Phùng Khắc Khoan, tiếng thơm để mãi ngàn đời

Phùng Khắc Khoan, tiếng thơm để mãi ngàn đời

Là một vị quan thanh liêm, chí nghĩa hơn người, lấy dân làm gốc, cả cuộc đời làm quan, ông đúng là quan của dân. Chính tấm lòng nhân nghĩa yêu nước, thương dân của ông được dân chúng ngợi ca là Trạng Phùng, tiếng thơm để mãi ngàn đời. Ông là Phùng Khắc Khoan. 

Làng Bùng xuất kỳ tài, một lòng sắt son với nhà Lê

Phùng Xá - Quê hương của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan

Phùng Xá – Quê hương của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan

Phùng Khắc Khoan là danh sĩ thời Lê Thế Tông, hiệu Nghị Trai, tự Hoằng Phu. Ông sinh năm 1528, tức là một năm sau khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê (1257) tại làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay thuộc  Hà Nội).

Tương truyền, ông là em cùng mẹ khác cha với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bà là Nhữ Thị Thục, mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm, con gái Hộ bộ Thượng thư Nhữ Văn Lân, là bậc nữ lưu tài hoa vào bậc nhất chốn kinh kỳ thời bấy giờ. Bà giỏi văn chương và lý số, là thân gái nhưng chí bà không nhỏ, luôn muốn làm những điều thật lớn lao. Nhưng rồi do bất bình với ông Nguyễn Văn Định – cha của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bà đã bỏ đi. Sau đó bà Thục lấy một người họ Phùng và sinh ra Phùng Khắc Khoan.

Là học trò của Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm, nổi tiếng là người có văn tài, kiêm thông cả thuật số, nhưng Phùng Khắc Khoan không đi thi và không chịu ra làm quan dưới triều Mạc. Năm Đinh Tỵ (1557), Phùng Khắc Khoan đỗ thủ khoa thi Hương ở Yên Định (Thanh Hóa) lúc 29 tuổi. Biết ông là người mưu lược, học thức uyên bác, Thái sư Trịnh Kiểm cho giữ chức Ký lục ở ngự dinh, trông coi quân dân bốn vệ và cho tham dự việc cơ mật. Song Phùng Khắc Khoan cũng không thật tha thiết với nhà Trịnh.

Là người nghĩa khí, Phùng Khắc Khoan không ngại khuyên Trịnh Kiểm đi hỏi Trạng Trình về việc tìm kiếm con cháu nhà Lê để nối dòng vua (tức vua Lê Anh Tông). Phùng Khắc Khoan, ông phục vụ, tuân theo mọi sự điều hành của chúa Trịnh nhưng trong thâm tâm vẫn trung thành, tha thiết với nhà Lê.

Đến năm Canh Thìn (1580) đời Lê Thế Tông, bắt đầu mở thi Hội ở Vạn Lại (Thanh Hóa), ông xin dự thi và đỗ Hoàng giáp, được thăng làm Đô cấp sự. Sau khi ông xin từ quan về nhà riêng ở Vạn Lại thì cuộc đời làm quan của ông lại dấy khởi từ năm 1583 tới năm 1592. Lúc này, nhà Lê Trung Hưng đánh đuổi được nhà Mạc, trở về kinh đô Thăng Long, Phùng Khắc Khoan hồ hởi về với nhà Lê và được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng trên các lĩnh vực chính trị ngoại giao.

Sứ giả duy nhất được giao trọng trách ngoại giao với nhà Minh

Sau khi Lê Trung Hưng lên ngôi, việc ngoại giao giữa nhà Lê và nhà Minh trở nên rất căng thẳng và phức tạp. Nhà Minh làm khó nhà Lê, bắt xác minh giấy tờ xem Lê Thế Tông có phải đúng dòng dõi con cháu nhà Lê hay Trịnh hay không? Không phản đối, năm 1596 vua Lê làm theo nên sai Phùng Khắc Khoan cùng anh trai mình mang giấy tờ mang dấu ấn An Nam cùng 100 cân vàng, 1000 lạng bạc lên ải Nam Quan để nhà Minh công nhận. Thế nhưng 10 ngày sau vua Lê Thế Tông hội khán thì nhà Minh tránh mặt không gặp. Cho đến cuối năm này vua lại cho người mang quà biếu gặp mặt mục đích giải quyết nốt chính sự nhưng nhà Minh vẫn cố tình tránh né.

Rõ ràng quan hệ ngoại giao giữa Lê và Minh là không bình đẳng. Nhà Minh luôn hống hách, quan nhà Minh vì ăn đút lót của nhà Mạc nên gây khó khăn cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai triều đại. Lúc này trong triều chỉ còn cách trông chờ vào tài ngoại giao và bản lĩnh cùng sự thông minh sắc sảo của họ Phùng.

Vua quan nhà Minh hống hách chỉ biết nhận tiền đút lót của nhà Mạc gây khó khăn cho nhà Lê. Ảnh: gocnhinalan.com

Trong hoàn cảnh quan hệ khó khăn như vậy, vua Lê đã cử Phùng Khắc Khoan đi sứ. Đi sứ nhà Minh lúc đó thực sự rất mạo hiểm. Bởi lẽ trước đó vào thời nhà Mạc, các sứ sang Minh đều gặp chuyện chẳng lành. Lê Như Hổ đi sứ bị sơn cả hai mắt, Lê Quang Bí bị chúng lấy mất đồ cống, bị vu cho là giả và bị giam cầm đến 18 năm sau mới được tha về. Còn Phùng Khắc Khoan khi ấy đã sang tuổi gần 70, đi sứ càng khó khăn hơn.

Nhưng không phải vì thế mà ông ngại ngùng và làm không tốt. Hành trình gian nan của ông kéo dài hơn 1 năm, từ tháng 7 năm Đinh Dậu đến tháng 8 năm sau mới đến Yên Kinh (tức Bắc Kinh bây giờ). Đầu tiên đoàn sứ bộ tới biên giới còn không được cho vào, sau  phải đút lót vàng bạc chúng mới mở cửa ải cho. Chúng cũng lấy lý do chúng chỉ biết nước Nam có nhà Mạc cai trị, chưa công nhận nhà Lê. Vì thế mà sứ Phùng còn phải đấu lý với chúng nữa.

Sứ bộ Phùng Khắc Khoan đến Yên Kinh, tạm trú ở quán Ngọc Hà trong 5 tháng liền mà không được bàn đến việc chính là sang xin cầu phong cho vua Lê Thế Tông. Chánh sứ Phùng Khắc Khoan phải chịu sự khinh thị của nhà Minh. Cho nên sách lược ngoại giao của ông được áp dụng giờ đây chỉ có nói khéo và lời hay.

Vốn là quan văn, ông đã vân dụng sở trường văn chương để quan hệ với quan lại nhà Minh. Ông cũng tinh thông được tinh thần cốt yếu của thơ nhà Minh đương thời để có thể đàm đạo văn chương, ứng đối các câu đối và trở thành người bạn tâm giao của họ. Vì thế mà chỉ mấy tháng ông đã hoàn thành một công trình văn học nghiêm túc để phục vụ mục đích ngoại giao. Được một phe trong triều Minh ủng hộ, sứ Phùng còn dùng kế sách mềm mỏng ôn hòa và cả cương quyết buộc quan nhà Minh phải tổ chức để ông dâng biểu cầu phong của vua Minh phải công nhận nhà Lê.

Kế sách mềm mỏng, khéo léo đã khiến vua Minh phải chấp nhận nhà Lê. (Ảnh minh họa: internet).

Yêu cầu cao nhất của chuyến đi sứ của Phùng Khắc Khoan là xin phong vương tuy chưa đạt được (vua Minh chỉ phong cho vua Lê chức Đồng thống), song cũng là một thắng lợi. Vua quan nhà Minh phải coi nhà Lê là chính thống, không còn danh nghĩa gì để giúp quân Mạc.

Những lời ngợi ca Phùng Khắc Khoan

Khi Phùng Khắc Khoan về nước, chúa Trịnh Tùng kính trọng tài năng và khí phách của ông, gọi là Phùng tiên sinh. Dân gian gọi ông là Trạng nguyên, là Trạng Bùng. Một phái đoàn do Đỗ Uông dẫn đầu đã lên tận Nam Quan để đón ông về nước. Vua Lê qua sông Cái đón ông về kinh đô. Ông đã được phong làm Thượng thư bộ Hộ, bộ Công, tước Mai Lĩnh hầu, rồi thăng tước Mai Quận công.

Khi về hưu ở tuổi gần 80, ông thường cùng các bạn văn vãn du ngọn núi Thầy (Sài Sơn) và có xây hai nhịp cầu ở bên hồ một ngôi chùa gần đấy gọi là Nhật Tiên kiều và Nguyệt Tiên kiều. Ông tổ chức đào mương dẫn nước ở các cánh đồng quanh núi Thầy, đưa nước về tưới cho các cánh đồng Phùng Xá, Hoàng Xá. Ông cũng chính là người mang nghề dệt lụa cho dân làng Phùng Xá và đem giống ngô bắp về vùng sông Đáy.

Các việc làm vì dân vì nước của Phùng Khắc Khoan thật đáng thỏa lòng mong đợi dân chúng làng Bùng. Họ không chỉ ngợi ca tài năng giúp Đại Việt yên quốc mà họ tôn vinh đức độ của Trạng Bùng mặc cho ông chưa hề đỗ Trạng nguyên. Ông là bản ca bất tử của cả một triều đại bế tắc mà nhờ ông mà đất nước mới được ổn yên thái bình, dân chúng mới có những tháng ngày ấm no, hạnh phúc.

Năm Quý Sửu (1613), Phùng Khắc Khoan mất, thọ 85 tuổi. Nhân dân Phùng Xá đã lập đền thờ ông, để ông yên nằm ngay tại quê hương an nghỉ non sông đất nước.

Nguyệt Hà/DKN

Xem thêm: Câu chuyện về Trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong lịch sử Việt Nam

Sources:

BÀI LIÊN QUAN