Sơ lược sự phát triển của Văn minh Trung Hoa

Sơ lược sự phát triển của Văn minh Trung Hoa

Cũng như các văn minh nông nghiệp ở Ai cập, Lưỡng Hà, Ấn độ đời thượng cổ, văn minh Trung Hoa phát tích và cấu thành trên một vùng duyên giang phì nhiêu rất thuận lợi cho việc cầy cấy, trồng trọt và cho sự quy tụ trù mật của dân cư.

Văn minh Trung Hoa

Trung Hoa xưa. Ảnh: dulichviet.net.vn.

Theo sự nghiên cứu của các nhà khoa học, cư dân bán tộc đã từ miền sơn hạ phía Tây Bắc theo triều sông Hoàng Hà tiến dần về phương Đông Nam, khai thác hai khu Cam Túc và Thiểm Tây. Rồi họ lại men theo sông Hán, xâm lăng lưu vực sông Dương Tử, khai thác ba khu vực, Hồ Nam, Hà Bắc, Giang Nam. Sau cùng khi đã thành một văn minh nông nghiệp phồn thịnh, một mặt họ chinh phục các miền sơ cước ở phương Nam (Tứ Xuyên, Hồ Nam, Quý Châu, Giang Tây); còn một mặt nữa họ ra sức tảo trừ các man tộc hung hãn ở miền thảo nguyên phương Bắc[1].

Trong cuộc di cư và khai thác liên miên ấy, dân Trung Hoa đã tiếp tục trải qua những trạng thái mông muội, cựu thạch, tân thạch như mọi dân thượng cổ khác. Ngày nay tuy các nhà khảo cổ đã phát kiến được ít nhiều di tích kỹ thuật của thời tiền sử (ở Bắc Kinh, Tân Điếm, Tự Oa, Sa Tỉnh) nhưng ta cũng chưa thể lý hội được rõ ràng, (vì tài liệu còn khiếm khuyết) cuộc sinh hoạt của dân Trung Hoa thái cổ. Chỉ iết rằng ngày mà cuộc sinh hoạt ấy hiện ra trước ánh sáng của chính sử (năm 1898-1899 các nhà khảo cổ đào được ở Ẩn Khư thuộc vùng Hà Nam những hộp rùa có thích chữ tượng hình ghi chép về thuật chiêm bốc của nhà vua triều Ấn khoảng thế kỷ thứ XI trước T.L) thì nó đã tổ chức có trật tự phân minh rồi. Dân sống bằng nghề chăn nuôi mục súc và canh tác. Cầy cuốc làm ruộng toàn bằng đá. Đã biết nuôi tằm, dệt tơ. Chưa biết bón phân nên chỗ đất nào hết màu thì bỏ đi trồng đất khác. Biết làm đồ sành, đồ đồng, phần nhiều dùng để tế lễ và đựng thức ăn.

Một số hiện vật và cổ vật khác khai quật được tại di chỉ khảo cổ Ẩn Khư

Một số hiện vật và cổ vật khác khai quật được tại di chỉ khảo cổ Ẩn Khư được trưng bày trong bảo tàng. Ảnh: Khoahoc.tv

Nhiều gia đình tổ chức theo phụ hệ họp lại thành thị tộc. Về phương diện chính trị thì nhà vua là người cai trị toàn xứ, nhưng chỉ có danh mà không có thực. Vì xã hội chia ra rất nhiều bộ lạc có những vị tù trưởng quản trị biệt lập không chịu quyền chi phối của trung ương, chỉ hàng năm triều cống lễ vật thôi. Trong xứ, sự phân chia giai cấp đã rõ rệt. Từng trên là một thiểu số quý tộc (vua, chư hầu, khanh tướng, đại phu, sĩ) giữ quyền thống trị; từng dưới là một khối dân chúng cần lao không có ruộng đất, không có tài sản, khong có quyền hành. Vì chiến tranh xẩy ra luôn nên cuối đời Ân số binh sĩ chiến bại bị bắt về làm nô lệ rất nhiều. Lúc đánh nhau dùng vũ khí (cung, tên, giáo, búa) bằng đồng, chưa biết dùng sắt.

Đến đời nhà Chu (1134-249), nhất là thời Xuân thu về sau (722-481) cho đến thời Chiến quốc (481-121) dân Trung hoa học được của các man tộc phương pháp chế luyện sắt, nên kinh tế nông nghiệp bột phát, lực lượng sản xuất tăng lên bội phần, gây ra những quy tụ giai cấp mới, làm đảo lộn cả xã hội. Thời Xuân thu, Chiến quốc coi như thời kỳ cấu thành quyết định của văn minh Hán tộc. Các triều đến sau (Hán, Tùy, Đường, Tống…) chỉ còn việc tiếp tục vun xới hình thái văn minh đã định sẵn đó.

Chính trị.

Từ sau khi diệt được nhà Ân, Vũ Vương lên ngôi thiên tử đóng đô ở Cảo kinh. Em Vũ Vương là Chu Công Đán liền tổ chức lại nền chính trị, đem các đất đại chiếm trong nước phong lại cho các tù trưởng cũ. Nhưng các nơi hiểm yếu đều phong cho các công thần đệ tử để trấn áp chư hầu. Bở cõi chỉ có mấy quận Cam Túc, Sơn Tây, Hà Nam, Thiểm Tây dọc theo sông Hoàng Hà mà chia ra thành hơn 100 tiểu quốc. Vì thế mà quyền trung ương suy vi, chư hầu dễ khởi loạn. Sau cuộc đảo chính năm 842 trước T.L (nhân dân lật đổ Lệ Vương và bầu hai vị khanh tướng Chu và Thiện lên cầm quyền) thì thế lực nhà Chu tàn lụi hẳn đi, phải rời đô sang phương Đông (Lạc Dương).

Xem thêm: Chu Lệ Vương tàn ác, bị dân lật đổ nhốt cũi lợn mà chết

Rợ Kinh Man ở phía Nam (tức là nước Sở) thấm nhuyễn được văn minh Trung Nguyên, đã thành cường thịnh bèn xâm lăng Trung Nguyên. Các chư hầu nước Tề, nước Tấn liền liên kết các bộ lạc chống Sở. Sở suy, hai nước Ngô Việt lại nổi lên tranh giành bá quyền. Rồi đến Tề bị quan đại phu Điều thị cướp ngôi, Tấn bị ba nước Hán, Triệu, Ngụy qua phân. Sở và Yên lại thịnh dần. ở phương Tây, nước Tần cũng đang quật khởi. Thế là thành cái cảnh tượng Thất quốc tranh hùng làm cho nhân dân đồ thán hàng mấy trăm năm. Sau Tần Thủy Hoàng chinh phục được sáu nước thù, lên ngôi hoàng đế thống nhất quốc gia, trị vì được từ 221 đến 210 gây cho Trung Hoa một nền chính trị tập trung rất chu đáo làm rường cột cho sự phát triển văn hóa của những triều đến sau.

Tần Thủy Hoàng thi hành chế độ quận huyện và tập trung chính quyền. Toàn quốc chia làm 36 quận, mỗi quận đặt quan văn (Thú) quan võ (Úy) và quan Giám để giữ việc cai trị. Các quan địa phương ấy cũng như các quan ở trung ương (Thừa tướng, Ngự sử) đều do hoàng đế trực tiếp nhiệm mệnh. Quận huyện phải lệ thuộc vào trung ương; và quyền trung ương đều cả ở tay hoàng đế. Chế độ quân chủ chuyên chế này đã làm quy mô căn bản cho nền chính trị Trung Hoa từ triều Hán về sau này. Thứ chính trị đó chỉ đứng vững được khi nó ở trong tay một vị hoàng đế anh dũng và sáng suốt. Nếu hoàng đế mà không phải là một cá nhân xuất chúng thì chính lệnh sẽ mất hết giá trị và hiệu nghiệm.

Tần Thủy Hoàng

Tần Thủy Hoàng, vị vua tài ba có công thống nhất đất nước Trung Hoa. Ảnh: Báo Giáo dục Thời đại.

Cho nên, sau khi Tần Thủy Hoàng mất đi, con lên nối ngôi không có đủ tài năng để thống lĩnh quyền chính, thì trong nước lại diễn ra cảnh phân tán loạn lạc. Một viên đình trưởng là tên Lưu Bang xuất hiện trong tình trạng rối ren ấy, diệt tan được các phe địch, dứt nhà Tần đánh bại Hạng Vũ (nước Sở) rồi lên ngôi Hoàng đế, mở đầu nhà Hán. Hán Cao đế tham bác chế độ quận huyện của Tần Thủy Hoàng và chế độ phong kiến của Chu Công Đán, vẫn tập trung chính quyền mà lại cắt cử các bà con thân thích cùng các công thần sáng nghiệp cho cai trị các địa phương để làm vây cánh cho vương tộc. Dần dần Cao đế dùng mưu giết hại công thần chỉ để quyền bính địa phương cho bà con thân thích. Sau rốt lại bắt các bà con thân thích về tụ tập cả ở trung ương và cắt những viên quan liêu đi cai trị các nước chư hầu. Đến đời Hán Vũ Đế thì chính sách trung ương tập quyền lại càng tổ chức chặt chẽ hơn nữa.

Loạn Vương Mãng sức mạnh xâm lăng của rợ Hung Nô, nạn ngoại thích hoạn quan chuyên chế đã phá vỡ cơ đồ nhà Hán, khiến ở Trung Quốc bày ra cái thế tam quốc phân tranh (Ngô, Ngụy, Hán) từ 220-264, mới có Tấn Vũ đến đủ tài lực bình được mối loạn, thống nhất giang san. Nhưng Tấn Vũ Đế lại tổ chức chính trị theo chế độ phong kiến nên chẳng bao lâu các chư hầu tôn thất lại nổi lên chống quyền trung ương, mở đường cho các rợ phương Bắc quật khởi gây ra loạn Ngũ hồ. Rồi lại đến thời Nam Bắc triều (386-550). Sau có nhà Tùy thống nhất được toàn quốc (589-617). Chính trị nhà Tùy là chính trị trung ương tập quyền, không phân phong cho tôn thất và công thần,c hỉ dùng toàn quan liêu cai trị các quận, mà quan liêu thì dùng khoa cử kén chọn để mở lối cho kẻ sĩ ra làm quan. Nhưng vì nhà Tùy ưa việc kiến trúc quá, lại hay chinh chiến xa nên phải đánh sưu cao, thuế nặng, dân phải ra lính hoặc làm giao dịch xây lâu đài dinh thự bị đói rét, chết chóc nhiều. Bởi vậy, nông dân luôn luôn khởi loạn (trước sau hơn 100 đám) làm cho nhà Tùy phải đổ.

Sau nhà Tùy là nhà Đường. Trung quốc về thời này (618-904) đạt đến độ cực thịnh. Trong nước thì công và thương nghiệp phát đạt, chế độ phong kiến quan liêu hoàn thành, ngoài thì chinh thuộc xứ sở của rợ. Đột Quyết (Turkestan) đô hộ các nước Cao ly và giao hiếu với Nhật Bản chiếm được các nước Tây vực ở phía Nam Bắc Thiên Sơn, thông hiếu với Tây Tạng, Ấn độ, Ba Tư, Đại Thực, Nhật bản về phương Nam thì chiếm Giao Châu, Phù Nam (Xiêm La), Bà Lị, Chà Và (Java) Phật thệ (Sumatra) đều xin triều cống; quốc thế Trung Hoa thời đó thật là lừng lẫy. Từ đời Tống về sau không lúc nào được như thế nữa.

Kinh tế.

Sự phát triển về chính trị của các thời Tần, Hán, Tùy, Đường, là do sự phát triển kinh tế quy định. Hai yếu tố ấy (chính trị và kinh tế) tác động giao hỗ đến nhau khoảng non nghìn năm, đã tạo thành mực tiến hóa của văn minh Trung Quốc.

Ngay từ thời Xuân Thu, Chiến quốc, sự biết chế luyện sắt đã biến cải hẳn trạng thái nông nghiệp Trung Quốc. Sức sản xuất nhờ có lưỡi cày sắt mà tăng giá trị bội phần, gây ra sự phú túc về tài sản của các chư hầu. Gia dĩ, nông nghiệp khi đã tiến phát lại đòi hỏi một quá trình lao động rộng rãi hơn. Quá trình này lại đòi hỏi một trạng thái kinh tế và chính trị tập trung hơn, thống nhất hơn. Bởi lẽ đó nên thời Xuân Thu, Chiến quốc đường giao thông trên bộ và dưới nước đã được mở mang nhiều. Nhờ đó, thương nghiệp và công nghiệp cũng phát đạt theo. Sự chuyên mãi của nhà nướ về muối, sắt, lâm sản làm cho các nước chư hầu rất phú cường.

Những đô thị lớn phát sinh như Lâm Trị (ở Tề), Hàm Đan (ở Triệu), Đại Lượng (ở Ngụy), Hàm Dương (ở Tần).

Hàm Dương

Hàm Dương là một trong những kinh đô cổ đại nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Nơi này được chọn làm kinh đô của nhà Tần trong thời kỳ Chiến quốc. Khi đó, Tần Thủy Hoàng đã chuyển kinh đô về đây vào năm 250 trước công nguyên. Ảnh: Báo Mới.

Trong lúc cơ sở kinh tế của Trung Hoa hồi đó đang đòi hỏi sự thống nhất, thì Tần Thủy Hoàng diệt được các chư hầu, lập ra một đế triều mạnh, thi hành chính sách tập trung chính quyền, hủy bỏ các trở lực phong kiến đang ràng buộc thương nghiệp, đào kênh, đắp vạn lý trường thành; thống nhất phép đo lường và tiền tệ, thống nhất cả văn tự, tư tưởng, tín ngưỡng – biến Trung quốc ra một nước phú cường uy danh lẫy lừng cả một cõi Đông Á.

Nhà Hán hưởng được nền nếp phú cường ấy nên mới đủ điều kiện mà khuếch trương đế quốc, cải cách chính trị và tiếp tục công cuộc làm phát triển sức hoạt động kinh tế của toàn xứ. Vua nhà Hán lập ra những công tác cục, vận tải cục để mở mang đường sá, khiến sự giao thông và sự hồi đoái được dễ dàng nhanh chóng. Nhà vua lại cho quốc gia quyền chuyên mãi muối, sắt, độc quyền đúc tiền và đặt ra các xưởng công nghệ quốc gia, kích thích sự chăn nuôi ngựa và cừu, đào ngòi dẫn thủy, đắp đê, chế tạo ra cả một bộ hải thuyền vừa dùng vào việc thương mại vừa dùng vào việc chiến tranh và chinh thuộc.

Sự giao thiệp của Trung Quốc với Tây phương đã bắt đầu từ đời Tây Hán. Từng đoàn hành hương đem tơ lụa đến tận Ferghana, Pamir bán cho các đoàn hành hương Cận đông để các đoàn này đem bán lại ở Tiểu Á, ở Syrie, ở Antioche, ở Tyr. Thế kỷ thứ VI, dưới triều Hoàng đế Justinien thì ở Constantinople bắt đầu biết nuôi tằm (học được của Trung quốc). Rồi từ đấy nghề tằm tơ chuyển sang đến Âu châu (thế kỷ XI) do xứ Sicile làm môi giới. Các phát minh khoa hoc như thuật làm giấy, nghề in, đá nam châm cũng do Trung quốc tìm ra được từ khoảng thế kỷ II đến thế kỷ VII rồi truyền cho Âu châu.

Bởi kinh tế phát đạt mạnh như vậy nên các đô thị về các đời Hán, Đường hấp dẫn được các nhà buôn ở khắp thế giới. Nhất là về đời nhà Đường thì sự nhộn nhịp của công việc buôn bán ở các đô thị Trung quốc càng tăng lên gấp bội. Trung quốc về thời đó là một nước giàu nhất hoàn cầu.

Đến đời nguyên thì sự giao dịch thương mại của Trung Quốc với thế giới lại càng mở rộng. Thành Cát Tư Hãn đã nối Trung Quốc với các xứ Đột quyết, Ấn độ, Ba tư, Nga, Mã Lai, Âu châu. Châu Thành cát tư hãn là Koubilai lại chỉnh đốn đường sá, đặt trạm, khai mỏ, mở mang phạm vi thương mại to rộng hơn trước. Những sách du hí của Marco Polo (1271-1292)và của Ihn Battuta (1342-1349) đã để lại cho thế giới một bức tranh sán lạn về cuộc sinh hoạt Trung quốc cuối thế kỷ XIII và đầu thế kỷ XIV. Thật chưa có thời nào trạng thái sinh hoạt của Trung Quốc đạt đến được trình độ của thời ấy.

Xem thêm: Thành Cát Tư Hãn và cuộc chiến của những chiếc xe ngựa

Chỉ tiếc rằng sức phát triển kinh tế ấy thường cứ theo những cuộc biến động chính trị mà gián đoạn luôn luôn. Từ đời Đường về sau thì cả chính trị lẫn kinh tế Trung quốc càng ngày càng trầm trệ. Không có xứ nào mà chính trị lại thường xáo động như ở Trung Quốc. Nguyên nhân là bởi xã hội Trung Quốc bị phân chia ra nhiều tiểu đoàn thể tự trị quá. Nhà, làng, tổng, huyện, phủ, quận: chẳng có đoàn thể nào dính chặt chẽ với đoàn thể nào, giây liên lạc bất ngoại thuế má, giao dịch. Cho nên khi trong nước có một vị minh quân điều khiển thì yên, khi vua mà bạo ngược hoặc nhỏ dại thì hoạn quan ngoại thích chuyên quyền, sĩ phu phản kháng, nông dân bạo động, chính phủ trung ương bất lực không tào nào giữ được sự trị an nữa.

Sự tổ chức xã hội đó đã ngăn cản không cho tinh thần công dân nảy nở. Tinh thần ái quốc cũng vì thế mà ẻo lả. Xã hội không thành được một hữu cơ thể có hệ thống chặt chẽ. Đã vậy thì những bộ quan năng chính trong xã hội cũng phải rời rạc ảnh hưởng lẫn nhau gián đoạn và chậm chạp.

Tư tưởng.

– Khác hẳn tư tưởng Ấn độ, tư tưởng Trung Hoa lúc nào cũng có tính cách duy lý và thực tiễn. Nó không bị lệ thuộc vào một uy quyền đạo giáo siêu hình nào. Nó ít băn khoăn về nguồn gốc và bản thể vũ trụ, về thế giới vô hình. Nó chỉ là một công cuộc khám phá những thuật sống còn ở hiện tại cho thích hợp với xã hội hiện tại. Nó là một khoa nhân sinh học thực dụng. ởi vậy nên các tôn giáo siêu hình (Phật giáo, Lão giáo) muốn sinh tồn ở Trung Quốc cũng phải biến tính đi. Lão giáo thì đã biến hẳn ra một thứ đạo thần tiên của các thầy phù thủy, các phương sĩ. Còn đạo Phật nguyên thủy thì đã phải tham hợp với tính cách xã hội và thực tiễn của tư tưởng Trung quốc. Ta có thể lấy một thí dụ nhỏ sau đây để chứng minh được điều ấy. Như ở Ấn theo sự tích thì đức Phật Thích Ca ban đêm bỏ nhà ra đi tu hành một cách bí mật. Ở Trung Hoa, vì giường cột luân lý của xã hội là chữ hiếu nên sự tích kia cũng đã bị xuyên tạc đi cho khỏi trái với đạo hiếu. Các nhà tư tưởng Trung Hoa đã để Thích Ca báo tin cho cha biết ý định đi tu của mình và xin phép cha được quyền thực hành ý định. Trong những hang động ở Đôn Hoàng, các nhà điêu khắc theo Phật giáo đã tạc vào đá cảnh Đức Phật Thích Ca quỳ trước mặt cha, cũng là theo ý kiến trên kia các nhà tư tưởng.

Hang Đôn Hoàng, Văn minh Trung Hoa

Một bức điêu khắc về Đức Phật trong hang Đôn Hoàng. Ảnh: dkn.tv.

Xưa nay đạo Khổng Mạnh vẫn được coi là tinh túy của tư tưởng Trung Quốc chỉ bởi nó đã phát huy được đến tận độ tính cách xã hội và là một người đã có công đem các kinh nghiệm của cổ nhân về trị nước an dân tập hợp lại thành một hệ thống.

Xét cho kỹ thì Khổng giáo chỉ là một triết lý thống trị của giai cấp đại địa chủ và quan liêu dùng để củng cố địa vị vu thăng của nó. Mới phôi thai thì nó còn có tinh thần cấp tiến lấy lẽ biến dịch làm nguyên tắc. Dần dần các triều vua Hán, Đường, Tống đã xuyên tạc nó đi và biến nó ra thành một tên cảnh binh của chế độ phong kiến quân chủ. Sự xuyên tạc này và uy quyền chính trị đã làm khô cạn óc sáng kiến thuần lý của các nhà trí thức Trung Hoa và giam hãm họ vào một phạm vi công thức chật chội, nghèo nàn. Gia dĩ, các nhà trí thức ở Trung Quốc lại biệt lập thành một đẳng cấp kín bưng – đẳng cấp sĩ phiệt. Tư tưởng của họ luẩn quẩn trong kinh điển thánh hiền nhiều quá, lâu quá, không còn bắt rễ ở thực tế xã hội nữa. Năng lực kiến trúc luân lý của nó cũng không được vun sới nữa. Tất nhiên nó phải héo dần nhựa sống, mất dần giá trị thực tiễn. Đã thế đẳng cấp sĩ phiệt lại là hạng người gần như giữ đọc quyền về sự cung cho quốc gia bộ máy quan liêu. Cho nên nó đã dùng uy quyền thánh hiền và uy quyền chính trị kìm kẹp hết các năng lực phát triển của tư tưởng Trung Quốc. Rồi do luật ảnh hưởng giao hỗ trong xã hội, đẳng cấp thống trị ấy đã làm ngừng cả sức phát triển của sinh sản lực kinh tế của đoàn thể. Vì thế mà văn minh Trung quốc không vượt ra khỏi được trạng thái trầm trệ, năng lực trí tuệ của dân Trung Quốc không thoát được tính cách nhân tuần, bảo thủ, thực dụng một cách thấp kém.

Văn học và Nghệ thuật.

Về văn học dân Trung quốc sở trường về các môn sử ký nghị luận và thi ca. Sử học trung quốc phát sinh rất sớm vì nó hợp với tính ưa chuộng sự thực xã hội của người Trung quốc. Nhưng đến đời Tiền Hán mới thấy xuất hiện quyển sử đầu tiên (của Tư Mã Thiên) viết có mạch lạc biên chép các công việc từ thời vua Hoàng đế đến thời vua Võ Hán Đế. Tuy viết có mạch lạc nhưng bộ sử của Tư Mã Thiên vẫn thiếu một kiến trúc tư tưởng kiên cố, chú trọng về sử liệu nhiều mà nhãng phần tinh tác tư tưởng nó làm nên giường cột của một tác phẩm văn học. Bộ sử Tư Mã Thiên vẫn được các sử gia Trung quốc gọi là kiểu mẫu bất di dịch. Nên các bộ sử Trung quốc viết vào các thời sau đều bắt chước cách biên chép của Tư Mã Thiên và cốt não của lối chép sử Tư Mã Thiên.

Về môn nghị luận, các nhà trí thức Trung quốc cũng trước tác được rất nhiều. Kể từ Tứ thư, Ngũ kinh đến các pho sách triết học đồ sộ của các nhà Nho đời Hán, Tùy, Tống, Đường thứ văn học nghị luận và thuyết lý ở Trung quốc quả là phong phú. Nhưng vì bị nô lệ cho kinh điển và bị phép huấn hễ ràng buộc, các nhà tri thức tác giả những pho sách kia – trừ đôi ba người ra – phần đông chỉ không đàm phiếm luận, cốt viết văn cho kêu, cho đối chứ không phát minh ra được tư tưởng nào gọi là độc đáo cả.

Về thi ca, tính cách hình thức ấy (formalisme) cũng đã rút dần, hết sinh lực tình cảm của thơ văn Trung quốc chỉ còn đẻ ra được những bài thơ công thức, âm điệu thì thật dồi dào mà tình tứ thì nghèo nàn hết sức. Trừ đôi ba thi sĩ có cảm xúc chân thực khi tiếp xúc với thực trạng xã hội (như Đỗ Phủ, Tô Đông Pha) còn thì toàn là những thi phẩm sáo, rống tuếch có tính cách thù tạc hoặc phù phiếm. Đó là kết quả của sự li dị giữa thi nhân và xã hội.

Ngoài ba môn ấy ra , dân Trung quốc còn trước tác ra nhiều kịch và tiểu thuyết. Nhưng các nhà đại văn hào thường khinh miệt hai loại văn này nên không chuyên tâm sáng tác. Kịch chỉ có Tây Sướng Ký và Tỳ bà, tiểu thuyết chỉ có vài bộ như Đông chu Liệt quốc, Tam quốc, Liêu trai là còn giá trị về tư tưởng và văn nghệ. Còn những tác phẩm khác thuộc hai loại ấy đều không đáng cho ta chú ý.

Nghệ thuật hội họa Trung quốc bắt đầu phát triển từ thế kỷ thứ III trước T.L, nhờ sự sáng chế ra bút vẽ (pinceau). Các nhà nho mới đầu vẽ trên lụa đến thế kỷ II trước T.L. mới biết vẽ lên tường, lên gỗ. Họ vẽ như là viết chữ ra (calligraphie). Bởi lẽ đó mà không chú trọng về sự nổi bật, về thể khối, về bóng, về những quy tắc viễn thị (perspective). Về kỹ thuật thi thế, còn về tinh thần bức họa thì các họa sĩ Trung Quốc không thiên về tả chân và phân tách. Bức vẽ là một bài thơ. Quan niệ này đã tạo ra được một số họa phẩm kiệt tác kể về vẻ thanh lịch, tế nhị, về ý nghĩa tượng trưng. Nhưng quan niệm ấy cũng đã ngăn cản họa sĩ không ngoi lên được những tầng cao của tư tưởng, của thế giới siêu hình.

Từ thế kỷ IV đến thế kỷ VI sau T.L, thuật điêu khắc đã nhờ có ảnh hưởng của Phật Giáo mà nhiễm một tính cách bay bổng, bông bột phi thường. Nhưng từ triều Minh về sau cho đến hiện đại, thuật điêu khắc kém hẳn sinh sắc vì nó bị đóng khung vào tình cách tồn cổ và hàn lâm viện.

Người Trung Quốc còn có biệt tài về thuật nặn các hình bằng đất nung, hoặc nặn hình người như ở thời Bắc Ngụy, hoặc nặn hình trâu, ngựa, lạc đà, tượng phụ nữ như ở đời Đường, nghệ thuật ấy đã đạt được một tính cách tế nhị và thanh thù hiếm có.

Nhưng sự thành công rực rỡ nhất của nghệ thuật Trung Quốc là môn làm đồ sứ, đồ đồng đen, đồ gốm, đồ sơn. Những công trình nghệ thuật tiểu kỷ này thật là những sản phẩm kiệt tác. Nhất là về thuật đồ sứ tráng men (nẩy nở giới triều Tống) thì các nghệ sĩ Trung Quốc quả là bậc thầy. Các nước Ba Tư, Ả rập, Ai Cập về Âu Châu đều phải chịu làm học trò Trung Quốc về thuật ấy.

Văn minh Trung Hoa: Gốm sứ

Những màu men rất sâu và độc đáo của gốm sứ Trung Hoa. (Ảnh: Bảo Tàng Cố Cung Đài Bắc)

Xem vậy, địa hạt sở trường của nghệ thuật Trung Quốc là địa hạt của sự khéo tay, sự tỷ mỉ, chứ không phải đại hạt của tư tưởng vững chãi và bay bỗng, điều nhận xét này càng đúng nữa khi ta nghiên cứu thuật kiến trúc của Trung Quốc. Không có một công trình kiến trúc nào thật là đồ sộ (như Kim tự tháp)- trừ Vạn Lý trường thành. Các kiến trúc phẩm ở Trung Quốc đều có tính cách trang sức. Điểm đặc sắc nhất là kiểu nhà có những mái cong ở bốn góc chồng lên nhau và dựng lên những dãy cột lớn chạm trổ tỉ mỉ. Ở đây cũng như ở các ngành nghệ thuật khác, ta đều nhậ được dấu vết cái khuyết điểm căn bản của tư tưởng Trung Quốc là không có một tinh tác trừu tượng thật cứng cáp và khoáng đạt.  Nói khăc đi tư tưởng và nghệ thuật Trung Quốc chỉ có bề mặt cực kỳ tráng lệ mà thiêu mất bề sau. Nguyên do là tại sự tổ chức chính trị và xã hội ở Trung Quốc cúng thiếu sức hệ thống kiên cố, thiếu sự thâm nhập, giao hỗ dồi dào giữa các phần tử, các đẳng cấp.

Văn Minh Trung Quốc là một văn minh đầy đủ nhất, phong phú nhất, quân bình nhất trong các văn minh thượng cổ. Đó là văn minh của một dân tộc làm ruộng, làm nghề thủ công, có nhiều đức tính quan sát và kiêm nhiệm hơn là đức tính kiến thiết tư duy. Cái hỏng của văn minh ấy là sự chia biệt thái quá giữa dẳng cấp tri thức, giai cấp thống trị và dân chúng sự kín bưng của đẳng cấp sĩ phiệt đã làm ngừng sinh khí xã hội không cho lưu động từ quan năng tri thức đến các quan năng kỹ thuật và quản trị. Vì thế nên văn minh Trung Quốc thời Thượng cổ không vượt được đến giai đoạn cao hơn- giai đoạn chứng nghiệm khoa học.

Vượt được đến giai đoạn cao độ ấy là sự thành công nhiệm màu của một dân tộc nhỏ đã gặp đủ điều kiện may mắn để tránh khỏi các trở lực đã làm chậm trễ các văn minh Ai cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc, dân tộc ấy là dân tộc Hy Lạp sống ở duyên hải biển Địa Trung. Văn Minh do dân tộc ấy tạo ra đã trực tiếp đẻ ra văn minh Tây phương tức là văn minh hiện đại của loài người.

Ghi chú:

[1] – Gần đây lại có một giả thuyết cho rằng giống Hán tộc không phải ở phương Bắc tràn xuống mà chính là phát nguyên ở miền Bắc xứ Ấn độ – China và miền Tây Tạng – Miến Điện (resgion thibeto-birmane) rồi tiến ngược lên phía lưu vực Hoàng Hà. Nhưng đó cũng chỉ là một ức thuyết mà thôi. Thực ra, hiện nay khoa học nhân chủng cũng chưa có đủ tài liệu xác thực để giải thích một cách quyết định về lịch sử cấu thành của giống người đã tạo ra nền văn minh nông nghiệp ở Trung Hoa.

Trương Tửu

(Bài viết thể hiện quan điểm của riêng tác giả, không thể hiện quan điểm của Viettri.net)

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN