Tản mạn Tết: Vương đâu sắc lửa thơm mùi bánh chưng

Tản mạn Tết: Vương đâu sắc lửa thơm mùi bánh chưng

Tác giả kể một trong những câu chuyện đặc chưng của Tết xưa: chất bánh chưng. Một trong những thứ “không khí Tết” mà bọn trẻ con thích nhất. Nhưng ngày nay, cái không khí ấy đã xưa cũ lắm rồi!

Tản mạn Tết: Vương đâu sắc lửa thơm mùi bánh chưng

Tản mạn Tết: Vương đâu sắc lửa thơm mùi bánh chưng. Báo Yên Bái.

Làng tôi như cái lòng chảo giữa bốn bề đồi núi. Những nếp nhà lọt thõm, nép mình vào rìa lòng chảo. Lòng chảo hình quả mướp hương già quá lứa chưa kịp rụng. Không biết đây là kết quả sắp đặt vụng về hay có chủ ý của đấng tối cao? Chỉ biết, bởi sự sắp đặt ấy mà những ngọn gió mùa đông đã lạnh lại còn hay rít lên như tiếng gằn qua kẽ răng lung lay của những ông ba bị, bà ngáo ộp trong những câu chuyện hoang tưởng mà bao thế hệ trẻ làng đã được nghe. Và khi cái lạnh tới với lòng chảo đủ lâu, hơi lạnh như thành thân thiết ủ trong mỗi người, quen với cây lúa mới bén rễ dưới ruộng, thì người ta biết lại sắp ngày cùng tháng tận của năm, bước chân Tết về sầm sập sau lưng.

Tết. Tết về. Là trăm thứ phải lo. Nhưng lo gì thì lo, nồi bánh chưng luôn là ưu tiên số một của người ở quê. Giàu nghèo gì cũng phải có cặp bánh chưng tự gói đặt lên bàn thờ gia tiên trong mùi khói hương mới ấm lòng ba ngày Tết được. Trong mớ hỗn độn ký ức tuổi thơ lấm lem bùn đất của tôi vẫn còn vương sắc lửa thơm mùi bánh chưng thuở ấy.

Lần đó cây mít già ở góc vườn, không hiểu sao, sau mùa hè ra nhiều quả bất thường, bỗng lăn đùng ra chết. Bố tôi mất hai buổi chiều mới đánh bật được gốc mít lên. Khi lăn gốc mít vào sân, bố nói: “Vậy là Tết năm nay khỏi lo củi nấu bánh chưng!”. Và đúng là vậy thật. Gian nhà dưới không lát gạch, chỉ là nền đất nện, bố tôi đào một hố không quá sâu giữa nhà, đặt một phần gốc mít xuống, và mồi lửa. Thêm ba chồng gạch cao để đặt nồi bánh chưng lên. Cả nhà tôi quây quần bên nồi bánh ấm sực.

Tôi vẫn ghét mùa đông bởi cái lạnh đến tàn nhẫn, làm môi, má, chân tay nứt nẻ rớm máu. Có lẽ chỉ đêm trông coi nồi bánh chưng là tôi thấy mùa đông không đáng sợ, đáng ghét, đáng nguyền rủa như từng nghĩ. Hơi lạnh không thắng được những sắc lửa đỏ lửa vàng bập bùng liếm vào thành nồi và toả hơi ấm ra khắp gian nhà dưới. Không chỉ có thế. Bố luôn tay lùi những khúc mía tím vào bếp. Những khúc mía lùi vào than, tôi gọi là mía nướng, cắn vào âm ấm chân răng và ngọt níu lưỡi lại. Ba chị em tôi chí choé canh chừng thời gian để nói mía chín rồi, mía chín rồi. Khi cây mía vừa hết cũng là lúc chảo mứt dừa của mẹ đặt cạnh nồi bánh chưng xong mẻ đầu tiên. Những miếng mứt dừa trắng muốt. Chúng tôi hồ hởi làm nhiệm vụ vét chảo để kiếm đường vụn và mứt vụn, dù mẹ nói cho ăn thoải mái. Không hiểu sao cảm giác ăn vụng đồ vụn nó mới ngọn, và háo hức lạ.

Nhưng đó chỉ là chuyện của đầu buổi. Mọi sự háo hức còn cầm chừng, để đón cái bánh chưng con mà bố gói riêng cho ba chị em. Nồi bánh sôi lục bục như tiếng ho khan của người già mùa rét. Tôi không nhớ là bố mẹ phải thêm bao nhiêu lần nước vào nồi bánh chưng. Có một nồi nước lớn đặt ở bếp bên cạnh nữa, để luôn có nước sôi đổ vào nồi bánh, mỗi khi nồi bánh chưng rút nước. Chị em tôi ăn mía, ăn mứt và đếm những lần bố mẹ thêm nước vào nồi bánh chưng. Không biết thêm bao nhiêu lần nước thì cái bánh chưng con của ba chị em tôi sẽ chín? Chỉ biết rằng, tôi đã thiếp đi trong lòng bố, chập chờn ánh lửa vương cả mùi bánh chưng đi gặp nàng công chúa lọ lem trong mơ.

Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy. Chiếc bánh chưng con của tôi đã nằm ngay trên đầu giường. Một chút tiếc nuối vì không được cùng bố mẹ vớt bánh ra, và ăn bánh nóng hôi hổi. Những cặp bánh chưng đã được bố mẹ đưa ép dưới tấm phản để bánh được chắc và vuông vắn hơn.

Nồi bánh chưng được nấu bằng gốc mít năm ấy là lần nấu bánh chưng buổi đêm cuối cùng của nhà tôi. Những cái Tết sau bố mẹ thường nấu ban ngày, từ sáng tới tối là xong. Bố bảo trước lo nhiều việc đồng áng nên phải tranh thủ thời gian nấu đêm. Sau nấu ban ngày cho đỡ vất vả. Không hiểu sao trong tôi cứ mặc định phải nấu bánh chưng buổi đêm nó mới có không khí của… Tết.

Dì tôi kể lại, bố mẹ tôi ngày trước tìm hiểu nhau là trong một lần cùng nhóm đoàn thanh niên thức đêm nấu bánh chưng cho hợp tác xã. Có nhiều đôi nên vợ nên chồng từ những đêm trông nồi bánh chưng như thế. Có năm nô đùa, nghịch quá đà, vương lửa cháy cả đống rơm ở sân hợp tác.

Giờ thì tôi đã xa thật xa ngôi làng trong lòng chảo hình quả mướp hương già quá lửa rồi. Nơi tôi sống có “mùa đông không lạnh”. Tết trôi qua nhanh, đơn giản như một kỳ nghỉ để đi du lịch. Những cặp bánh chưng lớn cả vài ki lô gam, như thể gói vậy để trả thù ngày xưa đói kém, chỉ nấu trong vài giờ đồng hồ bằng kỹ thuật thêm hoá chất cho nhanh chín. Tôi nhìn chẳng thấy được phần nào háo hức như xưa.

Bố mẹ nói, hay Tết năm nay nhà mình tự gói bánh chưng, vài cặp cũng được, cho có không khí? Tôi hiểu bố mẹ muốn cố níu kéo, có thể là một chút thôi, hơi thở của nồi bánh vất vả mà đầy hơi ấm gia đình ngày nào. Tôi dạ. Dù tôi biết cái không khí ấy chỉ có được ở ngôi làng heo hút nơi ở quê xưa. Nhưng tôi vẫn chờ. Tôi chờ hơi lửa thơm mùi bánh chưng. Sẽ chẳng bao giờ ngày xưa về nguyên vẹn. Chỉ một chút. Một chút thôi. Phảng phất thôi cũng đủ lắm rồi!

VĂN THÀNH LÊ

Xem thêm:

Sources:

Tags:

BÀI LIÊN QUAN