Tác dụng đặc biệt của âm nhạc cổ điển với sức khỏe

Tác dụng đặc biệt của âm nhạc cổ điển với sức khỏe

Âm nhạc cổ điển là một trong những nhu cầu không thể thiếu trong đời sống chúng ta. Nó giúp con người cảm thấy yêu đời, gần gũi nhau thêm và mang lại sự cân bằng về tâm sinh lý. Ngoài việc hưởng thụ về mặt cảm xúc, ít ai hiểu rằng âm nhạc có công dụng trong việc điều trị một số bệnh lý phổ biến ở con người, đặc biệt là những căn bệnh thiên về phương diện tinh thần.

âm nhạc cổ điển

Ảnh minh họa: DKN.TV

Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để biểu đạt cảm xúc. Các yếu tố chính của nó là cao độ, nhịp điệu, âm điệu, và những phẩm chất âm thanh của âm sắc và kết cấu bản nhạc.

Từ xa xưa, âm nhạc đã vô cùng phát triển, người Trung Hoa cổ đại đã sớm thông qua những giai điệu của tiếng sáo để tìm ra mối liên hệ huyền bí giữa quy luật của vũ trụ và sinh mệnh của con người. Mối liên hệ tương hỗ giữa con người với trời đất được biểu hiện chính là: Trời đất có ngũ âm (năm bậc âm giai cổ) thì tương ứng cơ thể người có ngũ tạng; đất trời có lục luật (sáu âm luật trong mười hai thang âm luật của âm nhạc cổ đại) thì tương ứng cơ thể người có lục phủ.

Người Trung Hoa cổ xưa đã biết sử dụng âm nhạc để điều chỉnh trạng thái mất cân bằng trong lục phủ ngũ tạng của cơ thể người.

Cho đến những năm gần đây các nhà khoa học phương Tây mới bắt đầu nghiên cứu về công dụng điều trị bệnh của âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển. Dưới đây là những công dụng thần kỳ của âm nhạc với sức khỏe.

Mỗi người khi sinh ra đều có khả năng thiên bẩm về âm nhạc

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford và Đại học McGill ở Canada công bố một bài viết trên tạp chí “Tế bào thần kinh” về mức độ ảnh hưởng của âm nhạc đối với sự thay đổi cảm hứng và tâm oán hận của con người, thậm chí là sự ảnh hưởng tới mức độ tập trung của con người.

Bài nghiên cứu nhận định, âm nhạc cũng giống như ngôn ngữ là một trong những khả năng nhận thức bẩm sinh của con người. Những người vốn không biết gì về âm nhạc thì từ bẩm sinh trong cơ thể họ cũng đã tồn tại “tế bào âm nhạc”.

Trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn tác phẩm của một nhà soạn nhạc Anh vào thế kỷ thứ mười tám là Boyce. Những người tham gia thí nghiệm sẽ ấn vào nút mỗi khi cảm nhận có sự thay đổi bản nhạc khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người không am hiểu về âm nhạc cũng có nhận thức về nhịp điệu và giai điệu, có khả năng phân biệt được sự bắt đầu và kết thúc của bài hát, thông qua thính giác họ cũng có thể cảm nhận và hiểu được phân đoạn thông tin.

Hai nhân viên của nhóm nghiên cứu chia sẻ, âm thanh mà chúng ta nghe được có mối liên hệ trực tiếp tới trung khu cảm xúc của đại não. Những ảnh hưởng của âm nhạc với đại não làm cảm xúc của chúng ta trực tiếp kết nối với âm nhạc và từ đó cảm thụ được chúng.

Tác dụng chữa bệnh bằng âm nhạc của Mozart

Tác dụng chữa bệnh của âm nhạc Mozart

Ảnh: Hoang Van Art

Mới đây nhất, các nhà khoa học đã phát hiện rằng nghe nhạc Mozart có tác dụng chữa bệnh: làm giảm stress, tăng cường trí thông minh, ổn định nhịp tim, điều trị chứng động kinh, và suy giảm trí nhớ, v.v.

Trong một lần điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh động kinh, các bác sĩ tại Viện Thần kinh London (Anh) đã tình cờ phát hiện ra rằng, nghe nhạc Mozart 45 phút mỗi ngày có thể giúp bệnh nhân nhanh chóng bình phục.

Sau quá trình điều trị, kết quả kiểm tra não của bệnh nhân này đã cho thấy có sự thay đổi đáng kể về số lượng các tế bào não, tăng khả năng học tập, chỉ số IQ, những tổn thương về thần kinh được hạn chế và thị lực cũng có những dấu hiệu được cải thiện một cách đáng kể.

Giải thích về hiện tượng này, các nhà khoa học cho biết: trong não người và động vật nói chung có một vùng rất nhạy cảm với âm nhạc, chúng có nhiệm vụ tiếp nhận các âm sắc từ những bản nhạc mà con người nghe được.

Khi tiếp xúc với những bản nhạc có âm sắc phù hợp, phần não này hoạt động tích cực hơn, kéo theo sự hồi phục của các khu vực chức năng khác trong não. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khẳng định: nhạc Mozart là loại nhạc mang tính tư duy cao, có sự pha trộn và tổ chức tiết tấu phức tạp đạt đến trình độ cao.

Do đó, khi nghe loại nhạc này, người nghe như được “đánh thức” một số chức năng não. Não của họ được truyền những luồng sóng kích thích mạnh, giống như sóng điện não và chính điều đó giúp cho não hoạt động hiệu quả.

Các nhà khoa học và các chuyên gia phân tích âm nhạc đã phát hiện ra rằng: trong kỹ thuật âm thanh độc đáo chỉ có ở thiên tài Mozart, thường xuyên có sự xuất hiện những đoạn nhạc lặp lại với tần số cao hơn nhiều so với các tác phẩm âm nhạc của nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng khác như: Beethoven, Bach, Wagner hay Chopin…

Sau một đợt điều trị thử nghiệm bằng nhạc Mozart, các bác sĩ thuộc bệnh viện tổng hợp Mexico đã cho biết: Trong số 9 bệnh nhân mắc chứng động kinh được áp dụng phương pháp kích thích sóng não bằng nhạc Mozart, thì có 4 bệnh nhân có dấu hiệu chuyển biến bệnh đạt mức 95%, 4 bệnh nhân đạt mức phục hồi 50% đến 70%.

Một số tác động của âm nhạc Mozart đối với con người:

– Kích thích trí thông minh:

Sau một cuộc kiểm tra IQ được tiến hành tại Mỹ, các nhà khoa học cho biết: nhóm học sinh được thư giãn bằng bản sonata K488 của Mozart có kết quả trắc nghiệm IQ trung bình cao hơn nhóm khác từ 9 đến 10 điểm. Tốc độ hoạt động não và nhiều hoạt động khác của trẻ được nghe nhạc Mozart trở nên nhanh nhạy hơn, năng động hơn bình thường.

– Tăng cường chức năng thị giác:

Kết quả một cuộc thử nghiệm mới của các nhà khoa học về tác động của bản sonata K448 đối với 60 bệnh nhân tại Trường đại học Y dược Sao Paolo đã hé mở những khả năng về việc vùng não kiểm soát chức năng thị giác của con người được tăng cường, tốc độ phân tích và xử lý hình ảnh có độ chính xác cao.

Những người tham gia cuộc thử nghiệm đã được thưởng thức những bản sonata soạn cho 2 piano của Mozart tại một phòng kín trong 10 phút. Sau đó, họ bắt đầu các cuộc kiểm tra sự phối hợp chức năng của thị lực và não bộ. Quá trình xử lý thông tin diễn ra rất nhanh và chính xác ở vùng não chức năng.

– Giúp ổn định nhịp tim, giảm stress và phục hồi thần kinh:

Nghe nhạc Mozart có thể khiến cho nhịp tim con người trở nên ổn định hơn. Nghiên cứu khoảng 23 trường hợp thanh niên tình nguyện tham gia nghiên cứu, các bác sĩ thuộc Bệnh viện Oberwalliser – Thụy Điển đã khẳng định: việc nghe nhạc rất ích lợi đối với bệnh tim.

Trong nghiên cứu này, ngoài nhạc Mozart, các bác sĩ còn phát hiện thêm các bản nhạc của nhà soạn nhạc danh tiếng Bach cũng có những tác động ổn định nhịp tim tương tự.

Trẻ sơ sinh được nghe nhạc Mozart cũng giúp giảm được đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề về thần kinh sau khi sinh.

Trong quá trình nghe nhạc, một thiết bị camera đã ghi lại toàn bộ những hoạt động và biểu hiện của trẻ sơ sinh và đã công nhận âm nhạc Mozart có những ảnh hưởng tuyệt vời đến trạng thái tinh thần của trẻ.

Liệu pháp điều trị bằng âm nhạc của phương tây thời cận đại

Vào đầu thế kỷ XIX, một số bác sĩ khoa thần kinh ở Châu Âu phát hiện rằng, mặc dù các bệnh nhân bị tâm thần không có phản ứng đối với những kích thích bằng âm nhạc, tuy nhiên họ thật sự có thể cảm nhận được âm nhạc.

Kể từ đó sự kết hợp giữa âm nhạc và y học cũng dần dần được coi trọng. Bắt đầu từ đầu thế kỷ này, nhiều tổ chức về người khuyết tật, viện giáo dưỡng và các trường học đặc biệt cũng bắt đầu sử dụng âm nhạc để cải thiện tinh thần và thể chất của những trẻ em tàn tật, và phát hiện rằng hiệu quả thu được rất tốt.

Rất nhiều nghiên cứu đã phát hiện, dây thần kinh truyền tải âm nhạc và dây thần kinh truyền dẫn cảm giác đau đớn là như nhau, do vậy các bác sĩ sản phụ khoa sẽ dùng âm nhạc để làm giảm cảm nhận đau đớn khi sinh nở của các sản phụ; các bác sĩ nha khoa sẽ sử dụng chúng để an ủi bệnh nhân; và còn có thể sử dụng chúng để loại bỏ một số triệu chứng và những tác dụng phụ trong điều trị bệnh ung thư.

Hiện nay việc sử dụng âm nhạc trong hỗ trợ kết hợp với các loại thuốc để điều trị các loại bệnh về tâm lý và thần kinh ngày càng được áp dụng rộng rãi, âm nhạc có thể giúp bệnh nhân hiểu được cảm xúc của mình và cải thiện cảm xúc tiêu cực.

Âm nhạc cổ điển đối với sức khỏe

Một loạt các nghiên cứu đã minh chứng rằng, không phải loại âm nhạc nào cũng có thể giúp điều trị bệnh và tốt cho sức khỏe, chỉ có nhạc cổ điển mới có được những tác dụng tốt đẹp như vậy. Sau đây là một số tác dụng trên phương diện nhạc cổ điển:

Âm nhạc cổ điển thúc đẩy phát triển của thai nhi

Theo kết quả nghiên cứu của các học giả ở Châu Âu và Châu Mỹ, âm nhạc cổ điển có thể mang tới những kích thích tốt cho thính giác của trẻ sơ sinh, có lợi ích tốt cho thai nhi khi còn trong bụng mẹ. Cũng theo kết quả nghiên cứu, nhạc của Mozart và của Bach có thể hỗ trợ giúp mở rộng thể tích của đại não, tăng cường hoạt động bình thường của các tế bào thần kinh, giúp trẻ em phát triển khả năng suy luận, tư duy trừu tượng.

Kết quả nghiên cứu cũng chứng minh: thường xuyên dùng âm thanh nhẹ nhàng để kích thích thần kinh của thai nhi, ví dụ như cho thai nhi nghe nhạc cổ điển và mẹ nhẹ nhàng nói chuyện với thai nhi cũng có thể giúp các tế bào thần kinh và trung khu cảm nhận ở tầng đại não của thai nhi phát triển. Đây chính là cơ sở đặc định kích thích phát triển trí thông minh cho trẻ từ trong bụng mẹ.

Ngược lại những kích thích của âm nhạc hiện đại và những tạp âm hỗn loạn, sẽ làm thai nhi cảm thấy xúc động bất an, tim đập nhanh.

Theo các nhà khoa học Tây Ban Nha, thai nhi từ trong bụng mẹ đã có cảm nhận thích hoặc không thích đối với các thể loại âm nhạc. Cho dù vẫn đang trong bụng mẹ, những thai nhi từ 22-25 tuần tuổi trở lên đặc biệt yêu thích những thể loại âm nhạc nhẹ nhàng, êm dịu, dạt dào cảm xúc ở mức độ cao như nhạc của Mozart và Bach, và ngược lại, rất ghét các loại nhạc Pop và rock.

Nhạc cổ điển tốt cho trẻ sinh non

Những đứa trẻ sinh non thường bộc lộ sự đau đớn và khó chịu của mình thông qua các cử động và nét mặt biểu cảm của chúng, hoặc thậm chí là tim của chúng sẽ đập nhanh. Nhưng sau khi cho trẻ nghe nhạc cổ điển, chúng ta có thể cảm nhận rõ ràng cử động, nét mặt biểu cảm và nhịp tim của chúng đều trở về trạng thái bình thường.

Nhạc cổ điển có thể kích thích sự phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ

Một vài nghiên cứu tại Mỹ đã chứng minh: Rất nhiều phần trong đại não có liên quan tới khả năng học tập sau này của trẻ nhỏ. Do vậy chúng ta có thể thông qua nhạc cổ điển để kích thích sự phát triển não bộ của trẻ từ thời thơ ấu. Năm 1988 tại Florida Mỹ, có một đạo luật quy định rằng: mỗi ngày các nhà trẻ tại đây phải bật nhạc cổ điển trong vòng ba mươi phút.

Cũng theo các kết quả nghiên cứu, những cung âm đặc biệt trong âm nhạc cổ điển có thể bồi dưỡng khả năng nhận thức của trẻ nhỏ, theo thời gian khi chúng trưởng thành những nhận thức về ngôn ngữ, về toán học và khoa học cũng theo đó mà tăng lên.

Nhạc cổ điển có thể thúc đẩy sự sinh trưởng của thực vật

Ở nước ngoài đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng của nhạc cổ điển trong việc thúc đẩy thực vật nở hoa. Từng có một nghiên cứu được thử nghiệm như sau, các nhà thí nghiệm đã sử dụng năm căn phòng và điều chỉnh các nhân tố ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng phát triển của thực vật như nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng… là như nhau. Sau đó sử dụng các loại thực vật có cùng thành phần nước và thổ nhưỡng, chỉ có một điểm khác biệt duy nhất là trong mỗi phòng bật một loại âm nhạc khác nhau. Lần lượt các thể loại nhạc đó là: rock and roll, nhạc đồng quê, nhạc cổ điển, nhạc pop, và cuối cùng là một căn phòng không bật bất kỳ loại âm nhạc nào.

Qua một thời gian, kết quả nghiên cứu chứng minh: loại thực vật ở phòng bật nhạc cổ điển có sự phát triển tốt nhất. Và loại cây ở phòng bật nhạc rock and roll là cây phát triển kém nhất.

Có sự khác biệt này là bởi âm nhạc của dòng nhạc rock and roll nhịp điệu rối loạn, thiếu tính liền mạch xuyên suốt, đan xen lộn xộn lẫn nhau, khó tạo ra môi trường yên bình, thoải mái giúp cung cấp ô xy cho các loại thực vật; Còn nhạc cổ điển ngược lại có tính khuôn mẫu, quy luật nhất định, trình tự tiết tấu hài hòa, và bất kể sinh mệnh nào khi ở trong môi trường thể loại âm nhạc đó cũng đều có thể sinh trưởng phát triển rất tốt.

Nhạc cổ điển có thể giúp bác sĩ phát hiện chẩn đoán ung thư tốt hơn

Các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng nghe nhạc cổ điển trong lúc thực hiện nội soi kết tràng có thể giúp bác sĩ phát hiện các polyp tiền ung thư nhanh chóng hơn.

Nghiên cứu của tiến sĩ Catherine Noelle O’Shea và bác sĩ y khoa David Wolf tại Trung tâm Khoa học Sức khỏe, ĐH Texas tại Houston (Mỹ), cho thấy tỷ lệ phát hiện u tuyến tăng lên khi được thực hiện có âm nhạc đi kèm so với khi không có âm nhạc.

U tuyến là một loại polyp đại tràng được xem là một tiền thân của ung thư trực kết tràng xâm lấn (CRC). Việc chẩn đoán ung thư trực kết tràng có thể hiệu quả hơn nhờ nhạc cổ điển.

Khi được phát hiện sớm, bác sĩ có thể loại bỏ các polyp trong một cuộc khám nội soi, qua đó ngăn chặn sự phát triển của ung thư trực kết tràng.

Trong cuộc thử nghiệm này, 2 bác sĩ với kinh nghiệm hoàn thành ít nhất 1.000 ca nội soi đã thực hiện việc nội soi một cách ngẫu nhiên, có âm nhạc cổ điển – những tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart – hoặc không có âm nhạc.

Tỷ lệ phát hiện u tuyến từ nghiên cứu này sau đó được ghi nhận và so sánh với tỷ lệ chuẩn.

“Cả hai bác sĩ nội soi đều có tỷ lệ phát hiện u tuyến cao hơn khi nghe nhạc so với tỷ lệ phát hiện chuẩn của tôi”, tiến sĩ O’Shea trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

“Tỷ lệ phát hiện u tuyến liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc ung thư trực kết tràng, do đó nó là một chỉ số chất lượng quan trọng đối với nội soi kết tràng. Bất cứ điều gì chúng ta có thể làm để tăng tỷ lệ này lên đều có tiềm năng cứu sống người. Dù đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ nhưng kết quả của nó cho thấy tư duy vượt giới hạn – trong trường hợp này là nghe nhạc cổ điển của Mozart – nhằm cải thiện tỷ lệ phát hiện u tuyến có giá trị tiềm tàng như thế nào đối với bác sĩ và bệnh nhân”, ông nhấn mạnh.

Âm nhạc là một bộ phận trong ngũ hành

Người Trung Hoa xưa cho rằng, âm nhạc khởi nguồn từ thanh âm của giới tự nhiên, “thiên nhân hợp nhất”. Giữa con người và trời đất có một mối quan hệ mật thiết, vậy nên đối với tinh thần và tạng phủ của nhân thể, âm nhạc cũng có những ảnh hưởng tương ứng. Y học cổ truyền Trung Hoa quan niệm rằng, tạng “tâm” là chủ soái của hoạt động sinh mệnh của cơ thể con người. Sách Linh khu – Bản thần viết: “Nhậm vật giả vị chi tâm”, ý nói mọi hoạt động tư duy, tình cảm, ý thức đều có quan hệ mật thiết với tạng tâm, ý nói âm nhạc là sự bộc lộ tình cảm của con người bằng những giai điệu và tiết tấu đẹp đẽ, có thể thông qua “tâm thần” ảnh hưởng tới công năng của tạng phủ tương ứng, cũng có thể làm lay động tình cảm lý trí mà sản sinh tác dụng “tình thắng tình” mà đạt được hiệu quả trị liệu bệnh tật.

Theo y học cổ truyền Trung Hoa, muốn dùng âm nhạc để chữa bệnh phải nắm được “ngũ âm“.

Âm dương cân bằng

Năm bậc của ngũ âm có tên gọi là: Giốc, Chủy, Cung, Thương và Vũ. Những bậc âm đơn độc không thể thành âm nhạc, tựa như phương thức vận động đơn nhất của khí không thể tạo ra sinh mệnh vậy. Nếu lấy một âm nào đó làm chủ âm, các âm còn lại vây quanh chủ âm để sắp xếp và tổ hợp có thứ tự thì cấu thành âm nhạc có điệu thức được quy định. Năm loại sóng thanh đó của âm nhạc có điệu thức khác nhau mà rung động, ảnh hưởng tới phương thức vận động của khí trong cơ thể, được phân biệt theo khí Mộc mở rộng phóng ra, khí Hỏa dâng lên, khí Thổ bình ổn, khí Kim thu lại và khí Thủy hạ xuống. Ảnh hưởng tới tạng phủ thì phân biệt với 5 hệ thống lớn là tâm, can, tỳ, phế và thận.

Trong liệu pháp âm nhạc của Trung Hoa, tác động của âm nhạc chủ yếu thông qua sự khác nhau của tiết tấu, hoàn luật của bản thân khúc nhạc, thứ nữa là sự khác nhau của tốc độ, độ rung, giai điệu mà đạt được hiệu quả trị liệu khác nhau. Căn cứ vào chẩn đoán bệnh tình, theo nguyên tắc biện chứng thi khúc (tùy chứng mà chọn nhạc) để chọn loại nhạc khúc thích hợp làm đơn thuốc âm nhạc trị bệnh.

  1. Liệu pháp nhạc an thần là phương pháp dùng khúc nhạc uyển chuyển mềm mại có thể làm an thần tĩnh tâm, trấn tĩnh ru ngủ để làm tiêu tan sự căng thẳng và nôn nóng.
  2. Liệu pháp nhạc giải uất là dùng nhạc khúc có công năng khai thông tâm sự, giải mối uất sầu để làm hết bệnh tính, tình buồn tích tụ trong lòng.
  3. Liệu pháp nhạc đau buồn là dùng khúc điệu tiết luật trầm thấp, bi thương thảm thiết khiến lòng người rung động mà đạt hiệu quả nghệ thuật của “Bi thắng Nộ” (buồn thương thắng giận dữ).
  4. Liệu pháp nhạc tươi vui là dùng âm nhạc khiến cho con người cảm thấy nhẹ nhõm, sảng khoái, vui mừng mà xóa bỏ bệnh tình bi ai, ưu tư, uất ức.

Thay lời kết:

Âm nhạc cổ điển là một trong những nhu cầu không thể thiếu trong đời sống chúng ta. Nó giúp con người cảm thấy yêu đời, gần gũi nhau thêm và mang lại sự cân bằng về tâm sinh lý hơn.

Ngoài việc hưởng thụ về mặt cảm xúc, ít ai hiểu rằng âm nhạc có công dụng trong việc điều trị một số bệnh lý phổ biến ở con người, đặc biệt là những căn bệnh thiên về phương diện tinh thần.

Ngay cả những người đang khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần vẫn cần đến âm nhạc nhằm giúp giảm thiểu những căng thẳng. Nghe đánh nhịp theo tiếng nhạc có khả năng giúp cơ thể hoàn toàn thư giãn. Hơn thế, âm nhạc còn kích thích những hoạt động về thể chất, mang lại cảm giác phấn chấn. Điều này lý giải tại sao khi thưởng thức âm nhạc, nhiều người có khuynh hướng làm việc bền bỉ và hăng hái hơn.

Theo Đại Kỷ Nguyên

Xem thêm:

Sources:

Tags:

BÀI LIÊN QUAN