Phép tắc của Đại Vũ – Nhân vật anh hùng thiên cổ trong nền văn minh Trung Quốc

Phép tắc của Đại Vũ – Nhân vật anh hùng thiên cổ trong nền văn minh Trung Quốc

Sau khi chinh phục nạn đại hồng thủy đã làm ngập Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, Đại Vũ trở thành một đại thần quan trọng dưới quyền của Đế Thuấn. Cùng làm việc với các vị quan được ca ngợi khác như Hậu Tắc, người đứng đầu về nông nghiệp, và Cao Dao, quan cai quản pháp luật, nhiệm vụ của Vũ là quản lý điều hành bộ máy hành chính.

Đại Vũ

Ảnh: VN ngày nay.

Tuy nạn lũ lụt đã bị khuất phục, nhưng còn phải xem xem đất nước Trung Quốc có thể được thống nhất ra sao. Sức tàn phá của thảm họa này khiến đất nước sẽ còn lâu mới hồi phục lại được, mọi hỗn loạn vẫn đang hoành hành. Chẳng hạn trước đây loạn Tam Miêu đã được Đế Nghiêu bình định xong, nay lại nổi lên phản kháng triều đình.

Đại Vũ khẩn khoản yêu cầu Đế Thuấn cho phép đánh dẹp những phần tử phản loạn của Tam Miêu. Đế Thuấn nói: “Ta đức mỏng, dùng vũ lực e vô đạo”. Vũ ghi nhớ điều này trong tâm và dành ba năm gây ảnh hưởng đến Tam Miêu bằng cách sử dụng đức hạnh thay vì dùng bạo lực.

sơ đồ

Một sơ đồ từ các văn bản triều đại nhà Thanh cho thấy “năm mức hạ cấp” được Đại Vũ tạo ra. (Ảnh công cộng)

Sự thoái vị của Đế Thuấn

Vào năm thứ mười bốn trong triều đại của mình, một hôm Đế Thuấn đang cùng trăm quan diễn tấu nhạc Thiều thì thời tiết biến đổi, sấm nổ vang rền, mưa đổ sầm sập, gió giật mạnh khiến cây lớn bật gốc, nhạc khí bay tứ tung, nhạc công vũ công đứng không vững nằm phục xuống sân, quần thần hoảng sợ, riêng đế Thuấn khi đó 80 tuổi, sắc mặt không đổi ngồi yên tại vị. Ông ngẩng lên trời nói: “Rất đúng, rất đúng, ta không thể một mình cai quản giang sơn này”. Rồi ông từ từ đứng lên sửa lại y phục mũ mạo, hướng lên trời bái lạy và thầm khấn: “Hoàng thiên đang muốn tôi biết rằng tôi phải theo gót Đế Nghiêu tìm người tài giỏi xứng đáng, trao lại ngôi vị, hiện nay trong đám quần thần, tôi xét thấy chỉ có Vũ là người công đức vượt trội. Do vậy, tôi tiến cử Vũ với Hoàng thiên và cầu xin bề trên phù hộ. Nếu Vũ không xứng đáng gánh vác trách nhiệm này, xin Hoàng thiên hãy khiến cho mưa rơi nặng hơn và sấm sét to hơn để cảnh báo cho tôi biết việc làm của tôi là dại dột. Nhưng nếu Vũ xứng đáng là người kế vị, xin Hoàng thiên hãy kết thúc cơn bão này”.

Ngay khi những lời khấn vừa dứt, mưa bão và sấm sét liền biến mất nhường chỗ cho ánh sáng mặt trời.

Năm tiếp theo, có một con rồng xanh hiện ra khiến Đế Thuấn và các quần thần của ông nhìn thấy đều hết sức vui mừng. Tất cả cúi đầu tạ ơn, họ truyền nhau lời ca về người cai trị của mình, đồng thời tin tưởng điềm báo này là một dấu hiệu về đức hạnh bao la của Đế Thuấn.

Nhưng Đế Thuấn cảm nhận được rằng Hoàng thiên đang mong chúc về một điều khác, nên ông đã hát một bài hát khác. Trong bài hát đó ông đã thông báo ý định thoái vị vì lợi ích muôn dân và ủng hộ cho một người cai trị khôn ngoan.

Để đủ chắc chắn, ngày càng nhiều điềm báo xuất hiện. Vào năm thứ 42 của triều đại Đế Thuấn, cây cỏ không hề vàng úa dù tiết thu đã chớm. Mọi người đều cho là điềm lạ, Vũ nhận xét: “Là bởi Mộc khí rất thịnh” (Mộc là một trong Ngũ hành – theo tri thức truyền thống Trung Quốc).

Thuấn cười nói: “Đó là ứng với bản thân ngươi, vì đức của ngươi thuộc Mộc. Trước đây rồng xanh xuất hiện, màu xanh là thuộc Mộc, nay lại suốt năm cây cối xanh tươi đều là điềm triệu về Mộc, xem ra đã đến lúc ngươi lên ngôi thay ta rồi”.

Sau đó Đế Thuấn quyết định chọn một ngày đầu tháng Giêng làm lễ nhường ngôi cho Vũ tại miếu thờ Đế Nghiêu. Nghi lễ được thực hiện tỉ mỉ theo đúng các nghi thức Đế Nghiêu đã làm khi nhường ngôi cho Đế Thuấn

Triều đại đầu tiên

Một chiếc đỉnh ba chân Trung Quốc

Một chiếc đỉnh ba chân Trung Quốc từ những năm cuối triều đại nhà Thương, Bảo tàng Thượng Hải. (Ảnh: Mountain / CC BY-SA 3.0)

Đại Vũ được ghi nhận là sáng lập vương triều nhà Hạ là triều đại đầu tiên trong nền văn minh Trung Quốc. Ban đầu ông muốn tiếp tục truyền thống thoái vị bằng cách chọn một nhà hiền triết để kế vị như Đế Thuấn và Đế Nghiêu, nhưng tất cả các quan đại thần trong triều đã yêu cầu để con trai của Vũ là Khải làm người thừa kế ngai vàng.

Sau khi lên ngôi, trước tiên Hạ Vũ làm các nghi lễ hiến tế trời đất và các vị thần. Sau đó ông khấu đầu xin trời ban cho ông sự khôn ngoan để quản lý đất nước. Trước thành tâm của ông, trời đã ban cho ông Hồng phạm cửu trù.

Hồng phạm cửu trù tức là 9 loại trách nhiệm của bậc thiên tử, cũng chính là 9 chính sách tốt để trị nước.

Theo lịch sử cổ đại Trung Quốc thì chính quyền của Đế Vũ đã đặt nền móng cho chế độ phong kiến Trung Quốc, trong đó các vương hầu cống nạp lên một vị vua chung để thể hiện sự trung thành.

Sau khi Vũ tức vị, chư hầu trong thiên hạ tụ tập về núi Đồ Sơn yết kiến. Để ghi nhớ sự kiện này, Vũ đã cho đem tất cả đồ kim khí do các châu cống nạp nấu chảy ra và đúc lại thành chín chiếc đỉnh (Cửu đỉnh). Đồ kim khí của châu nào đem đúc thành đỉnh của châu đó, đồng thời chạm trổ hết sức tỉ mỉ công phu hình thế núi sông và sản vật quý của châu đó lên. Mỗi đỉnh đại diện cho mỗi châu, Cửu đỉnh tượng trưng cho 9 châu, mà đỉnh của Dự châu là lớn nhất, thuộc về trung ương, biểu thị cho sự cai quản của Đại Vũ đối với 9 châu, từ đó thiên hạ nhất thống.

Khi triều đại nhà Hạ kết thúc, triều đại nhà Thương đã thừa kế chín chiếc đỉnh bằng đồng này. Những bảo vật này một lần nữa đã lại thay đổi chủ sở hữu vào khoảng 3.000 năm sau, khi nhà Thương bị nhà Chu đánh bại.

‘Thánh nhân tâm truyền’

Đại Vũ cũng có những đóng góp quan trọng vào đời sống tâm linh của người Trung Quốc.

Khi Đế Thuấn nhường ngôi cho Đại Vũ còn truyền cho ông 16 chữ tâm pháp, gọi là “Thánh nhân tâm truyền”. 16 chữ đó là:

“Nhân tâm duy nguy

Đạo tâm duy vi

Duy tinh duy nhất

Doãn chấp quyết trung”

“Nhân tâm duy nguy”, ý nói con người có nhiều loại tâm như tham, sân, si, ái, thất tình, lục dục, tất cả đều là nhân tâm, khu xử không khéo thường rất nguy hiểm, do đó phải thận trọng giữ gìn tâm tính.

“Đạo tâm duy vi”, ý nói đạo tâm vô cùng tinh vi, là cái tâm tự nhiên, cũng chính là bản tính tiên thiên. Nhân tâm mà chiến thắng Đạo tâm thì sẽ rớt xuống thành kẻ tiểu nhân. Còn nếu Đạo tâm chiến thắng Nhân tâm thì sẽ trở thành bậc quân tử, thậm chí thành bậc thánh nhân siêu phàm.

“Duy tinh duy nhất”, ý nói phải tập trung tinh thần lĩnh ngộ Đạo tâm, đạt đến tâm chuyên nhất, giữ bản tính tiên thiên.

“Doãn chấp quyết trung”, chính là bình tâm tĩnh khí, không rời tự tính, giữ vững Đạo tâm, không thiên lệch, không dựa dẫm.

16 chữ trên là tâm pháp an bang trị quốc, trên thực tế cũng chính là tâm pháp tu luyện để tu thân dưỡng tính.

Từ Truyền thuyết đến Lịch sử: Nhận xét về kỷ nguyên của Nghiêu, Thuấn và Vũ

Ảnh: Soha.vn.

Đế Nghiêu, Đế Thuấn, và Hạ Vũ được nhớ đến như là những vị vua hiền triết được Thiên thượng gửi xuống để đặt định các hình thức cơ bản cho nền văn minh Trung Hoa truyền thống. Họ đã thiết lập một nền văn hóa nhấn mạnh vào sự hòa hợp đạo đức; trời, đất, và con người cùng nhau chung sống hài hòa. Trước thời Vũ, những vị vua của thời đại này đã nhường Đế vị cho các nhà hiền triết, được bổ nhiệm sau khi thực hiện các lễ nghi cẩn thận đối với ngôi vị mà thần linh đã ủy thác cho họ. Với lòng từ bi của mình, Đế Nghiêu đã đề cao phẩm hạnh và đạo đức trong nhân dân. Sau khi thăng tiến trong tu dưỡng cá nhân, ông đã hướng dẫn và truyền cảm hứng cho các quần thần của ông phải tôn vinh gia đình họ và sống cùng nhau trong sự hài hòa. Các vị quan đứng đầu đều nhất mực hợp tác và đạt được những thành tựu vĩ đại dưới sự cai trị của ông. Vô số gia tộc đều nhất trí, đồng lòng. Đế Nghiêu còn được trời ban cho Lạc Thư và Hà Đồ, được sử dụng để tiên đoán lúc thịnh suy của các triều đại sau này.

Đế Thuấn tiếp tục phép tắc cai trị đoan chính của Đế Nghiêu qua việc giáo dục dân chúng nói chung bằng đạo đức. Ông cai trị bằng sự khoan dung, và đối xử với người thân trong gia đình theo các nguyên tắc về lòng hiếu thảo. Ông thiết lập các quy định đối với quyền lực lãnh đạo và một bộ luật hình sự để trừng phạt và cải tạo người phạm tội. Ông thoái vị ngai vàng cho Vũ và hoàn thành việc tu dưỡng của mình. Các thế hệ sau luôn tôn kính Đế Thuấn, và những luân thường đạo lý mà ông ấp ủ đã trở thành những chuẩn mực về đối nhân xử thế.

Hạ Vũ đã chinh phục Đại Hồng Thủy và thành lập ra Cửu châu. Là người mở đầu triều đại nhà Hạ, ông đã hoàn tất việc tạo ra vương quốc Trung Hoa và nền văn hóa Thần truyền. Dưới sự cai trị đầy minh tuệ của ông, hệ thống trật tự của nhà Hạ thậm chí vươn tới những nơi rất xa xôi và hoang vắng.

Trong kỷ nguyên huyền thoại này, người dân tôn kính trời và tu dưỡng phẩm chất đạo đức của họ. Theo lời khuyên của những người đắc Đạo, họ có thể được các vị thần linh mách bảo và đạt được những kỳ tích phi thường khi đối diện với hoạn nạn khổ đau không thể tưởng tượng nổi.

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN