Tích Đức, hành Thiện mà tâm địa xấu xa thì cũng vô ích

Tích Đức, hành Thiện mà tâm địa xấu xa thì cũng vô ích

Có nhiều người tích Đức, hành Thiện nhưng không xuất phát từ nội tâm. Làm chỉ vì hình thức nhưng tưởng rằng lừa được Thần Phật. Đây là suy nghĩ vô cùng sai lầm, cũng vô cùng xấu xa. Tất cả suy nghĩ của con người, người khác không biết, nhưng dưới con mắt của thần thì rõ ràng vô cùng…

Tích Đức, hành Thiện mà tâm địa xấu xa thì cũng vô ích

Ảnh: Viettri.net

Vào những năm Gia Tĩnh triều Minh, ở tỉnh Giang Tây có một người họ Du tên Đô, tự là Lương Thần. Du Đô là người học vấn uyên bác, năm 18 tuổi đã thi đỗ tú tài, nhưng vì gặp trắc trở trên con đường khoa cử nên 7 lần tham dự kỳ thi Hương mà vẫn không đỗ cử nhân.

Ông Du Đô sinh được 5 người con trai thì có đến 4 đứa bị bệnh chết yểu, đứa con trai còn sống sót sau này lại bị thất lạc, không rõ tung tích. Ông sinh được 4 con gái cũng chỉ còn lại một. Vợ ông thương khóc con đến nỗi cả hai mắt đều mù loà.

Vất vả quanh năm là vậy mà gia đình vẫn ngày càng nghèo túng. Ông thường tự than trách bản thân rằng, mình cả đời ăn ở hiền lành, vì sao ông trời nỡ trừng phạt nặng nề đến thế? Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Chạp ông lại tự tay viết một tờ sớ kêu oan với Ngọc Hoàng, nhưng bao nhiêu năm trôi qua vẫn không được Ngọc Hoàng đáp lại.

Hội ngộ Táo Quân

Giao thừa năm ấy, cả gia đình ông đều buồn bã thê lương, ngán ngẩm trước tình cảnh túng quẫn mà trong lòng không khỏi đau thương chua xót. Bỗng bên ngoài có tiếng gõ cửa, đó là vị khách mặc áo đen, đầu đội khăn đạo sĩ, râu tóc xem chừng cũng khoảng năm mươi, sáu mươi tuổi. Vị khách giới thiệu mình là người họ Trương, vì biết Du gia có chuyện buồn khổ nên muốn đến nói lời an ủi.

Hai người chuyện trò ý hợp tâm đầu như đôi bạn lâu ngày gặp lại. Trong lúc chân tình, ông Du Đô bèn bộc bạch nỗi lòng, rằng suốt đời đã đọc sách thánh hiền, lại hay làm thiện tích đức, vậy mà công danh chẳng được như ý, vợ con lại không trọn vẹn, ngay cả cơm ăn áo mặc vẫn phải chạy lo từng bữa.

Vị khách họ Trương tỏ vẻ đồng cảm: “Tôi rất hiểu tâm tư nguyện vọng của ông. Có điều ông lại dùng tâm phàm mà đi cầu xin Thượng Đế; làm việc thiện là vì hư danh chứ không xuất phát từ nội tâm mình. Tôi chỉ e là Thượng Đế vẫn còn nhẹ tay đó thôi.”

Ông Du Đô thưa rằng: “Tôi phát nguyện làm việc thiện, kính cẩn giữ mình theo khuôn phép đã lâu, lẽ nào tất cả đều là hư danh thôi sao?”

Vị khách họ Trương nói: “Ông thử nghĩ xem, người ta phóng sinh là vì lòng thương xót, còn ông phóng sinh lại chỉ làm qua loa lấy lệ, xem trọng hình thức chứ chẳng hề xuất niệm từ bi. Hơn nữa, ông trên miệng nói là phóng sinh, nhưng trong nhà lại cất trữ đủ loại tôm cua để đem ra nấu nướng, lẽ nào chúng không phải sinh mạng hay sao?

“Còn về chuyện tà dâm, ông tuy chưa có hành vi hổ thẹn, nhưng hễ thấy người đẹp là mắt lại đảo quanh, tâm ý lăng xăng không còn tự chủ, đủ mọi tà niệm chất chứa trong đầu. Ông hãy thử nghĩ xem, nội tâm như thế liệu có trong sạch hay chăng?

“Tôi biết ông đã nhiều năm đốt sớ trình lên Thượng Đế để kể lể sự tình. Thượng Đế cũng lệnh cho sứ giả đến xem xét, chỉ thấy khi ông ở một mình nơi khuất vắng thì trong đầu toàn là những tâm niệm tham lam, dâm dật, ganh ghét, hẹp hòi nóng nảy, tự mãn khinh người, rửa hận báo thù… nhiều đến mức không thể ghi chép hết. Thần chỉ nhìn vào tâm, mà trong đầu toàn tâm địa xấu xa như thế, vậy sao tránh khỏi trời trừng phạt?”

Ông Du Đô hết sức kinh hoàng, sợ hãi khôn xiết, quỳ sụp xuống đất, khóc lóc thưa rằng: “Ngài đã rõ biết hết những sự việc trong cõi u minh, nhất định là bậc Thánh Thần, cầu xin ngài ra tay cứu độ.”

“Muốn cải biến vận mệnh, đầu tiên phải thay đổi nhân tâm. Từ nay về sau, mỗi khi ông có những ý niệm như tham lam, dâm dục, giả dối… thì hãy quyết tâm mà dứt trừ tất cả. Cần giữ tâm ý luôn trong sạch, thiện lương. Khi có thể làm việc tốt, dù là việc lớn hay nhỏ, ông hãy thực hiện ngay. Hãy nhớ, làm việc gì thì trong lòng cũng không mong báo đáp, không cầu danh tiếng, bất kể khó khăn hay dễ dàng, đều phải chân thành mà làm. 

“Điều cốt yếu là phải nhẫn nại, thứ hai là phải kiên trì, nhất thiết không được nề hà. Cứ như vậy lâu ngày sẽ có ứng nghiệm kỳ diệu khôn lường”.

Vị khách họ Trương nói xong thì đi thẳng vào phía bàn thờ thần Bếp rồi biến mất. Lúc này Du Đô mới biết mình vừa gặp Táo Quân, liền cung kính đốt hương lạy tạ.

Đổi tên Tịnh Ý, giữ lòng thanh tịnh

Hôm sau đúng vào tết Nguyên đán, ông Du Đô thiết lễ kính lạy trời đất, thề nguyện sửa đổi tất cả những lỗi lầm trước đây. Sau đó, ông lấy tên hiệu là Tịnh Ý Đạo nhân để thể hiện quyết tâm trừ dứt hết mọi điều sai trái, giữ tâm thanh tịnh.

Ông cũng làm theo lời căn dặn của Táo Quân, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Ông cũng nỗ lực khuyên người gìn giữ luân thường đạo lý, siêng năng đọc sách học hỏi, giữ lòng khiêm nhường, nhẫn nhục hòa kính, dùng lẽ nhân quả báo ứng để giảng rộng với mọi người.

Ông thực hành như vậy cho đến khi đã đạt đến mức thân vừa động ắt có muôn điều thiện tùy theo, tâm vừa tĩnh ắt không còn một mảy may tạp niệm nào sinh khởi.

Chuyển họa thành phúc

Ông Du Đô tích cực hành thiện tích đức như vậy đã nhiều năm. Vào niên hiệu Vạn Lịch thứ hai, quan Thủ phụ là Trương Giang Lăng muốn tìm thầy dạy học cho con. Khi có người tiến cử Du Tịnh Ý, quan liền mời ông đến kinh đô dạy học.

Sau đó, lại nghe kể về đức độ và phẩm hạnh của Du Tịnh Ý, quan lại giúp ông được vào trường Quốc học.

Vào niên hiệu Vạn Lịch thứ tư, tức năm Bính Tý (1576), Du Tịnh Ý dự kỳ thi Hương, trúng tuyển cử nhân, sang năm sau lại đỗ tiếp tiến sĩ.

Ngày nọ, khi Du Tịnh Ý đến ra mắt quan Nội giám họ Dương, ông bất chợt nhìn thấy một cậu thanh niên chừng 16 tuổi, dung mạo vô cùng quen thuộc. Như có linh tính mách bảo, ông liền bảo chàng trai cởi giày ra xem lòng bàn chân trái, quả nhiên thấy 2 nốt ruồi giống hệt như nốt ruồi của đứa con trai thất lạc. Ông mừng quá hét lớn: “Ôi! Con tôi đây rồi.”

Quan Nội giám họ Dương cũng hết sức kinh ngạc, lập tức cho đứa trẻ ấy theo Du Tịnh Ý về chỗ ngụ. Ông hối hả báo tin vui cho vợ. Vợ ông mừng quá, ôm con khóc lớn đến nỗi máu từ trong mắt tuôn ra ràn rụa. Đứa con cũng khóc, rồi nâng niu khuôn mặt mẹ mà thè lưỡi liếm máu mắt cho mẹ. Không ngờ lúc ấy bỗng nhiên hai mắt bà sáng lại, nhìn thấy rõ ràng. Du Tịnh Ý mừng thương lẫn lộn, không còn muốn làm quan nữa, liền từ biệt Trương Giang Lăng trở về quê nhà.

Quan Thủ phụ Trương Giang Lăng quý trọng nghĩa khí của Du Tịnh Ý, gửi biếu nhiều quà tặng và một số tiền lớn, tiễn ông về quê.

Về quê nhà, ông càng nỗ lực làm việc thiện nhiều hơn nữa. Con trai ông sau đó lập gia đình, sinh được 7 người con, tất cả đều học hành đỗ đạt thành danh.

Du Tịnh Ý ghi chép lại sự việc mình gặp thần Bếp cũng như quá trình sám hối sửa lỗi, dùng để răn dạy, giáo dục con cháu về sau.

Ông sống an ổn khỏe mạnh đến tuổi già, thọ 88 tuổi. Người đời ai cũng cho rằng đó là do ông chân thành làm nhiều việc thiện, chuyển đổi được sự báo ứng trở thành tốt đẹp.

Xem thêm:

Sources:

BÀI LIÊN QUAN