Rebiya Kadeer: Làm thế nào một phụ nữ Hồi giáo trở thành nhà lãnh đạo của dân tộc?

Rebiya Kadeer: Làm thế nào một phụ nữ Hồi giáo trở thành nhà lãnh đạo của dân tộc?

Rebiya Kadeer, người mẹ của 11 đứa con và là một trong những kẻ thù công khai hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Rebiya Kadeer,

Rebiya Kadeer, chủ tịch Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới, trên đường đến văn phòng tại Washington, ngày 20 tháng 8, 2015. (Samira Bouaou / Epoch Times)

Kadeer là nhà bất đồng chính kiến ​​xuất sắc nhất lên tiếng bênh vực cho người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc ở Trung Á, là những người có họ hàng xa với người Đột Quyết. Họ là một tộc người Hồi giáo thiểu số sinh sống ở tây bắc Trung Quốc – một khu vực mà người Duy Ngô Nhĩ gọi Đông Turkestan và Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) gọi Tân Cương, có nghĩa là biên giới mới.

Năm 1949, chính quyền Trung Quốc sáp nhập và sau đó chiếm Tân Cương, một khu vực sa mạc rộng lớn ở Tây Bắc Trung Quốc nơi có các xác ướp, những đỉnh núi phủ tuyết, và các thành phố bị chôn vùi trong cát.

Tân Cương rộng gấp bốn lần kích thước của California; quan trọng nhất, nó có một khu vực giàu dầu mỏ rộng bằng kích cỡ nước Pháp. Vùng đất cũng phong phú với các khoáng chất và khí đốt tự nhiên.

Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ trong khu vực, các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Tân Cương đã đóng một vai trò lớn trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Nhưng người Duy Ngô Nhĩ không được thấy tiền từ sự bùng nổ kinh tế. Cũng như công chúng phương Tây không thấy được những nỗi bất hạnh của họ.

Nếu đem so sánh với những người Tây Tạng thì người Duy Ngô Nhĩ là một nhóm tương đối xa lạ, mặc dù họ chung đường biên giới và những cuộc đấu tranh tương tự chống chế độ Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc đã tiến hành hơn 40 thử nghiệm bom hạt nhân ở Tân Cương  từ năm 1964 đến năm 1996, theo báo cáo của Scienfic America. Các chuyên gia về bức xạ ước tính rằng ít nhất 194.000 người đã chết vì phơi nhiễm.

Rebiya Kadeer

Rebiya Kadeer, chủ tịch của Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới, tại nhà bà ở Virginia, ngày 20 Tháng Tám, 2015. (Samira Bouaou / Epoch Times)

Từ hành quyết tù nhân chính trị, đến tàn phá nhà thờ Hồi giáo, tới giảm dần việc giảng dạy ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ trong các trường học Duy Ngô Nhĩ, cảnh ngộ của người Hồi giáo ở Trung Quốc từ lâu đã bị lãng quên không hề được chú ý tới trong môi trường quốc tế. Đó là tình cảnh trước khi bà Kadeer xuất hiện.

Kadeer, một người phụ nữ mà thoạt nhìn có hai bím tóc truyền thống dài quá hông, không có một vẻ bề ngoài mạnh mẽ.

Ở tuổi 68, bà Kadeer là vẫn còn hơi hướng của nữ sinh, với một khung người mảnh mai và đôi mắt hiếu kỳ đen láy.

Nhìn bề ngoài, người ta không thể nói rằng bà đã lên chức cụ, từng sống sót sau hai năm biệt giam ở Trung Quốc. Mặc dù bà đã bị đánh đập và làm nhục, đã gần chết vì căn bệnh chảy máu dạ dày trong năm năm tù, vẫn còn sự thiện lương trong tính cách của bà.

Trong chuyến xe dài, bà cười khúc khích khi nhận ra rằng, trong khi bà đang nói, người trợ lý của bà đã ngủ thiếp đi.

Ngay cả khi sắp trễ một cuộc họp, bà vẫn khăng khăng mời tất cả những người khách đến thăm nhà phải ngồi xuống và thử một trong những món ăn ngon của bà như cà rốt Duy Ngô Nhĩ truyền thống và cơm rang thịt cừu.

Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc lại sợ bà, đúng như vậy.

Bà Kadeer đã dành 50 năm qua của cuộc đời cho sự nghiệp của người Duy Ngô Nhĩ. Nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu và sự thống trị của Đảng có vẻ dễ bị tổn thương. Đây có thể là một thời điểm trọng yếu mà Kadeer có thể tận dụng để đạt được một thỏa thuận.

Sau tất cả, mối quan tâm lớn  nhất của chế độ Trung Quốc là đạt được một thỏa thuận với người Duy Ngô Nhĩ. Nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại; Tân Cương là một vị trí quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc trong những năm tới. Bạo loạn và bất ổn không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Một tia lửa

Mặc dù tiền đề của cuộc cách mạng văn hóa là để hạ nhục giai cấp tư sản, chính xác là giữa cuộc cách mạng văn hóa, bà Kadeer nhận ra tiền có thể mua được quyền lực, và trớ trêu thay, tiền có thể làm tốt đến đâu.

Kadeer nhận ra điều này lần đầu tiên khi nhìn thấy nhà văn nổi tiếng người Ngô Duy Nhĩ Zunun Kadir (không có họ hàng với bà), bị lột trần và chảy máu trong một “phiên đấu tố” một sự sỉ nhục và tra tấn công khai để xác minh Kadir là một “kẻ thù của nhân dân.”

Sợi dây thép treo tấm biển có dòng chữ “phản cách mạng – phải thủ tiêu” đang cứa vào cổ ông.

Bà thò tay lấy đồng 50 nhân dân tệ trong túi, số tiền bà kiếm được do bán giày dép trẻ em khâu từ phế liệu của vải to sợi và nhựa, và kín đáo đưa cho người đàn ông phụ trách trẻ tuổi.

Anh ta ngay lập tức tháo tấm biển và thả nhà văn với lý do họ không muốn giết ông, vì họ “còn có nhiều thứ hơn để trừng phạt ông”.

Người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc

Khi các cuộc bạo loạn ở Tân Cương tăng lên trong những năm 90, Kadeer, người giàu thứ bảy tại Trung Quốc vào thời điểm đó, lọt vào mắt của đảng cộng sản Trung Quốc.

Đảng cộng sản yêu cầu bà trở thành một “cố vấn” đặc biệt của chính phú về các vấn đề Tân Cương. Bà ngây thơ tin rằng bà có thể giúp đỡ người dân của bà theo cách này.

Kadeer được bổ nhiệm làm đại biểu của Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc – một cơ quan tư vấn chính thức do đảng cộng sản dựng nên – và Đại hội nhân dân toàn quốc, trên danh nghĩa là cơ quan lập pháp của đảng cộng sản Trung Quốc.

Giang Trạch Dân, lãnh đạo của đảng cộng sản Trung quốc và là người đứng đầu nhà nước Trung Quốc tại thời điểm đó, đã yêu cầu bà đại diện cho người Duy Ngô Nhĩ tại Hội nghị thế giới của Liên hợp quốc về Phụ nữ tại Bắc Kinh vào năm 1995.

Khi Hillary Clinton phát biểu, Kadeer ngồi trong hàng ghế khán giả, bám sát xung quanh là ba phiên dịch, những người không thực sự ở đó để dịch.

Bất cứ khi nào bà Kadeer cố gắng nói chuyện với một đại diện quốc tế tại hội nghị, những phiên dịch sẽ phun ra luận điệu tuyên truyền của Đảng.

Kadeer nghĩ tới chín phụ nữ Tây Tạng bà từng trông thấy đang tự bịt miệng với chiếc khăn lụa bên ngoài hội nghị, nhắc nhở báo giới nước ngoài rằng Trung Quốc đang bịt miệng tiếng nói của những người thiểu số.

Bà nghĩ về tính tổ chức của những người Tây Tạng, và Đức Đạt Lai Lạt Ma ủng hộ họ như thế nào bên ngoài Trung Quốc.

Những người Duy Ngô Nhĩ  không có ai. Tại thời điểm đó, bà Kadeer quyết định cần lấp khoảng trống này cho Đông Turkestan.

Một bài phát biểu bị cấm

Bà Kadeer viết một bài phát biểu đã được Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc chấp thuận trước. Nhưng bà không có ý định sẽ đọc bài viết đó.

Bà đã rất lo lắng. Trên đường lên sân khấu, bà vô tình làm đổ một bình trà trên một chiếc bàn.

Bà đối mặt với ba nghìn đại biểu quốc hội. Bà đã phát biểu trong 27 phút về những nông dân nghèo khó, về sự thiếu thốn một hệ thống giáo dục, và cách ứng xử bạo lực của chính phủ với các tù nhân chính trị.

Bà nói về việc những người nông dân không được phép tiêu thụ sản phẩm hoặc các công việc khác. Và nông dân cũng không được đền bù khi chính quyền Trung Quốc lấy đi nguồn đất tự nhiên của họ.

Chế độ này cũng ưu tiên sử dụng công nhân Trung Quốc hơn là dùng người Duy Ngô Nhĩ. Bà nói về gánh nặng thuế má đã bóp nghẹt những nhà kinh doanh Duy Ngô Nhĩ. Họ phải trả số tiền quá nhiều cho những người trung gian Trung Quốc, và họ bị cấm kinh doanh với những người Duy Ngô Nhĩ khác.

Sau cuộc họp, Lý Bằng, thủ tướng Trung Quốc khi đó, đã nói rằng bà đã có “một bài phát biểu rất tốt, nhưng trước tiên phải thảo luận vấn đề như vậy với riêng họ.”

Ba tháng sau đó, bà đã bị tước đi tất cả danh hiệu và trách nhiệm của mình.

Kiên cường

Kadeer bị tịch thu cả hộ chiếu, cả của anh trai và các con của bà. Chế độ cấm bà không được đi lại giữa các thành phố mà không có sự cho phép.

Bất chấp những cảnh báo, Kadeer đã không lùi bước.

Với sự cho phép của các quan chức, bà bắt đầu Phong trào một nghìn bà mẹ, trao quyền kinh doanh cho phụ nữ Duy Ngô Nhĩ.

Ảnh hồi trẻ của bà Rebiya Kadeer

Ảnh hồi trẻ của bà Rebiya Kadeer

Nhưng bà đã mắc sai lầm khi sử dụng từ “quốc tế” trong một bài phát biểu của mình. Đảng cộng sản Trung Quốc sợ rằng bà sẽ đạt tầm ảnh hưởng quốc tế và thắt chặt vòng kiếm soát. Những người đàn ông trong các bộ vest đen theo dõi bà.

Trước khi quá muộn, Kadeer kịp đưa người chồng thứ hai và bốn đứa con bé nhất của bà đến Hoa Kỳ.

Kekenus Sidik, cô con gái út, nhớ lại rời khỏi Trung Quốc vào lúc 7 tuổi.

“Tôi thậm chí còn không biết mẹ sẽ không đi cùng cho đến khi tôi lên máy bay và thấy mẹ không có ở đó,” Sidik cho biết.

Một vài việc nhỏ làm Kadeer biết rằng bà sẽ phải đi tù trong các năm tiếp theo vì bà dự định cắt những bài báo về một vụ thảm sát ở Tân Cương và gửi đến Quốc hội Mỹ. Bà bị buộc tội “làm rò rỉ thông tin an ninh quốc gia”, mặc dù các thông tin được công bố trên báo chí Trung Quốc.

Mãi đến khi Sidik 14 tuổi cô mới gặp lại mẹ  mình.

Giải thoát

Với nỗ lực phối hợp của các tổ chức như Tổ chức Ân xá Quốc tế và Freedom House, Kadeer đã đoạt giải Rafto về quyền con người khi vẫn ở trong tù, và điều đó đã thu hút sự chú ý quốc tế.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice bảo đảm giải thoát cho Kadeer vào năm 2005, khi đó bà Kadeer được trả tự do vì lý do y tế.

Ngay sau khi Kadeer tới Washington DC, thiên hướng đầu tiên của bà là tiếp tục các hoạt động của mình.

“Bởi vì thế giới đang theo dõi, tôi còn sống”, bà Kadeer nói. “Có hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ đã chết vì không ai biết họ đang chết”.

Bà cảm thấy bà không thể lãng phí thời gian vì cách đối xử khủng khiếp của chế độ với người Duy Ngô Nhĩ khi không chỉ giới hạn trong các vụ thử hạt nhân. Từ năm 1991, ngành công nghiệp y tế Trung Quốc đã thu hoạch nội tạng của các tù nhân Duy Ngô Nhĩ đang còn sống, theo nhà báo điều tra Ethan Gutmann đã viết trong cuốn sách của ông, “Vụ thảm sát: những vụ giết người hàng loạt, mổ cắp nội tạng, và giải pháp bí mật của Trung Quốc đối với những người bất đồng chính kiến”.

Chính quyền Trung Quốc cũng đã thực thi các chính sách nhằm mục đích tiêu diệt văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ một cách có hệ thống. Các trường học ở Tân Cương tăng cường sử dụng tiếng Trung Quốc là ngôn ngữ giảng dạy chính. Nhiều trường ở đô thị chỉ dạy tiếng Trung Quốc.

“Nhiều người Duy Ngô Nhĩ trẻ có trình độ đại học mà tôi từng nói chuyện thật sự lo sợ rằng trong tương lai không quá xa những người Duy Ngô Nhĩ sẽ nói tiếng Trung Quốc, biết rất ít về lịch sử Duy Ngô Nhĩ hay đạo Hồi,” Timothy Grose, một trợ lý giáo sư về Nghiên cứu Trung Quốc tại Học viện Công nghệ Rose-Hulman, người chuyên nghiên cứu về Duy Ngô Nhĩ.

Nhưng đó là khó khăn ban đầu mà Kadeer đã vượt qua bằng năng lượng như xưa ngay sau khi được giải thoát. Tâm thần của bà không ổn định sau khi bị giam giữ, đặc biệt là sau khi bị biệt giam.

Trong cuốn hồi ký của bà Kadeer “Chiến binh của rồng: thiên anh hùng ca của một phụ nữ đấy tranh cho hòa bình ở Trung Quốc,” bà viết về việc đôi khi ngồi trong gian bếp của mình ở Virginia và nhớ lại những cuộc đối thoại cũ.

“Anh có xem tôi là có tội hay là một tù nhân thì cũng chẳng có nghĩa gì hết. Cũng chẳng quan trọng nếu anh đánh tôi hoặc giết tôi,” bà hét lên với chính mình nhiều lần. “Tôi sẽ không tuân lệnh. Không!”

Vẫn giữ được sự sắc sảo

Mười năm sau, bà Kadeer đã hồi phục và tâm trí lại sắc bén – như cái hồi bà biến một doanh nghiệp giặt giũ của một người phụ nữ giặt quần áo bằng tay trong một căn hộ tồi tàn, thành một đế chế kinh doanh hàng triệu đô la.

Rebiya Kadeer,

Rebiya Kadeer, chủ tịch của Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới, tại nhà bà ở Virginia, ngày 20 Tháng Tám, 2015. (Samira Bouaou / Epoch Times)

“Mọi người không hiểu được bà tài năng đến mức nào,” Dru Gladney, một giáo sư nhân chủng học trường Pomona, tác giả của cuốn sách về người Hồi giáo thiểu số ở Trung Quốc cho biết. “Bà là một phụ nữ Hồi giáo ôn hoà và thông minh, người đã thành công trong kinh doanh không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở Mỹ”

Những ngày này, tại các sự kiện và các cuộc họp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban về Trung Quốc, bà thảo luận về tình hình người tị nạn Duy Ngô Nhĩ toàn cầu và việc Đảng cộng sản Trung Quốc tịch thu hộ chiếu của người Duy Ngô Nhĩ.

Đáng chú ý, bà Kadeer đã xoay xở để có được tài trợ từ Quỹ Quốc gia vì Dân chủ và từ các nhà tài trợ tư nhân cho hai tổ chức do bà đứng đầu, Hiệp hội Mỹ Duy Ngô Nhĩ và Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, tại thời điểm các nhóm Hồi giáo rất khó nhận được hỗ trợ tài chính.

Trong một nỗ lực để làm Kadeer mất nhuệ khí, năm 2006, chính quyền Trung Quốc bỏ tù bốn đứa con của bà. (các con của Kadeer đã dần dần được giải thoát. Người cuối cùng đã được tha vào tháng Năm năm nay.)

Sau vụ bắt bớ đầu tiên các con của bà, Kadeer đã cứng rắn trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự do và nói rằng bà sẽ không từ bỏ các hoạt động của mình.

Bà đã bật khóc khi micro tắt.

“Nếu bây giờ tôi dừng lại họ sẽ thả bốn đứa con của tôi”, bà nói trong một phim tài liệu về bà có tên là “10 Điều kiện của tình yêu.” “Nhưng họ sẽ triệt phá đất đai và dân tộc  tôi. Khi đó, hạnh phúc của tôi sẽ là máu của người dân của tôi. ”

‘Osama bin Laden của Trung Quốc’ hay  ‘Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tân Cương’?

Từ sau khi Kadeer được thả, những nỗ lực của người Duy Ngô Nhĩ để kể câu chuyện của họ đã trở nên có tổ chức hơn và có hiệu quả hơn – tổ chức các hội nghị trên toàn thế giới và gặp gỡ với các quan chức chính phủ không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở châu Âu và Australia.

Kadeer thường thích được ví là “Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tân Cương,” điều không hoàn toàn chính xác, vì, không giống như Đức Đạt Lai Lạt Ma, bà không phải là một nhà lãnh đạo tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ. Chính quyền Trung Quốc gọi bà là “Osama bin Laden của Trung Quốc.”

Khi Hoa Kỳ chuyển đổi trọng tâm chính sách đối ngoại vào chống khủng bố sau ngày 11/9, Trung Quốc đã nắm cơ hội để hình thành một liên minh với Tổng thống George W. Bush, bóng gió rằng những người Duy Ngô Nhĩ đã kết nối với các nhóm khủng bố toàn cầu.

Có một nhóm nhỏ người Duy Ngô Nhĩ gọi là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan đã phản ứng bạo động chống lại chính sách của chế độ Trung Cộng.

Rebiya Kadeer,

Rebiya Kadeer, chủ tịch của Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới với Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một bức ảnh tại nhà bà. (Samira Bouaou / Epoch Times)

Đây là một trong những lý do tại sao người Duy Ngô Nhĩ đã không nhận được nhiều thiện cảm từ phương Tây như Tây Tạng, mặc dù lời tuyên bố về chủ nghĩa khủng bố là vô căn cứ.

“Họ chủ yếu quan tâm đến việc giải phóng Đông Turkestan, không có mục tiêu làm chiến binh thánh chiến toàn cầu”, Gladney nói, lưu ý rằng các hoạt động của al-Qaeda – chẳng hạn như các vụ đánh bom tự sát, đánh cơ sở hạ tầng, và các thứ vũ khí lớn tinh vi – không xuất hiện trong các cuộc tấn công bạo lực của người Duy Ngô Nhĩ.

“Một vài vụ, tăng lên trong năm năm qua, đã cho thấy rằng họ không được tổ chức tốt,” ông nói. “Có những hành vi bạo lực lẻ tẻ quy mô nhỏ bé như sử dụng dao, có thể có vài khẩu súng, có thể là một chiếc xe jeep, nhưng họ không phải là một tổ chức đang bị thao túng bởi các tổ chức khủng bố toàn cầu.”

Bush đã từ đó nhận ra rằng người Duy Ngô Nhĩ không có mối liên hệ với thánh chiến.

Kadeer đã có cuộc gặp riêng Tổng thống George W. Bush năm 2007 tại một cuộc hội nghị về dân chủ và an ninh ở Prague, nơi ông đã ca ngợi Kadeer là “có giá trị cao hơn so với các loại vũ khí của quân đội [Trung Quốc] hoặc dầu hoả dưới mặt đất”, theo một thông cáo báo chí của bộ phận lưu trữ của Nhà Trắng.

Hiệp hội Duy Ngô Nhĩ Mỹ ở Washington DC đã dành rất nhiều thời gian điều tra và vạch trần những tin đồn cho rằng những bi kịch ngẫu nhiên – chẳng hạn như các vụ nổ và cháy thảm khốc hồi đầu tháng này ở Thiên Tân, hoặc vụ đánh bom ngày 18 tháng Tám một ngôi đền Phật giáo ở Bangkok – là việc của những kẻ khủng bố Duy Ngô Nhĩ.

“Trung Cộng muốn biến người Duy Ngô Nhĩ trở thành những kẻ khủng bố để họ có cái cớ giết người hợp pháp,” Kadeer nói. “Nhưng chúng tôi sẽ không dùng bạo lực. Chúng tôi sẽ không để họ có những gì họ muốn. ”

Về những người con của Kadeer vẫn còn sống ở Tân Cương, nhiều người đang ở trong tình trạng thảm khốc. Họ bị quản chế tại nhà và bị cấm tìm kiếm việc làm. Họ cũng không được phép nhận hỗ trợ tài chính từ Kadeer.

Kanat, Giám đốc Quỹ nhân quyền và dân chủ cho người Duy Ngô Nhĩ quốc tế, cho biết chế độ coi sự hỗ trợ đó “tương đương với một người nào đó ở Mỹ nhận tiền từ al-Qaeda.”

Một chặng đường dài

Kadeer và Kanat nghỉ ngơi tại nhà hàng Pret a Manger sau một cuộc họp. Họ gọi trà sữa nóng mặc dù đó là một buổi chiều oi bức. Giai điệu bài “một ngày đẹp trời” của Michael Bublé vọng đến từ máy stereo, nhưng những suy nghĩ của bà Kadeer đã vào neo sâu vùng Đông Turketan.

Rebiya Kadeer

Rebiya Kadeer, chủ tịch Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới, trên đường đến văn phòng tại Washington, ngày 20 tháng 8, 2015. (Samira Bouaou / Epoch Times)

Mặc dù Kadeer đã hai lần được đề cử cho giải Nobel Hòa bình, bà biết bà đã không hoàn thành công việc của đời mình.

“Cho đến khi dân tộc tôi được tự do tôi không thể nghỉ ngơi,” bà nói bằng tiếng Quan Thoại. “Tôi cảm thấy mệt mỏi nếu tôi không làm việc.”

Công việc của bà còn nhiều khó khăn phía trước, vì có một phân chia giữa những người Duy Ngô Nhĩ.

“Một số người Duy Ngô Nhĩ muốn bà lên tiếng cho sự độc lập,” Gladney nói. “Cho đến nay, Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới đã thông qua một cương lĩnh chính trị như những người Tây Tạng – một cương lĩnh đòi quyền con người và quyền tự chủ lớn hơn. Nó vẫn còn thiếu tính độc lập. ”

Kadeer không lo lắng và tập trung vào những gì bà có thể làm hiện nay.

Bất cứ khi nào có thời cơ, bà rời đi trong nháy mắt. “Đôi khi tôi thậm chí không biết mẹ đã ra nước ngoài cho đến khi mẹ gọi về từ nước khác,” con gái Sidik của bà cho biết.

Kadeer thường xuyên di chuyển và nói chuyện trên các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới – từ Úc, Đức, tới Nhật Bản, nơi bà đã được tái bầu làm chủ tịch của Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới vào năm 2012.

Tệ hơn nữa, một khó khăn mà Kadeer luôn phải đối mặt là bản chất hay thay đổi của quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

Tổng thống Bush đã tiếp Kadeer tại Nhà Trắng. Nhưng chính quyền Obama, đã mời Đức Đạt Lai Lạt Ma, lại không mời Kadeer.

Mặc dù vậy, Kadeer đã giành được sự tôn trọng của nhiều quan chức ở Washington, theo S. Frederick Starr, Chủ tịch Viện Trung Á-Cap-ca-dơ, người đã tham dự cuộc họp với Kadeer.

“Tuy nhiên, thật không may, sự thờ ơ của Bộ Ngoại giao … đã hạn chế tác động của bà Kadeer,” Starr nói.

Trở ngại khác là Hiệp hội Mỹ Duy Ngô Nhĩ chỉ có đội ngũ nhân viên hạn chế với 6 người.

Kanat phải nhập viện vì đau tim vào chủ nhật, ngày 23 tháng Tám. Ông tiếp tục thực hiện những cuộc gọi công việc từ bệnh viện và trở lại văn phòng vào thứ tư tuần sau đó.

“Chúng tôi rất ít người, nhưng chúng tôi có rất nhiều vấn đề với chính phủ Trung Quốc”, Kanat nói.

Tuy nhiên, có vấn đề là người Duy Ngô Nhĩ lại không nổi tiếng như những người Tây Tạng.

Kadeer không được chú ý đến khi bà đi trên đường phố của Washington và ăn tối tại nhà hàng. Nếu Đức Đạt Lai Lạt Ma ở những nơi công cộng như vậy, sẽ là một kịch bản khác.

Nhưng Kadeer không nản lòng vì điều đó. Không bao giờ.

Khi Kadeer còn là một bà nội trợ Hồi giáo không có giáo dục, cộng đồng của bà nói rằng cuộc sống của bà đã kết thúc sau khi người chồng đầu tiên của bà mất, bà có sáu người con với ông. Tuy nhiên, sau khi ly hôn, bà đã trở thành một trùm kinh doanh.

Vậy điều gì sẽ làm Kadeer ngừng tin tưởng rằng bà có thể mang lại tự do cho người Duy Ngô Nhĩ?

Bà hy vọng sẽ quay trở lại một Đông Turkestan tự trị trong vòng 10 năm tới. Mặc dù bà đã sống ở Hoa Kỳ một thập kỷ, bà vẫn giữ một hộ chiếu Trung Quốc.

Rebiya Kadeer,

Rebiya Kadeer, chủ tịch của Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới, tại nhà bà ở Virginia, ngày 20 Tháng Tám, 2015. (Samira Bouaou / Epoch Times)

Tác giả: Amelia Pang, Epoch Times | Dịch giả: Xuân Dung

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN