Những nhân vật anh hùng thiên cổ trong nền văn minh Trung Quốc: Đế Thuấn

Những nhân vật anh hùng thiên cổ trong nền văn minh Trung Quốc: Đế Thuấn

Thời Đế Thuấn trị vì, ông dùng đạo đức để giáo hóa nhân dân, cai trị dân bằng đạo Nhân. Ông tin rằng một xã hội mà trong đó mọi người đều cảm thấy xấu hổ khi phạm tội thì tốt hơn một xã hội mà con người phải bị đánh đập rồi mới quy phục, vâng lời.

>> Phép tắc của Đại Vũ – Nhân vật anh hùng thiên cổ trong nền văn minh Trung Quốc

Nhận thấy con trai mình là Đan Chu không đủ tài đức để kế thừa ngôi vị, Đế Nghiêu thường luôn chú ý tìm kiếm những người xứng đáng để có thể kế thừa ngôi vị của mình.

Nghiêu đã tìm đến bốn người khác nhau, nhưng tất cả đều từ chối lời đề nghị của ông. May mắn thay, chính hiền nhân cuối cùng là Tứ Nhạc, đã tiến cử lên ông người thứ năm. Đó là Ngu Trùng Hoa, một người đàn ông nghèo ở bộ lạc Hữu Ngu nhưng vượt trội về tính cách, và là người mà sau khi qua đời đã được biết đến với danh tiếng lưu truyền là Đế Thuấn.

Đế Thuấn

Bức tượng “Hiếu cảm động thiên” khắc họa Đế Thuấn. (Dingar/Public Domain)

Một người con hiếu hạnh trong một gia đình bạc bẽo

Thuấn đã trải qua gần toàn bộ thời thơ ấu của mình trong cảnh tối tăm của một gia đình có người mẹ kế độc ác. Khi mẹ ông qua đời, cha ông đã tái hôn, người mẹ kế này hết sức ngược đãi đối với Thuấn và anh trai của ông. Hai anh em thường xuyên bị đánh đập, chửi rủa, và nhiều khi bị bỏ đói.

Anh trai của Thuấn đã qua đời vì sự đối xử tàn độc này, nhưng đối với vị hoàng đế tương lai, sự chịu đựng đau khổ đã tôi luyện chất thép trong phẩm chất đạo đức của ông. Khi Thuấn khoảng mười tuổi, một đạo sĩ là Vụ Thành Tử dạy Thuấn học các sách Ấu học, ông biết cậu bé được tôi rèn trong gian khổ đó sau này lớn lên sẽ trở thành một con người có giá trị.

Nhưng người mẹ kế đã không muốn cho Thuấn đi học mà bắt ông phải đi chăn trâu cho nhà hàng xóm. Từ đó Thuấn phải vừa chăn trâu vừa học. Vụ Thành Tử dạy ông học đọc, học viết, học đạo lý làm người, cho đến cả thiên văn địa lý và các đạo lý về trị quốc bình thiên hạ. Cứ như vậy suốt ba năm.

Theo những tài liệu truyền thống ghi chép lại, thì cha Thuấn là người ương ngạnh, bất chấp đúng sai. Mẹ kế thì điêu ngoa, xảo quyệt, còn người em trai cùng cha khác mẹ của ông là Tượng thì kiêu ngạo, tàn bạo và ích kỷ.

Thuấn đã dùng sự hiếu thuận, khoan nhân, thân ái để xử lý các quan hệ gia đình, chịu đựng sự ngược đãi của gia đình bằng sự cung kính của đạo làm con đối với cha mẹ. Khi bị cha dùng roi đánh đập, ông đứng im cho cha đánh. Chỉ khi người cha dùng gậy lớn đánh ông, đồng thời người trong gia đình hùa vào bức hại ông, ông mới bỏ chạy. Nhưng bất cứ khi nào gia đình cần đến sự giúp đỡ của ông, ông lại đến bên cạnh hầu hạ giúp đỡ cha mẹ.

Sống trong nghịch cảnh nhưng Thuấn luôn biểu hiện những phẩm đức cao thượng phi phàm, ông rất hiếu đễ trung tín, nhẫn được những điều người thường không thể nhẫn. Năm 20 tuổi ông là người hiếu đễ nổi danh trong thiên hạ.

Đế Nghiêu triệu gặp Thuấn

Cuối cùng, không chịu nổi sự ngược đãi của cha mẹ và em trai, Thuấn bỏ ra ngoài tìm đến nơi khác sinh sống.

Ông trở thành một thợ thủ công lành nghề, góp phần hoàn thiện nghệ thuật gốm tại một ngôi làng ở tỉnh Sơn Tây ngày nay.

Do luôn khiêm tốn khoan hậu nhường nhịn mọi người nên Thuấn đi đến đâu cũng được người dân chào đón, ông sống ở đâu là người ta kéo đến quần tụ ở đó, ngay cả muông thú cũng đến trợ giúp ông. Một lần, khi đang khai khẩn trồng cấy ở núi Lịch Sơn, một con voi lớn đã đến giúp ông cày bừa, còn những con chim thì bay xuống dọn cỏ.

Dân chúng bàn tán, cho là những điềm triệu bất phàm, họ khẳng định, nếu Thuấn có gặp phải ma nạn thì đại phúc cũng đến với ông.

Ở Lịch Sơn bắt đầu có những người tranh giành đất đai mà gây ẩu đả với nhau, Thuấn đã đem phần đất mầu mỡ do mình khai phá được nhường cho những người yếu thế rồi tự tìm những khu đất hoang khác để khai phá. Dưới ảnh hưởng của Thuấn, người dân ở Lịch Sơn trở nên nhường nhịn hòa ái với nhau, người ở nhiều nơi thấy vậy theo nhau kéo về đây sinh sống, dần dần hình thành nên làng xóm.

Năm Thuấn 30 tuổi, Tứ Nhạc đã tiến cử Thuấn với Đế Nghiêu.

Tứ Nhạc tiến cử Thuấn với Đế Nghiêu.

Tứ Nhạc gặp Thuấn. Ảnh minh họa: Trithucvn.net.

Thuấn miễn cưỡng nói với Tứ Nhạc: “Tôi chỉ là một người tầm thường không có ước muốn gì lớn”

Nhưng Đế Nghiêu vẫn triệu Thuấn đến gặp. Theo Tuân Tử – một học giả Nho gia – thì Nghiêu đã hỏi Thuấn: “Nếu ta muốn có thiên hạ thì làm thế nào?”

Thuấn trả lời: “Chuyên tâm vào chính sự không một chút lười biếng, trung tín, thành thực, không dối trá mờ ám thì người trong thiên hạ sẽ tự quy phục”. Rồi ông đề xuất việc kính thờ trời, cai quản đất đai và quan tâm đến trăm họ.

Đế Nghiêu vô cùng mãn ý, bèn đem hai người con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh gả cho Thuấn, lại ban tặng cho ông y phục, nhạc cụ và nhiều bò cừu.

Sau hôn lễ, Thuấn đưa hai người vợ về sống bên bờ sông Quy, lại trở lại quan tâm chăm sóc cha mẹ và các em vô cùng chu đáo kính cẩn. Hai người vợ của ông cũng không chút kiêu ngạo, giữ đúng đạo làm vợ.

Thấy Thuấn được vinh hiển như vậy, cha mẹ ông sinh tâm đố kỵ, người em là Tượng thì muốn chiếm đoạt của cải của ông. Ba người nhiều lần tìm cách hãm hại, lúc thì muốn ông chết cháy, lúc thì định vùi lấp ông dưới giếng, nhưng mưu kế nào cũng thất bại.

Thuấn dù thế nào cũng vẫn một lòng hiếu kính cha mẹ, yêu quý các em. Cuối cùng trước đức hạnh và sự kiên định của ông, những kẻ độc ác đó cũng phải mủi lòng và từ bỏ ý định làm hại ông rồi dần cải tà quy chính.

Những việc làm của Thuấn

Sau một thời gian, thấy Thuấn đúng là một hiền nhân, đầu tiên Đế Nghiêu đã trao cho ông chức Tư đồ để thử năng lực xử lý các việc lớn trong thiên hạ.

Thuấn liền cho thực hành Ngũ điển. Ngũ điển là năm loại đạo đức của nhân luân gồm: làm cha phải có nghĩa, làm mẹ phải từ ái, làm anh phải thân thiết với em, làm em phải cung kính với anh, làm con phải hiếu thuận. Việc giáo hóa dân bằng Ngũ điển của Thuấn rất hiệu quả, dân chúng nơi nơi đều tự giác tuân thủ, thiên hạ yên bình, trăm họ hòa mục.

Tiếp đó Đế Nghiêu sai Thuấn nắm giữ chức Tư không, tổng lý các sự vụ trong thiên hạ, cai quản bá quan. Thuấn đem các sự vụ phức tạp gai góc xử lý minh bạch rõ ràng khiến trăm quan đều tuân phục.

Đế Nghiêu lại sai Thuấn tiếp đãi chư hầu bốn phương, Thuấn đã xử lý mọi việc một cách trang nghiêm kính cẩn, xứng hợp nghi lễ.

Lần khảo nghiệm cuối, Đế Nghiêu phái Thuấn đi tuần sát tình hình lũ lụt, nơi sông sâu rừng rậm, đầm lầy đồng hoang. Ở đó bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra cuồng phong mưa bão, không cẩn thận là lạc đường, ngoài ra còn rất dễ bị rắn độc thú dữ làm hại. Một hôm Thuấn cùng đoàn tùy tùng đi đến một khu rừng rậm không dấu chân người thì gặp một bầy sói, mọi người đều kinh sợ, Thuấn đi lên phía trước, bầy sói liền quay mình bỏ đi. Lần khác đoàn người gặp ba con hổ dữ chắn ngang đường, con hổ đực gầm lên giận dữ khiến ai cũng sợ hãi, Thuấn tiến đến trước mặt hổ đực nói: “Chúng ta vâng mệnh thiên tử đi xem xét tình hình lũ lụt để cứu vớt muôn dân, các ngươi hãy trở về hang đừng cản trở”, hổ đực quay mình dẫn hổ cái và hổ con bỏ đi.

Đế Nghiêu nghe chuyện bèn nói. “Đó chẳng phải thiên thần che chở thì cũng là do sự chân thành cảm ứng đến muôn loài”.

Người ta cho rằng thời Nghiêu Thuấn đã có cơ cấu giáo dục chuyên môn.

Cách giáo dục của Thuấn tập trung vào việc dạy giới trẻ biết học hỏi từ những người già vì người già là những người từng nếm trải hết mọi việc trong đời nên họ có rất nhiều tri thức và kinh nghiệm. Sách Lễ ký chép: “Thời Ngu Thuấn, dưỡng quốc lão ở Thượng tường, dưỡng thứ lão ở Hạ tường”. (Thượng tường và Hạ tường là trường học cấp trung ương và địa phương). Ý nói là trong những người già, có người làm quan trong triều, có người là bình dân, đưa những người già từng làm quan trong triều đến nuôi dưỡng ở nhà Thượng tường, đưa những người già bình dân đến nuôi dưỡng ở nhà Hạ tường. Rồi triệu tập trẻ em đến đó, xin những người già truyền đạt cho chúng tri thức và kinh nghiệm. Khi trẻ kéo đến, kho gạo cũng đầy mà việc học cũng xong. Như vậy đạt được cả hai mục đích, vừa nuôi dưỡng được người già, vừa truyền dạy được tri thức. Hệ thống này đã hình thành cơ sở cho các trường học vào triều đại Tây Chu của thế kỷ 10 trước công nguyên.

Triều đại của Đế Thuấn

Khi Đế Nghiêu đề nghị Thuấn kế thừa ngôi vị, Thuấn đã khiêm tốn từ chối. Tuy nhiên, Đế Nghiêu đã có tuổi và cần có người hỗ trợ. Các quan Đại tư nông kiến nghị để Thuấn làm Thái úy nhiếp chính. Nhưng ngay sau đó, những điềm triệu tốt lành khác nhau xuất hiện đã thuyết phục Thuấn rằng ông nên chấp nhận ngai vàng.

Nghiêu cho rằng những điều tốt lành diễn ra là nhờ có Thuấn nên ông quyết sẽ đem thiên hạ trao cho Thuấn. Ông tắm rửa, trai giới, cho đắp đàn tế ở bên sông Hoàng Hà và Lạc Thủy để cầu trời ban cho điềm triệu. Sau mấy ngày trai giới, ông đưa quần thần lên đàn tế bên sông Hoàng Hà làm lễ.

Ông thả một khối bạch ngọc xuống sông, cầu xin thiên địa thần linh chấp lễ. Mọi người xuống đàn chờ đợi, lâu sau, từ dưới sông xuất hiện một luồng ánh sáng thập quang ngũ sắc, rực rỡ chói lòa. Những đám mây lành che rợp khắp vùng, hơi nước tụ lại ở trên đỉnh núi. Phút chốc dông bão nổi lên, nước dâng cuồn cuộn, rồi một con long mã nhô lên khỏi mặt nước, miệng ngậm một đồ vật, nó lên bờ tiến thẳng lên đàn tế, nhả vật đang ngậm ở miệng ra rồi xuống sông đi mất.

Trời đất lại sáng sủa quang tạnh, Đế Nghiêu cùng quần thần lên đàn xem xét, thấy một cái hộp bằng ngọc, mở ra xem thì là một bức bản đồ. Trên đó ghi chép rõ phương vị của mặt trời, mặt trăng và các vì sao trên thiên thượng, dòng mạch của núi non sông ngòi nơi hạ giới, số đời thay đổi của đế vương ở nhân gian và cuối cùng còn ghi rõ việc trao thiên mệnh cho Đế Thuấn. Về sau người ta gọi bản đồ này là Hà Đồ.

Hai năm sau, Đế Nghiêu lại cùng quần thần đến đàn tế Lạc Thủy làm lễ tế. Lần này, một con rùa lớn xuất hiện, mang theo một bức thư trên mai. Bức thư được làm bằng mai rùa với những chữ viết bằng son đỏ, nói rõ Thuấn phải kế vị. Về sau người ta gọi nó là Lạc Thư.

Hà đồ và Lạc thư

Hà đồ và Lạc thư. Ảnh: WIkipedia.

Sau khi chứng kiến Hà đồ và Lạc thư, Đế Nghiêu đã không còn ngần ngại mà trao luôn ngai vàng cho Thuấn.

Thời Đế Thuấn trị vì, ông dùng đạo đức để giáo hóa nhân dân, cai trị dân bằng đạo Nhân. Hình luật sử dụng biện pháp đánh đập và tra tấn tàn bạo bị bãi bỏ, ngoại trừ các tình thế không thể cải tạo nổi. Do vậy các tội phạm hình sự mà trước kia bị xử bằng cách xẻo mũi hoặc cắt chân, chặt đầu hoặc xăm mình, giờ đây được thay thế bằng lưu đày, phạt tiền hoặc đánh đòn. Điều này phù hợp với chủ trương giáo hóa dân bằng đạo đức của Thuấn – ông tin rằng một xã hội mà trong đó mọi người đều cảm thấy xấu hổ khi phạm tội thì tốt hơn một xã hội mà con người phải bị đánh đập rồi mới quy phục, vâng lời.

Tác giả: Epoch Times | Dịch giả: ĐKN

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN