“Mạ tui”: Cuộc đời ta đi tới bao nhiêu – mẹ đi lùi bấy nhiêu

“Mạ tui”: Cuộc đời ta đi tới bao nhiêu – mẹ đi lùi bấy nhiêu

“Mạ tui” là tản văn của Phan Thành kể chuyện gọi tên người sinh thành ra mình. Nhưng dù có gọi với tên gì, mạ, mẹ, u hay bầm thì tình mẫu tử vẫn rộng lớn như trời biển. Với lối viết hài hước, đặc phong vị ngôn ngữ địa phương, tác giả đem tới cho độc giả cảm giác có chút lạ lẫm và vui tươi khi đọc.

mẹ, mạ tui

Quê tui gọi là ‘’mạ ‘’. Nghe nặng nề thật. Nhiều người không hiểu. Riêng tui và chúng bạn cùng quê thì thấy thích và dễ nghe. Lúc nhỏ, đụng đâu cũng kêu “mạ”. Lớn cũng thế, khóc tui nhớ “mạ” đầu tiên, buồn tui tìm “mạ”. Có điều, thích ngồi gần “mạ” chứ không thích nói chuyện nhiều với “mạ”.

Bữa ni, nghe ít rồi. Mấy đứa nhỏ lớn lên toàn kêu Mẹ. Khi giao tiếp với bạn bè sợ ngại. Các anh chị thì muốn cho nó phổ thông và không mang chất quê. Hiểu sao nhỉ. Nhưng tui, tui hướng con tui sau này vẫn gọi người sinh ra nó là “mạ”.

Mạ tui được ví như là thủ tướng. Mạ cái quản mọi việc trong nhà. Mạ là bộ trưởng bộ Tài Chính – cho con xin tiền, cấp sinh hoạt phí. Mạ là bộ Lao động thương binh xã hội – Cơm nước, nhà cửa thiếu Mạ thì ‘’suy vong‘’.  Mạ tui là Bộ Công thương – hàng hóa, mua sắm cũng toàn tất. Là Bộ Giao thông vận tải – mua xe cộ, dặn dò con trước khi ra đường. Ôi! còn bao nhiều bộ để mà kể cho hết. Bởi rứa Mạ tui là trên hết. Là cơ quan quyền lực tối đa thuần phục được tôi nhất.

Quê tui mới phát triển, nghĩa là vẫn còn nghèo. Mọi thứ thay đổi nhanh chóng cả mặt. Nhiều khi đi ra khỏi nhà còn sợ nhầm đường. Mạ tui thường hay than thở, ruộng sắp hết, đất nhà nước thu, gạo thì thiếu, chỉ biết đường gắng mà học. Bao giờ cũng rên rỉ, buồn tủi nhưng chưa để tụi tui đói một bữa và thua chúng bạn (trong giới hạn cho phép).

Bữa cơm thiếu Mạ như thiếu linh hồn của cuộc vui. Không biết răng, nhưng hầu như tâm thức của bạn bè tui đứa mô cũng nói rứa.

Vào buổi lễ Vu Lan, chúng tôi đứa được cài bông hồng, đứa được bông trắng. Thấm thoắt mà nhanh. Lớn chi cho tôi “mạ”. Lớn để biết buồn, biết khóc và biết thương. May cho tui là còn Mạ. Buồn cho bạn bè tui, có đứa còn không biết “mạ” mình là ai.

Đêm nằm mơ, thấy “mạ” như tìm được vàng.

Cuộc đời còn dài, Ta đi tới bao nhiêu – mẹ đi lùi bấy nhiêu.

Màu tóc đã dần chuyển màu, cái màu mà người ta gọi là muôi tiêu. Tui thì không, tui nó đó là những giọt sương cuối chiều mùa thu. Rằng “mạ” thay đổi theo thời gian – thời gian tạo hóa của con người theo vòng luân hồi.

Nhớ một thời tui xin đi chùa nhưng Mạ tụi đặp (đập – BT) tui. Mạ nói tui phải tu tại nhà. Mạ nói Đức Phật dạy rằng ‘’ Hiếu trước – Đạo sau ‘’. Thao thức bao lần tui nghĩ là đúng! Rứa là tui không đi chùa. Thậm chí có lúc không thích chùa lắm. Lớn mới biết, cái “hiếu” mình chưa làm trọn thì phần “đạo” mình sẽ không thông. Nhưng, đó là cái lý riêng của “mạ” tui thôi. Chứ chúng bè bạn đi chùa từ hồi chưa biết chữ. Thầm nghĩ đó là cách tích đức và luyện tính cách. Hay hay – tui khen bạn bè tui rứa.

Mạ tui, mấy đứa bạn hay khen. Mấy đứa nói “mạ” mi là nhất. Nhưng tụi nó không biết tui cũng nghĩ rằng là “mạ” tụi nó trong mắt tôi cũng là số 1. Cười! Thì ra thằng mô cũng chê “mạ” mình mà đi khen “mạ” thiên hạ hết. Lớn mới biết, tổ cha bây ‘’ ngu ‘’ thiệt.

Đố thằng mô lớn lên trong đời mà không bị “mạ” đánh hoặc chửi. Đứa mô không bị đánh không bị chửi là đứa đó không có hạnh phúc, không có tuổi thơ và không có khoảnh khắc của sự trưởng thành. Tui, bị đánh như cơm bữa. Mà thiệt tình, tui cũng là một thằng lì đòn. Đánh tui không đau, tui không khóc. Thế mà vừa mắn vừa chửi mấy câu là miệng tôi lại méo lại và mắt tui cứ nhấp nháy.

Không biết tuổi trẻ như tui đang lớn nghĩ sao về mạ – hay là mẹ, là má, là u…

PHAN THÀNH

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN