Mắt chiều hoe đỏ – câu chuyện sâu sắc về tình cha con

Mắt chiều hoe đỏ – câu chuyện sâu sắc về tình cha con

Trong cuộc sống, hẳn là chúng ta thường hay so sánh giữa mình với người khác, nên đôi khi nảy sinh tâm đố kỵ với người hơn mình. Đồng thời, ta lại cũng oán trách cha mẹ, tại sao mình sinh ra lại vào gia đình thua kém như vậy? Nếu bạn là người đã và đang nghĩ như thế, thì câu chuyện dưới đây là dành cho bạn: Mắt chiều hoe đỏ – câu chuyện sâu sắc về tình cha con

Đã bao lần tôi thầm oán trách: Tại sao con lại là con của bố? Bố là một ngư­ời lính đã từng chiến đấu ở chiến tr­ường Bình- Trị- Thiên trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và trong mư­a bom bão đạn, bố đã gửi lại khói lửa chiến trường một phần máu thịt của mình – đó là đôi mắt. Để rồi bố chỉ biết lặng yên khi mẹ nhọc nhằn quảy những gánh lúa nặng trĩu trong cái nắng trư­a hè oi ả, mồ hôi ướt đẫm đôi vai gầy. Chỉ “dửng dư­ng” mặc mẹ vội vã cơm nư­ớc sau những buổi chợ chiều,… Bố mất đi đôi mắt, chẳng thể nâng bổng con lên bay vút trong không gian, tiếng cư­ời trẻ thơ giòn tan trong gió, chẳng cõng con trên vai dung dăng khắp cánh đồng quê ngan ngát thơm mùi lúa chín, chẳng cùng con cõng con chữ đến trường mỗi sáng tinh sương và vẫy tay chào tạm biệt khi con bước vào lớp. Chẳng thể, chẳng thể, chẳng thể,…”

Tản văn: Mắt chiều hoe đỏ - Đào Mạnh Long

Một hôm…

Tiếng gõ cửa “cạch, cạch…”, tôi chạy ra mở cửa, một người đàn ông trung niên mặc bộ quân phục bàng bạc màu, da ngăm đen, đôi mắt sâu chứa đầy nỗi buồn, nhìn tôi, cười hiền:

– Cháu là con bố Dũng phải không? Bố có nhà không cháu?

– Chào bác, bố cháu ở trong nhà, mời bác vào!

Rảo bước đến bên hiên nhà nghiêng nghiêng giàn hoa giấy cánh mỏng manh tim tím, bác chợt đứng khựng lại, thẫn thờ thốt lên:

– Anh Dũng…

Bố ngoảnh lại, lặng vài giây như hồi tưởng nghĩ ngợi điều gì, rồi bất chợt trên khuôn mặt khắc khổ của bố bừng lên một nụ cười:

– Cường… Cường đúng không?

– Vâng, em Cường đây!

Hai người ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi. Bố nắm chặt tay người đồng đội cũ cứ như thể sợ bác sẽ tan biến đi như một giấc mơ vậy.

– Em còn nhớ mãi cái buổi chiều hôm ấy… – Bác đăm đắm nhìn về phía chái nhà rồi ngậm ngùi tiếp – … Trời cũng nhập nhoạng tối. Em đang mải miết chạy trên hào đem nắm rau rừng cho đoàn dân công. Vừa đến giữa cánh đồng không mông quạnh thì đột nhiên một chiếc trực thăng đen cắt lại giữa ráng chiều đỏ ối. Tiếng quạt chém vào gió ù ù. Em hoảng hốt, mồ hồi tươm ra, quýnh quáng chẳng biết làm gì. Hồi đó em mới là một chàng thanh niên mười tám, mười chín tuổi, anh nhỉ! Em hớt hải chạy quay lại phía làng. Càng lúc chiếc máy bay càng tiến gần hơn. Tim như ngừng đập. Đúng lúc đó anh chạy tới chẳng nói chẳng rằng vội vàng kéo em nhảy xuống lòng mương nước cạn khô và lấy thân mình che cho em. Em chẳng còn biết gì nữa chỉ nghe thấy một tiếng nổ lớn, đất cát bay mù mịt. Một lúc sau, tất cả trở lại yên tĩnh. Em lồm cồm bò dậy thì thấy anh bất tỉnh. Em vội vã cõng anh chạy đến trạm xá cách đó hơn hai cây số. Vừa chạy vừa gọi anh nhưng chẳng có tiếng trả lời… – Bác Cường nghẹn ngào.

Cả hai người lặng yên bùi ngùi hồi tưởng lại quá khứ.

– Nếu không có anh che chở cho em trước quả bom đó thì bây giờ em đã… Nhưng cũng chính vì thế mà anh mất đi đôi mắt… Em mang ơn anh, chẳng biết bao giờ mới trả được!

– Cậu đừng nói thế, anh em mình đã từng vào sinh ra tử cùng nhau, còn nói gì đến ơn với huệ nữa!

Tối hôm đó, tôi ngồi một mình mắt đăm đắm nhìn vào phễu đêm sâu hun hút. Im lặng gối đầu lên im lặng đầy chật căn phòng nhỏ. Những cơn gió lạnh buốt sầm sập bước qua bậu cửa sổ giàn giụa ánh trăng non. Tôi khẽ run lên vì lạnh. Trước mắt tôi mơ hồ sắc xanh áo lính. Giọt nước mắt rơi nhoè những dòng nhật kí: “Bố thân mến…” Mặc dù tôi chẳng hiểu hết được cái ác liệt của chiến tranh trong câu chuyện của bác Cường kể ban chiều nhưng giọt nước mắt rịn ra từ khoé mắt bố thì tôi hiểu.

Chợt “xoảng” – tiếng vật gì đó rơi vỡ ném vào miền im lặng ngổn ngang những ý nghĩ không đầu không cuối của tôi. Bố! Tôi giật mình thảng thốt, vội vã chạy ra khỏi phòng, dáo dác tìm bố, vừa bước chân vào bếp, tôi đã thấy bố quỳ thụp xuống đất, đôi tay run run quờ tìm những hạt gạo vương vãi tung toé. Những giọt mồ hôi lăn dài trên gò má xương gầy, vài sợi tóc bạc phất phơ. Bố đang cố gắng sắp cơm nước, đỡ đần hai mẹ con. Tôi đứng lặng, nước mắt lưng tròng. Lòng tôi rưng rức niềm hối hận. Thế mà suốt hơn mười sáu năm qua tôi đã hờn trách bố! Chỉ bởi những lí do con trẻ: không có một tuổi thơ bên trọn vẹn. Mà biết đâu rằng bố vẫn không lúc nào ngừng cố gắng vun vén cho tổ ấm gia đình nhỏ bé này bằng cả tuổi xế chiều. Không kìm nổi tiếng khóc bật lên.

– Tuấn hả con! – Đôi tay bố đưa hững hờ quơ vào khoảng không vô định. Tôi chạy ùa vào lòng ôm lấy cổ bố, tiếng nấc nghẹn ngào:

– Co…on xin lỗi! Con th­ư…ương bố quá!

Tôi ôm bố khóc ngon lành.

Ngoài kia, mắt chiều hoe đỏ…

Xem thêm: 

Sources:

BÀI LIÊN QUAN