Quá trình Đại Vũ trị thủy có sự an bài của thần linh

Quá trình Đại Vũ trị thủy có sự an bài của thần linh

Trong thời gian Đại Hồng Thủy hoành hành và cũng là lúc Đế Nghiêu chuẩn bị cho người thừa kế của ông là Thuấn lên ngai vàng thì một nhân vật nổi tiếng thứ ba xuất hiện: Đại Vũ/Hạ Vũ.

Hoàng đế Trung Quốc thường có rất nhiều tên hiệu lẫy lừng, nhưng Vũ là một trong số ít người được gọi là “Đại đế”. Để có thụy hiệu vinh diệu này, không chỉ do ông chế ngự được những trận lũ lụt tàn phá nhân gian, mà ông còn là người thiết lập ra triều đại cha truyền con nối đầu tiên của Trung Quốc, Triều đại nhà Hạ.

Đại Vũ

Đại Vũ trị thủy. Ảnh: VN ngày nay.

Sách Sơn hải Kinh chép: Nước lớn ngập trời, Cổn, cha của Vũ, được Đế Nghiêu triệu đến để kiềm chế nước lũ.

Cổn đã trộm lấy đất Tức nhưỡng của Thiên Đế, (Tức nhưỡng là một loại đất có khả năng nở ra và lan rộng khi gió thổi vào). Ông ta sử dụng tức nhưỡng làm đê đập ngăn nước, trái với ý định của Thiên Đế khiến Thiên Đế nổi giận. Trong cơn giận dữ, Thiên Đế đã phá hủy các công trình của Cổn và làm cho nước lũ trở nên dữ dội hơn. Vì thất bại này, Đế Thuấn, người kế vị Đế Nghiêu, đã đày Cổn lên núi Vũ. Tại đây, Cổn chạm trán và chiến đấu với thần lửa Chúc Dung, người được phái đến để hành quyết ông ta. Rồi Cổn gieo mình xuống sông mà chết. Sơn hải Kinh chép, suốt ba năm trời, thân thể ông không bị mục nát, sau hóa thành một con rồng vàng.

Cổn là người làm công việc xây dựng, ông rất giỏi xây đắp thành lũy. Đế Nghiêu đã giao cho ông lo việc trị thủy, nhưng Cổn chỉ biết đắp đất ngăn dòng, sửa đê điều vây nước lũ, nước dâng cao đến đâu lại đắp đê cao lên đến đó. Rút cuộc nước không thoát ra được, bị vây hãm lại và trở nên hung dữ như một con mãnh thú đang lồng lộn trong chuồng. Các biện pháp của Cổn không hiệu quả và đê cứ vỡ đi vỡ lại nhiều lần khiến dân chúng chết rất nhiều.

Khi Thuấn thân hành đi thị sát hiện trường, thấy Cổn không thạo việc trị thủy liền xử phạt ông ta, rồi trao việc trị thủy cho Vũ. Vũ là con trai Cổn, được biết đến với cái tên là Văn Mệnh, được Thuấn ưu ái tiến cử với Đế Nghiêu để thay Cổn trị thủy.

Một sứ mệnh thiêng liêng

Theo truyền thuyết, Cổn và Vũ là hậu duệ của Hoàng Đế. Mới mười tuổi Vũ đã học được nhiều điều về trị thủy từ cha mình. Trước đó rất lâu, Tây Vương Mẫu đã nói với Đế Nghiêu rằng trận lụt này đã được các vị thần an bài, và rằng trong lúc nguy khốn, trời sẽ cử một người đứng ra trị thủy để làm nước triều lui trở lại.

Hạ Vũ trị thủy

Hạ Vũ trị thủy là sự an bài của Trời cao. Ảnh: Tinh hoa.

Khi còn trẻ, Vũ tình cờ gặp một lão đạo sĩ là Úc Hoa Tử, ông ta nói với Vũ rằng, nước lụt lần này tràn khắp thiên hạ, nếu không có bản lĩnh thông trời thấu đất, không có khả năng khiến quỷ xui thần thì không thể trị thủy được. Úc Hoa Tử chỉ bảo cho Vũ về hình thế núi sông, và mọi loại địa hình trong thiên hạ, cùng các biện pháp trị thủy thích hợp. Nói chung phương pháp của Úc Hoa Tử là: chỉ có thể dựa vào thủy tính, chứ không thể chế ngự hãm ép sức nước. Vũ ghi lòng tạc dạ lời thầy dạy.

Phương pháp của Vũ khác với những gì Cổn đã làm. Quan sát công việc của cha mình, Vũ thấy đê điều không thể làm chuyển hướng dòng chảy của nước. Chính là phải đào xẻ, khai mở các dãy núi, tạo ra các con kênh để dẫn các dòng nước xiết chảy ra biển.

Trong quá trình đi khảo sát các vùng bị lũ lụt, Vũ đã gặp và được các vị sơn thần trợ giúp.

Sách Ngô Việt xuân thu chép, Vũ theo chỉ dẫn của sơn thần đã tìm được hai miếng ngọc khuê màu đỏ và màu xanh lá cây cùng 12 cuốn sách chỉ ra hết sức chi tiết không chỉ địa hình bề mặt và các tuyến đường tự nhiên của Trung Quốc, mà còn tiết lộ cả địa lý ngầm dưới lòng đất.

Khi Vũ đi ngang qua Vu Sơn, Phu nhân Vân Hoa, con gái của Tây Vương Mẫu triệu Vũ đến và ban cho ông hai bộ Thượng thanh bảo văn, một bộ để triệu thiên thần, một bộ để triệu thổ địa, lại có thể xua đuổi hổ báo trên mặt đất và chế ngự giao long dưới nước, đồng thời cũng có thể xuất nhập thủy hỏa. Ngoài ra, bà còn sai bẩy vị thiên tướng dưới trướng hạ phàm giúp Vũ trị thủy.

Đế Nghiêu rất mừng khi nghe những phép lạ mà Vũ chứng kiến trong các chuyến đi khảo sát của mình. Ông biết lời của Tây Vương Mẫu đã ứng nghiệm. Công trình vĩ đại này nhất định sẽ thành công.

Sau khi Vũ nhận mệnh đi trị thủy, Thuấn đã sai Hậu Tắc và Ích hợp sức trị thủy cùng Vũ. Để đảm bảo công trình trị thủy tiến hành được thuận lợi, về phương diện hành chính, Cao Dao đã cho huy động mấy chục vạn nhân công và bá quan chư hầu cùng trợ giúp.

Vũ vạch ra sáu giai đoạn trong công cuộc trị thủy khổng lồ này, thời gian ước tính để có thể làm giảm tác hại của nạn Đại Hồng Thủy sẽ mất khoảng mười năm. Ngoài ra, cần có một vài năm để xây dựng thủy lợi và các hồ chứa nước mà ông đã lên kế hoạch cho những thế hệ tương lai.

Thuần hoá sông Hoàng Hà

Hình ảnh Hạ Vũ trị thủy.

Hình ảnh Hạ Vũ trị thủy. Ảnh: Tinh Hoa.

Công cuộc trị thủy được bắt đầu từ Ký Châu vùng lưu vực sông Hoàng Hà – Vũ hạ quyết tâm chinh phục con sông Hoàng Hà hung dữ này. Trong khi nhân công và các đốc công của ông bắt đầu tiến hành công việc thì có hai con quái vật từ biển Đông vào cản trở công việc của họ, chúng hại chết rất nhiều nhân công. Vũ phải triệu một vị thần ngoài biển là Cù Hiệu đến hàng phục hai con quái vật này.

Sau những nỗ lực to lớn và với sự giúp đỡ của các vị thần, Vũ và các tùy tùng của ông đã có thể làm cho nước từ Ký Châu thoát ra sông Hoàng Hà đổ về phía đông ra biển.

Trong thời gian đó, bảy vị thiên tướng được Phu nhân Vân Hoa phái xuống do Vương Quân chỉ huy đã thu phục được bảy địa tướng làm hại dân chúng trong lũ lụt. Sau khi bị thu phục, bảy vị địa tướng này lại phối hợp với bảy vị thiên tướng trở thành những trợ thủ chủ yếu trợ giúp Vũ trong công cuộc trị thủy.

Tại núi Vương Ốc, Vương Quân đã chỉ cho Vũ một cuốn sách được lưu giữ trong một cái hộp thiên nhiên bằng đá tại một hang động. Vương Quân giải thích, người nào có thể đi theo con đường tu luyện mà cuốn sách này chỉ ra thì sẽ có thể lên trời và trở thành một vị thần.

Khai mở cửa đập Long Môn

Khai mở Long Môn là công trình chủ yếu trong công cuộc trị thủy này. Công trình này rất lớn, bao gồm Hồ Khẩu, Mạnh Môn và Long Môn.

Tại đây sông Hoàng Hà bị núi Lã Lương chắn lại khiến nước dâng lên ứ tắc. Núi Lã Lương có một cái hẻm núi, tựa như Hồ khẩu (miệng bình) nếu khai tạc, mở rộng hẻm núi ra thì có thể dẫn nước ra ngoài.

Sách Thủy Kinh chú chép, Vũ đã đào phá hẻm núi này cho đến khi nó được khai mở ra.

Núi Long Môn cũng được xử lý theo một cách thức tương tự, nhờ đó nước lũ dâng ứ trên thượng nguồn đã được thoát ra theo hướng thích hợp.

Con đường qua khe núi sau đó được đổi gọi thành Vũ Môn (Cổng của Vũ). Truyền thuyết dân gian kể rằng, Vũ trị thủy đến đó, không khai phá được núi bèn hóa thành con rồng để khai sơn phá thạch nên về sau nơi này được gọi là Long Môn.

Tại Long Môn có một khe suối gọi là Lý Ngư giản (khe Cá Chép), theo đó người ta cho rằng, nếu cá chép từ đó bơi ngược lên nhảy qua Long Môn thì sẽ hóa rồng, đây là nguồn gốc của câu thành ngữ “Cá chép hóa rồng”.

Công trình của Vũ tại khu vực sông Hoàng Hà đã xử lý thành công việc đưa nước úng ngập đổ ra biển. Những con ngòi và khe núi do Vũ tạo ra đã biến con sông này từ một thảm họa tự nhiên trở thành một cái nôi của nền văn minh tưới tiêu của Trung Quốc.

Tác giả: Epoch Times | Dịch giả: ĐKN

Sources:

BÀI LIÊN QUAN