Tiểu thuyết Thằng Hóm – Phần VI

Tiểu thuyết Thằng Hóm – Phần VI

Hóm ngồi ngủ gà ngủ gật ở trước cửa nhà thương Phủ Doãn, chờ sáng vào xin thuốc chữa bỏng. Tờ mờ đất nó đã phải thức giấc, phần đau tay, phần lo buồn, phần sợ nhỡ ra ngủ quên đi ô tô thành phố đến bắt không kịp chạy trốn. Nó đang dựa lưng vào tường ngẫm nghĩ về cái tai nạn vừa thoát thì ở xa một người đàn ông mặc áo nâu, đội mũ dạ cũ, hấp tấp đi đến phía nó ngồi. Tới gần, hắn hất hàm hỏi:

-Bé con, mày có muốn có tiền không?

Hóm ngạc nhiên, trả lời:

-Có chứ. Ai chẳng muốn có tiền.

-Thế đi với tao.

Hóm rẫy nẩy:

-Ấy, tay tôi đau. Đi đâu mới được chứ?

-Dau ra sao? Liệu có đủ sức vác câu đối không?

-À! Hiểu rồi. Đám ma, phỏng?

-Phải. Tao kiểm đủ trẻ con rồi. Có một thằng đêm nó lại đau bụng không đi sáng nay được, hóa ra thiếu. Mày có đi thay vào đấy được không?

Hóm nghĩ một lúc, nhấc nhấc thử cánh tay phải, rồi hỏi:

-Đám có đi qua hàng Than không?

-Không. Có đi không thì bảo để tao liệu. Nhỡ mẹ nó giờ bây giờ.

Hóm đứng thẳng dạy đáp gọn lỏn:

-Có đi.

-Được lắm, theo tao.

Hóm lẽo đẽo đi sau người đàn ông, cánh tay vẫn còn hơi đau. Nó nghĩ bụng hãy đi một lát kiếm tiền tiêu hôm nay đã, vì lúc vội trốn khỏi tiệm may nó đã để quân lại ở đầu phản số tiền hai hào mốt của nó. Nó hỏi:

-À quên! Này bác. Công bao nhiêu đấy?

-Tám xu chứ lại còn bao nhiêu.

-Tôi vẫn đi một hào cơ.

-Thôi, tổ sư ôn con vòi mãi. Không đi, thôi. Ông đang lỗ đây.

-Ừ ! Thì tám xu.

Người kia và Hóm đã đến đầu phố hàng bông. Trước cửa một căn nhà tây hai tầng, đã thấy đặt hàng dải theo vệ đường, nào đào bát cống, nào linh sa, nào bán lợn quay có lồng án thực úp trên, nào minh tinh, nào đồ bát lửa, nào tang du, nào vòng hoa, nào đối trường…

Phu đòn, bé con, người đi đưa đám đã đứng trực sẵn cả, Hóm cũng đứng vào tụi bé con, chờ lúc đám cử hành thì rầm một tấm câu đối mà người cai, phu thuê nó đã chỉ cho nó.

Tiếng lịnh bỗng nổi, tiếng khóc tiếp theo. Rồi người ta khiêng linh cữu đặt vào cỗ đòn, phủ nhà táng lên. Tang gia tề tựu cả đằng sau linh cữu, kêu gào thảm thiết. Tiếng hò hét của người cai phu đội mũ da cũ cắt đạt công việc ran một góc đường. Đứa nào đứa nấy, hoặc cầm đối, hoặc vác vòng hoa, hoặc khiêng trướng… đứng sẵn cả ở vệ đường chỉ chờ tiếng trống khẩu, trông cà rùng là tiến bước.

Hóm  đi rểnh rang theo cái nhịp điệu nặng nề của đám tang. Tay trái nó cầm câu đối, còn tay phải nó buông thõng xuống, thỉnh thoảng lại áp vào về đùi cho đỡ đau. Đám ma đi qua phố Richaud lo đến cửa ga thì vừa bẩy giờ sáng. Hóm tự không biết tiến chậm chạp thế này thì bao giờ mới đến được Phúc trang, bao giờ mới về để nó lĩnh tiền đi ăn cơm. Nó tính toán, lĩnh tiền xong sẽ về hàng Da tìm thằng Tếu, cho Tếu đi ăn với và bảo cái tin nó thôi hiệu thợ may cho Tếu mừng.  Nó đang suy nghĩ như vậy thì một người đội xếp đạp xe qua, đi về phía hàng lọng. Sau xe đạp một đứa trẻ quần áo rách rưới chạy theo, hai cánh khuỷu bị một dây thừng buộc quặt về đằng lưng. Thằng Hóm rụi mắt, nhìn kỹ lần nữa khuôn mặt đứa bé bị trói, rồi rít lên: “Tếu! Tếu!” Tếu ngoảnh đầu lại nhưng không trông thấy Hóm và bị cái dây thừng nối liền khuỷu tay nó vào ghi đông xe đạp kéo rật đi suýt ngã. Hóm ngó lại trông theo mãi, làm thằng bé cầm câu đối đi đằng sau phải gắt lên: “ô hay, vấp bây giờ!” Mặt Hóm thờ thẫn; chân Hóm rời rã, đầu Hóm nặng nề. Hóm nói một mình: “Quái! Vừa rối qua mình và nó ở vườn hoa hàng đậu mà sao sáng sớm nay nó đã bị bắt thế! Hay là đêm qua lại ăn cắp bị tóm được? Hay là sáng sớm nay cướp giật cái gì ở Gala. Mắt Hóm rơm rớm lệ. Thế này thì không khéo Tếu đến bị tù mất. Mà chưa biết chừng lại bị tống lên nhà Tri cụ chứ chẳng thường! Dọc đường xuống khâm thiên, Hóm chỉ nghe lõm bõm thấy người qua lại nói chuyện với nhau về lũ ma cà bông giật ví của đầm… một đứa bị bắt… giải lên Hàng Trống…

Từ lúc nom thấy Tếu, Hóm không muốn lê chân đi nữa. Nó thấy con đường xuống Phúc trang sao mà dài thế! Vừa đi nó vừa ngậm ngùi thương thằng Tếu. […].

Khổ thân nó! Đáng đã nghe lũ nào rủ tê, không khéo lại bị vạ vịt…”. Rồi tự nhiên, theo một lý luận rất lạ, nó thấy sự Tếu bị bắt là tội ở nó. Nó tự trách sao lại bỏ Tếu giữa đường rồi đi yên vui lấy một mình. Nếu cứ sống với Tếu thì bao giờ nó lại để Tếu dại dột như vậy. Nó hối hận suốt cả dọc đường xuống đến nghĩa địa, lại hối hận suốt dọc đường về nhà đám. Lúc về đến cổng chéo hàng Lược, lại nhà bác cai phu chờ lĩnh công, mà nó vẫn còn hậm hực với nó.

Cai phu phát tiền cho tất cả mọi người rồi, đến lượt nó, chỉ cho có bốn xu. Nó cãi rụt rè:

-Ô hay! Sao bác lại cho tôi có ngần này?

-Chứ lại còn bao nhiêu nữa, oát con?

-Kìa! Bác bảo tôi tám xu kia mà?

Tên cai phu dơ quả đấm ra dọa dẫm:

-Có muốn tám xu không? Bé ranh, lại đau tay, lại đi như thằng ốm đói, làm thằng Lẹo nó vấp bao nhiêu bận mà lại còn dám đòi tám xu. Ông thì bớp cho mấy cái bây giờ.

-Ồ! Bác giả các đứa kia tám xu sao bác lại chỉ giả tôi có một nửa? Tôi cũng cầm câu đối, cũng đi ngần ấy đường.

-Bước! Có bước không! Ông lại lấy lại cả đánh cho một trận bây giờ.

-Bước là thế nào? Tôi cũng…

Tên cai phu đã xông đến bóp cổ nó. Nó lè lưỡi, ặc ặc, đỏ mặt, rẫy rụa. Tên kia vừa bóp cổ nó vừa giằng lấy bốn xu.

-Tiên sư mày. Đã thế có ăn đất bùn.

Rồi tên ấy văng mạnh Hóm xuống hè, Hóm ngã vật xuống rãnh, cánh tay bỗng đập vào vỉa hè đau điếng người. Lúc thấy tên cai phu đội mũ đi ra mé Đồng Xuân, nó vội nhổm dạy chạy theo, khóc lóc:

-Bác ơi, bác cho tôi bốn xu vậy. Nhưng tên cai vẫn cứ đi mà Hóm thì đau quá ngồi phịch xuống hè, khóc chửi:

-Bố tiên sư cha mày ăn quỵt của ông! Nào!

Tức thì ba bốn thằng ma cà bông lớn ngồi ở đấy hét lên:

-Tiên sư ranh con ! còn leo lẻo phải không? Có bước không?

Sợ bị đánh nữa, Hóm gượng dạy, chùi mắt, lê đi về hàng Cót. Đến chỗ xe điện tránh nhau, nó ghé ngồi xuống dưới hiên một căn nhà đóng cửa, khóc ti tỉ. Hai người học sinh đã lớn tuổi ở mé hàng Đậu chợt đi qua đấy. Thấy Hóm vật mình vật mẩy, một cậu ngừng lại hỏi, giọng nói Sài Gòn:

-Sao mi khóc, hể?

Hóm vừa khóc vừa thuật lại đầu đuôi nông nỗi bị áp bức của mình. Nghe hết câu chuyện, cậy Sài Gòn thương lại thốt ra:

-Tội nghiệp quá hé!

Cậu toan móc túi lấy tiền cho Hóm thì cậu bạn, người Hà Nội ra mặt, gạt đi:

-Chào! Tao cho nó làm đếch gì! Bây giờ chúng nó là hay vờ ra thế để xin tiền đấy. Các óc con là đóng kịch khéo lắm! Đi ! Hôm nọ cũng có một thằng bằng thằng này cũng khóc thế, có một bố chắc ở tỉnh xếp mới ra Hà Nội lại hỏi nó, nó bảo nó bán kẹo bị rơi cả hộp kẹo xuống cổng nọ kia. Bố ấy cho luôn nó mấy xu. Nó có bán cóc gì đâu! Nó ăn mày nó vờ ra thế.

Rồi cậu Hà Nội lườm Hóm bảo:

-Ranh con này cũng lại thế chứ cầm đối với trướng gì nó!

Cậu Sài Gòn phát câu:

-Đù cha nó! vở khéo thế đấy! Hà Nội ghê thật!

Hai cậu rủ nhau đi, để Hóm ngồi trơ ;ại với cả một ngạc nhiên chua sót. Đói cũng có, đau cũng có, tức cũng có, Hóm nằm gụ xuống thềm hè, rên hừ hừ. Nó vừa nằm được độ năm phút thì trong nhà có tiếng mở cửa. Một thiếu nữ ló ra, đuổi: “Nhãi con, bước đi! nằm ở cửa nhà người ta rên đấy à? Xe ơi ! Ra tống cổ thằng bé ăn mày ngoài thềm đi!”. Hóm hấp tấp đứng dậy đi chỗ khác, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng.

***

Với cái thân thể đau yếu ấy, với cái linh hồn vỡ nát ấy. Hóm sống lê la đầu đường  xó chợ, ngửa tay xin miếng cơm thừa lấy cái no lòng cho qua ngày đoạn tháng. Nó oán trời trách đất, thù cha ghét mẹ, nhất là người dì nghẻ đã làm cho thân nó phải đầy đọa. Nó thù ghét tất cả xã hội đã chung sức nhau hất hủi nó, áp chế nó, ngờ vực nó. Và thỉnh thoảng nó lại nhớ đến thằng Tếu là đứa trẻ mà nó cho là khổ nhất trên đời. Cứ thế nó sống vất va vất vưởng như một dây tầm gửi.

Một hôm vào khoảng bốn giờ chiều nó đang nằm ở hiện trường Sitađen, hát nghẹ ngào câu hát rất quen thuộc của bọn nó:

Mà cà bông

Mà cà cúi

Chui vườn hoa

Đợi xếp đi qua

Hỏi: “Nhà mày đâu?

-Nhà tôi ở phố Gầm Cầu.

Số nhà cá rán đứng đầu du côn…

thì một người đàn bà, tay giắt một đứa bé trạc ba bốn tuổi, đi qua, đứng lại nhìn nó. Người đàn bà ấy, mặt rỗ nhằng rỗ nhịt, vẫn thường ngồi ở hàng nước nhà mụ Hai Chột. Một mẹ, một con, y sống lang thang trên hà phố, làm hai nghề để kiếm ăn là: đánh đĩ và đưa người ở. Y nhìn Hóm giây lâu rồi ngồi xuống cạnh Hóm, hỏi:

-Mày có biết thổi cơm không, em?

Hóm nghến cổ, cười:

-Có chữ, đây đã thổi mãi rồi.

-Mà có biết trông em không?

-Có chứ! Khó gì cái việc ấy.

-Mày có muốn đi ở không?

-Chịu thôi.

-Sao lại chịu thôi?

-Đi ở phải đòn bỏ mẹ đi thế này mà lại túa rua ăn đói.

-Ai bảo mày thế? Rõ khọc chửa! Có ở thằng nhỏ tao đưa đến chỗ này. Sướng lắm cơ. Nhà giầu này, chỉ có việc trông em thôi này… Mày trông cũng sạch sẽ, nhanh nhạn thì tao mới dám đưa đến chứ bẩn thỉu đưa đến cụ ấy thì chửi cho.

-Thật sướng không? Đây nghi lắm.

-Lỗ bỏ cha đi thế này ! Ai lại đưa mày vào chỗ khổ làm gì. Có ở không?

-Ừ thì ở.

-Thế lại chủ nó có hỏi thì đòi đồng rưỡi nhá.

-Thế kém có làm không?

-Đồng hai cũng làm được.

-Được, bao giờ đến?

-Tối, bây giờ mày đi đâu xem có nước tắm một cái đi. Đây hãy cầm lấy năm xu mà húi cái đầu đi đã chứ để tóc thế kia thì người ta tởm.

Hóm cầm tiền nhảy cỡn ra hàng Da cạo đầu. Nó còn nghe thấy mụ đưa người dặn ở phía sau:

“Nhớ độ bẩy giờ tối đợi tao ở đầu phố đấy”

Cạo đầu xong, nó chạy một mạch ra bãi cát, xuống sông tắm. Nó tắm cho sạch hết cái bụi ma-cà-bông đi để một lần nữa thử xông vào cái thế giới bất trắc của các người lương thiện…

Trương Tửu

Sources:

BÀI LIÊN QUAN