Tâm sự: Nhật ký về bố trước lúc lâm chung

Tâm sự: Nhật ký về bố trước lúc lâm chung

Một cái tết nữa đang đến, năm ngoái nhà còn có bố. Tết này, chắc sẽ xót xa nhiều hơn. Bài viết đã cũ, nhưng muốn được chia sẻ. Mong rằng ai còn đủ đầy cha mẹ, hãy trân trọng nhiều hơn nữa những khoảnh khắc được sống bên gia đình…

Nhật ký của bố

Ảnh: Xã Luận.

1. Nhật kí 2012.

Một năm đầy bất an. Người ta phải đón đợi quá nhiều những cảm giác không may mắn. Vậy mà tất cả sinh linh vạn vật trên đời này vẫn háo hức mong chờ từng phút giây kết thúc năm cũ.

Cái rét đầu năm nơi xứ Bắc dường như thấm lạnh đến từng chân tơ kẽ tóc. Chúng tôi trở về với căn nhà ba gian ấm cúng, xum vầy; trở về với cái ngõ quen thuộc nhìn thẳng ra cánh đồng phía trước; trở về với nụ cười hiền từ của mẹ, ánh mắt nhân hậu yêu thương của bố. Vậy là đủ ấm áp, đủ để xua đi những đợt rét bất thường của cái tết này, xa nhà nơi đất khách quê người.

Bố vẫn thế xăm xăm bắt gà, mẹ tất tả rau cám cho lợn. Bố vẫn thế hài hước và hóm hỉnh. Bố vẫn thế, quen thuộc trong màu áo bộ đội đã sờn. Bố vẫn thế, đôi mắt luôn nghiêm nghị nhưng chứa chan tình thương, sự hi sinh. Và,… bố chẳng thế nữa, khi tôi bất giác nhận ra hình như năm nay bố ít dậy sớm để uống trà và kéo một hơi thuốc lào mỗi sáng. Tôi cứ ngỡ trời lạnh, bố nằm thêm dăm ba phút, cứ ngỡ mình đủ sâu sắc để hiểu, nhưng hoá ra chúng tôi vẫn chỉ là những đứa con bé bỏng, dại khờ trong từng suy nghĩ…

Làng quê nghèo nơi xóm đạo nhộn nhịp đón mừng năm mới, rộn ràng trên đường làng những đám cưới… Và buồn tênh khi xen lẫn tiếng kèn trống đưa tiễn người nào đó vừa mới qua đời. Tiếng chuông nhà thờ có lúc hân hoan, có lúc báo tin một linh hồn nào đó vừa mới về với Chúa.

Tôi vẫn cảm nhận được sự bất an, khi cái rét cắt da cắt thịt thấm vào từng hơi thở của bố mỗi đêm chưa yên giấc…

Sau những ngày tết, chúng tôi lại khăn gói lên đường. Bố vội vàng giục giã sợ con trễ xe. Mẹ nước mắt vòng quanh tiễn đưa ra tận ngõ. Chân bước đi mà đau thắt nghẹn lời, cố cười tươi để bố mẹ yên lòng, tự nhủ: “chúng con sẽ lại về mỗi dịp tết – hè…”

2. Cuộc “du ngoạn” của bố

nhật ký về bố

Ảnh: Người đưa tin.

Bố là lính, bố đã “du ngoạn” khắp nơi từ thời tuổi trẻ, đã trải qua tháng ngày chinh chiến với những cuộc hành quân gian nan vất vả. Bố đã đi qua từng miền đất bằng đôi chân của người lính. Sau bấy nhiêu năm, bố trở về với quê hương, với gia đình làm tròn nghĩa vụ của một người chồng, người cha, người con hiếu thảo. Và sau bấy nhiêu năm ấy nữa, bố thực hiện cuộc du ngoạn của mình.

Tết qua đi chưa được mấy ngày. Chúng tôi nhận được tin ở nhà. Bố ốm. Cảm giác bất an ấy quay trở lại trong lòng, khi biết các bác sĩ chẩn đoán bố có khả năng bị ung thư. Chúng tôi chỉ biết nguyện cầu ơn Chúa cho bố được khoẻ mạnh và kết quả đó chỉ là một sự chẩn đoán sai. Bố tiếp tục “hành quân” lên bệnh viện K. Hi vọng vẫn còn, nếu chúng tôi có niềm tin. Nhưng, đôi khi niềm tin cũng mong manh như điều kì diệu trong cuộc đời này vậy. Hết long đong với bệnh viện K, bố quay trở lại với bệnh viện quân đội 108, làm lại tất cả những xét nghiệm để tìm ra căn nguyên, gốc tích của mấy cái hạch trên cổ bố. Chúng tôi vẫn cố giữ vững niềm tin đó, bố sẽ chẳng sao cả, bố sẽ trở về bên chúng tôi, trở về bình thường và khoẻ mạnh. Chúng tôi cố gắng hỏi thăm, tìm hiểu tất cả những phương thuốc từ tây y đến đông y miễn sao có thể giúp ích cho căn bệnh được các bác sĩ chẩn đoán là ung thư phổi của bố.

Cảm giác bất an từng ngày trôi đi thấp thỏm. Điện thoại là thứ duy nhất, chúng tôi có thể liên lạc để hỏi thăm tình hình của bố. Và, cũng có thể một ngày nào đó, đến cả điện thoại, cũng trở thành vô dụng…

3. Bố và những ngày cuối cùng

Ngày…

Bố trên đường quay về nhà thăm mẹ, vẫn khoẻ mạnh, cười đùa, nói tếu, vẫn tràn đầy hi vọng, vẫn ăn uống, phì phèo thuốc lá như bình thường.

Ngày,…

Từ Huế chúng tôi đi thẳng ra Hà Nội đến viện 108 để thăm bố, lúc ngồi ăn sáng cùng bố, tôi bảo: “Bố,…sao vẫn hút thuốc?”, bố cười, nói tếu táo: “Cái miệng của bố chẳng bị sao cả…”. Không biết phải khuyên bố thế nào, nhưng lúc này chúng tôi chỉ biết để bố được làm những gì mình thích.

Ngày…
Bố lại trở về thăm mẹ trong một đêm để tiếp tục “hành quân” lên viện 108 đợi kết quả chẩn đoán và các liệu pháp điều trị của bác sĩ. Chân bố lúc này đã sưng to và đau lắm. Những cơn đau cứ thế hoành hành trên khắp cơ thể bố. Những thằng tế bào ung thư đang chạy ran khắp cơ thể bố. Gần cả một tháng như thế bố phải ngủ trong tư thế ngồi gục đầu lên gối đã được kê cao. Vậy mà, bố vẫn nín lặng, cam chịu đón nhận những cơn đau không hé răng kêu than nửa lời, chỉ nhíu mày, nhăn mặt chốc lát. Bố thật là can đảm.

Ngày,…
Bác sĩ đưa ra kết quả cuối cùng: bố chúng tôi không thể dùng được phương pháp điều trị nào cả: từ hoá trị đến xạ trị, vì sức khoẻ của bố quá yếu, phẫu thuật lại càng không thể…

Ngày,…
Em Hải đưa bố về và nói trong nước mắt: “Bố ơi, con đưa bố về…”. Chúng tôi vẫn đang ở xa. Công việc ngập đầu. Ruột gan nóng như lửa, vẫn chưa thể về với bố. Những cơn đau càng lúc càng tăng, mấy thằng hạch ung thư chết tiệt càng ngày càng chạy khắp nơi trên cơ thể bố, nhiều hơn, to hơn, đau đớn hơn. Bố vẫn lặng lẽ đón nhận nó. Rất dũng cảm, như những người lính trên chiến trường, sống trong khói lửa, đạn bom.

Ngày thứ hai tuần thánh, mùa phục sinh
Em trai điện: “Anh – chị thu xếp về gấp…
Cả buổi sáng tôi cứ đi ra đi vào không yên, ruột gan nóng như lửa đốt, tim đập nhanh.

Ngày thứ ba,…

Tôi lên xe. (Lần đầu tiên về quê một mình). Suốt dọc đường, chỉ nghĩ được mỗi một chuyện: “Không biết cảm giác về nhà ra sao, bước chân vào nhà sẽ ra sao? Tôi sẽ khóc oà lên, hay cười toe ra để cho bố an lòng và vững tinh thần hơn.

Ngày thứ tư,…

Xe tới sớm. Về đến ngõ nhà, tôi cứ thế chạy ào vào. Mẹ và hai em đang cho bố ăn. Bố gầy tong teo, ngồi không vững, phải có Cu Hải đứng sau đỡ, em Hiền đang thấm khăn lau miệng cho bố, nước mắt lưng tròng. Tôi cố gắng chào bố thật to: “Bố ơi, con về rồi này, con tự về nhà một mình này”; bố quay ra nhoẻn miệng cười. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, bố biết tôi về. Tôi đâu có ngờ, đó cũng là nụ cười vĩnh biệt của bố dành riêng cho tôi.

Ngày thứ năm,… bố hấp hối.

Đứa con trai cả của bố mới đặt chân về đến nhà. Bố đợi chờ, để được chào mọi người lần cuối. Bố đã tự sắp xếp tất cả cho lần “hành quân” cuối cùng của mình. Trưa hôm ấy, bố cười nhiều lắm, cười với tất cả vợ, con, anh chị em. Trưa hôm ấy, những cơn đau của bố như một cuộc khổ nạn của chúa Giê su trong tuần thánh mùa phục sinh. Trưa hôm ấy, bố đã thẳng người thong thả nhắm mắt và ra đi vĩnh viễn.

Ngày thứ sáu,… bố nằm ngủ thôi phải không bố?

Chú tôi mở quan tài cho cả nhà nhìn bố lần cuối. Khuôn mặt của bố vẫn hiền từ như thế, thanh thản và đầy đặn lắm. Chẳng giống như khuôn mặt của người ốm đã phải trải qua những cơn đau quằn quại của thể xác.

Ngày thứ bảy,…đưa bố ra đồng

Khi vừa di quan ra khỏi cửa nhà, trời mưa như trút nước, gió giật, không kèn – không trống (như di nguyện của bố – bố sống giản dị như thế đến phút cuối cùng). Đoàn người lặng lẽ, nước mắt hoà tan vào cơn mưa ấy. Những lời nguyện cầu vang lên khắp nơi. Bố xứng đáng được nhận lấy, bố xứng đáng được theo chân Chúa lên thiên đàng.

Ngày chủ nhật,… ngày chúa phục sinh.

Bố chúng tôi cũng sẽ được sống lại cùng Chúa trong lòng chúng tôi mãi mãi. Bố thân yêu.

4. Thương nhớ và nguyện cầu 

Mỗi góc nhà, mỗi bữa cơm, mỗi góc vườn – góc sân đều có bóng dáng gầy gò lặng lẽ của bố và cả tiếng nói, tiếng cười, hay những lúc bố tếu táo “chém gió” cùng cả nhà. Nhớ. Góc bàn có bố mỗi sáng dậy sớm rít hơi thuốc lào, uống tách trà kêu lách cách. Nhớ thật nhiều bố ơi!

Mới có mấy ngày, mẹ vẫn chưa nguôi ngoai, thi thoảng đi ra đi vào lại nước mắt lưng tròng. Con cái ngậm ngùi kể về bố, những tháng ngày bên bố. Nhớ lắm bố của chúng con – nhân đức, hiền từ đến phút giây cuối cùng.

Thi thoảng, đứng thắp nhang cho bố, nhìn di ảnh của bố, con chẳng dám tin bố không còn nữa. Cố lắm để nén nước mắt, nhưng sao thật khó. Con không gào khóc được, nhưng cổ họng cứ nghẹn ngào mãi. Chỉ có hơn hai tháng mà chúng con đã mất bố mãi mãi. Mai mốt trở về, chỉ có mẹ đón chờ chúng con…

Ước gì thời gian quay trở lại, chúng con sẽ làm được nhiều điều hơn cho bố nữa…

Khi con đang gõ những dòng này, ngoài sân nhà đang vang vọng tiếng kinh cầu nguyện cho linh hồn của bố.

Bố của chúng con hãy ngủ một giấc thật ngon bố nhé, như những lời hát cất cao trong bài thánh ca ngày đưa tiễn, thổn thức trong lòng người ở lại:
Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi
Lúc con người nằm yên giấc ngủ

Mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai

Trọn kiếp người nay không còn nước mắt nụ cười

Nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa
Chẳng có nỗi buồn, đẹp mãi niềm vui…

2013
Tết này, mẹ đón con đầu ngõ, nước mắt vòng quanh, thì thào bên nồi cám lợn: “Chẳng còn bố nữa rồi con ơi”. Tết này, con cháu sum vầy, ngồi lại bên nhau để nhớ về bố. Tết này, chú ghé nhà kể lại tháng ngày bố sắp đi: Khi còn khỏe mạnh, bố không kể về chiến trường, bon đạn. Nhưng, mấy ngày cuối, trong cơn đau mê sảng, bố các cháu đã nhìn thấy khói thuốc súng, nghe tiếng bom rơi, tiếng máy bay quần thảo trên bầu trời…”.

Thương bố, thương kí ức của những người lính năm xưa…

Tết này, nhà không có bố…

Tác giả: Trần Hương Giang

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN