Tào Tháo không chỉ là thiên tài quân sự, mà còn là nghệ sỹ kiệt xuất

Tào Tháo không chỉ là thiên tài quân sự, mà còn là nghệ sỹ kiệt xuất

Chúng ta đều biết, thời kỳ Tam Quốc có xuất hiện những anh hùng với võ nghệ cao cường, những bộ óc thiên tài đầy mưu lược, các đấng minh quân nức tiếng xa gần, bên cạnh đó là những “nghệ sỹ” hào hoa nằm ngay trong chính những nhà quân sự kiệt xuất ấy, Tào Tháo là một ví dụ.

Sự kết hợp giữa sự ác liệt của khói lửa chiến tranh với nghệ thuật bay bổng, đã tạo nên những xúc cảm mãnh liệt, thăng hoa vô cùng kỳ vĩ, không những khiến cho thế nhân thán phục, mà thậm chí còn sáng tạo lên các “trận đánh” nổi tiếng trong binh pháp, trứ danh lúc bấy giờ.

Sau đây là nhân vật đã làm nên huyền thoại thời Tam Quốc bằng tài năng và khả năng cảm thụ nghệ thuật xuất sắc của mình: Tào Tháo.

Tào tháo

Tào Tháo tái hiện qua phim ảnh. Ảnh: Cafebiz

Đa nghi, gian hùng… Có rất nhiều lời bình về nhân vật Tào Tháo trong bộ kỳ thư “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung. Nhưng có lẽ 4 chữ trên là hai từ người ta thường nói đến nhiều nhất. Cùng với Khổng Minh Gia Cát Lượng, Quan Công, Trương Phi, Lưu Bị… có thể nói, Tào Tháo là một trong những nhân vật được La Quán Trung xây dựng sống động nhất, thành công nhất, có sức hấp dẫn nhất cho đến tận ngày nay.

Chính vì hình tượng Tào Tháo trong tiểu thuyết được xây dựng quá tuyệt vời, nên Tào Tháo trong “Tam Quốc” đã lấn át hình tượng Tào Tháo nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc, xuất chúng… trong sự thật lịch sử. Và chắc cũng ít ai có thể ngờ rằng Tào A Man lại là một thi nhân kiệt xuất, lãnh tụ của thi đàn Kiến An, người có cống hiến lớn nhất cho văn hoá Trung Quốc thời bấy giờ, người khai sáng dòng thơ tả cảnh thuần tuý, nhà thi sử đầu tiên, là người thứ nhất mượn nhạc phủ cổ để miêu tả thời sự, người phục sinh cho thơ tứ ngôn, “tổ sư cải tạo văn chương” – Lỗ Tấn.

Người đặt nền móng cho “Phong cốt Kiến An” (Tào Tháo cùng hai con trai Tào Phi và Tào Thực – gọi chung là Tam Tào, được coi là những đại biểu của văn học Kiến An)… của Trung Quốc, với phong cách đặc thù: “khí vận trầm hùng” – Thi bình, Ngạo Đào Tôn; “khí lực hùng tráng bao trùm tất thảy, chư tử Kiến An chưa ai được như vậy” – Thi khái, Lưu Hi Tải; “cổ trực hùng hồn, nhiều câu bi tráng” – Thi phẩm, Chung Vinh; “lời như búa bạt đỉnh núi” – Thi kính tổng luận, Thời Ung…

Tào Tháo là nhà quân sự, nhà chính trị kỳ tài cuối thời Đông Hán. Đồng thời ông cũng là một tác giả có thành tựu rất lớn, “ngoại định võ công, nội hưng văn học” – Nguỵ chí, truyện Tuân Vực. Không những có thể tập hợp được những người có “trị quốc dụng binh chi thuật” về dưới trướng của mình mà còn quy tụ được rất nhiều văn sĩ về với Tào môn.

Đương thời các văn nhân tập trung ở Nghiệp Hạ (nay là phía bắc An Dương, tỉnh Hà Nam), trong số ấy có rất nhiều người tài hoa, và Tào Tháo chính là người bảo hộ và dẫn đường cho các sáng tác của họ. Thiên “Thời tự” trong “Văn tâm điêu long” viết: “Nguỵ Vũ Đế (tức Tào Tháo) ở địa vị tôn quý mà rất yêu thích văn chương“.

Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực cùng với Khổng Dung, Vương Xán, Lưu Trinh, Trần Lâm, Nguyễn Vũ, Từ Cán, Ứng Sướng chính là linh hồn của văn học Kiến An. Người sau thường gọi họ là Tam Tào – Thất Tử.

Tào Phi

Ảnh: DKN.TV

Quyền lực chính trị và tài năng thơ ca, 2 yếu tố này đã đưa Tào Tháo lên địa vị lãnh tụ thi đàn Kiến An.

Hiện tại, còn lưu giữ được 26 bài thơ của Tào Tháo và tất cả đều là nhạc phủ ca từ. “Nguỵ thư” viết ông: “Đăng cao tất phú, cập tạo tân thi phi chi quản huyền, giai thành nhạc chương“. Qua đó có thể thấy, Tào Tháo không những là một nhà thơ, mà còn là người say mê âm nhạc.

Và điều đặc biệt trong sáng tác của ông là sự kế thừa truyền thống hiện thực chủ nghĩa “cảm ư ai lạc, duyên sự nhi phát” (cảm động ở những nỗi vui buồn, theo đó mà phát ra) của dân ca nhạc phủ (theo Hán thư – Nghệ văn chí), dùng hình thức nhạc phủ cựu đề để chuyển tải những nội dung mới mẻ.

Cũng như chủ trương “dùng người tài không kể thân phận sang hèn“, trong sáng tác, Tào Tháo dùng những thể thơ ca dân gian (mà thời đó bị các thi sĩ quý tộc khinh thường) làm hình thức sáng tác và phương tiện bộc lộ tình cảm. Trong số đó có rất nhiều danh tác như: Giới lộ hành, Cảo lý hành, Khổ hàn hành, Khước đông tây môn hành, Đoản ca hành, Quy tuy thọ, Đối tửu, Độ quan sơn, Quan thương hải và Mạch thượng tang với hình thức đa dạng, nội dung phong phú.

Những động loạn của hiện thực xã hội và nỗi thống khổ của nhân dân đương thời được phản ánh một cách sâu sắc vào trong thơ ca Tào Mạnh Đức. Vì vậy người ta gọi ông là bộ “Hán mạt thực lục” và “thi sử” (theo Chung Tinh trong “Cổ thi quy”) trước Đỗ Phủ đến 500 năm. Chẳng hạn như các tác phẩm “Giới lộ hành” và “Cảo lý hành” nguyên là những bài vãn ca (bài ca phúng điếu) được Tào Tháo “mượn xác” để tả thời sự. Thông qua việc miêu tả một cách mới mẻ và chân thực sự tao loạn của thời đại, những tác phẩm này cũng đồng thời bộc lộ tình cảm ưu thời mẫn thế của nhà thơ:

Đời hăm hai nhà Hán, 
Dùng những kẻ bất tài.
Một lũ khỉ đội mũ,
Trí mọn đòi múa may
Chần chừ không dám quyết,
Để hoạn quan ra tay.

Gian thần cướp quyền bính,
Giết vua diệt đế kinh.
Cơ nghiệp tiên vương mất,
Tông miếu bị tan tành…”

“Cảo lý hành” là bài thơ ngũ ngôn 18 câu kể việc bọn Viên Thiệu, Viên Thuật mượn cớ thảo trừ Đổng Trác gây bao cảnh tang tóc, điêu linh cho dân lành. Nổi tiếng nhất là những vần thơ cuối cùng, những câu được xem là “danh cú cổ kim”:

Đồng hoang xương phơi trắng, 
Ngàn dặm tiếng gà không.
Trăm người sống sót một,
Càng nghĩ càng quặn lòng.

Mấy câu thơ tả thực vô cùng sắc sảo, đọc lên nghe lạnh gáy. Cảnh chiến trường như hiện lên trước mắt đầy vẻ hoang tàn, mịt mù tử khí, ai nghe cũng rùng mình kinh sợ. Câu chữ rất tự nhiên, giản dị nhưng nội lực hùng hậu, có sức rung chuyển kinh người.

Sau thất bại của liên minh 18 lộ chư hầu chống Đổng Trác, Viên Thiệu hội quân nhưng không ai dám luận bàn đến thất bại của Liên Minh. Giữa chốn ba quân Tào Tháo thẳng thắn mắng mỏ, âu cũng là tính cách làm lên sự nghiệp động trời của ông. Dám nói, dám nghĩ, dám làm, mưu trí, quyết đoán và đầy sáng tạo.

Trong cuộc đời ngang dọc chiến chinh của mình, Tào Tháo cùng tướng sĩ trải qua muôn ngàn gian lao, nguy hiểm; tính mệnh mong manh không chỉ khi đối diện mũi giáo đường gươm quân thù, mà cả khi vượt suối băng ngàn trên đường hành quân:

Đường lên núi Thái Hàng 
Vời vợi khó khăn thay
Núi non lối khuất khúc
Xe ngựa muốn lung lay
Cỏ cây xơ hiu quạnh
Gió lạnh rít ù tai
Beo gấu luôn rình rập
Hổ báo lượn đó đây
Núi khe bóng người vắng
Đầy trời tuyết bay bay…”

Cảnh thiên nhiên thật hùng vĩ, hoành tráng và đẹp đẽ nhưng cũng chất chứa bao hiểm nguy, khắc nghiệt. Trích đoạn trên là 10 câu đầu trong kiệt tác “Khổ hàn hành” – tả một trong những cuộc hành quân của Tào Tháo cùng ba quân.

Hai tác phẩm “Đoản ca hành” và “Quy tuy thọ” là những sáng tác thể hiện tinh thần và hùng tâm thống nhất thiên hạ của Tào Tháo, đây cũng là hai danh tác trong thơ tứ ngôn của ông. Đó là tâm chí thống nhất Trung Nguyên, là tình cảm mãnh liệt của bản thân và tâm tình bi thương khẳng khái, nỗi ưu tư vì đại nghiệp chưa thành của khách anh hùng trước bóng hoàng hôn cuộc đời.

Trước trận xích bích, cảm khái khi nhìn dàn thuỷ quân hùng tráng vô tiền khoáng hậu, Tào Tháo vào một đêm trăng sáng tập kết ba quân mở tiệc chiêu hiền đãi sĩ, tức cảnh sinh tình liền múa giáo ngâm thơ, đã cho thấy tài năng thi ca trời phú của ông trước ba quân tướng sĩ. Bộ phim Tam Quốc Diễn Nghĩa cũng có đoạn đặc tả lại cảnh này rất hay:

https://www.youtube.com/watch?v=HnVHkfRkTes

Trên bước đường tung hoành mây gió, vào sinh ra tử, thành bại muôn lần của mình, không phải lúc nào Tào Tháo cũng chỉ nghĩ đến chiến chinh, chém giết. Cũng có rất nhiều khi, mộng xưng hùng tranh bá trong ông chợt lắng xuống để cho niềm cảm khái nhân sinh dâng trào.

Xông pha, lăn lộn qua vô số trận mạc sa trường, khi tóc anh hùng đã nhuộm màu sương tuyết, Tào Tháo giật mình hoảng hốt thấy thời tráng niên sắp qua và biết mình đang bước những bước cuối cùng của cuộc đời. Đời người như giấc mộng, cũng như một khúc ca, hào hùng nhưng quá ngắn ngủi. Và đây là những vần thơ chứa chan tâm sự:

Nâng chén hát ca 
Đời người bao la
Nhẹ như sương sớm
Khổ nhiều ngày qua
Thở than buồn giận
Ưu phiền nào tha…” 

Đây là 6 dòng đầu trong danh tác “Đoản ca hành”. Cả bài thơ là một nỗi lòng ngập tràn tâm sự và niềm cảm khái về kiếp người mong manh, khổ đau.

Ở đây người ta lại thấy một Tào Tháo khác, không phải hiên ngang lồng lộng giữa đất trời với thanh kiếm xung thiên nộ khí mà là một Tào Tháo ngất ngây trong bầu rượu ưu tư. Tiếng hát vẫn có vẻ hào hùng khí thế song âm điệu lại trĩu nặng phiền não, bi hùng.

Đời người lắt lay như khói sương, tháng năm khổ não chất chồng, hết thở than lại buồn giận, làm sao có thể xoá đi những phiền muộn? Đây rõ ràng là khúc bi ca về cuộc đời, cuộc đời của một chiến binh, hết sức tài ba nhưng cũng vô cùng sâu sắc. Cái ‘bi’ trong thơ ca Tào Tháo luôn gắn với cái ‘hùng’.

Niềm cảm khái về nhân sinh thoáng chốc ấy càng được biểu lộ sâu sắc hơn trong bài “Quy tuy thọ” – khúc ca thứ tư trong “Bộ xuất hạ môn hành”:

Thọ như rùa thiêng 
Cũng có lúc chết
Rồng cưỡi mây mù
Cũng ra tro hết
Ngựa già nằm chuồng
Chí ở bốn phương
Anh hùng về cuối
Hăng hái như thường…

Rùa thiêng, rồng thần, ngựa thiên lý, anh hùng,… tất cả cuối cùng cũng trở về cát bụi, cũng hoá hư vô. Có lẽ sự trải nghiệm đã khiến cho Tào Tháo có cái nhìn sâu thẳm về cuộc sống.

Tào Tháo thấy được sự vô thường của kiếp người cũng như của vạn hữu, tuy vậy ông không chán nản, não luỵ. Ngựa thiên lý tuy già yếu nằm chuồng nhưng chí của nó vẫn tung hoành ngoài nghìn dặm; kẻ anh hùng bạc đầu nhưng hùng tâm vẫn mênh mang bốn phương. Ông tự hào về những tháng năm oai hùng đã qua và ngậm ngùi tiếc nuối, nhưng vẫn hát ca đón chào hoàng hôn đời mình.

Tào Tháo

Trong danh tác “Đối tửu”, ông miêu tả một xã hội lý tưởng trong tưởng tượng. Đó là một xã hội ‘vua sáng tôi hiền’, ai nấy đều kính nhường nhau, không có kiện tụng tranh chấp, không có những cảnh thúc thuế bắt nợ, người chấp chính thưởng phạt nghiêm minh, yêu thương trăm họ như anh em; nhân dân yên tâm vui vẻ làm ăn, không có cảnh chạy tứ phương để trốn bắt lính, mọi người đều ấm no sung sướng, người già được sống trọn tuổi trời.

Ở bài “Độ quan sơn”, ngoài việc mơ tưởng một xã hội lý tưởng với thánh quân minh chúa hết lòng với nhân dân, Tào Tháo còn khẳng định: “Thứ đáng quý nhất trong trời đất là con người”. Sống trong loạn đao binh khốc liệt, mạng người như cỏ rác, sống chết trong đường tơ kẽ tóc mà ông nhận ra và khẳng định được giá trị con người như vậy, kể cũng rất đáng ngạc nhiên đối với người từng có câu nói chấn động lịch sử: “Ta thà phụ người chứ không để người phụ ta.” Nhưng quan sát toàn bộ thơ ca của Tào Tháo, thì dường như còn có một Tào Tháo khác vậy. Qua gần 2000 năm, thơ ca còn lại không thể là giả dối, nhất là đối Tào Mạnh Đức:

Giữa trời đất, 
Người là nhất.
Lập vua chăn dân,
Làm ra phép tắc.
Bánh xe chân ngựa,
Ngự tuần khắp chốn.
Thưởng phạt rõ ràng,
Thứ dân đều biết…

Tóm lại, thơ Tào Tháo biểu hiện phong cách đặc trưng với sự hào sảng tung hoành và bi tráng hào hùng, biểu hiện một cách tập trung tinh thần của thời đại. Thơ ông không chỉ mở ra một thi phong mới cho thời đại Kiến An, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển văn học sau này của văn học Trung Quốc, và việc ông dùng nhạc phủ cựu đề để miêu tả thời sự cũng tạo ra nhiều gợi ý cho các thi nhân đời sau. Chẳng hạn như bài tân đề nhạc phủ thi “Tức sự danh thiên” của Đỗ Phủ, hay cuộc vận động tân nhạc phủ của nhóm Bạch Cư Dị… đều có thể truy nguyên đến nhạc phủ ca từ của Tào Tháo. Một nhân vật “gian hùng” xuất sắc nhất mọi thời đại!

Xem thêm: Hoa Đà – Đại thần y “sinh nghề tử nghiệp”

Theo DKN.TV

Sources:

BÀI LIÊN QUAN