tâm trí của mình”

Người ta nói ông tài đến mức có thể cầm hai cây bút trong một tay để vẽ hai cây trúc khác nhau cùng một lúc.

Sau khi ông qua đời vào năm 1079, Tô Thức (1), người bạn thân của ông, đồng thời cũng là một nhà văn và nhà thơ nổi tiếng thời Tống, thương tiếc ông vô cùng mỗi khi nhìn vào những bức họa của bạn mình.

Sự tưởng nhớ không nguôi về người bạn của mình, khiến Tô đã viết một bài về các bức họa trúc trong đó có dòng thơ sau: “Khi đặt bút vẽ, hình ảnh cây trúc đã hiện hữu trong tâm trí của Dữ Khả.”

Về sau, câu ‘hung hữu thành trúc’ 胸有成竹 (xiōng yǒu chéng zhú) dịch theo nghĩa đen là trong tâm trí hoàn toàn chỉ có trúc, đã trở thành một thành ngữ. (‘Hung’ có nghĩa chỉ ngực, trái tim; ‘Hữu’ chỉ sở hữu,có; ‘Thành trúc’ nghĩa là có hình ảnh cây Trúc. Ý của 4 từ này là: “Trong tâm và suy nghĩ đã có sẵn hình ảnh của cây trúc rồi)

Một thời, thành ngữ này dùng để mô tả những người luôn bình tĩnh khi xử lý các vấn đề, thì trong đầu người đó đã có sẵn kết quả.

Ngày nay, câu thành ngữ này được sử dụng nhằm chỉ ra rằng để đạt được một mục tiêu nào đó thì cần có kế hoạch cẩn thận. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng để miêu tả một người cân nhắc mọi khía cạnh của vấn đề trước khi quyết định làm điều gì đó.

Thành ngữ này có phần tương tự như ngạn ngữ Anh “nhìn trước khi nhảy.”

Ghi chú:

Tô Thức (1037-1101 sau Công Nguyên), còn được gọi là Tô Đông Pha, được công nhận là một đại văn hào thời Tống. Ông nổi tiếng với những bài thơ, tiểu luận, xướng ngâm và thư pháp của mình. Các tác phẩm của ông được nhiều người biết đến và có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Á khác.

Thành ngữ: Thiên La Địa Võng (天罗地网)

Trong triều đại Bắc Tống (960-1127 SCN), Cổ Dịch và Lý Sư Sư là một đôi tình nhân. Cổ Dịch là một võ quan có tài thi ca. Lý Sư Sư lại là một kỹ nữ nổi tiếng, rất giỏi ca hát, nhảy múa và thơ ca.

Họ rất yêu và trân trọng nhau.

Sau này, Hoàng đế Tống Huy Tông (1082-1135 SCN) nghe danh Lý Sư Sư và bắt đầu tìm đến nàng. Từ đó, hoàng đế đã phải lòng vẻ đẹp và tài năng của Lý, do đó Cổ buộc phải chấm dứt mối quan hệ của mình với Lý.

Quá đau khổ, Cổ đã viết một bài thơ bày tỏ tình cảm của mình đối với Lý và lòng ghen tị đối với vị hoàng đế.

Bài thơ đã bị một viên quan tâm địa nham hiểm tên là Cao Cầu phát hiện, y đã trình tấu với hoàng đế, khiến Cổ bị cầm tù. Không những mất tự do, Cổ còn thêm đau khổ vì mất đi tình yêu của mình.

Trong cuốn sách vào thế kỷ 13 Đại Tống Tuyên Hòa di sự (大宋宣和遗事) (1), cách diễn đạt thiên la địa võng (天罗地网) được dùng để mô tả tình cảnh của Cổ. Về nghĩa đen, thành ngữ này có nghĩa là lưới ở trên và bẫy ở dưới, được dịch sang tiếng Anh là “net from heaven to earth”, nghĩa là một lưới bủa vây từ trên trời đến dưới đất. Sau này, nó đã trở thành một thành ngữ để chỉ một người đang trong tình huống nguy hiểm và không biết cầu viện vào đâu.

Ghi chú:

(1).   Đại Tống Tuyên Hòa di sự (大宋宣和遗事) bao gồm nhiều phiên bản về các câu chuyện được cho là về các sự kiện lịch sử. Cuốn sách được chia thành 10 chương, khái quát lịch sử của nhà Tống từ đầu thế kỷ thứ 11 đến sự thành lập của chế độ Nam Tống vào năm 1127.

Thành ngữ: Ngũ Quang Thập Sắc (五光十色)

Giang Yêm là một nhà thơ từ thời Nam Bắc triều (420-581 SCN). Ông được công nhận là bậc thầy của “phú” và là một nhân vật văn học quan trọng trong thời đại của mình.

Phú là một loại văn vần hoặc thơ văn xuôi, là một thể loại văn học truyền thống Trung Quốc. Đây là một phong cách truyền thống trong sáng tác, các tác phẩm là một dạng giao thoa giữa thơ và luận.

Khi Giang Yêm còn trẻ, ông rất tinh thông trong việc nghiên cứu văn học. Văn phong của ông rất tuyệt vời.

Một trong những bài phú nổi tiếng nhất của Giang Yêm là “Lệ Sắc Phú” trong đó mô tả vẻ đẹp và sự thanh thoát của người phụ nữ. Trong một đoạn phú, ông viết:

“Kỳ thủy kiến dã, nhược hồng liên kính trì; kỳ thiểu tiến dã, như thải vân xuất nhai. Ngũ quang bồi hồi, thập sắc lục li.”

Tạm dịch:

“Thoáng nhìn một giai nhân, nàng như đóa sen hồng trên mặt hồ tĩnh lặng. Bước đi nhẹ nhàng, khoan thai tựa những đám mây bồng bềnh trôi từ phía vách núi. Nàng tỏa sáng đẹp đẽ và rực rỡ”.

Bài thơ này lấy cảm hứng từ thành ngữ ‘Ngũ quang Thập sắc’ (五光十色 – wǔ guāng shí sè), thường dùng để chỉ tính chất rực rỡ hoặc nhiều sắc màu.

Thành ngữ này được dùng để miêu tả một thứ gì đó vừa mới nhìn qua đã thấy rất đẹp, đầy màu sắc và tươi sáng.

Thành ngữ: Thiên Phiên Địa Phúc (天翻地覆)

Thành ngữ Thiên Phiên Địa Phúc, nghĩa là ’long trời lở đất’, lần đầu tiên xuất hiện trong bài thơ “Mười tám bài sáo của một Du mục” của Lưu Thương (劉商) trong triều đại nhà Đường (618-907 sau CN).

Lưu Thương rất xuất sắc trong thơ ca và hội họa. Tuy nhiên, ông thích uống rượu và thường bị trầm cảm. Ông ưa thích uống rượu dưới ánh trăng và làm thơ về cảm xúc sâu sắc của mình.

Ngoài làm thơ, ông còn vẽ chim, cá, côn trùng và phong cảnh. Ông đã dành nhiều năm sống ẩn dật cho đến một ngày ông đột nhiên biến mất. Không ai biết điều gì đã xảy ra.

Bài thơ “Mười tám bài sáo của một Du mục” là nói về Thái Văn Cơ, một nhà thơ nữ nổi tiếng và nhạc công thời Đông Hán (25-220 sau CN). Nàng đã bị những người du mục Hung Nô (1), người xâm chiếm thủ đô của Trung Quốc vào khoảng năm 194, bắt đưa đến vùng đất phía Bắc và bị coi là một tù nhân.

Trong thời gian bị giam cầm, Thái Văn Cơ trở thành vợ của một trong những hoàng tử và sinh cho ông hai người con trai. Nàng là một tù nhân của Hung Nô trong 12 năm cho đến khi Tướng quốc Tào Tháo (2) trả một khoản tiền chuộc lớn để nàng trở lại Trung Quốc. Nàng Thái Văn Cơ đã được thả tự do trở về quê hương và để những đứa con của mình lại phía sau trong lãnh thổ Hung Nô.

Trong bài thơ của mình, Lưu Thương đã viết trong Bài hát thứ 6, thể hiện chính xác sự cô đơn và buồn bã:

“Đổ lỗi cho mùa xuân ngắn ngủi, không còn thấy hoa và liễu ở nơi du mục. Ai biết long trời lở đất, để tìm sao Bắc khi đối mặt với trời Nam? Những cái tên và ngôn ngữ thật lạ lùng, lặng câm đến cả năm. Làm theo mọi thứ bằng mệnh lệnh, ra hiệu bằng tay dường như dễ hơn là lời nói.”

Sau đó, câu thơ “long trời lở đất” đã trở thành một thành ngữ. Tại Trung Quốc, nó là Thiên phiên địa phúc 天翻地覆 (tiān fān dì fù) và được giải thích là một sự thay đổi to lớn.

Chú thích:

  1. Các Hung Nô Xiongnu (匈奴) là những người du mục cổ đại nằm ở phía bắc Trung Quốc (ngày nay là Mông Cổ).
  2. Tào Tháo (曹操) (155-220 sau CN) là tướng quốc cuối cùng của triều đại Đông Hán. Ông trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất của thời Tam Quốc và đặt nền móng cho nhà Ngụy.

Thành ngữ Trung Hoa: Võng Khai Nhất Diện (網開一面)

Khoảng năm 1766 trước Công nguyên, người cai trị cuối cùng của triều đại nhà Hạ cực kỳ bạo ngược và phóng đãng. Điều này tạo ra sự oán giận lớn trong nhân dân.

Để cứu dân chúng khỏi sự đau khổ, Thương Thang đã đứng lên lật đổ bạo chúa và sau đó thành lập triều đại nhà Thương (1600-1066 trước Công nguyên).

Từ khi Thương Thang còn là người đứng đầu của bộ tộc Thương, ông được người dân của mình biết đến với lòng từ bi và tình thương đối với tất cả chúng sinh.

Một ngày nọ, trong khi Thương Thang đang đi bộ ở vùng nông thôn, ông bắt gặp một người bắt chim với một tấm lưới lớn trải rộng ra như một cái chuồng và lầm bầm: “Lũ chim chóc các ngươi mau tới đây đi, mau bay vào lưới của ta đi. Bất kể có bay thấp bay cao, bay đông bay tây gì thì cũng bay hết vào lưới ta đi!”

Thương Thang dừng lại và nói với ông ta rằng cách làm của ông quá tàn nhẫn vì ông không tha cho con chim nào thoát được dưới tấm lưới của mình, và rằng ông nên để lại ít nhất một mặt lưới mở.

Thương Thang cắt ba mặt của  tấm lưới và sau đó thì thầm: “Chim ơi, thích bay bên phải thì cứ bay bên phải, thích bay bên trái thì cứ nhắm bên trái; còn nếu thật sự mệt mỏi với cuộc đời  thì hãy sà vào lưới này!”. Tất cả mọi người, kể cả người đàn ông đã giăng lưới, đều cảm động vì lòng thương xót của Thương Thang đối với loài chim. Họ nhận ra rằng ông là một người tuyệt vời và rằng ông hẳn còn từ bi hơn đối với con người.

Tin tức đã nhanh chóng lan rộng. Những người đứng đầu của các bộ tộc khác nghe nói về điều này, họ đã cam kết trung thành với Thương Thang vì họ tin rằng ông sẽ là một vị vua tốt.

Thương Thang đã nhận được sự ủng hộ của hơn 40 bộ tộc, đây là một cơ sở rất tốt cho ông để chấm dứt sự thống trị của triều đại nhà Hạ và ông đã trở thành người sáng lập ra triều đại nhà Thương.

Từ câu chuyện này mới có thành ngữ Võng khai nhất diện 網開一面 (Wǎng Kai Yi Mian), có nghĩa là ‘lưới mở một mặt’. Ban đầu, thành ngữ này đọc là Võng khai tam diện 網開 三 面 (Wǎng Kai San Mian) nghĩa là ‘lưới mở ba mặt’.

Ngày nay thành ngữ này được dùng để chỉ lòng thương xót, khoan hồng độ lượng của một người, bằng việc giúp người phạm lỗi có một lối thoát hoặc cho phép họ có một cơ hội để sửa chữa lỗi lầm của mình.

Câu chuyện về Thương Thang được trích từ tập III của cuốn sách Lịch sử vĩ đại nhất của Trung Quốc: Sử ký của Tư Mã Thiên (1).

Ghi chú:

  • “Sử ký” Tư Mã Thiên bao gồm hơn 2.000 năm lịch sử Trung Quốc, từ thời Hoàng Đế (2600 TCN) đến triều đại của Vua Ngô của nhà Hán (87 TCN) và được viết bởi sử gia vĩ đại của Trung Quốc Tư Mã Thiên. Ông được coi là cha đẻ của sử ký Trung Quốc

Thành ngữ Trung Hoa: Vong Dương Bổ Lao (亡羊補牢)

Vào thời Chiến Quốc (475-221 trước Công nguyên), có một lão thần ở nước Sở tên là Trang Tân.

Khi thấy Sở Vương cùng các quan đại thần ngày càng chìm đắm trong những thú vui xa xỉ vô độ, Trang Tân rất lo lắng.

Một ngày nọ, Trang Tân nói với nhà vua rằng: “Thưa Bệ hạ, xung quanh Ngài lúc nào cũng có người tâng bốc và luôn sẵn sàng làm mọi thứ để vừa ý Ngài. Bệ hạ không dành thời gian để ngó ngàng đến các vấn đề quốc gia đại sự, mà nước Sở ta lại đang đối mặt với hiểm nguy. Nếu tình trạng cứ tiếp diễn, thần e nước ta sẽ sụp đổ mất”.

Nghe những lời này, nhà vua không hài lòng và mắng Trang Tân: “To gan! Ngươi dám dùng lời lẽ xấu xa mà nguyền rủa đất nước ta và đang cố gắng khơi dậy lòng hận thù của người dân ư?”

Nhận thấy không thể thay đổi đươc sự việc, Trang Tân xin phép nhà vua rời đất nước một thời gian. Vua Sở đồng ý và ông đi đến nước Triệu.

Vài tháng sau, quân Tần xâm lược và chiếm đóng một vùng rộng lớn thuộc nước Sở. Vua Sở buộc phải sống lưu vong. Đến lúc đó, nhà vua mới nhớ đến lời khuyên của Trang Tân và cảm thấy hối hận vì đã không nghe lời ông. Vì vậy, vua cho người kêu gọi Trang Tân trở về.

Vốn nặng lòng với nước Sở, Trang Tân ngay lập tức quay lại với nhà vua. Sở Vương hỏi ý ông “Giờ tất cả đã quá muộn rồi, trẫm phải làm sao đây?”.

Trang Tân trả lời: “Ngày xưa, có một người chăn cừu phát hiện ra lỗ hổng trong chuồng cừu của mình, nhưng ông đã không sửa nó ngay. Vài ngày sau, rất nhiều cừu bị mất tích. Lúc ấy, ông mới lấp chỗ thủng đi. Kể từ đó, ông không bao giờ bị mất thêm một con cừu nào nữa. Thưa Bệ hạ, không bao giờ là quá muộn để khôi phục lại vương quyền ngay cả khi đất nước đã bị chiếm “.

Nhờ sự cố vấn của lão thần Trang Tân trong việc khôi phục nước Sở, cuối cùng vị vua đã giành lại lãnh thổ bị mất.

Thành ngữ 亡羊補牢 (“Vong dương bổ lao” nghĩa là “Mất dê mới sửa chuồng”, tương tự như câu “Mất bò mới lo làm chuồng” của người Việt Nam) chính là bắt nguồn từ câu trả lời của Trang Tân với nhà vua. Câu chuyện này được ghi lại trong một tác phẩm lịch sử Trung Quốc cổ đại có tên là “Chiến Quốc Sách”, được biên soạn dưới thời Tây Hán.

Đây là bài học giáo huấn cho người đời rằng không bao giờ là quá muộn để sửa sai và ngăn chặn những thiệt hại sau này.

(1) Cuốn ” Chiến Quốc Sách ” (戰 國策) còn được dịch là “Mưu lược thời Chiến Quốc”. Đây là một tác phẩm nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc cổ đại đã được soạn từ thời Tây Hán (206 TCN – 23 SCN). Cuốn sách cho thấy những đặc điểm lịch sử và xã hội ở Trung Quốc dưới thời Chiến Quốc.

Thành ngữ Trung Hoa: “Thiểu Kiến Đa Quái” (少見多怪)

Xưa kia, có một anh chàng nọ chưa bao giờ thấy hoặc nghe nói về lạc đà. Một ngày nắng đẹp, anh ta thong dong thưởng ngoạn phong cảnh trên cánh đồng gần đường làng, những người khác thì mãi mê việc đồng áng.

Đột nhiên, anh ta nhìn thấy một con vật với hai cục u ở trên lưng. Anh không biết đó là gì và ngạc nhiên đến mức hét lên:” Trời ơi! Cái gì thế này? Nhanh lên, đến đây mà xem này!”

Nghe thấy tiếng hét thảng thốt của anh, mọi người vội đặt nông cụ xuống, tất tả chạy ra xem. Tuy nhiên họ chẳng thấy được điều gì bất thường. Đoạn, một người cất tiếng hỏi: “Này anh! Anh đã hét lên vì điều gì vậy?”

Anh chàng trả lời: “Hãy nhìn con ngựa này xem. Nó có hai cục bướu khủng khiếp”.
Nhận ra rằng người đàn ông đang đề cập đến con lạc đà, tất cả mọi người đều phá lên cười.

Câu chuyện này sau đó đã trở thành thành ngữ: Thiểu kiến đa quái 少见 多 怪 (shǎo Jian Duo Guai) để mô tả về một tình huống tương tự hoặc về một người rất thiếu hiểu biết. Nghĩa đen, có nghĩa là “ ít được trông thấy, nên cái gì cũng thấy lạ” và hiểu nôm na là “lấy làm kinh ngạc về những thứ vốn chưa được thấy bao giờ.”

Thành ngữ này lần đầu tiên được tìm thấy trong đoạn đối thoại trong cuốn Phật giáo Lý Hoặc Luận (理 惑 論) (1) của Mâu Dung, một học giả Khổng giáo nổi tiếng, người sau này quy y Phật giáo, từ thời kỳ cuối Đông Hán (25-220 SCN).

Trong một cuộc đối thoại, một người hỏi ông: “Ngài nói rằng Đức Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp rất khác biệt so với người thường. Làm sao mà ngài biết được?”

Mâu trả lời rằng: “Ít được trông thấy, thì người ta sẽ càng thấy lạ; một người có thể nhìn thấy một con lạc đà và cho đó là một con ngựa với hai cục bướu.”

Thành ngữ này thỉnh thoảng được sử dụng để trêu chọc những người hay thổi phồng những tin tức vốn rất bình thường.

Ghi chú:

  1. Lý Hoặc Luận (理 惑 论, Lǐ Huo Lun) là cuốn sách đầu tiên về Phật giáo được viết bởi một học giả Trung Quốc. Trong tác phẩm đáng chú ý này, Mâu Dung giải đáp những câu hỏi thường gặp về Phật giáo. Vào thời kì đầu truyền nhập vào Trung Hoa, Phật Giáo vấp phải rất nhiều sự phản đối, vì nguồn gốc ngoại bang của nó.
  2. Mâu Dung ( 170 – ? SCN), học giả Khổng giáo sau trở thành Phật tử, được biết đến với nhiều tên gọi khác như: Mâu Bác hoặc Mâu Tử.

Thành ngữ Trung Hoa: Chân Kinh Nan Thủ  (真經難取)

Ngày nay, câu thành ngữ “Chân kinh nan thủ”, vẫn còn được sử dụng rộng rãi trong cả văn nói lẫn văn viết của Trung Quốc, câu này có nguồn gốc từ tiểu thuyết “Tây Du Ký”, một trong bốn kiệt tác văn học trong lịch sử Trung Quốc. Tiểu thuyết này dựa trên câu chuyện có thật về chuyến hành trình tới Ấn Độ mang tính lịch sử của nhà sư Huyền Trang để thỉnh chân kinh.

Theo các ghi chép lịch sử, để đến được nước Ấn thỉnh chân kinh, tăng nhân Đường triều, tên gọi Huyền Trang đã phải trải qua rất nhiều khổ nạn, nguy nan, và cám dỗ. Trong tiểu thuyết, các khổ nạn này được thể hiện và truyền tải thông qua sự ngăn trở của các loài ma quỷ và yêu quái, chúng được xem là hiện thân của gian khổ, khó khăn cần phải vượt qua để đắc được những lời giáo huấn chân chính.

Các khía cạnh khác nhau của một người tu luyện hay một tín đồ, trong trường hợp này là Huyền Trang, được thể hiện qua bốn nhân vật chính của tiểu thuyết – bản thân Đường Tăng cùng với ba người đồ đệ của ông là Tôn Ngộ Không (Mỹ Hầu Vương), Trư Bát Giới (Ngộ Năng), và Sa Ngộ Tĩnh (Sa Tăng).

Huyền Trang đại diện cho chính niệm và tín tâm; Ngộ Không dũng cảm và mưu trí, nhưng nóng vội; Bát Giới đại diện cho những yếu nhược ở con người như háo sắc, ham ăn, và ưa hưởng thụ; còn Sa Tăng thì trầm tĩnh, chăm chỉ, và khiêm tốn. Để hòa hợp các điểm mạnh và khắc chế khiếm khuyết, những thành viên trong nhóm cũng đã phải đối mặt với nhiều thử thách trên hành trình thỉnh kinh đầy gian khổ.

Câu “Chân kinh nan thủ” 真經難取 (Zhēn Jīng Nán Qǔ) xuất hiện đầu tiên trong một chương của cuốn tiểu thuyết, chương này kể về một con yêu quái giả dạng thần linh. Kẻ giả mạo này ra sức chia rẽ Đường Tăng và đồ đệ hòng khiến họ trở mặt với nhau, qua đó nó có cơ hội để cô lập Đường Tăng rồi ăn thịt ông.

Trong câu chuyện, tên yêu quái đóng giả Bồ Tát và nói với Đường Tăng rằng: “Nếu ngươi không từ bỏ tên đồ đệ ‘độc ác’, ngươi sẽ không lấy được chân kinh.” Huyền Trang và các đồ đệ cuối cùng cũng nhìn ra được trò lừa gạt của yêu ma, và đồng tâm tiêu diệt nó, tiếp tục hành trình về Tây Thiên để hoàn thành thệ nguyện.

Câu nói trên mô tả chính xác những nguy nan trên hành trình của cả nhân vật lịch sử có thực lẫn nhân vật tiểu thuyết Huyền Trang. Nó được sử dụng rộng rãi nhằm nhấn mạnh sự khó nhọc cần phải đối mặt để đắc được lời giáo huấn chân chính hoặc tiếp thu được tinh hoa của vạn sự vạn vật mà không bị lời giả dối dẫn dụ, mê hoặc.

Thành ngữ Trung Hoa: Ôm Cây Đợi Thỏ (守株待兔)

Thành ngữ được dùng để ám chỉ những kẻ ngốc nghếch không chịu làm việc mà “há miệng chờ sung”, hay ung dung đứng đó mà làm lợi trên lưng người khác.

Câu thành ngữ có nguồn gốc từ câu chuyện trong cuốn sách Hàn Phi Tử (1) (“韓非子”) được Hàn Phi (281-233 TCN) viết. Ông là nhà triết học Pháp gia (2) sớm nhất tại Trung Quốc.

Thời Xuân thu chiến quốc (770-476 TCN) tại nước Tống có một người nông dân, giữa cánh đồng của anh ta có một cái cây. Mỗi khi làm đồng mệt anh thường dựa lưng nghỉ dưới gốc cây.

Một ngày nọ, khi đang làm đồng bỗng anh ta thấy một chú thỏ đang hoảng loạn chạy vụt qua và đâm đầu vào cây, rồi gãy cổ mà chết.

Người nông dân liền chạy tới nhặt chú thỏ lên, hí hửng buổi tối sẽ có món thỏ hầm ngon lành.

Kể từ đó anh ta bỏ cày, bỏ bê công việc đồng áng, rồi ngồi nuôi hy vọng một chú thỏ khác sẽ đâm đầu vào gốc cây mà chết.

Tuy nhiên, đợi mãi mà không thấy con thỏ nào xuất hiện, thế là anh nông dân trở thành đối tượng bị chê cười. Cuối cùng anh ta chẳng được gì, chỉ còn lại ruộng đồng bỏ hoang và trơ trụi.

Câu thành ngữ Trung Hoa “ôm cây đợi thỏ” rất giống với thành ngữ “há miệng chờ sung” của người Việt Nam. Ngụ ý nói đến người chỉ muốn dựa vào may mắn hay ước nguyện để đạt được mục tiêu mà không cần phải tốn chút công sức nào.

Ghi chú:

1. Cuốn sách có 55 chương mô tả chi tiết về triết lý chính trị của Hàn Phi, một trong những pháp gia sớm nhất của Trung Quốc.

Cuốn sách làm phong phú thêm kho tàng truyện ngắn về Trung Quốc thời kỳ này.

2. Pháp gia:  một trong bốn trường phái triết lý thời Xuân Thu chiến quốc. Nó mang nhiều tính cách triết lý chính trị thực tiễn hơn là triết học về luật.

Thành ngữ Trung Hoa: Thục Năng Sinh Xảo (熟能生巧) – Trăm Hay Không Bằng Tay Quen

Câu thành ngữ trong tiếng Trung “熟能生巧” (Thục năng sinh xảo – shú néng shēng qiǎo) theo nghĩa bề mặt là thực hành thành tựu kỹ năng. Câu thành ngữ này mô tả kỹ năng đến từ việc luyện tập chăm chỉ [tương tự với câu nói trong tiếng Việt là “trăm hay không bằng tay quen”].

Câu nói trên được ghi lại trong chương thứ 31 của tiểu thuyết “Kính hoa duyên” (镜花缘 – Hoa trong gương), được viết năm 1827, bởi Lý Nhữ Trân (Li Ruzhen) dưới thời nhà Thanh (1644-1911).

Chuyện kể rằng, vào thời Bắc Tống (960-1127), có một cung thủ kỳ tài tên là Trần Nghiêu Tư (Chen Yaozi). Ông không bao giờ bắn trượt bất cứ mục tiêu nào, học trò của ông đã gọi ông với biệt danh “cung thủ thần tài”. Trần vô cùng tự hào về khả năng của mình, và tin rằng ông chính là người bắn cung điệu nghệ nhất trên đời.

Một ngày, trong khi đang bắn tên, Trần thu hút đám đông chú ý và bắt đầu tung hô tài năng của mình. Trong đám đông ấy có một ông lão bán dầu, ông ta chỉ lắc đầu và không lộ vẻ ấn tượng gì.

Ngạc nhiên trước thái độ của ông lão, Trần hỏi: “Ông có thể làm được không?”

Ông lão trả lời: “Không”!

Trần lại hỏi: “Ông nghĩ sao về tài bắn cung của tôi?”

Ông lão đáp lại: “Cũng được đấy, nhưng không có gì đặc biệt cả; tất cả chỉ cần luyện tập là có thể làm được”.

Điều này khiến Trần không vui. Một trong những học trò của Trần nói với ông lão bán dầu: “Không ai có thể sánh với tài năng bắn cung của thầy tôi. Sao ông dám hạ thấp thầy tôi chứ?”

Đám đông ai nấy đều sửng sốt. Ông lão bán dầu quay sang Trần và nói: “Điều đó cũng chẳng là gì cả. Tôi có thể làm được việc này bởi tôi đã luyện tập nó rất nhiều. Mọi kỹ năng đều đến từ việc luyện tập mà thôi”.Không nói lời nào, ông lão lấy ra một cái bình, để nó trên mặt đất, và đặt một đồng xu có lỗ vuông ở giữa lên trên miệng bình. Rồi ông rót dầu từ chiếc gáo gỗ vào bình mà không để rớt một giọt dầu nào lên đồng xu ấy.

Nói xong, ông lão quay đi, để lại đám đông lặng nhìn nhau.

Lời nhận xét của ông lão bán dầu đã khiến Trần vô cùng hổ thẹn về hành vi ngạo mạn của mình trước đó. Kể từ đó, Trần trở nên khiêm tốn, hòa nhã và luyện tập bắn cung chăm chỉ hơn trước. Chẳng bao lâu sau, Trần trở nên nổi tiếng không chỉ về tài bắn cung điêu luyện, mà còn về nhân cách của mình.

Về sau, người ta sử dụng thành ngữ “Thục Năng Sinh Xảo” để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hành và luyện tập.

Thành ngữ Trung Hoa: “Đối Ngưu Đàn Cầm”: 對牛彈琴 (đàn gảy tai trâu)

Trung Quốc có câu: “Đối ngưu đàn cầm” – nghĩa là đàn gảy tai trâu (對牛彈琴, phát âm là duì niú tán qín) mô tả một nỗ lực lãng phí khi nói với ai điều gì mà họ không thể tiếp thu.

Ở Việt Nam, ngoài câu thành ngữ này thì còn có câu “nước đổ đầu vịt”, “đem hồng ngâm cho chuột vọc; đem hạt ngọc cho ngâu vầy” đều có nghĩa là cố gắng giải thích cho một người rất cứng đầu, hoặc một điều cao quá họ không hiểu được – chọn nhầm khán giả, những người không thể nào hiểu được điều mà bạn muốn nói.

Chuyện kể rằng, ngày xưa có lần Công Minh Nghi, một bậc thầy về đàn tranh (một loại đàn tam thập lục của Trung Quốc), còn được gọi là cầm (琴), khi đang chơi đàn trên cánh đồng thì nhìn thấy một con bò đang thong dong gặm cỏ gần đó. Ông tự hỏi, liệu con bò có thể cảm nhận được âm nhạc của mình hay không, ông di chuyển gần hơn đến chỗ con bò và bắt đầu chơi bản nhạc tuyệt đỉnh của mình.

Mặc dù ngay cả bản thân Công Minh Nghi cũng thấy xúc động sâu sắc bởi chính âm nhạc của mình, nhưng con bò dường như không hề quan tâm và vẫn tiếp tục gặm cỏ. Công Minh Nghi nghĩ ngợi một lúc rồi chơi lại một lần nữa.

Lần này, ông đã sử dụng đàn để tạo ra âm thanh của ruồi muỗi vò vẽ và tiếng bê con kêu. Con bò dỏng tai chăm chú lắng nghe, lúc lắc cái đuôi của nó, và thậm chí ve vẩy cái tai như thể để xua muỗi đi.

Công Minh Nghi nhận ra rằng bản nhạc dù tinh tế đến mấy thì con bò cũng không thể hiểu được, đơn giản là vì nó không thể nhận thức được; chỉ có thể chơi một cái gì đó gần với hiểu biết của nó thì mới có thể khiến nó chú ý.

Về sau, “Đối ngưu đàn cầm” được sử dụng như một thành ngữ để lý giải về những người không có khả năng tiếp thu, hoặc nói về vấn đề gì mà họ không quan tâm hoặc họ không hiểu biết những vấn đề này.

Câu thành ngữ này cũng được sử dụng để khuyên bảo người ta nên cân nhắc đến những thính giả của mình, khi xác định phương pháp tiếp cận hợp lý trong các việc trình bày hàng ngày.

Thành ngữ Trung Hoa: ‘Tương Kính Như Tân’ (相敬如賓)

Vào thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên), vua nước Tấn cử một sứ thần sang thăm nước Lỗ.

Một hôm trời nắng, trên đường trở về nước Tấn, sứ thần đi ngang qua nước Kế. Ông nhìn thấy một nông phu đang làm cỏ ngoài đồng và một phụ nữ trẻ, có lẽ là vợ của anh ta, cô đang mang bữa trưa ra cho chồng.

Người phụ nữ trẻ bưng bữa trưa bằng cả hai tay cho chồng một cách rất tôn kính. Và người chồng cũng như vậy, kính cẩn nhận lấy bữa trưa của mình. Trong lúc người nông phu dùng bữa, vợ anh đứng một bên chờ đợi một cách lễ độ.

Vị sứ thần vô cùng ấn tượng trước những gì ông đã thấy và nghĩ rằng “Họ đối xử với nhau thật là tôn trọng như vậy!”. Ông tiến đến nói chuyện với cặp vợ chồng, sau đó mời họ cùng đi về nước Tấn.

Khi về đến nước nhà, vị sứ thần ngay lập tức vào yết kiến vua nước Tấn và kể lại cho nhà vua nghe câu chuyện về cặp vợ chồng. Ông tâu với nhà vua rằng “Tôn kính là một biểu hiện của đức hạnh. Ai biết kính lễ, ắt là người có đạo đức! Chúng ta cần giáo dục người dân về đức tính tốt này.”

Sau đó, ông tiến cử người nông phu cho nhà vua. Theo lời khuyên của ông, nhà vua phong người nông phu một chức vụ quan trọng của nước Tấn.

Câu chuyện dựa trên các ghi chép trong Tả Truyện (1), một trong những tác phẩm tường thuật lịch sử Trung Quốc đầu tiên, trong đó thuật lại hầu hết thời Xuân Thu.

Về sau câu nói Tương Kính Như Tân 相敬如賓 (Xiang Jing Ru Bin), được dịch là “đối xử với nhau với sự tôn trọng như đối với khách” đã trở thành một thành ngữ, nó được sử dụng để diễn tả cách đối xử giữa phu thê đó là nên tôn trọng lẫn nhau.

Ghi chú:

“Tả Truyện” (左傳), hay còn gọi là “Tả Thị Xuân Thu”, là một trong những nguồn quan trọng nhất để tìm hiểu về lịch sử ở thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên). Nó được cho là tác phẩm của Tả Khâu Minh năm 389 trước Công nguyên và xem như là lời bình cho cuốn biên niên sử “Xuân Thu.”

Thành ngữ Trung Hoa: ‘Bất Hàn Nhi Lật’ (Không Lạnh Mà Run – 不寒而慄)

Thời Hán Vũ Đế (156-87 Trước Công Nguyên), giai đoạn Tây Hán (206 TCN – 23 SCN), có một người tên là Nghĩa Tung nổi tiếng liêm khiết và chí công vô tư.

Chị của Nghĩa Tung có hiểu biết uyên thâm về y học nên đã giành được sự sủng ái của Hoàng thái hậu. Sau này Hoàng thái hậu đã giới thiệu Nghĩa Tung với Hoàng đế và ông trở thành Quan huyện lệnh.

Nghĩa Tung thực thi pháp luật rất nghiêm ngặt. Ông đưa bất cứ ai vi phạm pháp luật ra trước công lý không chút xót thương hoặc truy xét gì thêm. Cũng nhờ vậy, ông ngăn chặn được một lượng lớn những hiện tượng tham nhũng của cả cường hào quyền thế lẫn dân thường địa phương, Nghĩa Tung được Hoàng thượng đánh giá cao và ông có một sự nghiệp trị an thành công.

Khi Nghĩa Tung được bổ nhiệm làm Thái thú của tỉnh Nam Dương, ông nghe nói rằng có một quan chức địa phương tên là Ninh Thành là một người rất xảo quyệt mà không ai dám động đến.

Sau khi phát hiện tất cả những điều xấu xa mà Ninh Thành đã làm, Nghĩa Tung ngay lập tức đưa Ninh Thành ra xét xử và hành quyết.

Các tham quan khác bỏ chạy. Tất cả các vị quan còn lại và người dân ở Nam Dương đều sợ mà không dám vi phạm pháp luật nữa. Họ thận trọng trong từng lời nói và hành vi của mình để tránh mắc phải những việc phi pháp.

Nhờ vắng bóng những quan chức tham nhũng và ý thức xã hội được nâng cao, Nam Dương đã trở thành một nơi yên bình cho người dân sinh sống.

Sau đó, Nghĩa Tung được bổ nhiệm làm Thái thủ tỉnh Định Tương. Thời điểm đó, nhiều cuộc đụng độ ở khu vực giữa quân Hán và người Hung Nô khiến Định Tương trở nên như một chiến trường. Một số quan chức bị mua chuộc dễ dàng, người dân khổ ải lầm than. Kết quả khu vực này luôn trong tình trạng hỗn loạn.

Sau khi nhậm chức nơi đó, Nghĩa Tung liền lấy lời khai của hơn 200 trọng phạm, đồng thời bắt giữ hơn 200 người thân và bằng hữu của họ vì đã nhận hối lộ để bào chữa cho tội lỗi của những trọng phạm đó. Kết quả, trong duy nhất một ngày Nghĩa Tung đã kết án hơn 400 người.

Từ ngày đó trở đi, bất cứ khi nào tên của Nghĩa Tung đã được đề cập, tội phạm lập tức sợ hãi và run bắn như thể đang bị lạnh.

Câu chuyện này về Nghĩa Tung đã được đề cập trong ” Sử ký Tư Mã Thiên”, hoặc “Sử ký” (1). Cụm từ ‘Bất hàn nhi lật’ – Không lạnh mà run hay 不寒而慄 (bù hán ér lì) xuất phát từ câu chuyện nói trên.

Sau đó, cụm từ này được sử dụng như một thành ngữ. Ý nghĩa của nó là dù trời không lạnh nhưng lại khiến người ta rùng mình. Thành ngữ này được sử dụng để mô tả trạng thái cực kỳ sợ hãi hoặc khi một điều gì đó khiến người ta sợ dựng tóc gáy.

Ghi chú:

  1. “Sử ký Tư Mã Thiên” (史記, Shǐjì), được viết bởi nhà sử học vĩ đại của Trung Quốc Tư Mã Thiên, gồm 130 chương chứa đựng hơn 2.000 năm lịch sử Trung Quốc, từ thời vị Hoàng Đế thần thoại (2600 TCN) đến triều đại Hán Vũ Đế (87 TCN). Câu chuyện về Nghĩa Tung được ghi lại trong tiểu sử của các quan tại triều, thuộc chương 122 trong sách này.

‘Hiếu Thảo’ có nguồn gốc của từ ‘người già’ dựa vào ‘con trẻ’

Trong nho giáo có câu rằng: “Hiếu giả bách hạng chi tiên” (có nghĩa là đạo hiếu đứng đầu trong trăm hạng tốt) – Tăng Tử. Vào thời cổ đại, người ta tin rằng, cuộc sống là món quà cha mẹ mình ban cho mình. Ngay cả phụ thân cũng không đối xử tốt thì hỏi còn tốt được với ai.

Trong tiếng Trung, từ hiếu thảo gồm hai phần, phần trên là 耂, viết tắt từ 老 nghĩa là “lão” (người già), trong khi phần dưới là 子, biểu thị của từ “tử” (con). Hai từ này được kết hợp với nhau cho thấy ‘con trẻ’ ôm ‘người già’ trong vòng tay của mình, điều đó cho thấy nghĩa của từ “hiếu thảo” chính là sự chăm sóc của người con đối với thân phụ.

Nhiều câu chuyện cổ về lòng hiếu kính được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong đó có tích cổ nổi tiếng “Nhị Thập Tứ Hiếu” – một tác phẩm văn học Trung Hoa kể lại sự tích của 24 tấm gương hiểu thảo diễn ra từ thời Thuấn Đế đến nhà Nguyên. Một trong số những thanh niên ấy sau này đã trở thành vị quan hay Hoàng Đế, và thực hiện tấm lòng báo hiếu với cha mẹ mình.

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN