Tản văn: Rơm rạ về đâu…

Tản văn: Rơm rạ về đâu…

Tản văn: “Rơm rạ về đâu…” tác giả đã “hóa thân” thành rơm rạ để kể câu chuyện của lịch sử nền văn mình lúa nước nước ta. “Câu chuyện dẫu có lúc buồn, nhưng trong hành trình bất tận với xứ sở thân yêu này, lúa-rơm mãi vẹn nguyên với người nông dân và đất đai, bờ bãi…”

Rơm rạ về đâu?

Ảnh: Tiếng thông reo.

Tôi ở xứ sở của chim hạc, trống đồng, hoa sen và những miền châu thổ hiền hòa. Từ thuở hồng hoang cho đến tận bây giờ, tôi lặng lẽ vun bồi cho nền văn minh lúa nước.

Bây giờ đang là mùa gặt. Xuân vẫn còn vương trên những hạt mưa đầu mùa. Cảm ơn Xuân và Phù sa bờ bãi đã giúp tôi vươn lên sau mùa lũ dữ. Tôi đã cố cháy hết mình cho hạt căng, thóc nặng. Tôi hiểu đó là tất cả kỳ vọng của những người nông dân một nắng hai sương, bốn mùa lam lũ. Có lẽ trong từng khoảnh khắc của nền văn minh vĩ đại này, lúa chưa bao giờ “nghĩ khác, làm khác”. Vào vụ, thóc rộn ràng theo người nông dân về nhà. Thóc óng ánh vàng ngõ trước, sân sau giữa mùa nắng lớn.

Tạm biệt thóc. Từ lúc này đây, lúa không còn là lúa. Lúa bắt đầu một câu chuyện khác. Câu chuyện của rơm rạ miệt đồng.

Có lần, rơm được ở lại trên cánh đồng này. Rơm phủ đầy mặt ruộng sau mùa gặt. Chiều nhạt, người nông dân “hóa kiếp” cho rơm. Mùi khói thơm nồng cùng gió rong chơi cùng đám trẻ chăn trâu, thả diều cuối bãi. Rơm giờ đã thành tro, thấm đẫn vào từng thớ đất mặn mòi chờ ngày gọi mầm lúa mới vụ sau.

Lần khác, rơm theo lúa về làng, quây thành đống lớn bên góc vừa. Rơm làm nơi trú ẩn cho trò chơi “năm, mười, mười lăm…” thêm phần lôi cuốn. Trưa hạ, nắng như vỡ ra bởi tiếng nói cười. Rơm chia phần vui cùng lũ trẻ. Cũng có hôm rơm… buồn. Đó là khi lũ trẻ mãi chơi bỏ giấc ngủ trưa bị người lớn đòn roi, quở phạt.

Có lần, rơm xa đám trẻ. Rơm theo mẹ, theo bà vào bếp. Rơm biết thêm được nhiều câu chuyện của người nông dân. Không rõ bếp nhà có phải là nơi chất chứa tình cảm của mỗi gia đình không? Hình như với nhiều gia đình nông dân là vậy. Ở đó, rơm nghe tiếng râm ran nói cười hay âu lo, phiền muộn của nhiều thế hệ trong những bữa cơm đạm bạc. Chuyện đồng áng, ruộng vườn, chuyện con cháu học hành hay chuyện về những khó khăn của một người họ hàng xa lắc,… Những câu chuyện bất tận như nối đầy thời gian nơi đây không bao giờ dứt. Sợi dây vô hình tết bằng lòng nhân và sự bao dung cứ lớn dần, lớn dần qua nhiều thế hệ. Khói bếp ám đầy mái lá nhưng lại bừng sáng bừng tình người trong trẻo, thanh cao. Hình như họ đã góp phần lớn gầy dựng nên nền văn minh miệt này!
Một lần rơm… khóc! Lạ ghê, tưởng mình không bao giờ biết khóc. Đó là lần rơm nghe bà kể với cháu về chuyện mất mùa, thiếu đói. Lúa không phụ người, nhưng lũ đã vô tình mang lúa đi trước sự thẫn thờ của bao gia đình nông dân…

Câu chuyện dẫu có lúc buồn, nhưng trong hành trình bất tận với xứ sở thân yêu này, lúa-rơm mãi vẹn nguyên với người nông dân và đất đai, bờ bãi…

Tác giả: NGUYỄN PHẠM ĐÌNH THẢO

Xem thêm: 

Sources:

BÀI LIÊN QUAN