Tản văn: Khi cơn bão đi qua…

Tản văn: Khi cơn bão đi qua…

Tôi đã từng chúc cho người bạn ấy luôn có những cơn bão, luôn tạo được cho mình những cơn bão để có thể cân bằng lại cuộc sống vốn nhiều tẻ nhạt đơn điệu này, để bão tố cuốn phăng đi cái cũ kỹ lạc hậu, bão tố tái tạo những ước mơ những khát vọng, bão tố nhân lên sức mạnh nội tâm của con người.

Tản văn: Khi cơn bão đi qua...

Cơn bão số 5 đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng tới nhiều tỉnh thành miền Bắc, trong đó có Hà Nội. Mưa to, mưa vài ngày liên tiếp. Tất nhiên, mưa ở Hà Nội còn khiêm tốn hơn nhiều nơi khác. Mảnh đất Thăng Long “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nắng không quá gắt, mưa không quá dài, bão chỉ quét qua và lũ lụt và hạn hán, động đất, lốc xoáy,… tất tần tật các thể loại thiên tai quá lắm cũng chỉ dám rụt rè gõ cửa chứ chẳng thể mạnh dạn xông vào. Mà nếu có sao, ví như lũ sông Hồng lên cao, nguy cơ vỡ đê hay ngập úng thì đã có các vùng miền lân cận làm cửa xả lũ, giữ cho Thủ đô vẻ yên bình thanh lịch ngàn năm.

Hà Nội vốn nhiều cây xanh. Những cái cây đã từng đi vào thơ ca nhạc họa: cây sưa cây sấu, cây cơm nguội, cây sao la, rồi cây hoa sữa, cây bằng lăng, xà cừ, phượng vỹ… Mọi loài mọi loại, dù ở loăng quăng đâu đó nhưng khi tụ về Hà Nội đều mang một dáng vẻ riêng, tạo một dấu ấn riêng. Mỗi hàng cây mỗi tán cây Hà Nội cũng gợi cho người nỗi nhớ riêng

Trước mùa mưa bão, nhân viên công ty cây xanh cẩn thận đi kiểm tra từng con phố, cưa bớt cành lá để đảm bảo an toàn. Có những buổi sáng, tà tà xe máy đi làm, qua đường Lê Duẩn – Trần Nhân Tông thấy tắc nghẽn, các bác công nhân thì hối hả chăng dây, máy cưa hối hả làm việc, cành cây rụng rào rào xót hết cả ruột. Xót cả ruột vì thương mấy cái cây đang xum xuê bất chợt trở nên trơ trụi. Chúng cũng đau lắm chứ! Nhưng đành lòng vậy cầm lòng vậy. Nếu không cưa bớt, khi mưa to gió lớn, cây gãy cành rơi, hậu quả biết thế nào. Chỉ mong các bác ấy đừng cưa nhầm, kẻo cây cần cưa bớt cành thì chẳng cưa, cây chẳng cần thì lại cưa đi, oan uổng…

Cái chuyện cưa cây năm nào cũng có, và cái chuyện đổ cây thì cũng vậy à! Nhưng cơn bão số 5 vừa rồi có lẽ khiến nhiều cây bị đổ nhất, trong đó có những cây to (không biết đã gọi được là “cổ thụ”). Cây đổ còn đè bẹp cả xe taxi, gây ra cái chết cho tài xế. Tức là cây cũng vô tình trở thành tội phạm.

Phải đưa cái cây ấy ra tòa xét xử! Mưa không đến nỗi quá nhiều, gió không đến nỗi quá to, vậy mà một loạt cây Hà Nội tự nhiên đổ đốn ra thế, tự nhiên bật gốc lên thế. Thiệt hại hiển nhiên rồi, cả về người và của. Giao thông thì bị tắc nghẽn. Công ty cây xanh, công ty vệ sinh môi trường tự nhiên thêm việc. Báo chí thì đồng loạt lên tiếng cảnh báo về những cái cây đã già đã quá tuổi thọ (bao nhiêu tuổi với cây là già?), về công tác quy hoạch và quản lý cây xanh, về vấn đề an toàn cho người đi đường… Vân vân bao nhiêu là chuyện, càng ngẫm càng thấy có lý, càng ngẫm càng thấy quan trọng, ngẫm và tự nhiên thấy… giận những cái cây.

Ừ, những cái cây quá đỗi vô tình, sao không bám chặt vào nền đường hè phố, sao không là trụ đỡ nắng mưa gió bão cho người Hà Nội, sao mới một tí mưa một tí gió đã mỏi mệt đầu hàng…

Nhưng nói gì thì nói, cũng phải cho cây thưa lại đôi điều.

Ừ, sao những nền đường cứ mỗi ngày một nặng trịch mỗi ngày một quá tải một xơ cứng? Sao những lòng đường vỉa hè kia cứ liên tục bị đào xới? Sao những tòa nhà cứ mãi chồng lên rồi lại khoét sâu vào lòng đất? Khi bao nhiêu máy móc xây dựng cùng hoạt động trong ầm ĩ bon chen, gặp những chùm rễ cây đã lan tỏa đã bám sâu từ trước đó, máy móc có tàn nhẫn cắt đi không?

Những suy nghĩ vẩn vơ ấy đến với tôi bất chợt vào một buổi sáng, khi từ ngã tư Lý Thường Kiệt rẽ sang Bà Triệu, tự nhiên thấy hiện trước mắt một không gian là lạ, trống hơ trống hoác. Ngã tư này, ngày nào tôi cũng đi làm qua. Cái ngã tư đông đúc và hối hả, vậy mà sao hôm nay thấy rộng rãi, chan chan nắng. Lề đường bên phải, một gốc cây to đùng nằm không ý tứ. Hình thành cái hố rộng và sâu khiến vỉa hè ngả nghiêng xô lệch. Có lẽ trong hai ngày nghỉ, cành lá đã được thu gom, mặt đường lề đường không sót lại dù chỉ một chiếc lá xanh. Thân cây cũng được mang đi rồi. Chỉ còn trơ lại phần gốc. Nhìn, không thể đoán không thể biết đó là cây gì, xà cừ, phượng vĩ hay cơm nguội…

Chỉ khi cái cây bị đổ, tôi mới nhớ ra rằng đã từng có một cái cây đứng sừng sững ở cạnh ngã tư này. Cái cây ấy đã từng che nắng cho tôi và bao nhiêu người khác trong lúc chờ đèn đỏ hay khi sang đường.

Chỉ khi cái cây bị đổ, tôi mới ngạc nhiên nhận ra rằng toà nhà của ngân hàng nhà nước phía bên tay phải kia sao mà cao thế, cao và trơ trọi và cô đơn…

Từ gốc cái cây bị đổ ấy, nhân viên công ty cây xanh có thể trồng một cây khác, hoặc cũng có thể không. Nhưng nếu có trồng cây khác thì cũng phải mất mấy chục năm ròng, cái cây ấy mới lấp được khoảng trống hiện tại.

Nhưng đó là chuyện khác, chuyện của tương lai. Trước mắt, đi qua ngã tư ấy, rộng rãi, chang chang nắng. Tầm nhìn như thoáng hơn xa hơn. Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ cũng chẳng còn chỗ… nấp. Những hoạt động giao dịch đầy quan trọng của một ngân hàng lớn hình như mất đi phần nào bí mật.

Dù không đổ bộ vào Hà Nội, cơn bão số 5 đã làm cho cái cây này và bao nhiêu cây khác bị đổ. Cơn bão ấy đã làm lộ ra những khoảng trống. Từ những khoảng trống đó, ta nhớ lại điều đã vô tình lướt qua, vô tình quên lãng. Từ những khoảng trống đó mở ra hướng nhìn mới, thoáng hơn, đủ đầy hơn về không gian quanh mình.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến tâm sự của một người bạn. Anh nói rằng bão tố đi qua có thể gây nhiều thiệt hại. Nhưng mặt khác, ở khía cạnh tích cực, bão tố cũng đem đến sự thay đổi. Những gì cũ kỹ sẽ bị đẩy lùi. Những gì cản trở sẽ được thanh lọc. Còn lại là điều mới mẻ…

Có cần một cơn bão thực sự để những cái cây Hà Nội được thử thách?

Tôi đã từng chúc cho người bạn ấy luôn có những cơn bão, luôn tạo được cho mình những cơn bão để có thể cân bằng lại cuộc sống vốn nhiều tẻ nhạt đơn điệu này, để bão tố cuốn phăng đi cái cũ kỹ lạc hậu, bão tố tái tạo những ước mơ những khát vọng, bão tố nhân lên sức mạnh nội tâm của con người.

Chúng ta có cần riêng cho mình những cơn bão?

Anh Thư

Cùng tác giả: Tản văn: Cafe và quán vắng

Cafe và quán vắng

Sources:

Tags:

BÀI LIÊN QUAN