Những bài thơ về hành xử theo ‘Chân Thiện Nhẫn’ của vô danh cư sỹ

Những bài thơ về hành xử theo ‘Chân Thiện Nhẫn’ của vô danh cư sỹ

“Chân Thiện Nhẫn” là tiêu chuẩn đạo đức nếu con người đạt được thì không chỉ tích được phúc phận to lớn mà còn có thể thăng hoa nên cảnh giới cao mỹ diệu vô cùng. Trong xã hội, nếu ai sống Chân thành, chân thật, luôn lấy Thiện đãi người, và Nhẫn nại trong mọi hoàn cảnh thì sẽ trở thành người tốt thật sự, được mọi người yêu mến và quý trọng.

>> Những bài thơ Thiền hay, thẫm đẫm cảm ngộ kiếp nhân sinh

Vì thế Chân Thiện Nhẫn là chân lý tối cao của vũ trụ, là phép đạo đức tối căn bản của con người mà ai ai cũng nên tu dưỡng.

Vô danh cư sỹ

Ảnh minh họa: Lịch Vạn Niên.

TRÊN ĐẦU BA THƯỚC CÓ THẦN LINH’

Muôn sự khuyên người đừng giả, ác
“Trên đầu ba thước có Thần linh” (*)
Trời cao luôn dõi dõi nhìn
Cõi phàm chẳng thấu, trăm nghìn dối gian

Thuở thế sự hàm oan mấy vụ
Chợt sét giông vần vũ bao lần
Chạy theo danh lợi hồng trần
Tới ngày trả nghiệp nói nhầm được chăng?

Buổi đương chức “mò trăng đáy nước” (**)
Khi điền viên những ước hả hê
Tích bao ngang trái ê chề
Chuyển sinh sáu đạo biết về chốn nao?

Thời sung sức nhà cao cửa rộng
Lúc lìa trần tay trống túi trơn
Hỏi còn hơn thiệt thiệt hơn
Tiền tài danh vọng vàng son ích gì?

Này đức – nghiệp đi đi đến đến
Nọ quả – nhân xoay chuyển chuyển xoay
Lẽ đời vay trả trả vay
Phúc đâu đến kẻ “bàn tay nhúng chàm” (***)

Quý hơn ngọc hơn vàng là đức
Thường an nhiên, tạo phúc cháu con
Viên dung, bất biến, trường tồn
Kìa Chân-Thiện-Nhẫn cội nguồn Phật ân…

Ghi chú:

(*) Cổ ngữ – cũng có khi nói là: “Trên đầu ba thước có thần minh”.
(**) Thành ngữ – cũng có khi nói: “Đáy nước mò trăng”.
(***) Quán ngữ.

Đi hỏi cưới người con gái xinh đẹp nhất

MẢI MÊ ĐÁY NƯỚC MÒ TRĂNG

Mải mê chùa miếu bái Thần
Cầu xin danh lợi, khất lần tai ương
Những mong qua kiếp đoạn trường
Nghiệp kia tích tụ biết nhường cho ai?…
***
Nào xin phát lộc phát tài
Nào xin tình ái, tiêu tai giải phiền
Nào xin vàng bạc kim tiền
Nào xin con cái ngoan hiền, học chăm
Nào xin thuận lợi làm ăn
Nào xin hai nẻo dương-âm an lành
Nào xin thăng tiến thật nhanh
Nào xin nhà đẹp như tranh họa đồ
Nào xin có cả ô tô
Nào xin nối dõi cơ đồ tổ tông
Nào xin sức khỏe cho ông
Nào xin môi thắm má hồng cho em
Nào xin sớm luyện thành Tiên
Nào xin thanh thoát nẻo Thiền tấn thăng
Xin xin vĩnh vĩnh hằng hằng…
***
Hỡi ôi muôn vạn ngàn trăm… ngẫm rằng:
Có câu: ‘Đáy nước mò trăng'(*)
Phật ân nhìn thấu nhân tâm con người!
Tu tâm dưỡng tính thời thời
Mới mong thoát khỏi luân hồi khổ đau
Đôi lời nhắn nhủ trao nhau
Sống: Chân Thiện Nhẫn, đức mau vun bồi
Sớm hôm xin đứng xin ngồi
Thánh Thần nào chịu nhận lời bán mua?
***
Đường lên Thiên Trúc không chùa
Nhìn sâu xét rộng cũng vừa chữ Tâm
Không tu luống những uổng công
Lại thêm cần có Thánh nhân chỉ bày
Cần thêm học Pháp cho hay
Xả buông chấp trước, sớm ngày quy Chân
Hữu duyên đọc: “Chuyển Pháp Luân”(**)
Tránh cơ tu lạc, xin lầm mới hay!…

Ghi chú:

(*) Thành ngữ dân gian: “Đáy nước mò trăng”; cũng có khi nói: “Mò trăng đáy nước”.
(**) ”Chuyển Pháp Luân”: Cuốn sách quý của Pháp Luân Đại Pháp hướng dẫn tu luyện theo nguyên lý: Chân-Thiện-Nhẫn giúp cho bản thể, tâm tính, và sinh mệnh… của người học đồng thăng hoa.

BIẾT CHÂN THIỆN NHẪN TỎ MINH BAO ĐIỀU…

Vàng muôn vạn lượng để dành
Không bằng thấu tỏ rành rành sách kinh (*)
Hơn người giảo hoạt biện minh
Không bằng dung nhẫn chân tình hiền lương

Xuất binh thảo phạt mười phương
Không bằng chế ngự nhiễu nhương chính mình
Mải mê danh lợi sắc tình
Không bằng tĩnh khí tâm bình an nhiên

Xoay vòng điên đảo đảo điên
Không bằng thuận lẽ tự nhiên tùy kỳ
Giả gian tranh đấu sân si
Không bằng rộng lượng từ bi tường hòa
Trách người rồi mới trách ta
Không bằng hướng nội nhìn ra chính mình

Thân người mê cõi điêu linh
Biết Chân-Thiện-Nhẫn: tỏ minh bao điều…

Ghi chú:

(*) Cổ ngữ, nguyên văn Hán Việt: “Tích kim thiên lượng, bất như minh giải kinh thư”.

ĐỨC KIA LÀ THỨ MUÔN ĐỜI

Đức kia là thứ muôn đời
Lợi danh tựa khách qua chơi mấy giờ…
Người cao quý ắt nhờ có đức
Đức tổn rồi công, phúc đều hao
Xưa nay nhà rộng cửa cao
Cũng là vì có phúc sâu đức dầy

Không nguồn cội nước đầy cũng cạn
Chẳng tu thân vận hạn tới gần
Nhân sinh trong chốn hồng trần
Mấy ai thoát khỏi luân luân hồi hồi

Tư tâm lắm ắt rồi thống khổ
Tội nghiệp kia còn có bám đeo
Thế gian vinh nhục giàu nghèo
Dựa trên đức – nghiệp mang theo định phần

Ngoảnh mặt lại cõi trần ngắn ngủi
Trái ngang chi cho tủi một đời
May thay mới đặng kiếp người
Sống: Chân Thiện Nhẫn cổng Trời mở ra

Kìa trên đó Quê Nhà ngóng đợi
Bao thăng trầm vời vợi ly hương
Rớt, mê nơi chốn vô thường
Trăm năm một sớm tóc sương da mồi!

Trân quý lắm thân người khó đặng
Kì diệu thay Phật giảng hữu duyên
Ưu Đàm hoa nở khắp miền
Phật ân hạo đãng ban truyền Phúc âm

Rợp trời đất Pháp Luân giăng kín
Dậy năm châu bốn biển luyện công
Nhắn ai ‘Phản bổn quy chân’
Tu tâm dưỡng tính hồi thăng Trở Về…

CÓ DUYÊN

“Kể chi nhà ngói bức bàn
Vô duyên đằng đẵng một khoang lạnh nhà
Ba gian mái rạ lòa xòa
Có duyên ấm tựa chín tòa gỗ lim”…(*)

Nhân sinh bảy nổi ba chìm
Có duyên thường đẹp, vô duyên mấy thời…
Dáng đi dáng đứng dáng ngồi
Nói lên phẩm đức con người xưa nay:
Có duyên đứng khép, ngồi ngay
Bước đi thanh thoát, xếp tay dịu dàng
Có duyên ăn nói nhẹ nhàng
Chẳng ưa giao tiếp sỗ sàng trống không
Có duyên má ửng môi hồng
Phấn son điểm xuyết mà không quá đà
Có duyên mỉm nụ cười hoa
Chẳng ưa liếc mắt đưa đà bốn phương
Có duyên ăn vận dễ thương
Đoan trang thuần chính, tránh đường hở hang
Có duyên tâm tính hiền ngoan
Chữ: Chân Thiện Nhẫn chu toàn trước sau…

Xoay vần bãi bể nương dâu
Ngàn xưa vẫn gọi ngàn sau tìm về…

MINH BẠCH

Đi ngược lại với Chân
Đó là gian là giả
Đi ngược lại với Thiện
Đó là ác là tà

Tranh đấu chẳng vị tha
Đó là đi ngược Nhẫn
Nhân sinh như sóng cuộn
Tan giữa biển vô thường

Muốn trở về Cố Hương
Đừng quên: Chân-Thiện-Nhẫn
Sinh mệnh như sóng cuộn
Ngụp lặn kiếp luân hồi

Muốn thăng hoa về Trời
Đồng hóa: Chân-Thiện-Nhẫn
Đấu tranh thời thống hận
Giả ác luống khổ sầu

Nghiệp tích nghiệp dài lâu
Bước tới bờ hủy diệt
Nếu ai mà muốn biết
Đọc cuốn “Chuyển Pháp Luân”

Sẽ minh bạch bội phần
Hành được: Chân-Thiện Nhẫn.

ĐỔI…

“Bắp cày đổi lấy chìa vôi” (*)
Lợi danh đổi lấy một đời hư không
Ái tình đổi mớ bòng bong
Hữu cầu đổi lấy phập phồng bất an

Hơn thua đổi lấy trái ngang
Đấu tranh đổi lấy tan hoang trong ngoài
Đổi nhầm lấy một mất hai
Mất ba mất bốn – mất hoài cũng nên…

Chi bằng vạn sự tùy duyên
Theo: Chân-Thiện-Nhẫn vui miền Phật ân…

Ghi chú:

(*) Thành ngữ dân gian Việt.

Thượng tôn Pháp Luật

XƯNG KHIÊM HÔ TÔN…

Cổ nhân vẫn giảng câu này:
‘Nhìn xem tuổi tác để rồi xưng hô’…
Ông bà, chú bác, dì cô
Dưới trên rành mạch, dạ thưa rõ ràng

Nhược bằng em ún, ngang hàng
Xã giao vẫn phải đàng hoàng khiêm cung…
Cổ nhân lại giảng: “Khiêm xưng”
“Hô tôn”… phép ấy nên từng học qua (*)

Trọng người, người sẽ trọng ta
Chớ nên bỗ bã, đưa đà, trống không…
Kiên cường tựa bách tựa thông
Vẫn thu khép lá lúc giông gió về

Cao dài như núi như đê
Vẫn e lỗ hổng tứ bề sụt toang
“Vàng thì thử lửa thử than
Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời” (**)

Kính trên, nhường dưới, trọng người
Sống Chân-Thiện-Nhẫn ấy thời Hiền nhân
Đôi dòng mộc mạc bình dân
Dám đâu khuyên bảo xa gần, dám đâu…

Ghi chú

*) Cổ ngữ: “Xưng khiêm hô tôn”. Phép đối nhân xử thế trong Văn hóa truyền thống có giảng câu: “Xưng khiêm, hô tôn”, ý tứ bề mặt là: Khi tự xưng hoặc nói về bản thân mình thì nên là khiêm tốn, nhã nhặn; còn khi gọi tên hoặc nói với người khác thì cần phải tôn trọng, hòa ái. [Trong thi phẩm, tác giả đảo ngữ từ “xưng khiêm” thành “khiêm xưng”, hàm nghĩa vẫn là như vậy].

(**) “Vàng thì thử lửa thử than/ Chuông kêu thử tiếng người ngoan thử lời”: Câu này nguyên trích dẫn từ Ca dao tục ngữ dân gian Việt.

DANH PHẬN THIỂN ĐÀM

Tăng nhân tu luyện thì đã sao?
Cư sỹ tu luyện hỏi thế nào?
Thường dân tu luyện, ồ hay quá!
Quốc vương tu luyện, tốt biết bao…

Xưa nay phân định tầng thấp cao
Dựa trên tâm tính ở mức nào
Chẳng ai căn cứ theo danh phận
Vậy cái danh kia chớ chấp vào…

Ngộ Không thuở nọ phá vườn đào
“Tề Thiên Đại Thánh” những tưởng cao
Đâu ngờ bay mãi trong tay Phật
“Sự tích đằng vân” đến ồn ào! (2)

Hàn Tín khi xưa Nhẫn thế nào?
Cảnh tình “chui háng” luống xôn xao! (3)
Lưu Bang nếu chấp vào danh nhỉ
Tìm đâu mãnh tướng phẩm đức cao?

Tử Nha năm đó đến lao đao
Một đời tu luyện bản sự cao
Ai dè vợ quát cho mấy bận!
“Phong Thần” hiển hách nức tầng cao… (4)

Này thấp này cao, thấp thấp cao
Phận danh danh phận chấp chi nào
Mới hay Đại Pháp: Chân-Thiện-Nhẫn
Phá bỏ lầm mê, quý biết bao!…

Ghi chú:

1) Danh phận thiển đàm: Luận đàm nông cạn về danh phận…
(2) Trong “Tây Du Ký”, Tề Thiên Đại Thánh – Tôn Ngộ Không có phép “Cân đẩu vân”, mỗi lần đằng vân [cưỡi mây] là có thể bay xa tới mười vạn tám nghìn dặm – ước tính khoảng 54.000km. Tuy nhiên Ngộ Không từng dùng phép thuật bay mãi, bay mãi mà vẫn không thể nào thoát ra khỏi lòng bàn tay của Đức Phật.
(3) Tích xưa kể Hàn Tín từng chịu nhẫn nhục mà chui qua háng của kẻ thất phu, nhưng sau này ông ta lại có thể trở thành danh tướng của thời đại, là bậc khai quốc công thần dưới triều Hán Cao Tổ [Lưu Bang].
(4) Khương Tử Nha trong “Phong Thần diễn nghĩa” từng tu luyện khoảng bốn mươi năm, bản sự đầy mình, vâng mệnh sư phụ [Nguyên Thủy Thiên Tôn] hạ sơn mưu đại nghiệp, nhưng cũng có khi gặp buổi thất thế, bị vợ là Mã thị xem thường…

MUỐN BIẾT MÌNH NHỜ ĐÂU…

Viết oán thù lên cát
Để cho gió cuốn đi
Và xin hãy khắc ghi
Lòng biết ơn lên đá…

Trăm sông dồn biển cả
Nhờ biết hạ thấp mình
Gió vô ưu vô hình
Nhờ buông – không vướng víu

Hoa sen thơm dìu dịu
Nhờ tâm chẳng vấy bùn
Núi muôn thuở trường tồn
Nhờ vững vàng kiên định

Người tu luyện chân chính
Nhờ gặp đấng Minh Sư,
Biết xả bỏ vị tư
Đồng hóa cùng chính Pháp

Thánh Nhân thường an lạc
Phàm nhân luống khổ sầu
Muốn biết mình nhờ đâu
Tìm về: Chân-Thiện-Nhẫn…

QUÊ TA…

Quê ta vốn ở trên Trời
Vì sinh tư niệm… rớt nơi phàm trần
Nên cần “Phản bổn quy chân”
Tu Chân-Thiện-Nhẫn hồi thăng Trở về.

(*) Nếu không tin chuyện trên
Người nhé, đừng bối rối
Hãy mỉm cười thầm nói:
‘Ồ! Thần thoại thời nay…’

MẤY PHEN HỒNG THỦY NGÚT TRỜI…

“Tự giận cành ta không nảy lá
Chớ hờn ánh nắng mặt trời nghiêng” (1)
Xưa nay những bậc Thánh Hiền
Nào ai chuốc oán gây phiền cho ai…

Thủa tà ác họa tai mấy bận
Dịch bệnh lan, khí hận ngút trời
Đang tâm “gắp lửa tay người” (2)
Đổ thừa nước khác là nơi khởi nguồn

Ngẫm thế sự mà buồn thế sự
Họ bày ra lửa giả tự thiêu
Vu oan Đại Pháp đủ điều
Bao năm bức hại bấy nhiêu mị lừa

Rồi hùng hổ đập chùa phá tượng
Hại đức tin Tây Tạng, đạo Hồi
Vô vàn thủ đoạn hỡi ôi
Bất tuân Thiên lý rợp trời oan khiên!

Khi họa báo nhãn tiền chẳng khiếp
Còn tham lam chiếm riết Biển Đông
Biết bao tội nghiệp chất chồng
Biết bao giả ác, bốc đồng, đấu tranh…

Nhắn nhân thế sớm nhanh tỉnh ngộ
Chớ tin theo tà nọ dối lừa
Tuyết rơi giữa hạ khi xưa
Rửa điềm oan khuất – bây giờ lại rơi… (3)

Kìa dị tượng khắp nơi cảnh báo
Nọ thiên tai họa đáo tùy nơi
Mấy phen hồng thủy ngút trời
Mấy phen dịch bệnh tơi bời tứ phương

Nay Phật Pháp chỉ đường cứu nạn
Truyền Chân ngôn muôn vạn cát tường (4)
Nhắn người khắp cõi muôn phương
Hướng Chân-Thiện-Nhẫn: con đường bình an (5).

Ghi chú:

(1) Cổ ngữ, nguyên văn Hán Việt: “Tự hận chi vô diệp/Mạc oán thái dương thiên”.
(2) Thành ngữ dân gian có câu: “Gắp lửa bỏ tay người”.
(3) Điển cố Trung Nguyên xưa có kể câu chuyện về nàng Đậu Nga: Một con người đức hạnh vẹn toàn nhưng lại bị kẻ xấu vu oan hãm hại, khiến cho Trời đất cũng bất bình triển hiện dị tượng tuyết rơi giữa mùa hè nhằm răn ác khuyến Thiện.
(4) Chân ngôn chín chữ đem lại Thiện báo và Phúc báo cho người [thành tâm niệm]: Pháp Luân Đại Pháp hảo; Chân-Thiện-Nhẫn hảo.
(5) Phật Pháp có giảng về nguyên lý căn bản của vũ trụ và sinh mệnh: Chân-Thiện-Nhẫn.

THẦN TÍCH HOA ƯU ĐÀM

Chuyện về Ưu Đàm Bà La
Dân gian vẫn gọi là hoa Ưu Đàm:

Đây là một loại Thiên hoa
Ba ngàn năm mới nở ra một lần
Cũng khi đó Phật giáng trần
Truyền ban Đại Pháp độ nhân cứu đời
Lại nghe nói ở khắp nơi
Hoa Ưu Đàm mọc có người luyện công
Số người theo học rất đông
Có tên môn: Pháp Luân Công, đúng rồi!… (*)

Thích thì lên mạng học thôi
Xem, nghe bài giảng xong rồi luyện công
Đọc thêm cuốn ‘Chuyển Pháp Luân’
Thực hành nguyên lý tu tâm giữa đời
Chính là: ‘Chân-Thiện-Nhẫn’ thôi
Chiểu theo ba chữ thời thời khắc ghi…

Pháp Luân Công ích lợi gì?
Luyện công xong thấy tức thì khỏe ngay
Năm bài Công Pháp rất hay
Nhẹ nhàng đẹp mắt thế tay khoan hòa
Nhiều người học trẻ hẳn ra
Bệnh tật biến mất, làn da trắng hồng…

Pháp Luân Công dạy tu tâm
Sống Chân-Thiện-Nhẫn, người thân được nhờ
Họ không nói dối bao giờ
Cũng không làm ác, hơn thua với người
Không nóng giận, chỉ mỉm cười
Mỗi khi gặp chuyện ngược đời trái ngang
Tác phong đĩnh đạc đàng hoàng
Nghĩ cho người khác, không tham lợi mình
Khi lâm vào cảnh bất bình
Họ luôn điềm tĩnh xem mình sai không?
Không đổ lỗi, chẳng bốc đồng
Đối nhân độ lượng, khoan dung thật thà…

Vì sao phải sống vậy ta?
Bởi vì Tốt – xấu luôn là phân minh
Người xưa vẫn dạy chúng mình:
‘Thiện – ác hữu báo’ lý, tình đều ngay
Lại cần đối đãi cho hay
Sống mà nhân đức Trời bày phúc cho
Những người ích kỷ bo bo
Mệt thân, tốn của rước lo vào mình
Và rằng ‘vạn vật hữu linh’
‘Trên đầu ba thước thần linh dõi nhìn’…

Có người đói khổ ăn xin
Phải chăng kiếp trước không tin luật Trời
Có người bệnh, hạn suốt đời
Phải chăng kiếp trước chơi bời xấu xa
Có người tan cửa nát nhà
Phải chăng báng bổ, gièm pha Thánh Thần?…

Nên là cần phải tu tâm
‘Nhân thân nan đắc’ muôn phần quý thay (**)
Cần thêm Giác Giả chỉ bày
Đề cao tâm tính mà ‘Quay Trở Về’
Phật Pháp rất khó được nghe
Ai mà gặp được chẳng hề ngẫu nhiên
Có câu: ‘Phật Pháp vô biên’
Chúc cho nhân thế hữu duyên sớm ngày…

Ghi chú:

(*)Pháp môn tu luyện Pháp Luân Công cũng có tên gọi khác là: Pháp Luân Đại Pháp.
(**) “Nhân thân nan đắc”: [‘Thân người khó được’ – chiết tự trên câu chữ bề mặt]. Câu này nguyên được giảng trong Phật Pháp.

Sám hối

Ảnh: Trithucvn.net

BAO GIỜ TƯỢNG PHẬT RỬA CHÂN…

“Đầy nhanh rút chóng suối rừng
Dễ dàng tráo trở là lòng tiểu nhân” (1)
Bao giờ tượng Phật rửa chân…(2)
Là khi tà ác muôn phần họa tai

“Đấu Trời, đấu Đất, đấu người”
Vu oan Đại Pháp, nói lời mị dân
“Nước xa khó cứu lửa gần” (3)
Có câu: “Hữu quả hữu nhân” lẽ thường (4)

Khi thì dịch bệnh tai ương
Lúc thì nước ngập phố phường như sông
Muôn dân luống những đau lòng
Nhà tan cửa nát khóc ròng như mưa

Tuyết rơi giữa hạ kỳ chưa
Bao nhiêu dị tượng há chưa hồi đầu?
Nhắn ai Chân tướng tìm mau
Biết: Chân-Thiện-Nhẫn phép màu bình an

Cứu người trong phút nguy nan
Chân ngôn chín chữ muôn vàn ứng linh (5)
Có câu: “Đại Đạo vô hình” (6)
Hữu duyên đắc Pháp tường minh mọi điều…

Ghi chú:

1) Cổ ngữ: Nguyên văn Hán Việt: “Dị trướng dị thoái sơn khê thủy/Dị phản dị phúc tiểu nhân tâm”.
(2) [Tượng] “Đại Phật rửa chân”… dị tượng này trong dự ngôn là có từng nhắc tới. Dân gian vùng Lạc Sơn – Trung Quốc cũng có truyền tụng nhau câu ngạn ngữ: “Tẩy cước tiêm, hồng thủy yêm”, ý tứ là: [Khi mà tượng Đại Phật] “Rửa mũi chân, thì hồng thủy ngập”.
(3) Thành ngữ dân gian.
(4) Cổ ngữ có câu: “Gieo nhân nào gặt quả nấy”, cũng lại có câu: “Thiện hữu thiện báo; ác hữu ác báo”.
(5) Chân ngôn chín chữ [thành tâm niệm]: “Pháp Luân Đại Pháp hảo; Chân-Thiện-Nhẫn hảo”.
(6) “Đại Đạo vô hình”: Câu này nguyên được giảng trong Phật Pháp.

HIỀN NHÂN

‘Đi thời như gió nhẹ nhàng
Đứng thời ngay thẳng vững vàng như thông
Ngồi thời tĩnh tại như chuông’ (*)
Lời xưa răn dạy phi thường tinh thâm…

Mạch ngầm văn hóa Á Đông
Tháng năm tuôn chảy như sông suối nguồn
Luân hồi phiêu dạt muôn phương
Thế nhân mong mỏi bước đường Hồi gia…

Trời bao la đất bao la
Biết Chân-Thiện-Nhẫn ấy là Hiền nhân
Nhắn ai đọc “Chuyển Pháp Luân”
Một ngày minh bạch muôn xuân tốt lành…

Ghi chú:

(*) Luận về tác phong con người, cổ ngữ có câu: “Hành như phong, trạm như tùng, tọa như chung”. Diễn giải câu chữ bề mặt là: “Đi như gió, đứng như tùng, ngồi như chuông” đương nhiên nội hàm của câu nói này còn mang nhiều tầng ý nghĩa thâm sâu hơn, bởi lẽ phong thái hành vi cũng là một trong những phương diện rất chủ yếu nói lên nhân cách và phẩm đức của một người…

Trong “Đệ tử quy” (Phép tắc người con), một cuốn sách kinh điển của người xưa về giáo dục con trẻ, cũng có đoạn viết:

“Đi thong thả, đứng ngay thẳng
Chào cúi sâu, lạy cung kính
Chớ đạp thềm, không đứng nghiêng
Chớ ngồi dang, không rung đùi”…

BÉ KHÔNG VIN CẢ GÃY CÀNH…

“Bé không vin cả gãy cành” (*)
Dạy con nhân đức Trời dành phúc cho
Người ta như thể cái kho
Chứa điều vàng ngọc thì cho là giầu

‘Chứa rơm chứa rạ’ trong đầu
Không nuôi mối mọt cũng sầu tối tăm…
Nhỏ thời dạy bảo khuyên răn
Lớn thời dưỡng đức tu tâm mới bền

Thép do tôi luyện mà nên
Khánh chuông nhờ đúc mà thêm tiếng rền
Con người vốn có căn nguyên
Phải đâu vô cớ vô duyên giáng trần
Nhớ câu “Phản bổn quy chân” (**)
Biết: Chân-Thiện-Nhẫn muôn phần quý thay!…

Ghi chú:

(*) Thành ngữ: Cổ nhân thường nói: “Bé không vin cả gãy cành” ý tứ nhằm ví von việc dạy dỗ con trẻ giống như uốn một cái cây. Lúc cây còn non mới có thể uốn nắn, còn khi cây đã lớn rồi thì dù muốn uốn cũng không thể được nữa vì cành đã cứng, uốn ắt sẽ gãy. Tục ngữ Việt cũng có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ…” là vậy.
(**) “Phản bổn quy chân”: Câu này nguyên được giảng trong Phật Pháp.

NHẮN NGƯỜI TRONG KIẾP NGUY NAN…

“Dù xây bảy tháp phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người”… (*)
Trái ngang đi ngược ý Trời
Đó là giả, ác, mị người, đấu tranh

Khuếch trương tư tưởng ‘đàn anh’
Bôi nhọ tín ngưỡng, lưu manh, vô Thần
Hô hào tàn phá núi sông
Đấu Trời, đấu Đất, đấu dân, đấu người

Thiên tai dịch bệnh tơi bời
Vẫn chưa tỉnh ngộ trông vời căn nguyên…
Thương về dải đất Trung Nguyên
Tiếc cho văn hóa Thần truyền ngàn năm

“Mỗi triều vua một triều dân” (**)
Tứ thời Xuân Hạ Thu Đông thuận hòa
Trải qua một trận can qua
Vốn xưa ơi hỡi biết là về đâu!

Trường Giang sóng sủi đục ngầu
Núi sông, bình địa: nước sâu biển trời
Hán, Hồ hoạ bủa khắp nơi
Bắc đô, Nam Hải bời bời khí đen

Bao phen dịch bệnh bùng lên
Bấy phen bách tính dân đen tủi hờn…
Truy về nhân quả nguồn cơn
Cũng do vô Đạo báng Thần mà ra

Mạ Phật Pháp ấy là tà
Giết người cướp tạng, quá là dã man!
Bít bùng chân tướng, vu oan
Dẫn đường dư luận, giả gian dối lừa

Khích người tranh đấu hơn thua
Bức hại tu luyện, phá trừ đức tin…
Tuyết rơi giữa hạ như nguyền
Trắng trời mưa đá rửa điềm khuất oan

Nhắn người trong kiếp nguy nan
Nhớ Chân-Thiện-Nhẫn: bình an vẹn toàn.

Ghi chú:

(*) Cổ ngữ, nguyên văn: “Cứu nhân nhất mệnh, thắng tạo thất cấp phù đồ”.
– Ngạn ngữ Phương Đông cũng có câu nói tương tự: “Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa bảo tháp”.
(**) “Mỗi triều vua một triều dân”: câu này nguyên được giảng trong Phật Pháp.

NÀO AI BIẾT ĐƯỢC BIỂN ĐÔNG SÂU VỜI…

“Chẳng tranh cao, chẳng ngóng trông
Nào ai biết được Biển Đông sâu vời”…(*)
Cái tôi mà lớn hơn người
Dễ đua cao thấp dễ đòi hơn thua

Chắc gì thắng đã “làm vua”
Nhân gian đa sự cũng vừa đớn đau…
Dây trầu mềm nép gốc cau
Thảo thơm mà cũng có đâu lụy mình

Đá kia cứng cỏi tày đinh
Lửa nung trăm khắc nhũn sình ra vôi
Tranh “cao” là “thấp” đi rồi
Thế gian phản đảo, cõi Trời khác xa…

Khung thương vô hạn bao la
So cao ước lớn vẫn là hữu vi
Chi bằng buông xả sân si
Tu Chân-Thiện-Nhẫn quy về tiên thiên

Đôi dòng thô mộc hàn huyên
Chúc ai tinh tấn trong miền Phật ân…

Ghi chú:

(*) Cổ ngữ, nguyên văn: “Đương thời nhược bất đăng cao vọng/ Thùy tín Đông lưu hải dương thâm”.

MINH BẠCH

Đi ngược lại với Chân
Đó là gian là giả
Đi ngược lại với Thiện
Đó là ác là tà

Tranh đấu chẳng vị tha
Đó là đi ngược Nhẫn
Nhân sinh như sóng cuộn
Tan giữa biển vô thường

Muốn trở về Cố Hương
Đừng quên: Chân-Thiện-Nhẫn
Sinh mệnh như sóng cuộn
Ngụp lặn kiếp luân hồi

Muốn thăng hoa về Trời
Đồng hóa: Chân-Thiện-Nhẫn
Đấu tranh thời thống hận
Giả ác luống khổ sầu

Nghiệp tích nghiệp dài lâu
Bước tới bờ hủy diệt
Nếu ai mà muốn biết
Đọc cuốn “Chuyển Pháp Luân”
Sẽ minh bạch bội phần
Hành được: Chân-Thiện Nhẫn.

Khoa học đã chứng minh thiền làm chậm lão hóa, giúp trẻ dai

Người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp

NHÂN QUẢ HỮU BÁO

‘Bồ Tát sợ nhân
Chúng sinh sợ quả’ (*)
Đối diện hiểm họa
Người mới giật mình

Thần Phật hữu linh
Thế nhân mê lạc
Hại hiền thủ ác
Họa đáo nhãn tiền

Tội nghiệp vô biên
Bức người tu luyện
Mắt Thần như điện
Che giấu sao hòng

Nam Bắc Tây Đông
Pháp quang chiếu rọi
Chớ gây thêm tội
Bôi nhọ người tu

Tốt xấu thực hư
Đèn Trời soi xét
Tháng Tư trời rét
Mưa đá tơi bời

Dịch bệnh khắp nơi
Thế nhân mau tỉnh!
Đề cao tâm tính
Đạo đức hồi thăng
Pháp lý vĩnh hằng
Là: Chân-Thiện-Nhẫn.

Ghi chú: (*) Cổ ngữ.

>> Những bài thơ về ý nghĩa cuộc đời sâu sắc, đậm chất suy tư

LUẬN QUÂN TỬ

Thánh nhân luận quân tử
Phải “kiến hiền tư tề” (*)
Không tạo chuyện nhiêu khê
Chỉ xiển dương việc tốt

Sự thật dù đắng đót
Nhưng ý cảnh chân tình
Người hàm dưỡng cao minh
Không đưa điều đàm tiếu

Ai cũng có điểm yếu
Nên cần phải bao dung
Tránh kể lể lung tung
Luận đàm xem nét mặt

Quân tử khi đèn tắt
Cũng như lúc sáng trời
Không nói sau lưng người
Không vội vàng nhận định

Tránh xa phường siểm nịnh
Đem câu chuyện làm quà
Một lời sắp nói ra
Niệm niệm đều suy xét

Vẫn lụy điều yêu-ghét
Ấy biểu hiện tâm phàm
Bậc xả tận thế gian
Không chấp vào ngoại cảnh…

Người dưỡng tu đức hạnh
Thân khẩu ý đều thanh
Luôn chính niệm chính hành
Chiểu theo: Chân-Thiện-Nhẫn

Ao đục vì sân hận
Sen thơm bởi sạch làu
Tuy rằng ở cạnh nhau
Nhưng khác xa cảnh giới

Luận quân tử không mới
Thánh nhân giảng đã nhiều
Muốn tu luyện xuất siêu
Cần hành Chân-Thiện-Nhẫn…

Ghi chú:

(*) Nguyên văn – Khổng Tử nói: “Kiến hiền tư tề yên; kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh”. [Ý tứ là: Nhìn thấy người hiền năng thì nên suy nghĩ học tập họ, để có thể trở nên hiền năng như họ. Nhìn thấy người không hiền năng thì nên tự xem xét lại bản thân mình có khuyết điểm lầm lỗi giống họ không, từ đó mà sửa đổi, trừ bỏ]

CHÚC AI QUY CHÍNH VÃNG HỒI

‘Thiện ý một câu ấm ba đông
Lời ác lạnh người sáu tháng ròng'(1)
Lúa thơm nhờ biết trổ đòng
Những người chân chính dưỡng lòng Thiện lương

Mạ Phật Pháp, ấy phường giả trá
Hại đức tin ác bá vô luân
‘Thà rằng khuấy nước ngàn sông
Chớ nên nhiễu động đến lòng người tu'(2)

Gieo mầm dữ thiên thu quả báo
Trồng hạt lành con cháu thụ ân
Thế nhân kiếp nợ đồng lần
Mấy ai thoát khỏi luân luân hồi hồi

Thời mạt Pháp khắp nơi dịch bệnh
Phần nhiều do sai lệch đức tin
Chẳng màng nhân quả nhãn tiền
Lại thêm báng bổ Phật Tiên Thánh Thần

Kìa dị tượng mấy lần cảnh báo
Nọ nhìn xem họa đáo tùy nơi
Chúc ai ‘quy chính vãng hồi'(3)
Sống Chân-Thiện-Nhẫn tứ thời bình an

Thuở ‘đãi cát tìm vàng’ đã thấy(4)
Pháp truyền ban đặng mấy mươi năm
Hữu duyên ‘phản bổn quy chân'(5)
Tìm xem sách: ‘Chuyển Pháp Luân’ sẽ tường…(6)

Ghi chú:

(1) Ngạn Ngữ: ‘Thiện ý một câu ấm ba đông; Lời ác lạnh người sáu tháng ròng’. [Nguyên văn: Lương ngôn nhất cú tam đông noãn; ác ngữ thương nhân lục nguyệt hàn].
(2) Cổ ngữ: ‘Thà rằng khuấy nước ngàn sông, cũng không thể làm động lòng người tu Đạo’.
(3) ‘Quy chính vãng hồi’: Trong văn cảnh này có thể tạm hiểu là quay trở về với nguồn gốc chân chính của sinh mệnh và các giá trị đạo đức tốt đẹp…
(4) Thành ngữ: ‘Đãi cát tìm vàng’.
(5) ‘Phản bổn quy chân’: Lời này được giảng trong Phật Pháp…
(6) ‘Chuyển Pháp Luân’: Cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp giảng về nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn…

BIẾT CHÂN-THIỆN-NHẪN MỚI LÀ BÌNH AN

Nhân quả trên đời đều có gốc
Họa phúc không sai dẫu một ly
Đấu tranh, giả ác, bất nghì
Đến thời hiện báo biết thì tránh đâu?

Chẳng quản chuyện trước sau, sau trước
Không phân bì thua được, được thua
Lê dân bách tính quan vua
Hỏi ai lèo lái được qua luật Trời?

Thần bảo hộ những người có đức
Họa gần phường vô phúc hại nhân
Thảy đều xét một chữ Tâm
Xưa nay quy luật xoay vần há sai?

Chớ đổ tại ‘tai bay vạ gió’
Việc thế gian đều có nguồn cơn
Có câu nhân quả hữu tồn
Đúng-sai, thiện-ác, dại-khôn ở người

Phật gia giảng vào thời mạt Pháp
Chuyện tranh đua giả ác tránh xa
Bệnh kia khởi tự mầm tà
Biết Chân-Thiện-Nhẫn mới là bình an…

LINH ĐAN DIỆU DƯỢC TẠI TÂM MỖI NGƯỜI

Thiên tai dịch bệnh trầm luân
‘Linh đan diệu dược’ tại tâm mỗi người (*)
Chân ngôn chín chữ cứu đời
Lắng nghe chân tướng, kìa lời Phật ân!

Những ai trọng đức kính Thần
Họa tai bay biến lụy trần tránh xa
Cầm bằng lạc bước đường tà
Một đời danh lợi xem ra cũng thừa

Lỡ lầm ‘tát nước theo mưa’ (**)
Kịp thời phản tỉnh luống chưa muộn màng
Thế gian như lửa thử vàng
Tránh xa những việc trái ngang ý Trời

Nhân nhân quả quả đời đời
Sống Chân-Thiện-Nhẫn là người hiền minh
Đấu tranh, giả ác, bất bình
Âm gian sẵn cửa vô sinh đón chờ

Nhắn ai tỉnh giấc mộng mơ
Kíp lên thuyền Pháp cũng vừa bình an (***)
Chúc nhân gian, chúc nhân gian:
Sớm minh chân tướng Thiên Đàng Phúc âm!…

Ghi chú:

(*) Thành ngữ: ‘Linh đan diệu dược’ – câu thành ngữ này có được nhắc đến trong Phật Pháp và trong văn hóa truyền thống.
(**) Thành ngữ: ‘Tát nước theo mưa’.
(***) ‘Kíp’/động từ – thường dùng trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật: gần nghĩa với ‘kịp’ nhưng mang âm điệu nhanh và gấp gáp hơn. Ví như trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du cũng có viết:
“Vắng nhà chẳng tiện ngồi dai
Giã chàng nàng mới kíp dời song sa”…
[Trích: Truyện Kiều – Nguyễn Du].

‘SÔNG SÂU TĨNH LẶNG’ MỚI LÀ HIỀN MINH

Múa đao trước mặt Quan Công (*)
Liều mình ngậm nước giễu rồng phun mưa
Khoe tài mộc với thợ cưa…
Là tâm hiển thị và ưa phô mình

So bì hơn kém nhục vinh
Thường do danh lợi, ‘hữu tình’ mà ra
Có câu: từ tốn khiêm hòa
“Sông sâu tĩnh lặng” mới là hiền minh (**)

Cớ sao biển rộng hạ mình?
Cớ sao đất chở chúng sinh muôn loài?
Cớ sao ngọc chịu dùi mài? (***)
Cớ sao trúc chẳng khoe dài đốt ngay? (****)

Cớ sao núi chẳng so vai?
Cớ sao nước chẳng chê ngòi đục trong?
Ánh dương rọi chốn bụi hồng
Chẳng khoe công trạng, càng không chấp tình…

Những người hàm dưỡng, cao minh
Lấy Chân-Thiện-Nhẫn soi mình mới hay…

Ghi chú:

(*) Quan Công – Quan Vân Trường, bậc anh hùng huyền thoại, kỳ tài đao pháp thời cuối Đông Hán và Tam Quốc – từng được nhắc tới trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”.
(**) Chân ngôn: “Lúa chín cúi đầu, sông sâu tĩnh lặng”.
(***) ‘Tam Tự Kinh’ có câu: “Ngọc bất trác bất thành khí; Nhân bất học bất tri lý. [Ý tứ là: Ngọc không mài giũa, đẽo gọt thì không thành đồ quý; Người không học hành, thì không hiểu biết nghĩa lý].
(****) Cổ ngữ: “Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng; Ngọc đập vụn không thay sắc trắng”.

TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ…

Tiền nhiều để làm gì?
Nếu không còn sinh mệnh
Khi thiên tai dịch bệnh
Tài phú chẳng độ nhân…

Phiêu dạt cõi hồng trần
Thảy đều do tư niệm
Danh lợi tình quyến luyến
Mê lạc cả lối về

Quên hết những nguyện thề
Quên ‘bản lai diện mục’
Tháng ngày hao tổn đức
Nghiệp thêm nghiệp chất chồng

Kìa nam bắc tây đông
Vô số người tu luyện
Thuyền Pháp đang rời bến
Càn khôn Chính rạng ngời

Công chuyển hóa luyện người
Pháp độ nhân hồi hướng
Đạo đức và cao thượng
Tu trực chỉ nhân tâm

Thiên Thư: ‘Chuyển Pháp Luân’
Phổ truyền Chân-Thiện-Nhẫn
Giúp người qua khổ nạn
An bình bến Phật ân…

Hình ảnh nữ học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Hình ảnh nữ học viên Pháp Luân Đại Pháp tu luyện “Chân – Thiện – Nhẫn”. Ảnh: Facebook.com/Dafa.Great/

GIÁ TRỊ LÀ SINH MỆNH…

Tài phú là bình an
Giá trị là sinh mệnh
Khi thế nhân dịch bệnh
Tiền vô ích mà thôi

Chớ trách đất oán Trời
Thảy đều do tội-nghiệp
Luân hồi bao ức kiếp
Lầm lỗi tích tụ nhiều

Đừng nghe ‘nói một chiều’
Đừng khinh nhờn Phật Pháp
Tránh làm điều tà ác
Tránh giả dối, đấu tranh

Sinh tử có lằn ranh
Thần giúp người Thiện đức
Khi đứng bên bờ vực
Lựa chọn ở mỗi người

Thân muốn được thảnh thơi
Tâm cần Chân-Thiện-Nhẫn
Cõi lòng không vấy bẩn
Họa loạn ắt rời xa

Phân biệt rõ Chính-tà
Trân trọng người tu luyện
Nhận Phúc âm trời biển
Nhân quả ở nhãn tiền

Nhắn nhủ người hữu duyên:
“Chuyển Pháp Luân”, hãy đọc
Khi thế gian trượt dốc
Có Giác Giả độ nhân…

>> Chùm thơ về mưa độc đáo, đậm chất triết lý, suy tư

MÚA RÌU QUA MẮT TIỀU PHU

Múa rìu qua mắt tiều phu
Liều mình gõ trống trêu đùa Thiên Lôi (*)
Xưa nay thói xấu ở đời
Là tâm hiển thị chê người khoe ta

‘Khôn ngoan chẳng lọ thật thà’ (**)
Khuếch trương bản sự ấy là ‘cái tôi’
Đức cao nhờ có đắp bồi
Biển khơi dẫu rộng đâu cười trăm sông

‘Chì khoe chì nặng hơn đồng
Sao chì chẳng đúc nên cồng nên chuông?’ (***)
Khoa trương sẽ hóa tầm thường
Chân thành hòa ái khiêm nhường mới hay

‘Hạt tiêu nó bé nó cay’… (****)
Mũi kim tuy nhỏ mà may áo dài
Chớ nên khoe đức khoe tài
Khoe nhiều mất lắm chứ ai trọng mình

Ngẫm ra cũng bởi ‘hữu tình’
Chấp mê danh lợi hư vinh đủ đường
Nhủ lòng hướng nội làm gương
Tu Chân-Thiện-Nhẫn ấy thường khiêm cung.

Ghi chú:

(*) Thành ngữ xưa có câu: “Múa rìu qua mắt thợ”; cũng lại có câu: “Đánh trống qua cửa nhà sấm”.
(**) Tục ngữ.
(***) Ca dao Việt.
(****) Cổ ngữ có câu: “Hạt tiêu nó bé nó cay/ Đồng tiền nó bé nó hay cửa quyền”…

PHẤT TAY RŨ BỎ VÔ THƯỜNG

Phất tay rũ bỏ vô thường
Cõi trần hư ảo khói sương mịt mờ
Chén trà đưa thoảng câu thơ
Nhân sinh như mộng bao giờ tỉnh đây?

Hữu duyên có một kiếp này
Kìa xem cây cải gió bay về trời(*)
Nhắn ai Phật Pháp truyền rồi
Hướng Chân-Thiện-Nhẫn quy hồi Cố Hương

Danh lợi tình luống vấn vương
Loanh quanh đó chỉ vô thường mà thôi…

CHỮ CHÂN-THIỆN-NHẪN MANG ĐẦY PHÚC ÂM

“Lấy điều muôn thuở dặn con
Dẫu mà gặp tiết nước non xoay vần
Ở cho có đức, có nhân
Mới mong tự tại mà ăn lộc trời”…(*)
Lời xưa thâm thúy tót vời(**)
Những mong vun vén cho người hiển vinh
Khuyến lương, trọn nghĩa vẹn tình
Tâm cơ gây sự bất bình tránh xa

Bức hại Thiện ấy là tà
Bất Chân lừa mị ấy là giả gian
Xúi nhau tranh đấu tương tàn
Ấy là bất Nhẫn, phá ngang luật Trời
Dẫu cho cậy thế cậy thời
Rời xa Đạo lý ắt rồi cũng vong
Thế gian con tạo xoay vòng
Khác chi hạt bụi nằm trong Thiên Hà

Xem kìa vũ trụ bao la
Thương Khung vô hạn nào xa Thánh Thần
Huống hồ một kiếp phàm nhân
Dấy can qua sẽ nổi trầm về đâu?
Bí kia còn biết thương bầu
Người trong thiên hạ giúp nhau cũng thường
Quý thay Đại Pháp hồng dương
Mới mong thoát cảnh đoạn trường là đây!

Xem kìa nam bắc đông tây
Chữ Chân-Thiện-Nhẫn mang đầy Phúc âm
Giúp ai thoát khỏi mê lầm
Hồi thăng đạo đức thanh tâm đẹp đời
Pháp truyền hợp với ý Trời
‘Phật ân hạo đãng’ cứu người lúc nguy
Ai ơi chớ có khinh vì
Thuận theo Chính đạo, lối đi bởi mình…

Ghi chú:

(*) Ca dao Việt.
(**) Tót vời: Gần nghĩa với từ ‘tuyệt vời’ nhưng mang thêm nét nghĩa tình thái chỉ mức độ cao – theo thiển ý của người viết. Trong tác phẩm “Truyện Kiều”, đoạn miêu tả về nhân vật Kim Trọng, Nguyễn Du cũng có viết:
“Phong tư tài mạo tót vời
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”…

Bàn về chữ nữ  (女) và đạo “Tam tòng tứ đức” của người phụ nữ truyền thống

Hình ảnh nữ học viên Pháp Luân Đại Pháp tu luyện “Chân – Thiện – Nhẫn”. Ảnh: Facebook.com

TỰ SỰ

“Thiện ý một câu ấm ba đông
Ác ngữ lạnh người sáu tháng ròng”(*)
Lời xưa ghi dạ tạc lòng
Chớ màng tranh đấu nhọc công với đời

Gặp cớ sự ấy thời Nhẫn trước
Chuyện đúng sai thua được không ham
Có câu: “Im lặng là vàng”(**)
Thoái lui một bước thênh thang biển trời

Phàm phu nọ sục sôi liều lĩnh
Cao minh kia trầm tĩnh trước sau
“Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”(***)

Quân tử nọ trọng đời trọng đức
Tiểu nhân kia hám dục hám tài
Hay câu: “Lấy Thiện đãi người”(****)
Tránh điều tà ác tránh lời thị phi

Nhân quả nọ đi đi đến đến
Phúc họa kia đền báo, báo đền
Lời Chân như nước nâng thuyền
Giả gian như bão đảo điên lòng người

Nay vừa vặn gặp thời Chính Pháp
Khắp phương trời tỏa rạng Phật ân
Nhắn ai lưu lạc thế nhân
Hướng: Chân-Thiện-Nhẫn tu tâm Trở về.

Ghi chú:

(*) Cổ ngữ;
(**)Thành ngữ;
(***) Tục ngữ;
(****) Chân ngôn.

BÓNG TRĂNG QUA CỬA

Bóng trăng qua cửa bao xuân nhỉ
Lợi-sắc-tình-danh… kể cũng nhàm
Một kiếp bon chen, ngàn kiếp trả
Đời vốn vô thường ai biết chăng?

Bóng trăng qua cửa bao xuân nhỉ
Tham luyến trần ai luống ngậm ngùi
Phỉ chí tang bồng vang bốn cõi
“Hạt bụi tinh cầu” ai thấu chăng?

Bóng trăng qua cửa bao xuân nhỉ
Được mất hơn thua một kiếp người
Quán trọ trần gian bừng tỉnh mộng
Thệ ước năm nào ai nhớ chăng?

Bóng trăng qua cửa bao xuân nhỉ
Xuống ngựa lên xe rộn tứ bề
Nhớ câu: “Đường hẹp người chen lấn
Ngõ Đạo thênh thang hiếm kẻ về”…

Bóng trăng qua cửa bao xuân nhỉ
Một thốn thời gian: thước ngọc lành
Trực chỉ vãng hồi Chân-Thiện-Nhẫn
Xả tận nhân gian một kiếp này

Bóng trăng qua cửa bao xuân nhỉ
Hoàn nguyện hồi thăng há bận lòng
Lục đạo luân hồi không vướng nữa
Du cảnh Bồng Lai ngộ Cố Hương…

NGẪM

Răng người ta rất cứng
Lưỡi người ta rất mềm
Đến khi người trăm tuổi
Răng rụng, lưỡi còn nguyên

Ồ cớ sao lại thế?
Chắc là không ngẫu nhiên
Đời xưa nay vẫn vậy
Nhu hòa thường an yên…

Lại ngẫm:

Nhưng mà sau trăm tuổi
Luân hồi, khổ vô biên
Đồng hóa: Chân-Thiện-Nhẫn
Ấy mới là phép Tiên…


Tác giả: VÔ DANH CƯ SĨ

Vô danh cư sỹ bất lưu sầu
Thản nhiên bãi bể với nương dâu
Đời như ảo mộng tình như khói
Xả tận nhân gian, xả hữu cầu…

Sources:

BÀI LIÊN QUAN