Quyết định ly hôn của “người lớn” làm tổn thương “trẻ con” ra sao?

Quyết định ly hôn của “người lớn” làm tổn thương “trẻ con” ra sao?

Đối với cuộc đời của mỗi người, ly hôn chưa bao giờ là điều tốt đẹp. Nhưng các cuộc ly hôn vẫn luôn diễn ra và những đứa trẻ là người tổn thương nhất. Hãy nghe chia sẻ của một người đã từng là đứa trẻ như thế…

Thơ tình anh và nỗi nhớ

Chiều nay, gió lạnh thổi xộc vào sau phòng, làm lòng mình hanh hao, sợ những cơn gió đổi mùa, cảm giác chênh vênh, cô độc và loay hoay. Những cảm giác mà ngay từ ngày nhỏ mình đã cảm thấy rõ rệt mà không sao lí giải được (có chăng đó là nỗi buồn trong vắt, trong đến mức vắt kiệt mọi nghĩ suy cũng không thể định hình.)

Tự nhiên nghe chị nhắc về chuyện buồn, mình lại nhớ quay quắt ngày nhỏ, ranh giới giữa hạnh phúc và li tan, giữa nụ cười và nước mắt, mọi thứ ập đến bất ngờ, mình, chị, những đứa trẻ trong cuộc, những tâm hồn lạc giữa chiếc thuyền chòng chành ngơ ngác. Phải lạc loài vào một thái cực mông lung, trẻ con chỉ biết ngậm ngùi chờ những quyết định của người lớn.

Nước mắt, chưa bao giờ mình cảm thấy nước mắt của mình “sung sức” như lúc ấy, mình nhìn những người thân hao mòn bằng ánh mắt ướt nhẹp, trẻ con, gặp nỗi buồn chỉ biết òa khóc không giấu giếm, để thỏa sức sau những niềm đau vỡ òa, chúng lại có thể mỉm cười khi người lớn xoa đầu dắt đi mua kẹo. Chỉ cần kẹo là nước mắt và nỗi buồn vô định kia tắt ngấm.

Người lớn thì khác, nỗi đau giấu nhẹm, chôn chặt chôn sâu, thật lâu thật lâu sau những sóng gió, trẻ con mới học được cách nhìn nỗi buồn trong mắt người lớn, cái nỗi buồn không định không lượng, không thể nắm, giữ, cắn, cào, hiển hiện một cách vô tư, công khai trong mắt người lớn. Và người lớn, dù cái miệng cười ha hả, nhưng đôi mắt vẫn nhèm nhẹp những nỗi buồn đau day dứt.

Trẻ con thôi khóc, người lớn thôi buồn, và hạnh phúc mong manh lại tiếp tục chong đèn hắt hiu. Một người lớn khác nằm thở dài thườn thượt trong những trăn trở. Trẻ con quay ngang quay dọc, khó ngủ, sợ sáng mai thức dậy.

Sáng, vẫn là một buổi sáng bình yên. Trẻ con thôi khóc, người lớn thôi buồn. Trẻ con vẩn vơ sợ những quyết định. Và người lớn cặm cụi giấu nỗi buồn vào một khoảng xa nào đó, tít tắp, im lặng, cái sự im lặng gần như là chịu đựng tuyệt đối. Vì con trẻ, vì vị tha hay vì tình yêu và trách nhiệm. Những khái niệm với trẻ con là xa vời, nó khác với cái kẹo xanh đỏ mà trẻ con đang cầm.

……………

Người lớn từng ôm trẻ con vào lòng, lắp bắp cà lăm lời xin lỗi, trẻ con đưa bàn tay bé xíu hứng giọt nước mắt của người–lớn-chưa-bao-giờ-khóc. Giọt nước mắt nóng hổi, tan chảy. Người lớn bảo, để mọi thứ trôi qua con nhé. Nhưng trong lòng người lớn, liệu mọi sự có trôi? Người lớn cười. Trẻ con thấy mắt người lớn vẫn đầy ắp một nỗi buồn mênh mang.

Trẻ con được dạy xin lỗi và cảm ơn. Người lớn từng là trẻ con. Vậy mà trẻ con vẫn ngập ngừng trước lời xin lỗi cà lăm của người lớn. Để trống trải quẩn quanh.

Trẻ con được dạy cách cảm thông và tha thứ. Người lớn từng là trẻ con. Nhưng cả người lớn và trẻ con đều không thể ngoan ngoãn thực hiện với những điều được dạy.

Trẻ con được dạy không nên nói dối và phản bội, không nên làm đau người mà mình yêu thương. Người lớn từng là trẻ con. Nhưng người lớn vẫn thường làm đau người mình yêu thương bằng cách nói dối và phản bội.

Và người lớn làm đau người lớn, đau luôn cả trẻ con mắt ướt nhẹp vì chiều nay có một người lớn và một trẻ con khác bỗng thành người dưng xa lạ, chiều nay, trẻ con đứng ngẩn nhìn một người lớn lạ hoắc xoa đầu mình, và đưa mình cây kẹo nhạt nhếch.

Hồi ức quẩn quanh, lẽ thế. Chiều nay sang mùa, gió hoang hoải lối về kỉ niệm.

Hiền Đào

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN