Phiên tòa vừa nghiêm minh vừa thẫm đẫm tình người ở New York năm 1935

Phiên tòa vừa nghiêm minh vừa thẫm đẫm tình người ở New York năm 1935

Phiên tòa nghiêm minh ở chỗ nó đã luận đúng người đúng tội. Nhưng lại thấm đẫm tình người bởi buổi luận tội đã chuyển sang một buổi quyên góp tiền và dành tặng cho người phụ nữ nghèo khổ, tội nghiệp…

Nội dung câu chuyện

Vào thời kỳ Đại suy thoái kinh tế những năm 1929 đến 1933, nước Mỹ rơi vào nạn đói chưa từng có, nhiều gia đình trở nên bần cùng, không có đủ tiền để mua lương thực, nên phải chịu cảnh đói khát và túng quẫn. Trong tâm trí của người dân Mỹ, đó là một nỗi kinh hoàng, một sự đau đớn. Giữa cái tối trời tối đất của nạn đói khủng khiếp ấy, vào một đêm lạnh lẽo tháng 1 năm 1935, một người phụ nữ đã bị luận tội trước tòa vì ăn trộm một ổ bánh mì.

Đó là một người phụ nữ già nua, ăn mặc rách rưới và đang sống trong khu phố nghèo nhất thành phố New York lúc bấy giờ. Đôi chân bà run lên khi bước vào phòng xử án, không phải vì sợ hãi, mà vì bà vừa vượt một chặng đường rất xa từ “cái ổ chuột” của mình để đến đây dưới gió lạnh, mưa tuyết, chỉ với bộ quần áo mỏng manh đã rách nhiều chỗ và không giày dép. Đôi má bà hóp lại do nhiều ngày không có đồ ăn, đôi mắt của bà lờ đờ vì đói lả và mái tóc rối bù của bà bết lại thành từng mảng do dính tuyết.

Phiên tòa vừa nghiêm minh vừa thẫm đẫm tình người ở New York năm 1935

Ảnh minh họa: qua TrithucVN

Cái đói và cái lạnh đã vắt kiệt sức lực của người phụ nữ gày gò ấy, đôi môi thâm tím và gương mặt vàng vọt của bà khiến những người trong phòng muốn tránh xa vì nghĩ bà bị bệnh dịch nào đó. Khuôn mặt bà u sầu và ẩn sau đó là một sự đau đớn và xấu hổ. Giữa phòng xử án chật kín người đang đứng chờ tới lúc bà bị luận tội, người phụ nữ tội nghiệp đứng co mình lại, đôi chân di di trên mặt đất, những ngón chân vì lạnh như đang muốn bật máu. Những tiếng xì xầm không ngớt, những ngón tay đưa lên chỉ trỏ và những ánh mắt không một chút thiện cảm đang đổ dồn vào bà.

Khi tiếng ồn ào càng lúc càng lớn hơn, quan tòa yêu cầu mọi người im lặng và bắt đầu xử án. Quan tòa nhìn thẳng vào người phụ nữ, hỏi: “Bị cáo, có đúng bà đã ăn trộm bánh mì không?”

Người phụ nữ cúi đầu và lúng túng trả lời: “Dạ đúng. Thưa quan tòa, tôi thực sự đã ăn trộm bánh mì!’

Quan tòa tiếp tục: “Động cơ ăn trộm bánh mì của bà là gì? Vì đói khát phải không?”

“Thưa quan tòa, đúng là như vậy ạ!” Người phụ nữ lúc này mới ngẩng đầu, nhìn vị thẩm phán với ánh mắt đầy đau buồn và bất lực. Hai tay bà ôm chặt lồng ngực để kìm nén những cảm xúc đang xâm chiếm khắp tâm trí, bà bật khóc nhưng dường như sự đói khát khiến cả những giọt nước mắt cũng trở nên khô kiệt. “Đúng là tôi đã ăn trộm bánh mì vì đói. Con rể đã bỏ rơi gia đình tôi, con gái tôi đang lâm bệnh còn hai đứa cháu nhỏ đang cận kề tử thần vì lâu lắm rồi, chúng không có gì để ăn. Tôi không thể cứ đừng nhìn các cháu của tôi chết đói được, chúng nó vẫn còn quá nhỏ. Cuộc đời mới chỉ biết đến khổ đau, chứ chưa một ngày được nếm mùi vị của hạnh phúc, no đủ.”

Người phụ nữ tội nghiệp đứng trong căn phòng xử án chật hẹp, nhưng đối với bà nó lại quá thênh thang. Bà biết mình đã phạm tội, bà cũng không hi vọng mình sẽ được xử trắng án, nhưng bà mong nhận được sự đồng cảm của mọi người. Dù biết thái độ cảm thông ấy vẫn không thể giúp những đứa cháu của bà hết đói, nhưng nó sẽ giúp bà mạnh mẽ, giúp bà không bao giờ gục ngã. Nhưng căn phòng xử án lại rộ lên những tiếng xì xào ban nãy sau khi nghe “lời khai” của người phụ nữ, họ cho rằng bà đang diễn một vở bi kịch. Người chủ quán bánh mì bà đã ăn trộm không bằng lòng với lời khai ấy và không tha thứ cho bà: “Lời biện minh của bà ấy thật vô lý thưa Ngài. Đây là vùng có an ninh rất kém. Bà ấy phải bị trừng phạt để làm gương cho những người khác.”

Tất cả mọi người đều tán thành với câu nói của người chủ quán, họ đồng thanh kêu lên những tiếng “trừng phạt bà ấy”, “trừng phạt” như để đẩy nhanh quá trình luận tội của quan tòa. Vị thẩm phán thở dài, nhìn về phía người phụ nữ và nói: “Bị cáo, tôi phải làm việc theo pháp luật và hành xử theo lẽ công bằng. Bà đã phạm tội ăn trộm, bà có hai lựa chọn: nộp phạt 10 đô la hoặc chấp nhận bị giam trong 10 ngày.”

Vị thẩm phán ấy cũng chính là thị trưởng của thành phố New York, ông Fiorello LaGuardia. Ông vừa đọc tuyên án, vừa đưa tay vào trong túi lấy ra một tờ tiền và thả vào chiếc mũ của mình. Ông nói với tất cả mọi người trong căn phòng, những người đang hài lòng với phán quyết của ông: “Đây là 10 đô la mà tôi sẽ trả cho án phạt của người phụ nữ này. Ngoài ra tôi sẽ phạt mỗi người trong phòng xét xử này 50 cent, đó là số tiền phạt cho sự thờ ơ và lạnh nhạt của chúng ta khi ở cùng khu phố mà lại để cho một người phụ nữ già nua, gày gò, khốn khổ như thế này phải đi ăn trộm bánh mì về để nuôi cháu. Ông Baliff, hãy đi thu tiền và tặng lại cho bị cáo.”

Những người trong phòng đều ngỡ ngàng với quyết định của thẩm phán, và sau đó, họ nhận ra rằng tình thương của họ dành cho đồng loại đã bị cơn khủng hoảng kinh tế và sự lo lắng về miếng cơm manh áo làm cho xói mòn, khô cạn. Họ đã chỉ vì một chiếc bánh mì mà đưa một người phụ nữ nghèo khổ ra tòa, chỉ một chiếc bánh mì mà họ đã ngay lập tức kết tội bà ấy và dành cho bà những ánh mắt của sự gièm pha, khinh thường.

Ngày hôm sau, tờ báo của thành phố New York đưa tin về vụ xét xử kì lạ nhất trong lịch sử và số tiền 47,5 đô la mà người phụ nữ kia được tặng. Số tiền đó có 50 cent là do người chủ cửa hàng bánh mì đóng góp, ngoài ra là từ khoảng vài chục bị cáo khác đang chờ xét xử và các cảnh sát có mặt khi đó.

Một phiên tòa vừa nghiêm minh vừa thẫm đẫm tình người

Phiên tòa nghiêm minh ở chỗ nó đã luận đúng người đúng tội. Nhưng lại thấm đẫm tình người bởi buổi luận tội đã chuyển sang một buổi quyên góp tiền và dành tặng cho người phụ nữ nghèo khổ, tội nghiệp, chỉ nhờ một câu nói của ngài thẩm phán. Câu nói của ông ngắn gọn và dứt khoát, nhưng đó là câu nói thức tỉnh lương tâm con người, đánh thức sự đồng cảm và tình thương của con người đang bị cái nghèo, cái đói che khuất. Đó là án phạt công minh nhất trên cuộc đời: phạt vì sự thờ ơ, lạnh lùng của chúng ta, phạt bị tội đã bỏ rơi hàng xóm láng giếng, phạt vì đã không đưa tay giúp đỡ những người đang đứng bên bờ vực thẳm.

Phiên tòa hôm đó, vị thẩm phán đã giúp mọi người nhận ra một bài học nhân sinh sâu sắc. Sống trong cuộc đời, ai cũng sẽ có lúc gặp cảnh nguy nan, khốn khó và đó là khi chúng ta cần sự giúp đỡ của nhau, cần cái nắm tay tiếp thêm cho nhau sức mạnh và sự vững vàng. Nhiều người trong chúng ta vẫn cho rằng giàu có mới có thể làm từ thiện, bản thân mình thuận lợi rồi mới có thể giúp đỡ người khác. Chúng ta đã quên mất ý nghĩa của việc giúp đỡ nhau là gì. Giúp đỡ nhau thực sự cần xuất phát từ tấm lòng muốn giúp đỡ, sẻ chia với nhau, xuất phát từ tấm lòng lương thiện. Một khi chúng ta tu dưỡng thiện tâm, thì từng suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta đều chứa đựng sự ấm áp của lòng khoan dung, từ bi, đều luôn luôn vô tư mà vì người khác.

Giống như lời của nhà văn Mark Twain: “Lương thiện là một loại ngôn ngữ phổ quát của thế giới, nó có thể khiến cho người mù cảm nhận được và người điếc nghe thấy được”, lương thiện chính là phẩm chất cao quý nhất trên cuộc đời này, nó có thể xoa dịu sự tức giận và đẩy lùi cái ác. Chỉ cần lòng người hướng thiện thì mọi vấn đề trong cuộc sống và trong toàn xã hội đều có thể giải quyết, bởi khi có thiện tâm, thiện niệm, người ta sẽ nghĩ cho người khác, đặt mình vào vị trí của người khác để thông cảm cho hoàn cảnh thực sự của họ, có thể hạ bỏ tâm ích kỉ chỉ vì mình mà tha thứ và bao dung nỗi thống khổ, thậm chí cả sai lầm của người khác.

Trên thế gian này, giữa con người với con người không phải là không có liên hệ, ngay cả đó là những người hoàn toàn xa lạ. Chúng ta có bao giờ tự hỏi tại sao hàng xóm của chúng ta lại là người này mà không phải người khác, bạn bè của chúng ta là người này mà không phải người kia? Bởi vì mỗi chúng ta đều có duyên phận với nhau, hơn nữa đó còn là thiện duyên, là duyên lành, nên chúng ta được trở thành hàng xóm, bạn bè của nhau, và xa hơn nữa là trở thành đồng loại, những người được sống trên thế giới này. Với mỗi người xuất hiện trong cuộc đời ta, dù là bất ai và trong hoàn cảnh nào, ta đều nên trân trọng và mở rộng tấm lòng giúp đỡ họ khi cần thiết.

Trong cuộc sống phức tạp này, điều mà mắt không nhìn thấy không nhất định là giả, điều mà mắt nhìn thấy không nhất định là thật. Chúng ta nên suy nghĩ, cân nhắc chứ không nên mù quáng chỉ tin theo những gì con mắt nhìn thấy. Nếu chúng ta suy nghĩ một cách lý trí sẽ mang đến trí huệ, suy nghĩ một cách thấu đáo sẽ mở ra chân lý, không bị trói buộc bởi những điều mắt thấy. Chỉ khi chúng ta nhìn thế giới bằng trái tim chứ không phải con mắt, chúng ta mới có thể nhận ra được bản chất của sự vật, sự việc, bản chất của thế giới. Chỉ khi chúng ta dùng trái tim, chúng ta mới nhận ra bản tính thiện lương của con người ẩn giấu sau lớp vỏ xù xì, xấu xí. Người hiểu được rằng phải trả tiền cho sự thờ ơ là người sáng suốt. Người hiểu rằng phải coi trọng lương thiện, coi trọng tình người là người cao quý. Chúng ta hãy cố gắng trở thành những người cao quý, như thế không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho người khác, mà còn cho chính mình.

Nội dung liên quan:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN