Tiên học lễ, hậu học văn: Khổng Dung bốn tuổi biết nhường lê

Tiên học lễ, hậu học văn: Khổng Dung bốn tuổi biết nhường lê

Văn hóa truyền thống luôn coi trọng cội nguồn, nuôi dưỡng tình yêu thương và sự hòa thuận giữa các thành viên trong gia đình. Với phương trâm “Tiên học lễ, hậu học văn”, người xưa dạy trẻ con chữ Nhẫn, chữ Nhường từ rất bé. Câu chuyện về “Khổng Dung bốn tuổi biết nhường lê” đã trở thành mẫu mực trong việc giáo dục trẻ em xưa…

Nhường nhịn, Tiên học lễ, hậu học văn

“Bởi vì con còn nhỏ nên chỉ ăn quả nhỏ. Quả to dành cho bố mẹ và các anh ăn mới đúng”…

Khổng Tử cho rằng, gia đình có tầm quan trọng đối với sự hưng thịnh của một quốc gia. Trong cuốn sách nổi tiếng “Kinh Dịch” có viết, “Gia đình ổn định thì quốc gia mới vững vàng.” Và “Kinh Lễ” có viết, “Các gia đình có nền nếp gia phong thì quốc gia sẽ được cai trị tốt”.

Nhiều điển cố điển tích được truyền lại qua các thời kỳ nói lên những quan điểm của người xưa về tầm quan trọng của gia đình và sự hòa thuận của gia đình đối với con người và xã hội. Một trong những điển tích đó là chuyện Khổng Dung 4 tuổi đã biết nhường lê. Câu chuyện kể về một cậu bé hiếu lễ tên Khổng Dung được kể trong “Tam Tự Kinh”. Khổng Dung sinh ra vào gần cuối thời Đông Hán (25 – 220 sau Công nguyên) và là hậu duệ đời thứ 20 của Khổng Tử. Khi mới lên 4 tuổi, Khổng Dung đã thể hiện đức tính tôn trọng người hơn tuổi và luôn kính nhường họ với sự lịch thiệp và lễ nghi đúng đắn. Trong các người anh em, tuy Khổng Dung đứng hàng thứ sáu nhưng lại là cậu bé được cha mẹ thương yêu nhất.

Một hôm các anh theo thầy vào lớp, còn Khổng Dung nhỏ tuổi nên quanh quẩn bên mẹ. Giữa trưa hè mặt trời như một quả cầu lửa thiêu cháy mặt đất, một ngọn gió cũng không có. Mặt đất nóng như nung. Khổng Dung mồ hôi chảy ra như tắm. Khi tan học các anh chạy ra ngoài sân để hóng mát, trông thấy lũ trẻ mồ hôi đầm đìa, không biết ai đã nói một câu: “Giá bây giờ có một chút hoa quả thì vui biết bao”. Câu nói này khiến các em ồ lên và đều nhìn lên cây lê ở ngoài sân. Quả lê chín vàng mọng nước trên cành cây giống như đang chào mời bọn trẻ. Nhưng trong lòng bọn trẻ đều hiểu rằng nếu như chưa được phép của bố mẹ thì chưa có ai dám đến cây lê.

Kể cũng lạ, có người dường như cũng hiểu hết mong muốn của bọn trẻ đã hái một đĩa lê đặt trên bàn và gọi to: “Các con ơi! Vào ăn lê đi!” Sau tiếng gọi của bố, bọn trẻ tranh nhau chạy đến bàn giơ tay lấy quả lê. Người mẹ ngăn lại và nói: “Tất cả hãy đi rửa tay thôi. Tay bẩn sẽ không ăn được lê đâu”.

Khổng Dung là người rửa tay xong và về đầu tiên. Nhưng cậu không cầm trái lê mà khép nép đứng bên cạnh. Người cha thấy Khổng Dung không cầm quả lê bèn kéo đĩa lê lại gần chỗ Khổng Dung nói: “Con là người bé nhất nhà. Con hãy lấy một quả ăn đi”. Trong đĩa có tất cả tám quả lê. Quả to nhất bằng quả trứng ngỗng, vỏ bóng nhẫy, vàng ươm trông rất hấp dẫn, quả bé nhất to bằng quả trứng gà vỏ màu xanh xem ra đó là quả lê chưa chín hoặc là quả lê đã bị sâu ăn gì đấy.

Nhìn đĩa lê Khổng Dung biết rằng ngoài em bé chưa biết ăn ra còn năm anh trai của Khổng Dung và cộng thêm bố mẹ thì vừa tròn tám người. Có nghĩa là mỗi một người chỉ được một quả. Nhìn ánh mắt của bố. Khổng Dung điềm tĩnh cầm lấy quả lê bé nhất. Việc làm này của Khổng Dung khiến cho bố mẹ rất ngạc nhiên: “Làm sao thằng bé lại cầm lấy quả bé nhất nhỉ?”, liền hỏi Khổng Dung rằng: “Dung con! Nhiều quả lê to như vậy sao con lại chọn quả vừa xanh lại vừa nhỏ nhất” Khổng Dung trả lời: “Bởi vì con còn nhỏ nên chỉ ăn quả nhỏ. Quả to dành cho bố mẹ và các anh ăn mới đúng”.

Các anh rất cảm động vì tấm lòng thảo của Khổng Dung đều chọn quả nhỏ để cầm. Người anh khi cầm phải quả to đã đổi lấy quả to đó cho Khổng Dung. Nhưng Khổng Dung không chịu và giải thích rằng: “Bố mẹ suốt ngày vất vả vì gia đình, các anh ngày ngày phải đi học rất gian khổ. Chỉ mình em là chơi suốt ngày thôi. Vậy quả lê bé nhất để em ăn là đúng”. Quả lê của Khổng Dung tuy vừa xanh vừa bé nhưng Khổng Dung chưa ăn ngay. Bởi vì không phải ngày nào cũng có lê mà ăn. Cậu bé dùng cả hai bàn tay nâng quả lê lên ngắm nghía. Người bố và người mẹ tận mắt thấy cảnh tượng tranh nhau nhường lê. Ngắm cậu bé Khổng Dung ngây thơ lại đáng yêu, trong lòng họ cảm thấy rất vui. Người cha cảm động không ăn được lê, ôm ghì lấy Khổng Dung mà nói rằng: “Đây mới thật sự là thế hệ sau của họ Khổng nhà ta”.

Nhường nhịn, Tiên học lễ, hậu học văn

“Đây mới thật sự là thế hệ sau của họ Khổng nhà ta”…

Khổng Dung sau khi lớn lên làm thái thú quận Bắc Hải, thơ văn của ông nổi tiếng khắp vùng cùng với Trần Lãm, Vương San, Từ Can, Nguyễn Vũ, Ứng Thường, Lưu Chinh được mệnh danh là Kiến An Thất Tài Tử.

Nhường người khác ăn quả lê lớn hơn một chút không phải là một cử chỉ kinh thiên động địa. Nhưng mọi người nghĩ đến người khác làm việc khiêm tốn, làm việc nhường đi một chút thì thế giới này sẽ chẳng tốt đẹp lên ư?

Khổng Dung bốn tuổi biết nhường lê

Khổng Dung bốn tuổi biết nhường lê
Mỗi chuyện ấy “Tam tự kinh” hằng dạy
Những đứa bé
Đầu như trái đào tơ
Nghe,
ngẩn,
ngấm,
mê say…

Có lẽ xưa kia Hưng Đạo Vương không áy náy
Múc từng gáo nuớc kỳ cọ tấm lưng trần
Giải hòa sự bất bình với Thượng tướng quân Trần Quang Khải
Để Hào khí Đông A lớp lớp những chiến công
Để có Bạch Đằng, Chương Dương, Hàm Tử
Hưng Đạo Vương cưỡi voi nhìn hàng cọc nấp dưới sông
Thượng Tướng Thái Sư theo xa giá trở về
Tan hoang kinh thành ngẫm suy lẽ được thua
Cướp giáo giặc, bắt quân thù
Chẳng cần sát sinh linh….

Nghĩ Đại Việt ngày mai muôn thửa
Xã tắc hai phen bon ngựa đá
Nghìn năm sau vẫn còn đấy cơ đồ
Vẫn còn không
Mặt nuớc lạnh chiều đông
Thề quyết đánh
Chỉ một lòng
San sát những chiến thuyền
Nghìn nghịt ba quân
Họ đứng lặng yên, mỉm cười,
Dõi mắt trông
Hưng Đạo Đại Vương
Tưới những dòng nuớc ấm
Rửa trôi cừu hận
Vua tôi nhất tâm
Cùng lời thề Sát Thát
Không biết hai vị anh hùng
Có nhớ tới Khổng Dung?

Bài học ấu thơ vô cùng giản dị,
Như bầu, như bí,
Như cuộc sống nhân sinh đáng ra phải thế,
Người xưa không dạy trẻ làm chuyện kinh thiên động địa
Gieo mầm Chân Thiện Nhẫn trong tim
Cho hoa lá đủ đầy
Cho chim chóc hát ca
Cho trái chín, hương Xuân mãi ngất ngây.

Khổng Dung nhường lê
Cây Thiện lương mới bật mầm
Để thành cổ thụ
Để có những vĩ nhân
Tuổi tên bất hủ
Ngẫm đời
Muôn sự
Khổng Dung ơi!…

Xem thêm: 

Sources:

BÀI LIÊN QUAN