Tản văn: Ru mùa

Tản văn: Ru mùa

“…Tôi ru em ngủ một sớm mùa thu. Em đi trong sương mù gọi cây lá vào mùa. Con đường thật buồn một ngày cuối đông. Con đường mịt mù một ngày cuối thu…” (Tôi ru em ngủ- Trịnh Công Sơn)

Tháng 8, khúc giao mùa, ru mùa

Tháng chín mới thế mà đã dần qua cùng những cơn mưa rả rích của đất trời Sài Gòn thường xuyên và dai dẳng. Những buổi sáng đến trường ướt mưa, giờ tan tầm người-xe, xe-người nhốn nháo trong cái tấp nập và ồn ào vốn có.

Những trưa nắng chờ xe buýt ra ngoại thành, cảm nhận cái nắng như thiêu như đốt và nhận ra biết bao khó nhọc, mưu sinh của những con người đang sống xung quanh mình. Một cụ già bán vé số, món chè với hương gừng là lạ ngay cổng trường mẫu giáo chếch ngang hông khu trọ, nụ cười hiền của cô bán chè làm tan biến những mệt nhọc buổi xế chiều. Hay gần hơn, là những câu chuyện rất đỗi thân thương mỗi bữa tối trở về sau một ngày học tập đầy căng thẳng của cả phòng – những cô sinh viên nay đã bước vào năm ba Đại học. Lặng lẽ cùng ngày trôi qua với biết bao điều giản dị, thân quen như thế, góp nhặt từng chút một để hành trang cuộc sống ngày càng một dày thêm.

Vẫn thích đạp xe ngang qua những con phố dù quen hay lạ, hít hà mùi thơm béo ngậy mà chẳng rõ là mùi gì, xoa xoa chiếc bắp luộc nóng hổi, ba lô khoác vai lòng rạo rực. Tối khuya và sáng sớm mong ngóng tiếng rao “ai bánh chưng bánh giò đây” của một người đàn ông xa lạ, tiếng rao bán các loại rau của một người phụ nữ đã vào tuổi xế chiều, những âm thanh cuộc sống cứ vậy, bình thường và len lỏi vào nhịp sống thường nhật của mình như một điều gì đó không thể thiếu.

Trung thu sắp tới. Ra phố thấy lồng đèn, bánh trung thu đã được bày bán từ đầu tháng. Trung thu nay khác trung thu xưa nhiều quá, chỉ cần ra phố, nhìn dọc các con đường trưng bày bánh là đủ biết Trung thu sắp về. Không còn thói quen coi ngày tháng âm lịch, cũng chẳng buồn canh ngày nào đến Trung thu để làm lồng đèn. Nhớ mùa Trung thu đầu tiên vào Nam, chú Út mua cho hai chị em mỗi đứa một cái lồng đèn xếp hình cá chép, vui sao là vui, từ bé tới lớn có bao giờ được mua lồng đèn đâu! Chỉ nhớ, thuở nhỏ hay cùng chúng bạn trong xóm đốt nến trong hũ đựng xà bông, buộc sợi thép, treo lủng lẳng rồi cả hội long nhong từ nhà này qua nhà nọ, hát vang những bài đồng dao. Đêm trăng rằm ngồi đầu nhà nhai rau ráu bánh đa nướng với cùi dừa tươi già, sồn sột, béo béo cùng các anh. Những mùa Trung thu tuổi thơ chỉ trôi qua đơn giản như thế, để bây giờ khi nhớ lại, chỉ biêt ngậm ngùi tiếc nuối. Có phải khi người ta càng lớn, ý thức về những gì đã qua luôn luôn tồn tại nhưng chỉ vì một lý do nào đó, hay chính sự bao biện, cố gắng biện ra biết bao nhiêu lý do để trốn tránh. Cũng như mình đang trốn tránh thực tại, rằng Trung thu thứ ba đại học rồi, mình còn bao nhiêu thời gian mà hững hờ với biết bao thứ cần phải làm, bao nhiêu điều cần phải nghĩ ngợi và đắn đo?

Những chiếc bánh nướng xếp gọn ghẽ, những bộ quần áo cũ, bánh kẹo, lốc sữa tươi, nhóm mình đang chuẩn bị cho ngày Trung thu phát bánh cho trẻ em, những người lao động và người lang thang đường phố. Mình mong những mùa Trung thu sẽ tròn trịa hơn, ước mơ của mình và những người bạn có lẽ đang thành sự thật rồi. Chưa đủ để làm nên điều gì đó gọi là kì tích nhưng đủ để thấy rằng mình đang được trao đi những gì mà một cô gái sắp tròn Hai mươi đã và đang cố gắng.

Sắp qua những ngày thu, tiếc nuối một điều gì đó mơ hồ lắm. Những người bạn, những dự định, những lời hứa quay trở lại vào một ngày gần nhất. Thu cứ thế lang thang, ta cứ thế nhìn thu lặng lẽ và âm thầm với những kí ức nhỏ nhặt và bình yên nhất.

Sáng nay đi tìm lại những thói quen, soạn sách từ thùng giấy lên kệ sách mới đóng hôm qua, dừng lại trước những câu chuyện giản dị và đời thường của chú Nguyễn Quang Lập, bật nhẹ volume chiếc Radio cũ nghe tin tức. Và lòng rạo rực lạ lùng. Ừ! thì có phải là thu đang ru ta…?

“…Tôi ru em ngủ một sớm mùa thu. Em đi trong sương mù gọi cây lá vào mùa. Con đường thật buồn một ngày cuối đông. Con đường mịt mù một ngày cuối thu…” (Tôi ru em ngủ- Trịnh Công Sơn)

Tác giả: NGÔ THANH HẰNG

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN