Thảm kịch của “người đàn ông kiên cường” Ceausescu

Thảm kịch của “người đàn ông kiên cường” Ceausescu

Trong sự biến đổi ở Đông Âu, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Romania là Ceausescu được xem là nhà lãnh đạo cứng rắn nhất, mệnh danh là “người đàn ông kiên cường”. Trước mối nguy loạn lạc, Ceausescu dùng thủ đoạn trấn áp khủng bố nhất. Cho dù thế, sự cứng rắn của Ceausescu không những không giữ được chính quyền, mà ngay cả tính mạng của ông cũng tiêu tan. Tình cảnh của Ceausescu kết thúc vô cùng thê thảm: hai vợ chồng cùng bị xử bắn. Ceausescu là lãnh đạo duy nhất bị mất mạng trong biến động ở Đông Âu.

Nicolae Ceaușescu

Nicolae Ceaușescu (1918-1989) (Ảnh: wikipedia)

Tuổi trẻ Ceausescu

Ceausescu có xuất thân là thợ đóng giầy, từ nhỏ đã là người cứng rắn. Làm việc lao động từ năm 11 tuổi, 15 tuổi đã bị bắt vì tham gia đình công; từ 18 – 26 tuổi bị vào trại giam phát xít. Trong thời gian ngồi tù đã quen với lãnh đạo Đảng Cộng sản Romania là Gheorghe Gheorghiu-Dej, sau này quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản thuộc về “phe ngục tù”.

Nicolae Ceaușescu 15 tuổi

Nicolae Ceaușescu khi bị bắt vì tuyên truyền chống phát xít (Ảnh: wikipedia)

Sau thế chiến thứ hai, Romania trở thành quốc gia theo mô hình Liên Xô, thực hiện chuyên chế một đảng, chế độ công hữu và kinh tế kế hoạch hóa, Gheorghe Gheorghiu-Dej trở thành lãnh đạo cao nhất của Romania. Năm 1965, Gheorghe Gheorghiu-Dej qua đời, Ceausescu lên thay, lúc đó ông 47 tuổi.

Ceausescu là nhà lãnh đạo cứng rắn, có tâm huyết với sự nghiệp, sau khi giữ quyền lực đã làm được một số việc tốt.

Thời gian đầu Ceausescu làm lãnh đạo

Vừa lên nắm quyền ông đã tỏ rõ thái độ không hài lòng với kiểu thống trị lộng hành của công an mật, lập tức cho thay những lãnh đạo cảnh sát mật quá ô danh bẩn thỉu, về chính trị thực hiện chính sách khoan dung và khai minh; có công giải oan nhiều vụ án xử sai dưới thời ông Gheorghe Gheorghiu-Dej; nới lỏng quản lý văn hóa, thậm chí còn cho phép đài truyền hình phát những bộ phim của Tây phương, đây là điều tuyệt đối không thể xảy ra tại các nước cộng sản vào thập niên 60 thế kỷ XX.

Ông không quan tâm đến giao kèo của “đại gia đình Cộng sản chủ nghĩa” mà mở rộng buôn bán với phương Tây, mượn tiền của phương Tây, thậm chí còn cho công ty Pepsi vào làm ăn, đây cũng là điều không thể xảy ra với các nước Cộng sản trong thời kỳ này.

Ông đẩy mạnh phát triển công nghiệp, xây dựng nhiều nhà ở để giải quyết vấn đề khó khăn về nơi ở cho người dân, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao rõ rệt.

Trong ngoại giao ông là “người đàn ông cứng rắn” nổi tiếng. Romania vốn là nước nhỏ phụ thuộc vào nước lớn Liên Xô, nhưng sau khi nắm quyền ông lại không hề e ngại điện Kremlin. Liên Xô chiến tranh lạnh với Mỹ, nhưng ông lại ngang nhiên quan hệ qua lại với Mỹ; Liên Xô và Trung Quốc bất hòa, ông lại kết thân với Trung Quốc; về vấn đề Trung Đông, phe Chủ nghĩa xã hội do Liên Xô đứng đầu ủng hộ thế giới Arab, ông lại lập quan hệ với Israel; Liên Xô dẫn đầu khối Hiệp ước Warsaw xâm lược Tiệp Khắc, ông tổ chức mitting với cả trăm ngàn người kháng nghị chống lại Liên Xô, đồng thời cho huy động quân sự; Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu cùng nhau phản đối thế vận hội Los Angeles ở Mỹ nhưng ông lại cử đoàn tham gia, đoàn của Romania tiến vào lúc khai mạc đã khiến khán giả đã reo hò như sấm…

Trước khi Ceausescu nắm quyền, nhiều người đã nhận thấy ông là nhà chính trị có ý thức cải cách và khai minh, giới học giả phương Tây cũng lạc quan cho rằng Ceausescu sẽ dẫn dắt Romania đi theo con đường tự do.

Nhưng Ceausescu đi chưa bao xa thì đã quay lại, thậm chí con đường đi ngược lại còn cực đoan hơn.

Ceausescu và Kim Nhật Thành năm 1971 (Ảnh: wikipedia)

Ham muốn quyền lực

Ông lấy danh nghĩa tập trung quyền lực để Đảng ngày càng mạnh mẽ rồi trở thành một kẻ độc tài, dùng gia tộc trị. Bắt đầu từ thập niên 70, cùng với việc Ceausescu đẩy mạnh tập trung quyền lực thì sự sùng bái cá nhân với Ceausescu ngày càng thịnh hành, cỗ máy tuyên truyền đẩy mạnh việc ca ngợi công đức của Ceausescu. Ceausescu thu lại chính sách văn hóa khoan dung, thực hiện kiểm soát ngôn luận gay gắt, chống lại “tự do hóa của giai cấp tư sản”. Ceausescu không chỉ phục hồi lại chế độ cảnh sát mật mà trước đây mình từng phản đối, hơn nữa còn làm mạnh mẽ hơn trước, thành lập tổ chức an ninh quốc gia, xúc tiến xây dựng hệ thống cảnh sát và quân đội thật hùng hậu, dùng cảnh sát mật để theo dõi dân chúng, bố trí máy nghe trộm khắp nơi. Chính quyền tiến hành bức hại với bất kỳ nhân sĩ bất đồng nào, hoặc là cách chức, hoặc bắt đi tu, hoặc trừng phạt về kinh tế, hoặc giam vào nhà tù.

Về kinh tế thực hiện chế độ công hữu và kế hoạch hóa, tập trung phát triển công nghiệp nặng, cưỡng chế “đô thị hóa”, tập trung 7000 thôn trang thành 550 “Trung tâm công – nông nghiệp”. Chính sách kinh tế này dẫn đến hậu quả là vật tư ngày càng khan hiếm, phải thực hiện chế độ tem phiếu, lương thực có phiếu lương thực, xăng dầu có phiếu xăng dầu, sưởi ấm có phiếu sưởi ấm… Do nguồn năng lượng không đủ, vào mùa đông thường có người phải chết vì lạnh. Do thiếu điện, bệnh viện thường xuyên vì sự cố mất điện ngay trong lúc phẫu thuật mà dẫn đến rủi ro cho tính mạng người bệnh.

Chính sách thụt lùi về chính trị cùng sự bảo thủ về kinh tế khiến bầu không khí xã hội trong lành có được từ thời kỳ áp dụng chính sách ngoại giao cởi mở và khai minh trước đó ngày càng cạn kiệt, tình cảnh bất mãn và căm phẫn trong xã hội ngày càng gia tăng. Năm 1977 khi xảy ra sự kiện bãi công ở mỏ than, Ceausescu đã cho đàn áp mạnh mẽ, bắt người thủ lĩnh. Bắt đầu từ năm 1987 bắt đầu rải rác có hiện tượng bãi công và hỗn loạn, Ceausescu vẫn tiếp tục đàn áp không chút chùn tay.

Trấn áp có thể tạm thời dẹp được tình hình nhưng không thể xua tan nỗi căm phẫn trong lòng mọi người, vì thế tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ban đầu Ceausescu theo khuôn mẫu của Liên Xô, kiên trì đi theo hướng công hữu và chuyên chế. Một chế độ mà về chính trị không dân chủ, về kinh tế không tự do là một chế độ u tối.

Dưới chế độ chuyên chế, kẻ cầm quyền có thể dễ dàng dùng quyền lực để gặt hái được những thành tích, nhưng rồi chính những thành tích đó lại làm cho tình trạng chuyên chế ngày càng bành trướng. Quyền lực là một loại chất gây nghiện nó sẽ làm cho kẻ nắm quyền bị mê mẩn trong tình trạng tự kỷ và cuồng vọng.

Tình trạng phản kháng quy mô lớn với nền thống trị chuyên chế thường xảy ra khi tình trạng kinh tế rơi vào kiệt quệ.

Cuối thập niên 80 thế kỷ XX, kinh tế Đông Âu rơi vào khó khăn, trong đó có lẽ tệ nhất là kinh tế Romania. Năm 1988, tăng trưởng GDP của Romania là 0,5%, năm 1989 số nợ nước ngoài đến kỳ hạn phải trả lên đến 10 tỷ Mỹ kim.

Tháng 3/1989, một số cựu quan chức cấp cao trong hệ thống công khai lên án Ceausescu, chỉ trích ông ta có những hành động xúc phạm quyền công dân và có những chính sách kinh tế không được lòng dân. Ceausescu ngay lập tức có phản ứng càng cứng rắn, cho bắt những người đã công khai lên án mình. Đồng thời càng thực hiện nền chính trị độc tài hà khắc: đẩy mạnh vấn đề đấu tranh giai cấp dưới sự chỉ đạo của Đảng; kiên quyết theo đuổi chủ nghĩa xã hội khoa học, duy trì chế độ công hữu; phản đối cải cách thể chế chính trị, phản đối đa đảng; đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng. Bộ máy tuyên truyền hoạt động hết công suất ca ngợi công đức của Ceausescu và thành tựu vĩ đại của chủ nghĩa xã hội.

Một poster tuyên truyền về Ceausescu

Một poster tuyên truyền về Ceausescu trên đường phố thủ đô Bucharest, 1986 (Ảnh: wikipedia)

Sự cứng rắn của Ceausescu làm người dân rơi vào tâm trạng tuyệt vọng, nhiều người vượt biên chạy ra nước khác. Có một số cựu quan chức âm thầm xây dựng tổ chức đối lập, kêu gọi nhân dân nổi dậy hạ bệ Ceausescu.

Cơn sóng ngầm của bạo loạn đang âm thầm tích tụ dần. Chỉ cần một mồi lửa nhỏ là có thể làm nổ tung mọi thứ.

Kết thúc thê thảm

Ngày 16/12/1989, chính quyền thành phố biên giới Timisoara trục xuất một linh mục bất đồng chính kiến, vài trăm người ở gần nhà thờ cùng nhau thị uy. Ngày hôm sau, sự kiện bùng nổ với hàng ngàn người tham gia sau đó lan rộng ra các thành phố khác. Ceausescu ra lệnh đàn áp nghiêm khắc dẫn đến 120 người bị chết, hàng trăm người trọng thương. Việc trấn áp như đổ thêm dầu vào lửa, ngọn lửa cháy lan rộng khắp toàn quốc.

Ceausescu lại càng dùng biện pháp cứng rắn hơn, ra lệnh thực hiện tình trạng khẩn cấp. Ngày 21, Ceausescu đầy tự tin tổ chức mitting rầm rộ với số người tham gia lên đến cả trăm ngàn người, kêu gọi mọi người đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố ở Romania bị bọn chủ nghĩa đế quốc điều khiển. Không ngờ những người tham gia lại trở thành “đồng bọn” của chủ nghĩa đế quốc, họ tận dụng thời cơ quay sang thị uy chống lại Ceausescu. Trong lúc đang cần nổ súng để bảo vệ Ceausescu thì Bộ trưởng Bộ quốc phòng đã không chấp nhận nổ súng vào nhân dân và tự sát (có người cho rằng ông ta bị chính Ceausescu bắn chết).

Sáng ngày 22/12, bạo loạn bùng nổ trong 7 ngày, vào sáng hôm đó Ceausescu đang chủ trì buổi họp Bộ Chính trị và thông qua quyết định tăng cường hành động đàn áp nhân dân, nhưng ngay buổi trưa tòa nhà của Trung ương Đảng đã bị quần chúng bao vây, Ceausescu lên trực thăng bỏ chạy, và đến chiều đang trên đường tháo chạy thì bị phe quân đội bắt được, 3 ngày sau bị Tòa án Quân sự phán tội tử hình và cho hành hình ngay.

Ceausescu nếu có thể giống như những lãnh đạo Đông Âu khác thuận theo nguyện vọng của nhân dân, thỏa hiệp với nhân dân, trả lại quyền cho nhân dân, ông ta đã không bị mất mạng. Nếu ông ta học được Quốc vương Juan Carlos của Tây Ban Nha chủ động đẩy mạnh cải cách chính trị, ông ta sẽ được nhân dân kính trọng. Nhưng chính sự cố chấp và cứng rắn của ông ta đã làm hại chính mình.

Bi kịch của Ceausescu có tính nhân quả, nhưng chủ yếu nhất là do sự mê muội trong ảo giác với quyền lực đã làm hại ông ta.

Trước biến cố ở Romania khoảng nửa năm, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Ba Lan là Jaruzelski đã chuyển từ con đường cứng rắn sang thỏa hiệp, làm Đảng Cộng sản mất địa vị cầm quyền, trở thành Đảng cầm quyền đầu tiên bị đổ ở Đông Âu. Ceausescu thấy tình cảnh yếu đuối trong các Đảng Cộng sản ở Đông Âu thì phát biểu diễn thuyết đả kích, ông ta không muốn thỏa hiệp, cũng không biết thế nào là thỏa hiệp, vì thế dùng thủ đoạn cứng rắn để ngoan cố bảo vệ quyền lãnh đạo. Ông không nghĩ được là: kết cục của thỏa hiệp là mất chính quyền, kết cục của cứng rắn là mất mạng.

Sự cố chấp và cứng rắn của Ceausescu là do tự tin mù quáng trong ảo giác.

Dân số Rumania chưa tới 23 triệu người, thế mà Đảng viên Đảng cầm quyền lên đến 4 triệu người, chiếm 17% dân số; Đảng còn chỉ huy lực lượng quân đội với hơn 200 ngàn người và lực lượng an ninh cảnh sát gồm 80 ngàn người, toàn bộ máy truyền thông đều nằm trong kiểm soát của Đảng, từ báng súng đến cán bút đều nằm trong tay Đảng. Nhưng không ngờ là những thứ này cũng là giao cho người khác giữ, đến lúc nó sẽ quay lại xử chính mình.

Tuy Đảng cầm quyền có 4 triệu Đảng viên nhưng trong số đó bao nhiêu người thực sự vì người khác? Đa số họ chỉ lợi dụng quan trường để tiến thân; chỉ một số ít là người chống đối chế độ. Trên thực tế, sức mạnh chủ yếu kêu gọi nhân dân phản đối Ceausescu là do chính trong nội bộ của Đảng.

200 ngàn quân nhân bình thường tự xưng nghe theo chỉ huy của Đảng và Ceausescu, nhưng lệnh đàn áp nhân dân khiến đa số họ không muốn chấp hành, có người thậm chí còn quay súng lại chĩa vào lực lượng trung thành với Ceausescu. Khi Ceausescu tháo chạy cũng chính là bị quân nhân bắt được, khi tử hình cũng là do tòa án của quân đội thực thi. Một kẻ chỉ biết làm chuyện bạo ngược thì ít người muốn nghe theo chỉ huy của họ.

Sự sụp đổ của chính quyền Ceausescu không xuất phát từ ngoại bang, cũng không phải do kích động của trí thức tự do, khi đó Rumania chưa có lớp người này. Đó chính là những cán bộ trong bộ máy, là quân nhân, thậm chí còn cả cảnh sát mật, họ theo ý dân và xu thế của thời đại, tạo thành thế lực chủ yếu đưa tiễn Ceausescu.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc thực hiện chuyên chế độc tài và kiểm soát kinh tế là không thể trụ vững được, vì nó quay lưng lại ý dân, đi ngược xu thế của thời đại. Bạn càng cứng rắn, càng ra sức khống chế, kết cục sẽ càng thảm bại. Ceausescu không hiểu điều này, là kẻ không thức thời, “người đàn ông rắn rỏi” cuối cùng biến thành rác rưởi của thời đại, của nhân dân.

Theo secretchina

Xem bài gốc tại đây

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN