Những bài thơ tiêu biểu của quan tư đồ Trần Nguyên Đán

Những bài thơ tiêu biểu của quan tư đồ Trần Nguyên Đán

Thơ của Trần Nguyên Đán chỉ còn 51 bài. Chúng tôi lựa chọn những bài tiêu biểu mà vị Đạo Sỹ Chân Nhân này trình bày tư tưởng của mình. Đây quả là những mặt hồ tĩnh lặng của cái tâm cao khiết rất hiếm gặp của thi gia nước nhà .

Xem thêm: Quan tư đồ Trần Nguyên Đán có phải người hai lòng?

Phải có một trạng thái tâm thế nào thì mới chưng cất được những vần thơ đặc biệt như vậy! 

Thực ra, nếu phân ra một cách tương đối những bài thơ của quan Tư Đồ viết nó có ảnh hưởng qua lại của ba luồng Tam Giáo Nho Phật Lão. 

Thời trẻ ông hăng hái nhập thế. Thơ ông mang dấu ấn của những thế sự vui buồn thời triều mạt. Những lần cầm quân chiến chinh thảo phạt, những lúc ngậm ngùi khi nhìn dân tình khốn khó bởi thiên tai giặc giã; những bài thơ bằng hữu với người tâm đắc; những bài họa vần với nhà vua có khoảng cách tôn kính nhưng không khúm núm lạy quỳ…

Sau này thơ của cụ Trần hướng vào đề tài Phật Giáo. Những cảnh đẹp chùa chiền giảm dần cảm hứng. Cụ Trần thấy thời Mạt Pháp trong cảnh trang hoàng vàng ngọc lộng lẫy chốn Thích Giáo khiến ông muốn đứng ngoài.

Bài thơ: “Bảo Nghiêm tháp”

寶嚴塔

九層倚漢築堅牢, 

萬古靈蹤佛骨韜。 

晚日光臨奎畫動, 

夜風吹起鐸聲高。 

三摩地上簪蒼玉, 

那舍城中湧白毫。 

一笑無懮粧七寶, 

龍蛇追琢役民勞。

Phiên âm: Bảo Nghiêm tháp

Cửu tằng ỷ hán trúc kiên lao, 

Vạn cổ linh tung Phật cốt thao. 

Hiểu nhật quang lâm khuê hoạch động, 

Dạ phong xúy khởi đạc thanh cao. 

Tam ma địa thượng trâm thương ngọc, 

Na xá thành trung dũng bạch hào. 

Nhất tiếu vô ưu trang thất bảo, 

Long xà đôi trác dịch dân lao.

 Dịch nghĩa: Tháp Bảo Nghiêm

Chín tầng cao vút trời, cấu trúc kiên cố, 

(Là) nơi cất giữ xương Phật, di vật thần diệu muôn đời. 

Nắng sáng soi xuống, nét sao khuê như lay động, 

Gió đêm nổi lên, tiếng chuông lắc vang cao. 

(Trông tháp như) chiếc trâm ngọc xanh cài trên cõi thanh u, 

Như ngọn bút trắng vút cao trong thành Na xá. 

Buồn cười việc đem thất bảo điểm trang chùa tháp, 

Chạm trổ, dũa mài hình rồng rắn khiến dân lao nhọc.

Dịch thơ: Tháp Bảo Nghiêm

Vững vàng kiến trúc chín tầng cao 

Cốt Phật dấu thiêng cất đựng vào 

Nắng sớm soi lên hàng chữ động 

Gió đêm thổi đến mõ vang cao 

Tam ma cắm chiếc trâm xanh ngọc 

Na xá dựng cây bút trắng mao 

Cười kẻ vô lo ham đắp vẽ 

Trạm rồng trổ rắn khổ dân sao. 

(Đỗ Đình Tuân dịch)

Tháp Báo Nghiêm

Tháp Báo Nghiêm chùa Bút Tháp

Ghi chú:

(1). Tháp bảo Nghiêm: nằm trong Chùa Tháp Bút

(2). Chùm sao Khuê có 16 sao. Giữa các sao có đường khuất khúc như chữ viết trên tháp như chùm sao Khuê. Ánh sáng chiếu vào lay động.

(3+4). Tam ma, Na xá: đều chỉ nơi tu hành của nhà Phật. Chưa rõ xuất xứ.

(5).Cây bút trắng (bạch hào): ngày xưa dùng ngòi bút lông, ngòi bút hình tháp, vì vậy tác giả dùng hình tượng này để tả ngôi tháp. “Bạch hào” cũng còn có một nghĩa nữa: Như Lai có 80 tướng lạ. cái lông mày trắng rất dài (bạch hào) là một trong những tướng lạ đó.

(6).Thất bảo: bẩy thứ quý: vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, trân châu, san hô.

Tương truyền, sư Huyền Quang (1254 – 1334) xây tháp Bảo Nghiêm 9 tầng trang trí hình hoa sen tại địa điểm nay là chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tháp hiện không còn.

Đây là thắng cảnh được Trương Hán Siêu chiêm ngưỡng. Nhưng hãy đọc 2 dòng cuối của cụ Trần. Cụ chẳng mặn mà với “thất bảo điểm trang trong chùa tháp” đã đành. Cụ thấy những công trình này khiến “dân lao nhọc”.

Có lẽ vậy mà cuối đời, cụ Trần Nguyên Đán tìm tới Đạo. Cảm hứng thơ bàng bạc “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử

Rõ ràng, người theo Lão chủ trương sống thanh sơ đạm bạc. Do đó, cụ Trần dị ứng với không gian đầy thất bảo của Phật giáo đương thời.

Bài thơ: Ngẫu Đề

Bài “Ngẫu đề” đã giải bày chủ trương “thánh nhân bất tích” (聖人不積), thánh nhân không tích trữ cho riêng mình (Chương 81 trong Đạo Đức Kinh). Đối tượng của “bất tích” ở bài thơ  không chỉ vàng ngọc mà gồm cả tạp niệm.

 NGẪU ĐỀ

偶題

中心認得本來空, 

便佇虛空在箇中。 

天下有為皆正理, 

人間無處不春風。 

清茶好酒供佳客, 

瘦竹疏梅伴老翁。 

覽鏡自慚惟一事, 

力扶衰病作三公。

*Phiên âm: Ngẫu đề

Trung tâm nhận đắc bản lai không, 

Tiện trữ hư không tại cá trung. 

Thiên hạ hữu vi giai chính lý, 

Nhân gian vô xứ bất xuân phong, 

Thanh trà hảo tửu cung giai khách, 

Sấu trúc sơ mai bạn lão ông. 

Lãm kính tự tàm duy nhất sự, 

Lực phù suy bệnh tác Tam công.

*Dịch nghĩa: Ngẫu đề

Nhận biết tâm vốn là không, 

Bèn tích lũy hư không trong đó. 

Nếu mọi hành vi sửa trị thiên hạ đều theo lẽ chính, 

Thì cõi nhân gian chẳng nơi nào không có gió xuân. 

Chiêu đãi khách quý có trà trong rượu tốt, 

Làm bạn với ông già chỉ trúc gầy mai thưa. 

Soi gương, thấy còn một việc đáng thẹn với mình, 

(Đó là) cố nương theo suy bệnh để giữ chức Tam công.

*Dịch thơ: Ngẫu Đề

“Cái lòng nhận được vốn là không 

Cái vốn không này vẫn để trong 

Thiên hạ “hữu vi” là lẽ chính 

Nhân gian đâu chẳng có xuân phong 

Trà ngon rượu quý mời người quý

Trúc khẳng mai gầy bạn lão ông 

Ngắm bóng một điều ta vẫn thẹn 

Gượng già giữ mãi chức Tam Công”. 

(Đỗ Đình Tuân dịch)

*Ghi chú:

+ Hữu vi: ý nói mọi vật đều do nhân duyên mà sinh ra

+ Tam Công: Thái Úy, Tư đồ, Tư Không. Tác giả lúc bấy giờ giữ chức Tư Đồ. Vì vậy gọi chung chức quan của mình là Tam Công. 

Trần Nguyên Đán nói mình có tích trữ, nhưng ông  tích trữ là cái Hư Không trong Tâm. 

Vâng, cần có “Hư Tâm” thì người tu luyện mới  có thể trực giác ngộ được Đạo. Đó là con đường đi tới viên mãn của Đạo Gia!

Trong “Đạo Đức Kinh” chương 48, Lão Tử đã trình bày nguyên lý này rất súc tích :

“為道日損。損之又損,至於無為”

Vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn, chí ư vô vi.

(Theo Đạo thì mỗi ngày mỗi bớt. Bớt lại bớt, cho đến mức Vô Vi)

Với “hư tâm”, vua chúa trị dân không thiên lệch, không bóc lột, không thủ đoạn trí trá và ham thích chiến tranh. Như thời Nghiêu Thuấn, các Ngài làm theo đạo đức để dân chúng noi theo chứ không ràng buộc họ bằng lập pháp. Theo Lão Tử, sự hà khắc, câu thúc chỉ khiến dân chúng trở nên xảo quyệt, xã hội thêm rối loạn và khó quản trị.

Lão Tử muốn bậc vương giả  “Dĩ chính trị quốc” (以正治國), Lấy ngay thẳng để cai trị (Chương 57). 

Muốn vậy cần phải ngay chính. Chữ chính 正 ở đây có nghĩa ngay thẳng chất phác, là không thiên lệch quanh co.Nó được đặt tương phản với chính 政 là luật lệ, quy tắc của trường phái Pháp gia sau này. Hai chủ soái của nó là Thương Ưởng và Hàn Phi Tử đã chết như quả báo khủng khiếp, nhắc nhở sự đáng khinh của khái niệm Chính Trị mà con người ngày nay càng vin vào để say sưa quyền lực, làm lệch lạc Đạo Đức Chân Chính! 

 Lão Tử khẳng định rằng “Thiên hạ thần khí, bất khả vi dã” (天下神器,不可為也), [Thiên hạ là đồ vật thần diệu, không thể hữu vi (chương 17)].

Trong chương 78, Lão Tử cũng khẳng định: “Chính ngôn nhược phản” (正言若 反), [Lời ngay thẳng nghe như ngược đời].

Những năm cuối đời, cụ Trần sống trong động Thanh Hư. Nơi  ẩn cư đó cho thấy cụ Trần có ý di dưỡng tinh thần theo phương pháp Hoàng Lão. Cụ là môn đệ của người viết Ngũ Thiên Tự…

Bài thơ: Đề Huyền Thiên quán

Trần Nguyên Đán cáo lão năm 1385 lúc vừa ngoài sáu mươi tuổi. Khép lại thời kỳ nhập thế bất đắc chí là bài thơ sau:

題玄天觀

(1)白日升天易, 

(2)致君堯舜難。 

(3)塵埃六十載, 

(4)回首愧黃冠。

Phiên âm: Đề Huyền Thiên quán

(1) Bạch nhật thăng thiên dị, 

(2) Trí quân Nghiêu Thuấn nan. 

(3) Trần ai lục thập tải, 

(4) Hồi thủ quí hoàng quan.

Dịch nghĩa: Đề quán Huyền Thiên

(1) Ban ngày bay lên trời còn dễ, 

(2) Giúp vua để vua được như Nghiêu, Thuấn mới khó. 

(3) Sáu mươi năm sống trong cõi trần, 

(4) Ngoảnh lại luống thẹn với người đội mũ vàng.

(Bản dịch của Thơ văn Lý Trần, III, 1978)

# Dịch thơ (Đỗ Đình Tuân dịch):

Ban ngày lên trời dễ 

Giúp vua Nghiêu Thuấn khó 

Sáu chục năm quay về 

Thấy mũ vàng xấu hổ. 

Theo Toàn Thư, năm 1368, Trần Dụ tông mời đạo sĩ Huyền Vân ở Chí Linh đến để hỏi cách tu luyện. Nhân dịp, vua ban tên “động Huyền Thiên” cho khu đất đạo sĩ đang ẩn cư. “Huyền Thiên quán” có thể là một kiến trúc trong khu động này.

Nhan đề của bài tứ tuyệt này nói về một địa  danh rất cụ thể. Đó là “Huyền Thiên quán”. Nó ở động Huyền Thiên, thuộc xã Kiệt Đặc, Chí Linh, Hải Dương.

Chữ QUÁN ở đây nếu không quan sát chữ Hán, rất có thể chúng ta nhầm với từ “quán” thuần Việt. Ta có thể hiểu là “quán Huyền Thiên “.

Vương Chi Hoán thời Đường có bài thơ: “Đăng Quán Tước lâu”. Người ta đã dịch: “Lên lầu Quán Tước”.

Thực ra, chữ này thường đọc là “quan” trong “quan sát, kỳ quan”. Những khi đọc âm “quán” thì nó lại là: “Miếu đền của đạo sĩ.” Liêu trai chí dị (聊齋志異)  có câu: “Nhất nhật, tự song trung kiến nữ lang, tố y yểm ánh hoa gian. Tâm nghi quán trung yên đắc thử”.[ 一日, 自窗中見女郎, 素衣掩映花間. 心疑觀中焉得此] (Hương Ngọc 香玉) ~ Một hôm, từ trong cửa sổ thấy một người con gái, áo trắng thấp thoáng trong hoa. Bụng lấy làm lạ sao ở trong đền đạo sĩ lại có người này.

Như vậy, cụ Trần đã đề thơ vào một Đạo Quán có ẩn sỹ tu hành.

Ba bài thơ mà người ta thường dùng để tìm hiểu tư tưởng Đạo của cụ Tư Đồ là: “Đề Huyền Thiên quán”, “Đề Sùng Hư lão túc” và “Đề Nguyệt Giản Đạo lục Thái cực chi Quan Diệu đường”. Cả ba bài đều có viết chữ HUYỀN. Người  ta nhiều lúc gọi Đạo Giáo là Đạo Huyền. Nghĩa của nó là “Áo diệu, sâu xa”. ◎Như: huyền diệu (玄妙). Trong “Đạo Đức Kinh”( 道德經) chương 1 có viết : “Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn”( 玄之又玄, 眾妙之門 ). Có thể hiểu là: “(Cái) tối ư huyền nhiệm ấy chính là cửa phát sinh ra mọi điều huyền diệu.”

Khi đặt tên cho bài thơ như vậy, cụ Trần đã tự đặt mình vào một tâm thế của người theo Đạo, tu luyện Đạo. 

Câu khai đề :

(1) 白日升天易, 

[(1) Bạch nhật thăng thiên dị,]

“Bạch nhật thăng thiên” là một thành ngữ nói về sự viên mãn của những người tu Tiên.

Khi thân thể đã chuyển hóa hoàn toàn thành các chủng vật chất cao năng lượng gom chọn từ các không gian khác; khi thân không còn là vật chất trong Tam Giới này nữa thì giữa ban ngày mặt trời sáng tỏ, thường thì trong các chốn cùng sơn tuyệt cốc, các Đạo Sỹ sẽ bay lên. 

Số người tu luyện Đạo Giáo là vô cùng ít, người “bạch nhật phi thăng” lại càng ít hơn. Nếu như đây là có thật thì người chốn nhân gian mình rất ít có cơ hội để bắt gặp hiện tượng này. Đây là lý do chúng ta phủ nhận, coi chuyện này là bịa đặt, coi đó là Thần thoại, cổ tích. 

Cũng cần lưu ý, các pháp môn tu luyện đều có hình thức Viên Mãn khác nhau. Chẳng hạn, trong Lạt Ma giáo Tây Tạng, người ta giảng về “hồng hóa” tức là người tu luyện biến thành ánh sáng màu đỏ rời thế gian. Trong Đạo Gia, những người nào viên mãn mà còn lưu lại thế gian những nguyện niệm chưa thành thì họ không “bạch nhật phi thăng” mà ly khai thế gian bằng biện pháp “thi giải”. Họ dùng “chướng nhãn pháp” che mắt người; biến một cây chổi, một chiếc giày… thành hình tướng giống mình để người ta đưa đi chôn..

Nói  tới “bạch nhật”, ta dễ liên tưởng tới bài thơ của Vương Chi Hoán:

Đăng Quán Tước lâu 

“Bạch nhật y sơn tận, 

Hoàng Hà nhập hải lưu. 

Dục cùng thiên lý mục, 

Cánh thướng nhất tằng lâu.”

Theo tôi, ngoài rất nhiều cách hiểu thú vị thì ở đây nhà thơ nhìn “bạch nhật” mà ao ước lúc mình “phi thăng” viên mãn. Không thể dựa vào bất cứ ai, bất cứ ngoại cảnh nào. Người Đạo Gia này, xác định mình phải dũng mãnh tinh tấn, phải đề cao tầng thứ của mình thì mới thành công. 

Câu Thừa đề:

(2) 致君堯舜難。

[(2) Giúp vua để vua được như Nghiêu, Thuấn mới khó. ]

Chữ TRÍ này được dùng thường xuyên trong ngôn ngữ của Nho Gia. Bởi nó xác lập chữ Trung trong mối quan hệ vua tôi. Nó có nghĩa là: “Hết lòng, hết sức, tận tâm, tận lực”. Sâu xa hơn người ta thường dùng với nghĩa là: “Đạt tới”. Ví dụ như: “trí quân Nghiêu Thuấn” (致君堯舜) nghĩa là: làm cho vua đạt tới bực giỏi như vua Nghiêu vua Thuấn; “trí thân thanh vân” (致身青雲) nghĩa là: làm cho mình đạt tới bậc cao xa.

Đặng Dung sau này đã để lại câu thơ bi phẫn mà bất hủ trong bài “Cảm  hoài”:

致主有懷扶地軸 ( Trí chủ hữu hoài phù địa trục ~ Giúp chúa có lòng đỡ trục trái đất)

 Lý tưởng của Nho gia là “trí quân trạch dân”. Đọc những bài thơ thời hăm hở ra tham chính của cụ Trần, ta thấy Cụ hết lời đề cao những nhà Nho quyết đem hết tài năng đức độ để phò vua an dân. Tư tưởng của cụ chưa bao giờ đối lập, tách rời giữa lý tưởng “trí quân” và “trạch dân”. Với ông hai mục tiêu ấy tuy hai mà một, cái này là điều kiện của cái kia, hỗ trợ cho cái kia. Là người học rộng, Cụ Trần có một cái nhìn quán thông kim cổ để nhận xét thời thế, hiểu rõ quốc sự, dân tình. Thế những, cuối đời mình, vận hạn của triều đình nhà Trần không thể cứu vãn, cụ Trần lựa chọn con đường theo Đạo như bao nhiêu hiền nhân trước ông đã qui ẩn..

Nghiêu, Thuấn là hai bậc vua hiền thời cổ đại Trung Quốc. Đây là hình mẫu lý tưởng mà các đấng minh quân, các bậc tôi hiền thường mơ ước. 

Có sự đối lập của 2 động từ ở cuối 2 dòng. Đó là DỊ và NAN.

Ai cũng biết từ người thường đủ hỷ, nộ, ái, ố; đủ thứ THAM, thứ DỤC mà thành Tiên để bay đi khó đến thế nào. Vậy mà, tận tâm tận lực giúp vua đạt tới một triều đại thái bình, thịnh trị thì quá khó. Khó hơn cả viên mãn của người tu Tiên. 

Họ Trần có lẽ không nói ngoa dụ. Với tất cả những gì mà ông chứng kiến; với những hiền thần như Chu Văn An ông kính trọng, ông hy vọng nhưng họ đành thúc thủ trước một cơ đồ đang ngày càng hủ bại… Nhiều người trách cụ Trần. Nhưng ai chống được luật nhân quả và sự vận hành của nó?

Cái khó của tu Đạo là vô vàn các Đại quan, tiểu quan nhưng mà dễ. Bởi cá nhân có ý chí, có trí huệ sẽ đi về phía trước. 

Cái dễ của một ông quan trong triều đình là hành xử như người thường. Nhưng khi ông muốn “trí quân” để xoay lại trục trái đất đã nghiêng thì lại là điều không thể. 

Một cá nhân ông tu thành, ông bay lên. Nhưng một triều đình mục ruỗng, ông không tu thay cho họ được! Quả là “Thiên nan vấn”!

Hai dòng cuối (“chuyển “và “hợp”):

(3) 塵埃六十載, 

(4) 回首愧黃冠。

[(3) Trần ai lục thập tải, 

(4) Hồi thủ quí hoàng quan.]

Rời chính sự ở tuổi 60 với người xưa, không phải là sớm. Đỗ Phủ nói: “Người thọ 70 xưa nay hiếm”. Đến 69 là đã sống trọn một THẾ, trọn một đời người. Cụ Trần không nói: “Trần ai lục thập TUẾ /TỰ /NIÊN ” mà dùng chữ TẢI. Đây là đơn vị thời gian bằng một năm được dùng phổ biến thời nhà Đường. Chẳng hạn như: “thiên tải nan phùng” (千載難逢); nghĩa là: “nghìn năm một thuở”. 

Trong “Hoàng Hạc lâu”, Thôi Hiệu cũng dùng chữ TẢI: “Bạch vân thiên TẢI không du du”. Như vậy, chữ “tải” giành cho những sự vật, những sinh mệnh có tuổi Thọ rất cao.

Cụ Trần muốn nói: Rời khỏi đời thường lúc tuổi 60 chỉ là một phần thời gian đầu của sinh mệnh. Phần sau, tu Đạo thì sinh mệnh ắt sẽ có những giá trị khác thay cho chốn bụi bặm.  

Chữ QUÝ ở đây là: “Lấy làm thẹn, lấy làm xấu hổ”. Chẳng hạn như: “vấn tâm vô quý” (問心無愧) nghĩa là: “không thẹn với lương tâm.”

Mũ vàng (hoàng quan) ở đây là mũ các đạo sĩ thường đội. 

Câu kết là cảm nhận nuối tiếc vì mình rời quan trường quá trễ. Đến 60 rồi, ngoảnh đầu lại mới thấy thẹn với những người theo Đạo. 

Nếu tinh ý ta thấy chữ THỦ (首) ở đây ẩn ngầm của chữ ĐẠO [道].

Khi ta vừa ngoảnh đầu thì ta đã gặp con đường theo Đạo mà ta lựa chọn! 

Kết thúc bài thơ với chữ QUAN nghĩa là “mũ”. Nó là từ đồng âm với chữ  “quan/quán” (Huyền Thiên quán/quan). Có một sự hòa âm của tư tưởng Đạo Gia bàng bạc khắp bài thơ 20 chữ. 

Trong bài: “Trần Nguyên Đán (1325 – 1390) đại thần, nho sĩ, nhà thiên văn kiêm đạo gia” Lê Tư có nhận xét về bài thơ này như sau:

“Rời việc quan, Nguyên Đán đắm mình trong Đạo giáo. Tuy nhiên, Ông cho rằng việc thành tiên vẫn dễ hơn làm một đại thần trung thành, giúp hoàng đế rũ áo cai trị thiên hạ. Đây là cách nói cay đắng rất khéo léo, thực ý chê vua u tối, không cách nào trở thành minh quân được. Ông thẹn với Huyền Vân vì đạo sĩ được vua mời đến nghe chuyện, còn bản thân ở ngay tòa Trung thư mà chỉ “dựa cột” qua thời. Ông gắn liền thất bại cá nhân với lầm lạc của triều đại.”

Bài thơ: Đề Sùng Hư lão túc

Về  đề tài tu luyện Đạo Gia, quan Tư Đồ có bài thơ kỷ niệm về người dẫn dắt mình đến với chữ Vô. (Phật Gia giảng KHÔNG và Đạo Gia giảng VÔ. Không chấp trước và “Vô cầu nhi tự đắc “). Đây là tác phẩm chuyên chở nhiều nhận thức của người Ngộ Đạo:

題崇虛老宿

暫解塵纓世外拋, 

芒鞋藜杖與君交。 

檻前雲氣蓬萊遠, 

枕畔泉聲碧漢高。 

寸斷玄關飛劫石, 

側生海宇入秋毫。 

清虛羽屬相逢晚, 

一豁虛公老眼蒿。

Phiên âm: Đề Sùng Hư lão túc

Tạm giải trần anh thế ngoại phao, 

Mang hài lê trượng dữ quân giao. 

Hạm tiền vân khí Bồng Lai viễn, 

Chẩm bạn tuyền thanh bích hán cao. 

Thốn đoạn huyền quan phi kiếp thạch, 

Trắc sinh hải vũ nhập thu hào. 

Thanh hư vũ thuộc tương phùng vãn, 

Nhất khoát Hư công lão nhãn hao.

Dịch nghĩa: Đề chỗ ở cũ của Sùng Hư

Vừa cởi sợi dây trói buộc của cõi trần, xuất hiện ngoài thế cuộc. 

Đi giày cỏ, chống gậy lê để giao du với ông. 

Sắc mây trước hiên ánh tới Bồng Lai xa thẳm, 

Tiếng suối bên gối vọng đến trời xanh cao vời. 

Tạm cắt cửa huyền, bay qua thời gian vô tận, 

Sống hờ bên biển, chỉ để hòa nhập vào hư không. 

Kẻ thanh người tục, gặp nhau muộn màng!

Từ lúc cách lìa Hư công, mắt già luôn trông vợi…

Dịch thơ: Đề chỗ ở cũ của Sùng Hư

Cởi mũ trần ai rũ bụi hồng 

Gậy lê hài cỏ bạn cùng ông 

Trước hiên mây họp xa Bồng đảo 

Bên gối đàn khe cách cửu trùng 

Tạm đóng cửa huyền vào cõi tận

Sống nhờ “nhà biển” ghé “hư không” 

Người thanh kẻ tục quen nhau muộn 

Cặp mắt lờ mờ đã thoáng trong. 

(Đỗ Đình Tuân dịch)

“Huyền quan”, có thể hiểu là các giác quan như chương 52 ở “Đạo Đức Kinh” gợi ý “tắc kỳ đoài, bế kỳ môn, chung thân bất cần” (塞其兌,閉其門,終身不勤). Nghĩa là: Ngăn hết các lối (tai, mắt, mũi, miệng), đóng hết các cửa (tức đừng để cho cảm quan gây dục vọng, cứ giữ lòng hư tĩnh) thì suốt đời không lo lắng; mở các đường lối, giúp cho dục vọng phát sinh, thì suốt đời không cứu được. 

Vì thế “huyền quan” xưa nay có thể hiểu là huyệt đan điền, nơi luyện và sinh nội đan. 

Đây là cách hiểu nông cạn nhất. Các sách xưa không ai nói rõ ràng cả. Bởi đó là Thiên Cơ không dễ tiết lộ. Vả lại muốn biết về nó thì phải là người đã tu luyện rất cao tầng mới có thể thấy. 

Nếu ai muốn tìm hiểu điều này thấu đáo thì hãy đọc cuốn Thiên Thư “Chuyển Pháp Luân” của Đại Sư Lý Hồng Chí. Trong phần giảng về Huyền Quan Thiết Vị, tác giả đã vén bức màn bí mật hàng ngàn năm của Đạo Gia. Không nghi ngờ gì nữa, con người tu luyện có thể vượt thoát ra khỏi thế giới Mê của mình để thành một sinh mệnh phi thường. Hiển nhiên, họ có những năng lực phi thường! Đúng như Lão Tử nói: “道 可 道 非 常 道. 名 可 名 非 常 名. Đạo, khả Đạo, phi thường Đạo; Danh, khả danh, phi thường danh. Nghĩa là: “Đạo (mà) có thể gọi được, không phải là Đạo thường (hằng cửu). Tên mà có thể gọi được, không (còn) phải là tên thường (hằng cửu).”

“Kiếp thạch”, từ Phật giáo, chỉ khối đá vuông vức với chiều dài mỗi cạnh 40 dặm ta. Nếu mỗi thế kỷ, dùng chiếc áo mỏng phất lên khối đá một lần, thời gian bào mòn khiến khối đá đó đến tiêu tan gọi là một Kiếp. “Kiếp thạch” tượng trưng thời gian trường cửu.

“Thu hào” nghĩa là “lông mùa thu”. Sang thu, chim thú thay lông, những sợi lông tơ li ti nhỏ bé gọi là thu hào. “Thu hào” tượng trưng vật vô cùng nhỏ, không gì có thể len vào. Trong thiên “Lương Huệ Vương”, Mạnh Tử có câu: “Minh túc dĩ sát thu hào chi mạt” có nghĩa là: “Sáng suốt để quan sát ngọn lông mùa thu”.

Cảm hứng của  dòng thơ thứ 6 đến từ chương 43 “Đạo Đức Kinh” với ý “Vô hữu nhập vô gian” (無有入無間). Nghĩa là: Cái ‘không’ có thể nhập vào cái ‘không có chỗ’. Ở đây, chỉ vị Đạo Sĩ đã đạt đến Hư Tâm.

Cặp luận đồng nhất cái chết của Sùng Hư với việc Ông trở về bản thể, tức đắc đạo. Câu 5 diễn ý bằng thời gian, thời gian cực đại. Câu 6 miêu tả bằng không gian, không gian cực tiểu. Cụ Trần mường tượng Sùng Hư đang ở nơi hai trục thời gian-không gian giao cắt.

Bài: Đề Nguyệt Giản Đạo lục Thái cực chi Quan Diệu đường

Theo dấu chân của bậc thầy, và hẳn cũng trải qua rất nhiều công phu tĩnh tọa, lão Đạo Gia họ Trần mới truyền lại được chiêm nghiệm về sống và chết qua bài thơ sau:

 #Nguyên tác chữ Hán

題月澗道籙太極之

觀妙堂

(1)門外誰家車馬喧, 

(2)試將此理問蒼天。 

(3)桃梨春盡芳心歇, 

(4)松菊秋深晚節金。 

(5)一點丹誠生若死, 

(6)幾回鶴化白為玄。 

(7)瀛洲蓬島知何在, 

(8)無欲無貪我是仙。

# Phiên âm:

Đề Nguyệt Giản Đạo lục Thái cực chi Quan Diệu đường

(1) Môn ngoại thuỳ gia xa mã huyên, 

(2) Thí tương thử lý vấn thương thiên. 

(3) Đào lê xuân tận phương tâm yết, 

(4) Tùng cúc thu thâm vãn tiết tuyền. 

(5) Nhất điểm đan thành sinh nhược tử, 

(6) Kỷ hồi hạc hoá bạch vi huyền (a). 

(7) Doanh Châu Bồng Đảo tri hà tại, 

(8) Vô dục vô tham ngã thị tiên.

# Dịch nghĩa: Đề nhà Quan Diệu của quan Đạo lục Thái cực ở Nguyệt Giản

(1) (Mặc) ngoài cửa xe ngựa nhà ai huyên náo, 

(2) Thử đem sự lý này hỏi trời xanh. 

(3) Xuân trôi qua, lòng thơm của đào, lê cũng hết, 

(4) Thu gần tàn, khí tiết già dặn của thông, cúc vẫn còn nguyên. 

(5) Một điểm kim đan đã thành, sinh thuận theo tử, 

(6) (Như) mấy lần chim hạc biến hoá, trắng lại thành đen. 

(7) Biết Doanh Châu, Bồng Đảo ở nơi nào? 

(8) Không dục, không tham, ta đã là tiên!

# Bản dịch Thái Bá Tân: Đề nhà quan diệu của Đạo Lục Thái Cực 1) ở Nguyệt Giản

(1) Xe ngựa nhà ai chạy lối bên?

(2) Thử đem điều ấy hỏi tầng trên.

(3) Xuân hết, đào lê hương cũng hết.

(4) Thu qua, thông cúc vẫn còn nguyên.

(5) Sống chết lòng son này vẫn thế.

(6) Mấy lần chim hạc trắng thành đen. 2)

(7) Doanh Châu, Bồng Đảo 3) đâu không biết,

(8) Nhưng rũ bụi trần, ta giống tiên.

# Bản dịch thơ của Đỗ Đình Tuân:

(1) Xe ngựa nhà ai rộn cửa bên 

(2) Thử đem lẽ ấy hỏi trời xem 

(3) Đào lê xuân hết lòng thơm hết 

(4) Tùng cúc thu tàn tiết vẫn nguyên 

(5) Một tấm lòng son sinh giống tử 

(6) Mấy lần hạc hóa trắng thành đen 

(7) Doanh Châu Bồng Đảo nơi đâu vậy 

(8) Không muốn không tham ta cũng tiên. 

*Chú thích:

1) Chưa rõ là ai.

2) Theo sách “Cổ Kim chú”, chim hạc sống đến nghìn năm sẽ hóa thành màu xanh, sống hai nghìn năm nữa lại hóa màu đen.

3) Các địa danh nơi ở của thần tiên ở biển Bột Hải.

Có lẽ ảnh hưởng của chữ Chân là chữ quan trọng nhất trong Đạo Gia, cho nên, cụ Trần có rất nhiều bài thơ với tựa đề dài, cụ thể. Bản thân nó như là một trang nhật ký vắn tắt. Ta dễ liên tưởng tới Thi Tiên theo Đạo Gia Lý Bạch. Bài thơ tứ tuyệt 7×4=28 chữ nhưng cái nhan đề đã 10 chữ:

“Tại Hoàng Hạc lâu, tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”.

Có lẽ không hiểu cái phong cách của người đang tu luyện thành Chân Nhân, Tiên Phong Đạo Cốt nên dịch giả Thái Bá Tân không viết hoa hai chữ Quan Diệu và chú thích Đạo Lục Thái Cực chưa rõ là ai.

Thời Hậu Trần, Đạo Giáo có ảnh hưởng rất mạnh mẽ, chi phối tư tưởng và không ít những quan lại, trí thức đương thời. Vì thế, “Đạo Lục” ở đây là chức vụ triều đình ban cho người đứng đầu Đạo Giáo.

Hai chữ “Thái Cực” là thuật ngữ quan trọng nhất trong lý thuyết Đạo Giáo. 

Câu nói nổi tiếng của Lão Tử đến nay có vô số lời bình luận :道 生 一, 一 生 二, 二 生 三, 三 生 萬 物. 萬 物 負 陰 而 抱 陽, 沖 氣 以 為 和” (Đạo sinh nhất, Nhất sinh nhị, Nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương, xung khí dĩ vi hòa). Nghĩa là: Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Trong vạn vật không có vật nào không cõng Âm và ôm Dương. Ở giữa là nguyên khí dung hòa. Ở đây,  “Một” đó là Thái cực, “Hai” đó là Âm Dương, “Ba “đó là Tam Thiên Vị (Ba ngôi: Thái cực, Dương và Âm). Âm và Dương thu nhận Sinh từ ngôi Thái cực, rồi vừa xung đột vừa hòa hiệp; tương sinh tương khắc để tạo thành trời đất, vũ trụ và vạn vật.

Cho nên theo ông, trong vạn vật đều có Âm Dương: Vạn vật đều cõng một Âm và bồng một Dương. Vì thế, ta có thể hiểu đây là hiệu của vị Đạo Quan, hoặc tên một chi phái đạo Lão.

Hai chữ “Quan Diệu” là danh xưng, là tên gọi cho ngôi nhà, cũng có thể là Đạo Quán của quan Đạo Lục Thái Cực. Cách đặt tên này cũng hàm nghĩa triết lý Đạo Gia. Nó được rút từ câu “Thường vô, dục dĩ quan kỳ diệu” (常無,欲以觀 其妙), trong chương Một “Đạo Đức kinh” của Lão Tử. Ý nghĩa của câu là: Thường đặt mình vào chỗ ‘không’ để xét cái ‘diệu’ của Đạo. Như vậy, nhà Quan Diệu là nơi tĩnh tâm. Đây thường là không gian để những người tu Phật thực hiện Pháp của Thích Ca với ba chữ Giới, Định, Huệ. Đây là nơi thiền định theo Phật giáo. Nhưng trong bài thơ này, chính xác nhất, thì đây là nơi luyện nội đan theo Đạo Giáo.

Theo thể thức Đường thi thì 2 dòng đầu được gọi là Đề:

(1) 門外誰家車馬喧, 

(2) 試將此理問蒼天。

{(1)) Môn ngoại thuỳ gia xa mã huyên

(2) Thí tương thử lý vấn thương thiên. }

[(1) (Mặc) ngoài cửa xe ngựa nhà ai huyên náo, 

(2) Thử đem sự lý này hỏi trời xanh. ]

((1) Xe ngựa nhà ai chạy lối bên?

(2)Thử đem điều ấy hỏi tầng trên.)

Điểm nhìn của nhà thơ là từ trong một không gian tách biệt với thế nhân phàm tục; một không gian “Quan Diệu” của người tu luyện để nhìn phàm tục thế nhân.

Những ai đang muốn làm Chân Nhân, tu luyện thoát thường nhân để thành Thần Tiên đều hiểu rằng: Nếu muốn rời thế gian tục lụy, muốn có trí huệ vượt cõi Mê thì phải buông bỏ những gánh nặng thế gian, những giá trị mà thế gian tranh đấu, cướp đoạt. Nếu còn nặng Tâm Phàm thì không thể Bạch Nhật Phi Thăng!

Cả hai câu đề được làm rất tự nhiên, hầu như không có sự trau chuốt kỹ xảo nào. 

Một ghi nhận: “Xe ngựa nhà ai chạy lối bên?”

Có vẻ khách quan, có vẻ thường tình thường nhật.

Vấn đề không lớn, bởi đây là sinh hoạt đời thường; là giá trị của cuộc sống muôn đời nhưng lại làm cho tâm thức của cụ Trần đặt câu hỏi về miền minh triết: “Thử đem sự lý này hỏi trời xanh.

Chữ HUYÊN ở đây là “huyên náo [喧閙], ầm ĩ, ồn ào, dức lác”. Với thường nhân thì cảnh sinh hoạt này gợi cho ta sự sinh động

 “Dập dìu tài tử giai nhân 

Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”

(Nguyễn Du- Kiều)

Với người coi giá trị phàm nhân là đối ngược Chân Nhân, thì cụ Trần dường như bỏ ngoài tai, thậm chí nghe rác tai, gây tâm lý bị ức chế. 

Đạo gia chú trọng tu nội, luyện Nội Đan, họ coi Môn Ngoại là những can nhiễu phiền toái.  

Hai chữ “thùy gia” ở đây là “nhà ai”. Câu thơ của Nguyễn Du ở trên nói tới ngựa xe của những tài tử giai nhân trong sáng thanh minh lễ hội. Cụ Trần nói “nhà ai” ở đây đối lập “thùy gia” với ” Đạo gia”. Hai gia có những giá trị cuộc sống hoàn toàn đối lập. 

Ngày xưa dùng “ngựa xe” để chỉ tầng lớp quý tộc thượng lưu. Hiển nhiên, “ngựa xe như nước” hoặc “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” là khác hẳn với “xa mã huyên”.

Ở dòng 2, chữ THÍ nghĩa là: dò, dò thử, so sánh, khảo nghiệm; chữ TƯƠNG nghĩa là: Cầm, giữ, đem. ◎Như: tương tửu lai 將酒來 đem rượu lại; THƯƠNG THIÊN được dùng trong ngôn ngữ Đạo gia. Hai chữ này nói về những không gian vô tỷ vượt ngoài khái niệm Trời trong dân gian, có khi họ dùng hai chữ THƯƠNG KHUNG cũng hàm nghĩa như vậy! 

Có thể hiểu: Đem cái lí này, cầm giữ cái lý này để dò thử, so sánh khảo nghiệm, rồi hỏi Ông Xanh thăm thẳm. 

Câu hỏi ấy không có trong bài thơ, nhưng nôm na có thể là: Tại sao phần lớn con người ngoài cõi hồng trần kia lại Mê lầm vào những giá trị hư ảo mà không hiểu chân tướng của vũ trụ, không hiểu ý nghĩa đích thực của cõi nhân sinh?

Câu thơ gợi cho ta thực trạng rối nát ăn chơi sa đọa của tầng lớp quan lại, quý tộc thời hậu Trần. Hai chữ THÙY GIA không còn là đại từ phiếm chỉ nữa. Ba chữ XA MÃ NÁO đã gợi về cuộc sống xa hoa vênh vênh váo váo lên ngựa xuống xe của một triều đình đầy nhiễu nhương, thất Đức. 

Xa hơn nữa là câu hỏi của cụ Trần về một thời thế “Vì ai nên nỗi…”.

Câu thơ tiệm cận với đời sống nhân sinh như Nguyễn Du sau này than thở: “Nỗi hờn kim cổ Trời khôn hỏi”. 

Hai câu đề co duỗi tự nhiên, nó khiến ta quên “cảnh giác” với văn chương quy phạm! 

Hai câu THỰC :

(3) 桃梨春盡芳心歇, 

(4) 松菊秋深晚節全。

{(3) Đào lê xuân tận phương tâm yết, 

(4) Tùng cúc thu thâm vãn tiết tuyền. }

[(3) Xuân trôi qua, lòng thơm của đào, lê cũng hết, 

(4) Thu gần tàn, khí tiết già dặn của thông, cúc vẫn còn nguyên. ]

((3) Xuân hết, đào lê hương cũng hết.

(4) Thu qua, thông cúc vẫn còn nguyên.)

Một năm có bốn mùa. Theo quan niệm đối ứng của Đạo gia Phật gia thì chúng ứng với vũ trụ: Thành, Trụ, Hoại và Diệt. Chúng ứng với đời người: Sinh, Lão, Bệnh, Tử; …

Hoa Đào biểu tượng cho mùa xuân, cho tuổi trẻ, cho sức sống đang lên. Quả Đào thường biểu tượng cho chữ Thọ. Đạo gia rất quan tâm tới quả này. Hình tượng Tây Vương Mẫu dâng Đào cho ông Thọ rất quen thuộc trong tranh cổ. Vì Đạo tu theo đường lối Tính Mệnh Song Tu nên họ rất quan tâm tới Trường Sinh bất lão. 

Thế nhưng, khi Đào đã tàn, Xuân đã sắp kết thúc thì hoa Đào gợi cho ta sự cảm khái đớn đau với phận người. Câu thơ dịch của Nguyễn Du từ một câu thơ Thôi Hộ đã làm bao thế hệ thảng thốt:

“Hoa Đào năm ngoái còn cười gió Đông”

Hoa lê cũng là hoa mùa xuân, cũng là biểu tượng cho tuổi xuân. Ngày thanh minh tháng ba cuối xuân, Nguyễn Du đã mô tả xuân tận thì hoa Lê chỉ lác đác đốm trắng lạc lõng thiếu sinh khí :

“Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.

Thế nhưng, cây gậy lê tự nhiên, rắn rỏi  lại được ông Thọ trong tranh xưa cầm như là biểu tượng của tuổi cao mà tinh thần còn minh mẫn. 

Thơ Đường thường miêu tả những cụ già khí khái chống gậy lê; Trương Hán Siêu cũng dùng biểu tượng này khi các bô lão:

“Có kẻ gậy lê chống trước, 

Có người thuyền nhẹ bơi sau

Vái ta mà thưa rằng:”

Trong một bài thơ khác với cảm hứng về Đạo: “Đề chỗ ở cũ của Sùng Hư”, cụ Trần cũng viết:

“Tạm cởi giải mũ trần tục vứt ra ngoài cõi đời 

Mang giày cỏ chống gậy lê ngao du cùng ông”

“Giày cỏ gậy lê” ở đây nói về người tu hành.

Còn Đào Lê ở bài thơ này, ngoài sự liên tưởng trên thì nó là biểu tượng cho tuổi xuân và cả dư âm của nó là tuổi già khang kiện theo đường lối tu mệnh của Đạo Gia.

Câu ba đọc tự nhiên nhưng không dễ hiểu: Đào, Lê khi xuân tận, xuân tàn thì tấm lòng thơm của Đào Lê, khí vị đặc trưng của Đào Lê cũng tiêu tan, cũng chấm dứt. 

Chữ YẾT (còn đọc là HIẾT) có nghĩa là: Khí vị tiêu tan. ◎Như: “phương phức hiết” 芳馥歇 hương thơm tiêu tan.

Chữ “Phương” vốn gốc là thứ cỏ Tiên. Đạo Gia dùng nó để làm thuốc, luyện đan.

Đây phải chăng là thói đời khi thời cuộc đổi thay lòng người nhợt nhạt? 

Cũng có thể hiểu lòng Trung của cụ Trần không được giải bày và trở nên bế tắc khi hoàn cảnh đã buộc Đào Lê phải sống buổi Mạt Triều? Hiền nhân bất phùng thời cuộc? 

Trong ý nghĩa tu luyện thì nó nói về sự bất động tâm trước những can nhiễu đầy chấp Mê của con người. Ngộ Đạo là phải liên tục tổng khứ những cái chấp của con người.

Hai chữ Phương Tâm ở đây vừa là của Đào Lê; vừa ngụ ý trực chỉ chính mình. 

Cũng có cách truyền đạt nội dung tương tự, nhưng Thôi Hiệu trong “Hoàng Hạc lâu” đã giấu kín lòng mình vào khách thể, vào bãi cỏ xanh. Chính chữ “PHƯƠNG” này đã hé cho ta tư tưởng của tác giả:

“Phương thảo thê thê Anh Vũ châu”

Câu  thơ sau nhắc đến hai loại cây mang biểu tượng vốn rất quen thuộc trong văn chương cổ.

Bài “Hồng cúc hoa”

Hoa Cúc thường nhắc tới những người ẩn cư an bần lạc Đạo, từ bỏ con đường hoan lộ công danh như mây nổi như Đào Tiềm hát khúc “Quy khứ lai hề”.

Cụ Trần có cả một bài thơ về cúc.

紅菊花

芳心艷色天然異 

晚節嬌姿物態尤 

醉把莫嫌腮颊赤 

忍堪佳節不相酬 

                陳元旦

Phiên âm: Hồng cúc hoa

Tuế hàn tiệm giải bệnh nhan sầu 

Vạn đóa khanh vân yên tố thu 

Nam dương tuyền liệt giáng sương lưu 

Phương tâm diệm sắc thiên nhiên dị 

Vãn tiết kiều tư vật thái vưu 

Túy bả mạc hiềm tai giáp xích 

Nhẫn kham giai tiết bất tương thù. 

                                   

Dịch nghĩa: Hoa cúc đỏ

Mùa lạnh đến tạm giải nét sầu trên mặt người bệnh 

Muôn đám mây lành khí thu trong sáng 

Rượu thơm Bành Trạch (1)rót vào chén ngọc quỳnh 

Suối mát Nam Dương (2)chảy ra dòng sương đỏ 

Hương thơm sắc đẹp hoa này trong thiên nhiên ít có 

Cuối mùa mà vẻ óng ả thật sắc thái của vật lạ 

Rượu say cầm hoa chẳng hề đỏ mặt 

Tiết đẹp lẽ nào không thù tiếp nhau.

Dịch thơ:

Thu sang cúc giải nét sầu bi 

Ngàn đóa mây lành tươi thắm ghê 

Bành Trạch rượu thơm đầy chén ngọc 

Nam Dương suối đỏ mát lòng khe 

Hương thơm sắc đẹp đâu người sánh 

Dáng lạ vẻ thanh mấy kẻ bì 

Say rượu cầm hoa không đỏ mặt 

Lẽ nào tiết đẹp chẳng nâng ly. 

(Đỗ Đình Tuân dịch)

Ghi chú

  1. Rượu Bành Trạch: Đào Tiềm, người đời Tấn (Trung Quốc), làm quan ở huyện Bành Trạch, tính ông thích rượu và hoa cúc, vì vậy các nhà thơ xưa khi làm thơ về hoa cúc thường nhắc đến rượu.
  2. Nam Dương: tên đất thuộc tình Hà Nam (Trung Quốc). Theo Thủy Kinh, Thoan Thủy thì ở đây có cái đầm gọi là Cúc Đàm. Gần Cúc Đàm có dòng suối chảy qua khe núi nhiều hoa cúc, vì vậy khi chảy ra đến Cúc Đàm nước suối đỏ và ngọt. Tương truyền ai uống được nước này sẽ được sống lâu. 

Còn cây Tùng? Cái thời vừa mới tham chính với nhiệt huyết và niềm tin vào tương lai của triều đình, họ Trần đã rất hào hứng khi biết có những khoa thi để tìm ra  những nhân tài chấn hưng đất nước. Ông phủ nhận mình để mong hậu bối lập công danh tốt hơn. 

“Tùng đình cúc phố tuyệt phương hinh 

Tự linh đố giản thành hôi tẫn”

(Sân tùng vườn cúc đã dứt hẳn hương thơm 

Đáng thương cho sách mọt đã thành tro tàn)

Ta lại gặp chữ PHƯƠNG nghĩa là hương thơm. 

Cụ Trần dường như  “tự trào” mà chẳng day dứt: Mình cứ tưởng mình là cây tùng, hoa cúc, nhiều bản sự hơn người. Giờ nhìn thấy những nhân tài trẻ thì mình thật đáng thương! 

Nếu hiểu câu thơ trên: “Xuân tận, lòng thơm của Đào Lê cũng tàn

Thì câu sau là đổi lập: 

(4) Thu gần tàn, khí tiết già dặn của thông, cúc vẫn còn nguyên.

Thông, Cúc không bị thời gian làm biến dịch bản chất của nó. Đó là cái tiết tháo, cái ngay thẳng của một Chân Nhân với tâm bất động khi ngoại cảnh đầy xáo động. 

Lý Bạch khi tọa ở núi Kính Đình,ông nhìn bầy chim bay xa để kiếm Danh, Lợi: 

“Chúng điểu cao phi TẬN”

Ông nhìn thấy đám mây lững lờ chao đảo. Và rồi khẳng định sự kiên định của một Đạo Gia:

Bất chấp mọi lựa chọn của thế nhân, mình vững vàng như núi, ngàn năm một vị trí một lập trường!

Về ngôn từ, ở đây có sự đối lập giữa chữ TẬN (xuân tận) và chữ THÂM (thu thâm)_một sự đối lập về bằng trắc rất chuẩn. Nhưng về ý nghĩa thì rất hiếm khi gặp. Bởi, “tận” là “tận cùng”_ một không gian đang trải dài xa xăm và thu hẹp dần chiều rộng. Còn “thâm” ở đây là “uyên thâm “. Trong nghĩa gốc là nói về độ sâu của nước. 

Một không gian hướng ngoại và một không gian hướng nội. Một không gian của thường nhân dễ thấy và một không gian nhìn thẳng. Cứ như thể Lý Bạch từ đỉnh cao của núi Kính Đình nhìn xuống chân núi mà thấy bản lĩnh không biến dời của mình vậy. 

Chữ “vãn” ở đây là  “cuối, muộn, sắp hết.” ◎Như: vãn niên 晚年 lúc tuổi già, vãn tuế 晚歲 cuối năm.

“Vãn tiết toàn ( tuyền)” là sắp hết mùa thu rồi tùng cúc vẫn giữ được cái Tiết Khí, ý chí kiên định của mình. 

Nếu thường nhân nhạt lòng tha hóa khi thời cuộc không thuận chiều cho mình kiếm Danh Lợi thì người tu luyện bất chấp mọi bất lợi của hoàn cảnh, tìm chân lý qua vượt quan, vượt ải…

Hai câu luận:

(5)一點丹誠生若死, 

(6)幾回鶴化白為玄。

 [(5) Một điểm kim đan đã thành, sinh thuận theo tử, 

(6) (Như) mấy lần chim hạc biến hoá, trắng lại thành đen. ]

Hai chữ “Đan Thành”  là những thuật loại bí mật đơn truyền của Đạo Gia. Sư Phụ hướng dẫn đệ tử rất nhiều các thuật loại khác nhau để luyện đan. Trong đó có việc luyện cách thức dùng ý thức tập trung vào một điểm với tâm tịnh hóa để nơi ấy kết đan, kết thành cục năng lượng được thu gom từ vũ trụ. Cứ giữ ý niệm ở một nơi nào đó trên thân thể thì nơi ấy sẽ Kết Đan. Sau khi viên mãn, cái đan này đã được giải phóng năng lượng. Nhục thân người tu thành dù là Đạo Gia hay Phật Gia, khi hỏa thiêu ta thường gặp những viên xá lợi. Một dạng vật chất mà khoa học hiện nay chưa lý giải được. Thực ra, đó là những vật chất ở không gian khác, có thể không nằm trong Tam Giới. 

Trong các văn bản chữ Hán người ta thường dùng chữ thành  誠 (trong thành thật, thành kính …) để ghi câu thơ này. Tôi rất đồng tình với một số người nghiên cứu cho rằng chữ này là “thành 成” không có bộ ngôn (trong hoàn thành, thành tựu…  ). Nghĩa là sống an nhiên tự tại, hiểu đạo lý của đất trời, đạo lý vi diệu của Lão Trang, cho cái tâm được buông xuống đi vào chữ “Vô” thì có thể tập trung trí huệ tại một điểm khiến nó kết Đan, để thay đổi sinh mệnh của một thường nhân thành một Chân Nhân. 

Đan đã thành, cụ Trần biết rằng mình đã không còn là con người tục lụy, đã ở một cảnh giới cao hơn. Sinh tử là cõi mê mà con người phải vật vã  sống kèm theo những giá trị hư vô như là hạnh phúc và khổ đau; cũng như con người hãnh tiến lúc này để vật vã lo sợ những lúc khác.  

Rời kiếp người để thành một thể sinh mệnh cao hơn thì đâu còn Sinh Tử. Cho nên, coi thường hoặc vứt bỏ sinh tử ở đây được hiểu theo nghĩa cụ thể nhất trong nhận thức của người tu luyện. Chúng ta cứ tưởng rằng đây là lối nói bóng gió, khoa trương hoặc là theo bản năng của người viết văn chương quy phạm. 

Vả lại, nếu  dùng chữ thành 成 là động từ thì ta sẽ đối được với chữ hóa 化. Có lẽ khi Lão Giáo phai nhạt, các nhà Nho ghi chép thơ cụ Trần đã  không còn hiểu đan 丹 là thuốc trường sinh. Họ sao đi chép lại bài thơ theo tinh thần Nho giáo với hai chữ “đan thành 丹誠” hay “đan tâm 丹心” có nghĩa lòng son, tức lòng trung thành với vua chúa. Nếu dùng chữ thành 誠, là danh từ, cặp luận sẽ không đối nhau như yêu cầu của thơ xưa.

Chỉ một chữ THÀNH này thôi đã khiến cho tư tưởng của Đạo gia vô vi, lạc quan thành tư tưởng người thường yếm thế. Bằng chứng là người ta đã dịch thế này:

(Một tấm lòng son sống cũng như chết 

Mấy lần chim hạc hóa trắng lại thành đen)

Dòng thơ thứ 5 có chữ NHƯỢC nghĩa là:  Thuận theo. ◎Như: vũ dương thời nhược 雨暘時若 mưa nắng thuận thời tiết. Cũng có nghĩa là “giống như, như là, như thế”. Cụ Trần thấy rằng một điểm đan đã thành, tức là việc tu luyện Đạo bắt đầu có kết quả thì vấn đề sống chết là như nhau. Điều này chỉ đúng với người, không đúng với Chân Nhân.

Chữ NHƯỢC rất nổi tiếng với thành ngữ :大智若愚 “đại trí nhược ngu”, nghĩa là: “Bậc đại trí trông bề ngoài có vẻ rất tầm thường”. Khi cụ Trần nhận thức thấu đáo lẽ “sinh nhược tử” thì cụ đã ở trong Đạo, đại trí đại Huệ rồi! 

Đan đã thành, cũng chỉ là khởi đầu cho một quả trình khác tiến về viên mãn. 

Dòng thơ thứ 6 đưa ra một điển tích về chim hạc. Nhưng thực ra đã cho thấy niềm tin của cụ Trần về cái ngày “bạch nhật phi thăng” theo Hạc Vàng về Tiên Giới. 

Ta biết rằng, người được coi là ông Tổ của Đạo Giáo, người khai sáng ra tôn giáo này là đạo sĩ Trương Đạo Lăng. Ông học được phép trường sinh bất lão, vào đất Thục ngụ ở núi Hạc Minh soạn ra bộ Ðạo thư gồm 24 chương và chuyên làm bùa để trị bệnh. Ông đã kết hợp nền triết học cổ truyền của Lão giáo với giáo lý Phật giáo như những thuyết về kiếp số, những luật khai độ để lập thành Ðạo giáo. 

Một ngày nọ, Trương Đạo Lăng tới chân một ngọn núi. Chỉ thấy ngọn núi ba mặt nước vây quanh, thế núi nhấp nhô, tiên hạc bồng bềnh trong mây. Khi hỏi dò mới biết là núi Hạc Minh, một nơi quy tụ tiên hạc hàng ngàn năm qua. Trên núi còn có một con hạc đá, mỗi khi có tiên nhân vào núi là sẽ kêu lên một tràng dài. Trương Đạo Lăng biết đây là linh sơn bảo địa, dự tính trú tại đây lâu dài. Trong đêm vừa đến Trương Đạo Lăng đã nghe tiếng hạc đá kêu liên hồi, tiếng du dương uyển chuyển, thanh âm truyền xa trăm dặm.

Trương Đạo Lăng ở đây vừa nghiên cứu Đạo Pháp, vừa tìm hiểu dân tình. Đến năm thứ ba ở núi Hạc Minh ông đã luyện thành thần đơn sáng chói..  (Theo secretchina).

Có lẽ truyền thuyết về chim hạc từ đây có nhiều câu chuyện kỳ lạ về con vật đứng trên lưng rùa bất tử. 

Người ta kể rằng hạc sống nghìn năm lông hóa thành màu xanh, sống thêm hai nghìn năm nữa lông hóa màu đen.

Như vậy quá trình tu luyện của con người khi đồng hóa được sinh với tử cũng như mấy lần chim hạc biến hoá, từ trắng sau một ngàn năm thành xanh. Rồi từ xanh thêm hai ngàn năm nữa lại thành đen. Tu Đạo, quả là cho người ta trường sinh bất lão và cho người ta trí huệ để nhận diện điều vô nghĩa của lẽ sinh tử trên trần gian. 

Hai câu kết :

(7) 瀛洲蓬島知何在, 

(8) 無欲無貪我是仙。

[(7) DoanhChâu Bồng Đảo tri hà tại, 

(8) Vô dục vô tham ngã thị tiên.]

((7) Biết Doanh Châu, Bồng Đảo ở nơi nào? 

(8) Không dục, không tham, ta đã là tiên!)

Theo “Hán thư” ở Bột Hải 渤 澥 (cũng đọc là giải). Bột Hải là vũng biển ở tỉnh Liêu Đông, trong đó có ba đảo tiên ở là Bồng Lai 蓬 萊 (còn gọi là Bồng Đảo), Doanh Châu 瀛 州 (cũng là Thần Châu) và Phương Trượng.

Hai địa danh mà cụ Trần nói tới là nơi Tiên ở. Chưa thực đến được nơi ấy bởi vì giờ đây bản thể chỉ có “một điểm đan thành” nhưng câu hỏi không có ráo riết truy cầu. Cụ Trần an nhiên vì thấy đường đi xa nhưng sẽ tới. 

Câu kết rất mới lạ với chúng ta nhưng không mới với những ai theo Đạo Gia.

Không có dục vọng; không còn lòng tham Danh, Lợi, Tình là những gì người thường tranh đấu ngược xuôi thì ta đã sống trong một cảnh giới của Tiên. Thân trong Tam Giới mà Tinh Thần đã ngoài Tam Giới. Chưa tu thành nhưng biết rằng mình sẽ tu thành là một niềm tin đầy lạc quan; một con đường có mục đích kiên định. 

Cũng cần lưu ý Phật Gia giảng KHÔNG, còn Đạo gia giảng VÔ.

Dòng thơ thứ (8) có hai chữ VÔ; dòng thứ (6) có chữ VI. Hai chữ này liên kết bí mật khiến ta nhớ tới nguyên lý quan trọng nhất trong tu luyện của Đạo Gia .

Hai chữ” Vô Vi” được Lão Tử phát biểu: “Vi vô vi nhi vô bất vi”. Tạm dịch là: “Không làm gì mà không gì là không làm”. “Vô vi” không có nghĩa không làm gì, nhưng để sự việc phát sinh một cách tự nhiên trong sự hòa hợp với Đạo, và vì vậy cần thực hiện những gì cần thiết, nhưng không vượt quá nhiệt tình và hành động mù quáng, được coi là một trở ngại, mà là dễ dàng, nhẹ nhàng và thoải mái. Nó là một trạng thái của “sự im lặng nội tâm”. Vào đúng thời điểm, hành động đúng có thể xuất hiện mà không cần nỗ lực của ý chí. Hiểu một cách nôm na là, nếu bạn không làm gì mà thấy không việc gì thì không nên làm.”( theo Wikipedia, mục vô vi). Họ cho rằng vạn sự “Vô cầu nhi tự đắc”.

Ở đây, thực hiện chữ Vô, chữ Vô Vi, cụ Trần đang buông bỏ những niệm đầu của tâm thường nhân. Từ bỏ hành động Dục và Tham chỉ là tình thế; không có một chút ý niệm gì về tâm Tham, Dục; coi như những khái niệm này chưa hề hay biết trong tâm cụ Trần thì lúc ấy mới vào được cửa của chữ Vô. Và đó là cảnh giới khác: không phải cõi hồng trần mà chính là sống với Bồng Lai, Tiên cảnh. Vâng, bỏ hết mọi dục vọng và tham lam của thường nhân, họ sẽ có tất cả những giá trị của Chân Nhân, một sinh mệnh cao tầng, sống ngoài sinh tử khổ đau kiếp người!

Bài thơ thất ngôn bát cú ngắn nhưng nói một vấn đề rất uyên áo, tinh thâm của Đạo Gia. Nó như là hành trình tâm thức của cụ Trần. Có lẽ bài thơ lấy cảm hứng từ Chương 47 Đạo Đức Kinh, nội dung như sau:

“Không ra khỏi cửa, biết thiên hạ. Không nhìn qua cửa sổ, thấy đạo trời. Càng đi xa càng biết ít. Bởi vậy thánh nhân không đi mà biết, không thấy mà rõ, không làm mà thành.”

 Nguyên tác chữ Hán là :

不出戶,知天下.不闚牖,見天道.其出彌遠,其知彌少.是以聖人不行而知,不見 而名,不為而成.

(Bất xuất hộ, tri thiên hạ. Bất khuy dũ, kiến thiên đạo. Kỳ xuất di viễn, kỳ tri di thiểu. Thị dĩ thánh nhân bất hành nhi tri, bất kiến nhi danh, bất vi nhi thành.)

Đến đây, ta đã có thể lý giải tại sao những người tu luyện Đạo Gia lại có những trí huệ được khai mở trở thành xuất chúng. Họ ở tầng thứ cao hơn thường nhân. Họ Thức còn chúng ta Mê.

Khương Tử Nha ngồi câu cá lặng lẽ bên sông; Khổng Minh ở trong lều cỏ; Trần Nguyên Đán về Động Thanh Hư cùng Côn Sơn thông suối; Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân; La Sơn Phu Tử vượt núi Giăng Màn vạch định chiến dịch thần tốc cho Quang Trung ăn Tết đất Thăng Long…

Tất cả những trí tuệ xuất chúng ấy đều làm chúng ta ngỡ ngàng. Thực ra, nhờ tu luyện mà họ có Trí Huệ chứ không giống người thường nhờ thu gom kiến thức mà ta có Thông Minh!

Đây là lời bình rất súc tích về bài thơ này của tác giả Lê Tư trong bài” Trần Nguyên Đán (1325 – 1390) đại thần, nho sĩ, nhà thiên văn kiêm đạo gia”:

“Cụ Trần bỏ mặc ngựa xe huyên náo không phải bằng cách khép cửa đạo quán, mà bằng cách khép lại tất cả giác quan. Cụ đối thoại với “thương thiên” để biết thiên hạ vận hành theo sát đạo trời. Có kẻ, lợi hết lòng thành cũng hết. Có người, như chính cụ, tiết tháo vẹn toàn qua thời cuộc đổi thay. Cõi tự nhiên thế nào thì cõi người thế ấy. Khi việc luyện nội đan viên thành, bản ngã hòa vào Đạo, việc chuyển hóa từ sinh đến tử nhẹ nhàng như hạc thay đổi màu lông.

Cụ thành công trong việc “hư kỳ tâm” để đạt Đạo chưa ? E rằng chưa. Vì cụ vẫn chưa biết Doanh Châu, Bồng Đảo ở chốn nào. Nhưng không còn ham muốn, tham lam thì quả thật là Tiên trong trần rồi vậy.”

Trong cuộc sống hối hả của cái thời người ta gọi là Văn Minh hiện đại, Con Người coi những thỏa mãn vật chất là tiêu chí của Hạnh phúc. Không ước chế được Đạo Đức nữa rồi ! Con người bị chôn vùi trong Đất bẩn của vũ trụ này. Nó lủi thủi đào bới để tìm tiếng khóc nụ cười trong  những sản phẩm do khoa học sáng tạo. 

Chỉ mấy chục năm “thương hải tang điền”, vũng thành đồi và những giá trị  bị đảo điên. 

Muốn được như xưa, ngày tất niên, mang áo the đen, đi guốc mộc cầm ngọn bút lông viết chữ Thánh Hiền, nhìn xa ngọn núi xanh thắm sắc xuân, một nét chau mày của nàng  Kiều….

Muốn đốt lò hương trong thư trai lẫn với thông xanh khe suối ngồi ngắm những phiến mây bay vượt lên ngàn cuồn cuộn. Một chút đợi chờ ông lão nhà nông sáng vác cày dắt trâu sao giờ vẫn chưa về ngang ngõ trúc? 

Hình như Lão Tử trắng phau râu tóc cưỡi trâu xanh rời Hàm Cốc…? Và ngộ nghĩnh hơn là Trương Quả Lão đang cưỡi con lừa ngược cố đuổi theo một cánh Hạc Vàng…

Chợt nhớ Trần Nguyên Đán… 

Nhớ Nguyễn Trãi xưa đã ở 6 năm trong thành Lục Niên quê mình. 

Đỉnh Giăng Màn còn đó

Ai ngồi bên suối khe?

Có ai đếm sao trăng?

Chợt mây trắng bay về? 

Hạc Đen sà cánh gió,

Một Mặt Trời bay đi…

La Vinh

Tri ân tác giả La Vinh:

Sinh thời tác giả La Vinh rất tâm đắc với bài viết về quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán. Tuy nhiên, đây là bài viết khó đọc nên các báo đều thấy không phù hợp để đăng. Khi bài được đăng lên trang Việt Trí – một trang học thuật rất phù hợp với bài viết thì tác giả đã ra đi cách đó hơn một tháng mà chưa kịp nhìn thấy đứa con tinh thần của mình ra đời.

Nhân dịp bài được đăng, ban biên tập Việt Trí xin gửi lời tri ân thay nén nhang đến cố tác giả.

Sources:

BÀI LIÊN QUAN