Nỗi ám ảnh từ game bạo lực

Nỗi ám ảnh từ game bạo lực

Cách đây không lâu, vụ việc Bé trai 5 tuổi ở Nghệ An bị bắt cóc, bỏ rơi đến chết một cách tức tưởi chỉ bởi nỗi ám ảnh game đã khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng vì sức phá hoại khủng khiếp của game bạo lực.

game bạo lực

Ảnh: Báo Thanh Niên.

Dù bàng hoàng, nhưng tình trạng phạm tội liên quan đến game đã không còn xa lạ: Đó là trường hợp đứa cháu ngoại 16 tuổi vì mê game mà sát hại ông một cách man rợ giống như trong game để cướp tiền thỏa mãn “đam mê” của mình, hay trường hợp của sinh viên tên Khánh, vì ảo giác game mang lại mà lỡ ra tay sát hại bậc sinh thành, hay một trường hợp khác là học sinh lớp 8 đã  treo cổ tự tử chết vì không được làm… bá chủ!

Và còn rất nhiều trường hợp khác… vì game mà sẵn sàng giết người, cướp giật, trộm cắp.

Điều đáng nói, những đối tượng phạm tội lại rất trẻ, thông thường là trong độ tuổi còn đi học. Đó là những chủ nhân tương lai của đất nước. Thật đáng sợ khi hình dung tương lai đất nước sẽ như thế nào với một thế hệ nghiện game, đam mê bạo lực, giết chóc như vậy.

Trẻ em ngày nay có thể dễ dàng tiếp cận game bạo lực

Trẻ em ở Favela Morro da Providencia, Rio de Janeiro, Brazil

Trẻ em ở Favela Morro da Providencia, Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: jr-art.net)

Trẻ em là những người chưa hoàn thiện về nhân cách, chưa có khả năng đánh giá sự việc một cách khách quan, độc lập và cũng chưa đủ chín chắn để nhận ra phải trái đúng sai. Chính vì thế, đứng trước một thứ hấp dẫn như game thì rất khó cưỡng lại. Nhất là trong thời đại hiện nay, việc tiếp xúc với game đã trở nên rất dễ dàng khi nhà nào hầu như cũng có smart tivi, máy tính, điện thoại…  đó đều là những phương tiện có thể tiếp cận kho game khổng lồ trên internet, không như cách đây khoảng 10 năm muốn chơi game buộc phải ra quán net.

Điều đáng nói, việc con chơi game trên tivi hay điện thoại cũng ngầm được nhiều ông bố bà mẹ cho phép để quản lý con dễ dàng hơn. Dù rằng nội dung game được kiểm soát nhưng điều đó sẽ khiến đứa trẻ có đam mê vào game và nhất là có “tư tưởng” chơi game.

Không chỉ gia đình, có một hiện trạng đã và đang diễn ra ở nhiều cơ sở mầm non trên toàn quốc: để quản lý trẻ được dễ dàng, các cô giáo thường cho xem phim “siêu nhân”, “người nhện”, với rất nhiều cảnh đánh đấm…  khiến đứa trẻ trở nên thích thú, ham bạo lực, ham chế tạo súng ống và luôn miệng nói rằng “ta là siêu nhân”. Đây chính là tiền đề thuận lợi để dễ bước chân vào game bạo lực sau này.

Game đã “tiến hóa” thành một ngành công nghiệp giải trí

game bạo lực

Ảnh: NTD VN

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự phổ biến của game bạo lực phải kể đến các công ty game vì lợi nhuận mà bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của game đến hàng triệu thanh thiếu niên, hủy hoại cả một thế hệ. Ta có thể thấy những game hot nhất hiện nay đều là dòng game nhập vai, bạo lực mạnh như Đột Kích, Call of Duty, Half-life, PUBG,..

Đặc biệt, ngày nay, game đã “tiến hóa” thêm một bước, trở thành ngành giải trí siêu lợi nhuận có thể sánh ngang với các ngành giải trí khác như âm nhạc, điện ảnh. Game tiến gần hơn với giới trẻ qua các cuộc thi đấu, tranh tài, fanclub. Có những cuộc thi đấu thu hút sự chú ý rất lớn của giới trẻ, thậm chí ban tổ chức còn bán vé để người hâm mộ có thể trực tiếp xem game thủ thi đấu với nhau.  Có những game thủ trở nên nổi tiếng không kém gì các ngôi sao điện ảnh, trở thành thần tượng của hàng triệu người và có rất nhiều người theo dõi trên mạng xã hội.

Nếu như trước đây, mục đích chơi game chỉ là để giải trí, giảm căng thẳng sau giờ làm việc. Thì ngày nay, nhiều bạn trẻ đã coi game như cuộc sống, muốn trở thành game thủ nổi tiếng, muốn kiếm tiền, giàu có qua game.

Trước một ma trận game như vậy, thử hỏi làm sao để một đứa trẻ không bị ô nhiễm?

Môi trường vui chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên bị thu hẹp

Trầm cảm vì mạng xã hội

Ảnh minh họa.

Bên cạnh sự độc hại của game bạo lực gia tăng thì môi trường vui chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên bị thu hẹp.

Thế hệ 7x, 8x là một trong những thế hệ cuối cùng còn được sống trong môi trường lành mạnh. Thời đó internet game cũng đã du nhập vào Việt Nam, nhưng “độc tính” của nó không mạnh như bây giờ. Bởi ngoài game thì thanh thiếu niên khi đó có rất nhiều lựa chọn: thả diều, đá bóng, bóng chuyền, bơi,… Ngay cả những người mê game thời đó cũng không có ai “cày game” như rất nhiều thanh thiếu niên bây giờ. Họ chơi game, đồng thời cũng chơi thể thao và các hoạt động vui chơi lành mạnh khác, nên không đến nỗi bị đắm chìm trong ảo giác game.

Nhưng ngày nay, ngay ở miền quê, nơi vốn dĩ bình yên trong suy nghĩ của bao người cũng có rất nhiều trường hợp nghiện game. Những trò chơi lành mạnh thì cứ ít người dần, bởi diện tích đất bị thu hẹp, sông nước trở nên ô nhiễm, thanh thiếu niên mất chỗ chơi thì đương nhiên game sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu.

Giải pháp nào ngăn chặn game bạo lực?

Trong xu hướng phát triển của thế giới, ta có thể thấy sự phát triển của ngành công nghiệp game là quá trình khó có thể đảo ngược. Vì thế game online cần được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan chức năng. Nhưng vai trò quan trọng nhất và chủ động nhất vẫn là gia đình.

Tuy chưa có một thống kê cụ thể, nhưng qua nhiều vụ án xảy ra ta có thể nhận thấy rất nhiều trường hợp nghiện game có nguyên nhân từ cha mẹ, hoặc li hôn hoặc quá bận rộn công việc mà không quan tâm đến con cái, đẩy toàn bộ trách nhiệm nuôi dạy con cái cho nhà trường, ông bà…

Chúng ta hẳn chưa quên giáo huấn của người xưa. Điển tích “Mạnh mẫu 3 lần chuyển nhà” lưu danh thiên cổ mà nhiều người ngày nay biết là một mẫu mực về dạy con.

Chuyện kể về nhà triết học Mạnh Tử thuở nhỏ là đứa trẻ ham chơi, không chú tâm vào việc học. Nhưng may mắn thay, ông có một người mẹ rất nghiêm khắc. Lần đầu tiên chuyển nhà ở gần nghĩa trang, Mạnh Tử hay lẻn ra bãi tha ma để nghịch ngợm, mẹ ông lập tức chuyển nhà đến gần một khu chợ. Nhưng tại đây, ông lại bị “nhiễm” tính cách của phường buôn như thích cân, đo, đong, đếm,… Mẹ ông lại quyết định chuyển nhà lần nữa. Lần này, chuyển đến một khu trường học thì Mạnh Tử ham học, chăm đọc sách, viết chữ hơn.

Sau nhiều bài học giáo huấn nghiêm khắc từ mẹ, Mạnh Tử đã hiểu ra, nỗ lực tu thân để rồi trở thành một nhà hiền triết lưu danh thiên cổ.

Ngày nay, cũng không ít người nổi tiếng trong giới công nghệ đã cấm con sử dụng máy tính và các thiết bị công nghệ.

Bill Gates, nhà sáng lập tập đoàn Microsoft đã cấm con tiếp xúc với thiết bị thông minh, hay bất cứ đồ điện tử nào cho đến khi chúng bước sang tuổi 14.

Steve Jobs cũng tiết lộ với tờ New York Times rằng ông cấm con sử dụng Ipad và tất cả các thiết bị của Apple.

Hẳn là hai “ông lớn” trong giới công nghệ này đã hiểu quá rõ sức gây nghiện của các thiết bị điện tử và muốn tạo ra một môi trường an toàn cho con cái họ.

Qua những câu chuyện trên, ta thấy tạo cho con trẻ một môi trường sống lành mạnh là quan trọng thế nào. Mà để làm được điều này, người có trách nhiệm lớn nhất đương nhiên là cha mẹ.

“Con cái là của trời cho”, là điều quý giá nhất của những người làm cha mẹ. Vì thế, cần coi giáo dục con cái nên người là ưu tiên số một.

Nam Minh

Xem thêm:

 

Sources:

BÀI LIÊN QUAN